Gẫm & Bình

Những con số, cảm nhận từ một góc nhìn 19. 12. 11 - 10:00 am

Lê Võ Tuân

 

Chén và Đũa, 1945


Vậy là Những con số, cuộc triển lãm dự án dài hai năm của Le brothers Thanh và Hải đã ra mắt công chúng. Sẽ có nhiều cảm nhận khác nhau, những hướng nhìn khác nhau từ công chúng xung quanh tác phẩm, vì chính tác phẩm tự thân đã đa chiều, nhiều hàm ý. Riêng về mình, tôi muốn chia sẻ một vài cảm nhận “nho nhỏ” khi xem tác phẩm này.

Thực tế, tôi có may mắn tiếp cận với những ý tưởng khởi đầu của dự án, cũng như tiến trình làm việc của hai nghệ sĩ Le brothers Thanh và Hải. Điều này, một lần nữa giúp tôi tự tin hơn, và hy vọng những cảm nhận của tôi sẽ gần với những ý tưởng của tác giả.


Những con số và những dấu ấn

Có thể nói, Le brothers Thanh và Hải là những nghệ sĩ hiếm hoi quan tâm đến những đề tài đất nước, lịch sử, một đề tài khó vì nó cần phải có một cái nhìn phổ quát, rộng lớn, cũng như sức đầu tư vào tác phẩm. Nhìn lại lịch sử, nhìn lại những mốc quan trọng của đất nước, quá khứ tái hiện chồng lấp hiện tại diễn ra, hai người đã đưa ra một cái nhìn đa chiều trong cách tiếp cận tác phẩm nghệ thuật, cũng như những giá trị lịch sử. Những con số 1945, 1991, 2011, những mốc thời gian quan trọng trong tác phẩm là một chủ ý tập trung, kết nối những ý tưởng nghệ thuật, lịch sử, những dấu ấn của đất nước, cũng như chính tác giả. Sẽ không phải là những con số khác, những mốc thới gian khác, những dấu ấn khác, điều này có lẽ sẽ gây ra nhiều tò mò, cũng như câu hỏi đặt ra từ phía công chúng như tôi chẳng hạn. Những con số 1945, 1991, 2011, là những dấu ấn mang tên đất nước, tác giả, có thể là cái nhìn tham vấn quá khứ chăng!? Để hiểu rõ hiện tại, tương lai, thì nên hiểu rõ quá khứ, chắc rồi!

Những con số, chia làm ba tác phẩm độc lập, và liên kết ý tưởng để trở thành một tác phẩm tổng thể, có sức nặng về ý tưởng và thị giác cũng như quy mô của dự án. Có thể nói, Những con số là một tác phẩm gồm ba chương, ba dấu ấn thời gian, ba câu chuyện chồng lên nhau. Đứng về phía 1945 có thể nhìn thấy 1991, 2011, hay ngược lại từ 1991 có thể nhìn thấy 1945, 2011. Các mốc thời gian xuất hiện cùng một lúc, ba tác phẩm xuất hiện cùng một lúc, diễn ra và đan tấu.

Góc nhìn khác “Chén và đũa, 1945”


1945 – Chén và Đũa

Nhắc đến 1945, đó chính là thời khắc quan trọng trong lịch sử Việt Nam, cuộc tổng khởi nghĩa 19 tháng 8, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2 tháng 9. Và, tất nhiên rồi, đằng sau trang sử vàng son đó, không ai quên được nạn đói kéo dài từ 1944 đến tháng 5. 1945. Chén và Đũa, một bãi chiến trường thiếu vắng thực phẩm.

Chén và đũa thân quen trong cuộc sống hằng ngày, được sắp đặt trật tự, không có bục bệ trang trọng, nhưng lại rộn ràng bởi ánh sáng; ánh sáng sẽ thay đổi bởi những góc nhìn khác nhau. Ánh sáng tụ vào từng cái Chén và Đũa biến hóa liên tục trong không gian tác phẩm.

Chén và Đũa (1945) là một góc nhìn đầy ẩn dụ, lấp lánh vàng son, nguyên cớ cho trang mới của lịch sử Việt Nam. Chén và Đũa được sắp đặt một cách dàn trải, lan rộng, tạo hiệu ứng như những phép nhân liên tục truy vấn hiện tại. Ở một góc độ khác, tôi thấy tác phẩm như một tượng đài kỷ niệm những vong hồn của nạn đói trong quá khứ, một tượng đài với một cách biểu đạt mộc mạc, gần gũi và dễ cảm thiện. Cảm nhận của tôi đã không đi quá xa lời tác giả “Không có cờ hoa và màu sắc, chúng tôi tưởng niệm hai triệu vong hồn” và “Bát và đũa được sơn son thếp vàng bởi chúng tôi tin rằng khi nỗi đau được tưởng niệm, thì nỗi đau sẽ mang sứ mệnh nhắc nhở loài người không để lặp lại thảm họa!

Nếu xem những cái Chén và Đũa là những cá thể con người đơn lẻ, thì trong tác phẩm sắp đặt này tạo liên tưởng về cuộc khởi nghĩa 19. 8. Cuộc khởi nghĩa được lan rộng, theo cấp số nhân, hồ hởi, rộn ràng và hào quang bởi sơn son thếp vàng được thể hiện. Một cuộc khởi nghĩa được bắt sáng theo nhịp điệu di chuyển của người xem, một cách khơi dậy quá khứ với niềm tin tự hào.

1945 – nạn đói, khởi nghĩa, và một nước Việt Nam chúng ta đang sống, ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan ấy, cái mốc vàng son ấy sẽ không phải là một con số nào khác. Nó là một tượng đài kỷ niệm, và sự diễn tiếp ra đời.

.


1991 – Giường nội trú

Nếu xem Chén với Đũa là một tượng đài kỷ niệm thì Giường nội trú 1991 là ký ức dấn thân vào nghệ thuật của tác giả – một ký ức nghèo của thời sinh viên, nhưng được dựng lại, nâng niu hoành tráng. Một câu chuyện không thể thiếu, nó là nền tảng ra đời những tác phẩm sau này, cũng như 1945 – Chén và Đũa, 2011 – Chạm tới Biển, trong tổng thể tác phẩm Những con số.

Ai cũng có một thời sinh viên, một thời để lưu dấu, nhưng để nhìn lại những kỷ niệm ấy hẳn sẽ khác nhau nhiều. Dựng lại, và mơ tưởng hóa thời sinh viên của mình, cái thời vàng son mang tính cá nhân được tái hiện bằng hiện thực sống động ở Giường nội trú, tạo nhiều cảm quan lạ. Cái lạ bởi thời vàng son ấy không những là lưu dấu trong ký ức, mà nó hiển hiện ngay bên cạnh, như ta có thể kiểm soát, cầm nắm được quá khứ vậy.

Mang vác những hành trang mà cụ thể là Giường nội trú, từ quá khứ đưa ra với hiện tại, biến đổi một ký ức nghèo, của hai chiếc giường lênh khênh, tái tạo nó thành những cái giường mà tôi có cảm giác là của bậc quân vương. Sự hóa thân đột ngột về chức năng “giường nội trú” cụ thể, hay cái “phục tín” niềm tin hiển hiện.

Giường nội trú, 1991

Cũng trên một cấu trúc ấy, Giường nội trú của sinh viên nghèo được tô điểm rồng bay phượng múa trên bức màn đỏ, sơn son thếp vàng, tái tạo thành một không gian quyền quý. Một không gian khó chạm đến, một không gian của cái nghèo và sự quyền quý chỉ biến đổi trong gang tấc.

Giường nội trú 1991, Chén và Đũa 1945 có một điểm chung là: những thứ quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống được chuyển hóa, bỗng dưng lấp lánh vàng son, cái cụ thể của thân phận đồ vật được biến đổi. Và bằng cách biến đổi ấy, ký ức được trân trọng. Giường nội trú mang hơi hướng chiêm nghiệm cuộc sống, nội tại, giá trị cá nhân, cái nghèo hay sự huy hoàng quyền quý, đồng hiện mong manh, sự khởi đầu cho một hướng nhìn về quá khứ và tương lai.

.


2011 – Chạm tới Biển

Có thể nói 59 phút của video art Chạm tới Biển là một bản trường ca siêu thực hay bài thơ mang tên đất nước, nhiều gợi ý. Sự chuyển tiếp 1945 Chén và đũa – một khởi đầu – đến 2011 Chạm tới biển – một hiện tại di chuyển – là một cuộc trình diễn của ý thức hệ về những giá trị lịch sử, giá trị con người đang tồn tại… Nhìn từ Chạm tới biển với những hình ảnh đất nước rộng lớn, thì Chén và đũa 1945, Giường nội trú 1991 là một mắt xích gắn kết, bắt đầu bằng niềm tin, tự hào, đan xen giữa nguồn cội và truy vấn.

Một góc nhìn khác, Chạm tới Biển trong tổng thể tác phẩm Những con số có thể là những lời tự vấn, bồi đắp hay khơi dậy những giá trị lịch sử.

“Chạm tới biển, 2011”


1945-1991-2011 – Con số tổng thể, tác phẩm tổng thể, đã dẫn dắt người xem bằng tiếng nói tự thân của nó. Đan tấu với nhiều gợi mở, để công chúng đi vào trong cái vòng thời gian ấy, tưởng nhớ, nhìn ngắm, chạm vào… Và, dừng lại với hướng nhìn rộng lớn hơn.

 

*

NHỮNG CON SỐ
Triển lãm mỹ thuật của anh em nhà họ Lê – Thanh & Hải

Đơn vị tổ chức:
– Trung tâm văn hóa Phương Nam
– New Space Arts Foundation (N.S.A.F.)

Khai mạc: 17h00 ngày 11. 12. 2011
Tại: New Space Arts Foundation (N.S.A.F.)
Làng nghề Huế – trung tâm văn hóa Phương Nam
Tầng 2 Số 15 Lê Lợi, TP. Huế
Triễn lãm sẽ diễn ra từ 11. 12 đến hết ngày 11. 1. 2012

 

*

Bài liên quan:

– Vài ý rời về triển lãm “Những con số” của Le Brothers Thanh & Hải
– 11. 12: Hãy đến Huế để xem NHỮNG CON SỐ

– Khai mạc NHỮNG CON SỐ: Tuy xa mà quá sức đông vui!

– Những con số, cảm nhận từ một góc nhìn

– NHỮNG CON SỐ có nói được điều muốn nói?

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả