Nghệ sĩ thế giới

Botero sẽ để đời với VIA CRUCIS? 03. 11. 11 - 11:47 pm

Như Mai dịch

 

“Head of Christ, 2010” (Đầu Chúa Jesus), sơn dầu trên canvas, 45 x 38,1cm

 

NEWYORK. N.Y – Marlborough Gallery lần đầu tiên trưng bày các tác phẩm mới của nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, Fernando Botero. Triển lãm này có tựa đề Via Crucis, dựa trên những cảnh trong Nỗi khổ nạn của Chúa. Đây cũng là triển lãm New York đầu tiên của Botero kể từ năm 2006 khi ông cho ra mắt một triển lãm được giới phê bình đánh giá cao với những tác phẩm về chủ đề các sự kiện ở nhà tù Abu Ghraib tại Iraq năm 2003.

Triển lãm Via Crucis (Đàng Thánh giá trong tiếng Latin) gồm 27 bức tranh sơn dầu đủ mọi kích cỡ và 34 bức vẽ bằng nhiều chất liệu trên giấy. Một trong những tác phẩm lớn nhất tại triển lãm này là một bức Pieta (tác phẩm thể hiện hình tượng Đức Mẹ ôm xác chúa Jesus) có kích cỡ 236 x 147cm và bức Descent of the Cross (Hạ Chúa xuống từ thánh giá). 228 x 127cm. Những tác phẩm nhỏ cỡ 50,8 x 50,8cm không hề kém mạnh mẽ, thậm chí còn gây xúc động hơn, từ chính sự gần gũi thân mật.

 

“Descent from the Cross” (Hạ xuống từ thánh giá), 2010, sơn dầu trên canvas, 229 x 127cm

 

Điểm nổi bật của tất cả các tác phẩm lần này, không nói đến kích cỡ và chủ đề, chính là tài sử dụng màu sắc xuất chúng của Botero; các tác phẩm vừa chất chứa vẻ đẹp đầy quyến rũ vừa mang những tác động hết sức căn cơ.  Cũng như trong những bức tranh vẽ nhà tù Abu Ghraib, các tác phẩm thể hiện Nỗi khổ nạn của Chúa dữ dội và mãnh liệt không chỉ bởi nội dung chủ đề mà còn ở chính khả năng truyền tải cảm xúc của Botero. Botero là người có thể hài hước ngẫu hứng (như trong một số tranh của ông trước đây), nhưng đồng thời cũng khả năng thể hiện những sự kiện bi kịch, như trong những tác phẩm của triển lãm lần này.

The Nails (Đanh), 2011, sơn dầu trên canvas, 35.88 x 40cm

 

Điều có thể thấy ngay trong triển lãm Via Crucis chính là quá trình nghiên cứu lâu dài và tình cảm của nghệ sĩ đối với các tác phẩm tiền Phục Hưng ở Ý trong nửa đầu thế kỷ 15, cũng như với những họa sĩ Phục Hưng thời đầu ở miền Bắc Ý. Điều mà các bậc họa sĩ đó từng nỗ lực tìm kiếm chính là một cách thể hiện chủ nghĩa tự nhiên qua hình dáng con người – họ muốn tìm ra một phương tiện để chuyển tải tình cảm và cảm xúc vĩ đại trước câu chuyện của Chúa Jesus. Với phong cách lịch lãm không ai có thể bắt chước được, Botero đã xử lý đề tài nổi tiếng này theo một cách độc đáo: vừa trung thành với các sự kiện của câu chuyện, vừa biến chuyển nó. Bằng cách ấy, nghệ sĩ đã thực sự tạo ra được một bộ tác phẩm độc đáo nhất trong các tác phẩm từ trước đến nay. Những tác phẩm này chắc chắn sẽ trở thành điểm nhấn trong cả sự nghiệp của Botero.

Như các bậc thầy ngày xưa thường dùng nơi chốn và con người của ngay chính thời họ để mô tả Nỗi khổ nạn của Chúa, Botero dùng nơi chốn và sự kiện ngay trong chính thời của chúng ta để thể hiện Đàng Thánh giá. Ví dụ, quang cảnh nền trong một bức mô tả Chúa trên thánh giá là ở Manhattan, trong cảnh tra tấn Chúa, chúng ta thấy những người lính Colombia, thay vì La Mã, trong Nụ hôn của Judas ta lại thấy một hình người nhỏ ở góc trái, chính là một bức chân dung tự họa.

“Đóng đanh vào thập giá”


“The Kiss of Judas” (Nụ hôn của Judas), 2010, màu nước và chì trên giấy, 40 x 29,85cm


“Jesus and the Crowd” (Jesus và đám đông), 2010, sơn dầu trên canvas, 106,05 x 78,74cm. Trong tranh, đám đông ăn mặc theo lối của thời nay.

 

Ở bài giới thiệu trong tập catalog của triển lãm, nhà văn Cristina Carrillo de Albornoz có viết, “Botero, người từng nhận mình là ‘đôi khi là người sùng đạo, đôi khi lưỡng lự,’ đã nắm bắt được sự mãnh liệt và tàn ác, cũng như chất thơ thống thiết trong bi kịch vĩ đại của hành trình Chúa Jesus suốt trên Đàng Thánh giá tiến đến cuộc đóng đanh.” Nói về phong cách của Botero, nhà văn liền tinh ý trích lời của nhà thơ người Anh, Francis Bacon, “Không có vẻ đẹp xuất chúng nào lại không có sự khác thường về cân đối.”

“Jesus Meets His Mother” (Jesus gặp mẹ), sơn dầu trên canvas, 2010, 145,1 x 160cm


“Entombment of Christ” (Liệm Chúa), 2010, sơn dầu trên canvas, 149,86 x 202,9cm


“Jesus in the Garden of Olives” (Jesus trong vườn Oliu), 2011, màu nước và chì trên giấy, 40 x 29,85cm


“They Play on the Robe of Jesus” (Chơi bài trên áo Chúa), 2011, màu nước, chì và chì màu trên giấy, 29,85 x 40cm


“Jesus Has Died” (Chúa đã chết), 2011, chì và chì màu trên giấy, 29,85 x 40cm

 

 

Ý kiến - Thảo luận

16:20 Thursday,21.3.2013 Đăng bởi:  ngan Digan

Theo em biết thì Francis Bacon là một họa sĩ chứ nhỉ ?


...xem tiếp
16:20 Thursday,21.3.2013 Đăng bởi:  ngan Digan

Theo em biết thì Francis Bacon là một họa sĩ chứ nhỉ ?

 
12:02 Monday,14.11.2011 Đăng bởi:  lele
Tuyệt vời! tôi rất xúc động. Có điều gì đó thấy thật xót xa, dù chủ đề của nó đã được người ta xem đến mòn cả mắt. Một lối vẽ hóm hỉnh mà đầy kịch tính.
...xem tiếp
12:02 Monday,14.11.2011 Đăng bởi:  lele
Tuyệt vời! tôi rất xúc động. Có điều gì đó thấy thật xót xa, dù chủ đề của nó đã được người ta xem đến mòn cả mắt. Một lối vẽ hóm hỉnh mà đầy kịch tính. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả