Nhiếp ảnh

Christopher Bofolli: Ông thần quyền lực của một thế giới tí hon 29. 12. 11 - 7:23 am

Pha Lê dịch

(*Tiếp sau bài: Thế giới thực phẩm thần tiên của những người tí hon)

.

Như đã hứa, đây là bài phỏng vấn nghệ sĩ Christopher Boffoli – một người thích nghịch những mô hình bé xíu và thích chụp chúng chung với thực phẩm.

Tại sao hầu như mọi cảnh trong hình của anh đều liên quan đến thức ăn?

Tôi luôn luôn thích thú với sự chênh lệnh về kích cỡ cũng như cách các tỷ lệ giữa người và đồ vật hiện hữu chung với nhau. Đề tài này hình như cũng khá phổ biến, có từ thời thế kỷ 18, với tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Gulliver do nhà văn Jonathan Swift sáng tác, rồi sau đó lan ra đến mảng truyền hình và phim; thời năm 70 thì có Dr. Shrinker của Sid và Marty Kroft; thời năm 80 thì có The Incredible Shrinking Woman, Honey I Shrunk the Kids, Innerspace; toàn những tác phẩm tôi xem lúc nhỏ. Vào thời kỳ đầu của điện ảnh, các nhà làm phim cũng đã dùng những thủ thuật quay để kịch tính hóa sự chênh lệch về kích cỡ giữa người và, ví dụ nhé, một con côn trùng khổng lồ hay gì đấy đại loại thế.

Giống như mọi cậu bé, tôi từng ráp xe đồ chơi, ráp mô hình máy bay, mô hình tàu. Tôi cũng sưu tập rất nhiều mô hình xe hơi matchbox (loại xe nhỏ như hộp diêm). Lúc bé thì bạn không có quyền gì, người lớn đưa ra quyết định và bạn phải theo. Vậy nên việc dùng trí tưởng tượng để kiểm soát “vận mệnh” của các món đồ chơi trong một thế giới nhỏ bé hơn giúp bạn cảm thấy rằng mình có một quyền hạn nhất định. Và khái niệm “chơi” không chỉ có mỗi một nghĩa là “phí thời gian”. Dù bạn là đứa trẻ đùa giỡn trong sân hay là con sư tử con trên đồng cỏ Châu Phi, bằng một cách khéo léo nào đấy, bỏ thời gian chơi giúp bạn thông minh hơn, cũng như giúp bạn được trang bị đầy đủ hơn để đối mặt với cuộc sống.

Về series ảnh này, thức ăn là một lựa chọn tự nhiên cho phông nền, bởi vì nó là vật gần gũi nhất đối với hầu hết tất cả mọi người. Chưa kể, thức ăn rất đẹp, nhiều màu sắc, và có nhiều kết cấu rất tuyệt.

.

 

Phần nào là phần anh thích nhất trong toàn bộ công đoạn dựng cảnh?

Phần nào cũng thú vị cả, từ lúc nghĩ ra ý tưởng, hoặc lúc nhìn thấy một món tươi ngon đúng với mùa của nó* khi đi chợ – một món mà tôi có thể dùng làm nền cho hình; đến việc vừa dựng cảnh trong studio vừa nhảy nhót theo nhạc. Dù vậy, dựng cảnh cũng khá rắc rối. Những mô hình người không tự đứng được một cách dễ dàng. Xếp làm sao cho chúng nhìn không bị giả tạo trước máy chụp hình có thể tốn rất nhiều thì giờ. Nhưng nói chung, nghe ngóng phản ứng của mọi người khi họ xem hình cũng là một phần thú vị không kém việc dựng cảnh.

 

Anh có thể tiết lộ một số mẹo nhỏ cho những ai có ý muốn thử chụp những pô ảnh giống vậy?

Bạn phải kiên nhẫn. Giống mọi việc khác, mấy tấm hình này trông đơn giản nhưng thực chất lại tốn rất nhiều thời gian để dựng và chiếu sáng. Sau đó còn phải tính tới góc chụp và chiều sâu của khung hình. Thực tập kỹ năng chiếu sáng cũng như học cách trang trí món ăn trước khi chụp cũng rất hữu ích. Quan trọng nhất là phải từ tốn quan sát xem mình đang làm gì. Phần lớn mọi người mua thực phẩm bằng cách quơ lấy một thứ gì đó rồi quăng vào giỏ. Nhưng bạn phải rất cẩn thận trong việc chọn hoa quả hay trái cây, như vậy thì mới có hình đẹp. Cái này cũng liên quan đến đề tài của bộ ảnh, bạn nhìn kỹ sự vật, và cố hiểu những vật quen thuộc này theo một nghĩa khác.

(* Chú thích: Siêu thị bên Mỹ bán đủ thứ, kể cả những loại trái cây/rau/thịt trái mùa, nhưng trái mùa thì trông chẳng đẹp; còn chợ (farmer’s market) thì thường chỉ bán đồ theo mùa, nhìn bắt mắt hơn.)

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

 

*

Bài liên quan:

– Thế giới thực phẩm thần tiên của những người tí hon
– Christopher Bofolli: Ông thần quyền lực của một thế giới tí hon

Ý kiến - Thảo luận

15:58 Friday,30.12.2011 Đăng bởi:  thai lai duc tran
Quả là có bộ óc thông minh
...xem tiếp
15:58 Friday,30.12.2011 Đăng bởi:  thai lai duc tran
Quả là có bộ óc thông minh 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả