Gẫm & Bình

PHẠM KHẮC QUANG: Bị ám ảnh bởi cuộc sống của người nông dân 01. 12. 11 - 8:46 am

Phong Vân thực hiện

 

Họa sĩ Phạm Khắc Quang

 

KỊCH BẢN ĐƯƠNG ĐẠI
Triển lãm khắc gỗ

Khai mạc: 17h30 Chủ nhật ngày 27. 11. 2011
Thời gian trưng bày: từ  27. 11  đến 4. 12. 2011
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Số 66 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội


Ngày 27. 11, họa sĩ Phạm Khắc Quang (sinh năm 1975) giới thiệu triển lãm cá nhân đầu tiên của anh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tiêu đề Kịch bản đương đại. Triển lãm do Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Việt Nam – Đan Mạch (CDEF) của ĐSQ Đan Mạch tại Hà Nội tài trợ. Đây có lẽ cũng là triển lãm mỹ thuật hiếm có đề cập trực diện đến cuộc sống của người nông dân trong một xã hội đang đổi thay từng ngày.

*

Những bức tranh khắc gỗ của anh về vấn đề bán đất, bán làng, hay bán sức lao động,… của người nông dân cho thấy anh bị ám ảnh nhiều bởi cuộc sống của họ?

Điều đó đúng. Gia đình tôi ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Bố mẹ tôi làm công nhân viên chức, đời sống kinh tế có phần dư dả hơn xung quanh xóm giềng. Tôi còn nhớ những lần 30 tết, nhà tôi thì sắm sửa này nọ, trong khi hàng xóm, có gia đình vẫn ngồi nhìn nhau, chưa thấy không khí tết đâu… Tôi lên Hà Nội học rồi ở lại sinh sống, nhưng mỗi lần về quê, đi thăm khắp họ hàng, làng xóm, lại thấy những thay đổi… Giờ, xí nghiệp may về ngay đầu làng tôi rồi, nhiều em gái hàng xóm thành công nhân, sáng đi làm thì con chưa ngủ dậy mà tối về, con đã lại ngủ rồi. Mấy đứa trẻ hàng xóm ấy, cũng chỉ nhỏ như con trai tôi, nhưng sáng ra, quần áo có khi không mặc đủ, tay cầm bánh mì tôm ăn sống. Tối, mẹ chưa về, ông bà thì bận bịu đủ việc, có khi chúng cứ lấm lem thế mà lăn ra ngủ. Nói thật, tôi cảm thấy chua xót. Nhà tôi ở ngay gần gầm cầu Long Biên, nơi có một cái chợ bán sức lao động mà trong đó, người ngồi chờ việc đa phần là các bà, các chị ở quê, có cả người làng tôi ở đó. Trong khi ấy, đất ruộng ở quê thì bỏ hoặc bán cho những dự án như xây dựng xí nghiệp may, sản xuất phụ tùng xe máy…

"Vào vụ "

Nhưng tại sao anh lại mượn hình ảnh chú Tễu để làm nhân vật chính trong loạt tranh này chứ không phải là một hoặc nhiều nhân vật đời thực xung quanh anh?

Làng tôi có phường rối nước truyền thống Thanh Hải, ông chú họ tôi là phường trưởng nên từ nhỏ, tôi hay theo ông đi diễn đây đó quanh vùng. Sau, mỗi lần phường rối lên biểu diễn ở bảo tàng dân tộc học, tôi vẫn thường ra đó phụ việc cùng mọi người. Bao nhiêu năm qua, tôi thấy phường vẫn diễn đi diễn lại một số hoạt cảnh. Tôi có hỏi ông chú nhiều lần là tại sao cứ diễn mãi những tích trò ấy; sao không kể những câu chuyện đang xảy ra trong đời sống ngay chính làng mình thôi; ông bảo là phường rối được rót kinh phí để bảo tồn nên đây là phương châm họat động chính. Thế nên, tôi mượn chú Tễu để kể chuyện hôm nay trong tranh của mình vậy…

 

Anh là một người trần thuật câu chuyện cuộc sống của người nông dân hôm nay bằng tranh?

Tôi đang vui buồn cùng với những gì xảy đến xung quanh mình, với đời sống xã hội này và tôi muốn sáng tạo từ đó. Sáng tạo là một hành trình dài và để có một tiểu thuyết cuộc đời gói trong một bức tranh thôi, có lẽ tôi còn phải tích lũy thêm nhiều thứ khác nữa. Tôi hiểu điều bạn ngầm hỏi (cười).

Tác phẩm "Thở" (nhìn gần)

Trong sắp đặt 1.000 chân dung người nông dân, nhìn đâu cũng thấy hình ảnh phụ nữ, mà phần nhiều là người lớn tuổi. Anh không chủ đích như vậy nhưng sự ngẫu nhiên này làm anh liên tưởng đến điều gì không?

Từ 3 năm trước, khi tôi có ý tưởng làm tác phẩm Thở này, tôi luôn đem theo máy ảnh mỗi lần về quê. Tôi đi thăm thú họ hàng, đi chợ, chơi quanh làng thôi và hầu như gặp ai cũng chụp, chụp tự nhiên thôi, không có bày vẽ gì. Khi chọn các chân dung, tôi chỉ chọn những cái nào có thể giúp khoe được cái đẹp của đồ họa chứ không chủ đích phân biệt chân dung nam hay nữ, già hay trẻ… Nhưng đúng là sau, tôi mới nhận ra cái sự ngẫu nhiên mà bạn hỏi có nguyên do thực tế. Ở làng tôi, nam thanh niên đi làm mỏ than ở Quảng Ninh đông lắm, ngoài ra là các nhóm đi xây dựng nhà cửa, công trình ở nơi khác để kiếm sống. Còn các cô gái, phần nhiều đi làm công nhân may tối ngày rồi. Tôi về quê, đúng là chỉ toàn gặp ông bà già, các cô bác tầm tuổi trung niên…

 

Khắc gỗ từ lâu nay vốn được quen nhìn là một thể loại tranh giàu tính trang trí, nhẹ nhàng, tình cảm. Anh có vẻ như không chịu được điều này?

Tôi ấn tượng với cô giáo Mai Khanh (khoa Đồ họa, ĐHMTVN) khi một lần cô nói với tôi thế này: em cứ phải ngang và ngang như con cua luôn. Cô luôn khuyến khích tôi làm những thứ theo thiên ý của mình, chứ không theo thói quen chung. Tôi phải cảm ơn cô về điều này. Trước cô, tôi được học thầy Hoàng Thỉnh ở hệ trung cấp. Có lẽ thầy nhận thấy tôi thích hợp với đồ họa nên hướng tôi theo thể loại này. Thầy luôn nói tôi phải cố gắng để có được một con đường của mình. Có lẽ là cái duyên, tôi được có những người thầy đặc biệt. Và bố tôi thì từng dạy chúng tôi một cách sống là phải luôn tỉ mỉ trong từng việc làm, dù nhỏ nhất, như quét cái nhà, vì ông bảo: phải làm trọn vẹn được một việc mới thấy giá trị của việc mình làm. Lúc nhỏ, thấy bố cứ đi theo xem mình quét nhà thế nào, tôi tức ông lắm. Nhưng nay lớn rồi, nhớ lại, cảm động và thực sự biết ơn sự rèn giũa của ông… Tôi lan man vậy vì nhân câu chuyện này, kết nối lại nhiều yếu tố, mới thấy mình có làm tranh đèm đẹp cũng không làm được. Tôi từng vẽ sơn dầu, bán “mớ” cho gallery, cũng sống được. Nhưng tôi luôn cảm thấy không sướng, không muốn làm.

"Chợ quê"

Sau loạt tranh với chú Tễu và các câu chuyện đổi dời, bán chác ruộng đất, anh có kế hoạch tiếp tục với nhân vật này như thế nào chưa?

Tôi muốn kể tiếp câu chuyện khi người nông dân trở thành công nhân, chính là các cô gái, cậu con trai ở làng tôi đấy, thì họ như thế nào… Nhất là các cô gái, họ đi làm công nhân vì muốn có một đồng lương ổn định hàng tháng để lo gia đình, nhưng hình như họ chưa nhận thức rõ được một điều là họ đang chia lìa gia đình, con cái chỉ vì đồng tiền. Mặc dù ngày nào cũng về nhà, nhưng con chẳng mấy khi gần mẹ, chồng chẳng mấy khi gần vợ. Tôi đã chứng kiến một cảnh sau giờ tăng ca, công nhân nữ nằm chật trong một phòng khám ngay gần cổng xí nghiệp để truyền nước. Tôi thực sự bị ám ảnh.

 

(Nguồn TTVH)

 

*

Bài liên quan:

– Nên đi xem: KỊCH BẢN ĐƯƠNG ĐẠI
– Khai mạc KỊCH BẢN ĐƯƠNG ĐẠI: Đừng tin vào ảnh, đến xem thôi!

– PHẠM KHẮC QUANG: Bị ám ảnh bởi cuộc sống của người nông dân

Ý kiến - Thảo luận

22:37 Friday,2.12.2011 Đăng bởi:  lele
tranh của anh quang khá dễ hiểu.Tôi thấy đẹp nhưng cũng không thực sự khoái!
...xem tiếp
22:37 Friday,2.12.2011 Đăng bởi:  lele
tranh của anh quang khá dễ hiểu.Tôi thấy đẹp nhưng cũng không thực sự khoái! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

10 bí quyết để trở thành
Họa sĩ Đói Dài

Kinh nghiệm của Lynn Basa – Lê Quảng Hàm st và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả