Bàn luận

Tức quá, người ta cứ nghĩ là SOI giỏi 16. 06. 10 - 9:45 pm

Bạn Thành và Soi (tranh luận với nhau :-)

Sau khi bài “Đương đại quá! Đương đại quá đi!” đăng lên, Soi nhận được phản hồi của bạn Thành. Hai bên trao đổi khá dài mà Soi ngẫm nghĩ lại thì thấy quả là bổ ích dọc ngang. Điều làm Soi thắc mắc nhiều nhất là: trước nghệ thuật đương đại, mọi người (xem) có bình đẳng không? Học vấn đến cỡ nào thì được viết bài tường thuật buổi diễn và tường thuật cảm giác của chính mình?

Xin dán lại cuộc trao đổi này nếu bạn nào muốn theo dõi. Cãi nhau về nghệ thuật thì chẳng có gì để tức. Cái làm Soi tức nhất là bạn Thành nghĩ  Soi giỏi lắm hay sao ấy mà ra những tiêu chí quá chuyên sâu trong việc viết, làm sao về sau dám viết nữa bây giờ?

 

**

Thành
Tôi không hiểu tại sao SOI lại viết là không hiểu múa đương đại. Không hiểu thì viết làm gì? Đã phải viết thì phải tìm hiểu trước, thu thập thông tin, ít ra là về tác giả (vũ công, biên đạo múa), đi hỏi những người hiểu biết hơn… rồi hãy viết chứ nhỉ.

 

SOI
Bạn Thành ơi, múa đương đại thì cũng phải được đối xử bình đẳng như những thể loại múa khác chứ nhỉ, nghĩa là xem trực tiếp bằng mắt với tấm lòng hoàn toàn trong trắng, chứ đâu phải nâng đỡ bằng cách đọc tài liệu trước, lặp lại ba lần trước khi vào nhà hát: “Xem đương đại. Xem đương đại. Xem đương đại”. Rồi ngồi vào ghế vận tiếp tinh thần mà niệm thêm ba lần nữa: “Biên đạo tây nổi tiếng. Biên đạo tây nổi tiếng. Biên đạo tây nổi tiếng.
Nghệ thuật, nếu cứ phải dùng lý trí rồi mới thấy hay, thì cũng không khác gì phải thay đổi quan niệm cởi truồng với mặc quần rồi mới chiêm ngưỡng nhà vua được bạn ạ.
Nếu bạn thấy vở múa này hay, bạn có thể viết bài về nó, SOI sẵn sàng đưa lên ngay không nghĩ ngợi. Phải có cái gì đó hay (mà SOI không nhìn ra) thì người ta mới nổi tiếng thế chứ nhỉ!

 

Thành
Tôi có nói là phải đối xử với múa đương đại một cách đặc biệt đâu.
Tôi cũng không đề cập đến việc xem múa đương đại, mà là chất lượng bài viết về buổi múa đương đại đó.
Rất tiếc là hôm đó không đi xem được nên cũng không biết hay dở như thế nào, muốn góp ý chút xíu về việc viết thôi.
Tuy vậy tôi không đồng ý với việc SOI cho rằng nghệ thuật không cần lý trí để thấy hay. Xem nghệ thuật cũng phải có sự chuẩn bị nhất định chứ nhỉ, chứ chưa nói đến việc bình luận…
Nói hay, dở là một chuyện, lý giải tại sao hay hoặc dở là chuyện khác.

 

SOI
À, bạn không đi xem thì chúng ta cũng khó có ngôn ngữ chung mà nói rồi. Thật là tiếc.
Còn về bài viết, SOI e rằng bạn đang đọc theo cách “múa truyền thống” , nghĩa là nếu SOI bảo chắc tôi ngu thật rồi, không hiểu đương đại là gì rồi (nên mới không thấy hay) thì bạn sẽ bảo, nếu ngu, nếu không hiểu thì đừng viết nữa, mà quên đi mục đích chính cuối cùng của SOI là: KHÔNG THẤY HAY.
Soi cũng như nhiều người thôi, nghĩa là xem một tác phẩm, một chương trình mà hiểu cái nền tảng của nó thì bao giờ cũng hay hơn. Nhưng bao giờ SOI cũng muốn để cái đầu mình không bị những thông tin kia chi phối trước khi tự mình xem bằng mắt, nghe bằng tai (vì các vị đưa ra nguồn thông tin kia cũng người trần mắt thịt như bạn và SOI thôi mà), nên không phải đọc cả chồng tài liệu rồi đến xem theo kiểu “đối chiếu”.
Nghệ thuật đương đại, SOI nghĩ, đủ kiêu hãnh để chúng ta không phải làm như thế. Nó cũng muốn chúng ta xem nó, thật trong veo, nếu thấy thích, thấy hay thì tìm hiểu và rồi yêu nó hơn, phải không bạn?

 

Thành
Có lẽ tôi nói không đủ rõ ràng lắm. Xin nói lại là tôi đề cập đến chuyện *viết*.
Quan điểm của tôi là: khi viết về một sự kiện nào đó (múa đương đại là một ví dụ), người viết nên có một sự chuẩn bị, tìm hỉểu kỹ càng. Viết về múa đương đại, nên biết về múa đương đại, lịch sử của nó, ngôn ngữ, các dòng chính dòng phụ của nó vv. và vv.
Trên cái nền đó bạn có thể giải thích cho người đọc cái hay cái dở của sự kiện.
Cũng nên giải thích được chuyện tại sao nghệ sỹ múa lại chọn những điệu múa như thế.
Bạn muốn thưởng thức nghệ thuật cho cá nhân mình bằng cách nào là quyền của bạn, tất nhiên rồi. Nhưng viết lách cũng có những đòi hỏi riêng của nó phải không ạ?

 

SOI
Vâng, vâng, bạn Thành, bạn nói rất đúng, nhưng SOI tôi không có chủ trương phải đi giải thích hộ tác phẩm hay nặn óc, vặn tim gan để thấy tác phẩm hay.
Theo cách bạn nói thì có vẻ như chỉ dân trí thức mới được đi xem và viết về nghệ thuật (nhất là đương đại) ấy nhỉ. Nếu tôi mù chữ, không đọc được tài liệu, tôi chỉ đi xem thôi rồi về tôi đọc cho cháu nó chép lại, thế có được phép không bạn Thành?
Bài viết về nghệ thuật, theo tôi hiểu, có quyền có nhiều mức độ: tường thuật đơn sơ, phê bình chuyên môn, phê bình chuyên môn + nêu giải pháp (giống nghị quyết nhỉ). SOI tôi ở mức độ thô sơ nhất: THẤY DỞ LÀ NÓI DỞ. Còn vì sao dở thì SOI nhớ mình đã nói rồi cơ mà, sao lại phải viện đến lý lịch nghệ thuật, nguồn gốc ra đời, ý nghĩa cốt lõi… đăng trong brochure hay tài liệu trên Internet mà giải thích. Cái đó để những nhà chuyên môn và trí thức hơn SOI đi bạn ơi (mà các vị ấy đâu cả rồi?).
SOI cũng nhớ là trên tiêu đề không hề ghi: “SOI: cơ quan ngôn luận của múa đương đại”, cho nên thấy mình không có lỗi gì khi không chịu phát ngôn cho nó xứng tầm học thuật của những người được phép xem múa đương đại. Cái này SOI còn phải học nhiều. Học cho đến khi thấy cái tác phẩm đương đại nào của nước ngoài đến nước ta cũng phải là rất hay rất đẹp, còn nếu xấu thì phải biết tự đấm ngực rủa lỗi tại (SOI) tôi.

Và sau đó mọi người bàn tiếp thế này:   

LÊ HÀ
Ở tình cảnh nhiều lần đi xem trình diễn nghệ thuật về có vài ba ý kiến ý cò lập tức bị nghệ sĩ (hoặc ban tổ chức) mắng thẳng cho vào mặt là “biết gì mà nói” tôi rất đồng cảm với Soi, và nhân đây cũng muốn đề nghị bạn Thành, hay nếu hôm đó bạn Thành không đi xem được thì có bạn nào đạt tiêu chuẩn “có quyền được viết” của bạn Thành chỉ giáo cho là chương trình múa đương đại hôm ấy nó hay ở cái chỗ nào, để chúng tôi biết mình ngu cũng được tâm phục khẩu phục. Còn cái kiểu mắng át “biết gì mà nói” đấy của bạn cũng chẳng hơn gì cái cách hôm trước ông giám đốc bảo tàng mỹ thuật mắng anh em nghệ sĩ “không lo mà đi làm nghệ thuật, chỉ giỏi ý kiến ý cò” đâu bạn Thành ạ.

 

PHẠM HUY THÔNG
Bạn Lê Hà không nắm bắt thông tin kịp thời rồi. Không biết bạn Thành trên đây là ai, chứ anh Vi Kiến Thành không còn là giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam nữa, anh Vi Kiến Thành quay về làm vụ trưởng (trước kia anh ấy là vụ phó) Vụ Mỹ thuật Nhiếp ảnh.
Tớ tiếc là không đi xem cái vở múa ấy nên không biết thế nào. Nhưng có nghe bác Brian (Hanoii Grapevine) nói rằng, khi đi xem về thì bác ứ thích, nhưng càng nhớ lại về nó thì bác càng thấy nó hay. Đến hôm tớ gặp bác ý sau một vở múa đương đại khác (vở gì mà Soi tiên đoán sẽ cháy vé ý – ROAM) thì bác ấy bảo, bây giờ tao mới thấy vở kia hay. hic. Đôi khi người ta cần có so sánh giữa các tác phẩm mới biết ai hay ai dở.
Tớ nhớ một lần chúng tớ đi xem ShangHai Bienale và đi Bắc Kinh xem công viên nghệ thuật 798, tớ thấy dân Trung Quốc tiếp xúc với nghệ thuật cũng rất tự nhiên. Ông bà già vào khu nghệ thuật để đi dạo, núp dưới bóng tượng để đánh cờ, cuối tuần bố mẹ cho con đến với các bức tượng của các nghệ sĩ nổi tiếng để nô đùa, chơi trốn tìm, cô dâu chú rể đến đó chụp ảnh cưới… Tất cả mọi tầng lớp đều tiếp xúc với nghệ thuật theo kiểu của mình. Tớ thấy như thế là các tác phẩm đương đại đã đi rất tốt vào đời sống. Không ai tạo ra rào cản hay kiểm tra bằng đại học đối với những người đến với nghệ thuật.

 

NGỌC
Tôi đồng ý với bạn SOI là đôi khi người ta có thể đến với nghệ thuật một cách hoàn toàn trong sáng, tức là để đầu óc mình không bị ảnh hưởng bởi trường phái, ý kiến này nọ. Nhưng xem một tác phẩm hoàn toàn không có chút hiểu biết gì về nó cũng đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ bỏ sót nhiều thứ.
Tôi nghĩ xem một cái gì đó cần phải có trải nghiệm dần dần rồi mới hiểu được nó. Giống như đọc một quyển sách, ban đầu bạn có thể thấy nó dở, bạn không hiểu gì. Gấp sách lại và đi làm chuyện khác, 10 năm sau đọc lại bạn có thể thấy mình trong đó. Thế nên trước một tác phẩm tôi không thích, tôi chỉ nhận xét: cái này chưa hợp với tôi.

 

LÊ HÀ
Tôi đồng ý với bạn Ngọc là để đánh giá một cuốn sách (hay một tác phẩm nghệ thuật) có thể cần nhiều thời gian, hiểu biết và trải nghiệm.
Tuy nhiên mọi thứ đều là tương đối, và với những loại hình nghệ thuật đến với khán giả một cách trực tiếp và đồng thời như nghệ thuật trình diễn thì cảm giác tức thời thường cũng là cảm giác đúng nhất. Nếu để đánh giá một bộ phim, vở kịch hay vở múa mà phải cần đến 10 năm mới ra được kết luận chính xác thì chắc tất cả các thể loại review (của giới chuyên môn lẫn công chúng) cho tất cả các loại hình nghệ thuật nói trên đều phải vứt xó hết bạn ơi.
Bình luận của Soi có thể không đúng, nhưng không vì thế mà lại phải mắng Soi là “không biết gì mà dám bình luận”. Nói như bạn thì cái dự án đường sắt cao tốc đang bị dư luận phản đối ầm ầm lên ấy chắc cũng phải chờ đến 300 năm nữa quốc hội mới được bỏ phiếu, bạn nhỉ.
Ngoài ra nhân nói đến chuyện biết gì hay không biết gì, đề nghị các bạn hiểu biết về múa đương đại cho anh em mở rộng kiến thức với. Các bạn hôm trước bỏ lỡ buổi diễn vẫn có thể vào u tube xem lại đấy.

Nghe bạn Thông kể chuyện anh Bryan nói là xem vở múa sau mới thấy vở múa trước hay, tớ nhớ đến anh bạn hôm trước gặp tớ than thở “lấy xong con vợ mới mới thấy con vợ cũ nó hay cậu ạ” 

 

*

Bài liên quan: 

Đương đại quá! Quá đương đại đi!
Chỉ còn mệt mỏi là mãi mãi?
Tức quá, người ta cứ nghĩ là SOI giỏi
Nói qua một tí về múa vậy 
Ôi sao không ai nói gì về múa?
– Bao giờ là mãi mãi
Rồi bạn sẽ yêu như tôi yêu

Ý kiến - Thảo luận

7:44 Wednesday,1.2.2017 Đăng bởi:  admin
WWW: Soi chỉnh lại rồi nhé, bạn xem lại còn chỗ nào sót không giúp Soi nhé. Cảm ơn WWW
...xem tiếp
7:44 Wednesday,1.2.2017 Đăng bởi:  admin
WWW: Soi chỉnh lại rồi nhé, bạn xem lại còn chỗ nào sót không giúp Soi nhé. Cảm ơn WWW 
4:01 Wednesday,1.2.2017 Đăng bởi:  www
Soi ơi link về bài gốc bị hỏng hay sao ấy ạ , mình click vào toàn thấy not found :(
...xem tiếp
4:01 Wednesday,1.2.2017 Đăng bởi:  www
Soi ơi link về bài gốc bị hỏng hay sao ấy ạ , mình click vào toàn thấy not found :( 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Marina Abramovic - Tuyên ngôn đời nghệ sĩ

Marina Abramovic – Khôi Nguyên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả