Gẫm & Bình

NHỮNG CON SỐ có nói được điều muốn nói? 21. 12. 11 - 11:23 pm

Đào Mai Trang

 

.

 

Triển lãm Những con số của hai nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh & Lê Đức Hải đang diễn ra tại Huế (New Space Arts Foundation, tầng 2, Trung tâm văn hóa Phương Nam, số 15 – đường Lê Lợi, từ ngày 11. 12. 2011 đến ngày 11. 1. 2012). Triển lãm gồm có 3 tác phẩm riêng biệt, như là một cách thông báo những kết quả nổi bật trong thời gian làm việc gần đây: một phim chiếu cùng lúc trên 3 màn hình tiêu đề Chạm tới biển, dài 59 phút; 2 sắp đặt tiêu đề Chén và đũa, 1945Giường nội trú, 1991.

Người viết bài có may mắn được vào Huế dịp này và thưởng thức triển lãm cá nhân được xem là lớn nhất ở khu vực miền Trung trong năm nay. Huế đang dịp mưa lạnh song khó ngăn nổi sự tụ tập đông vui của người quan tâm đến mỹ thuật. Một số bạn của nghệ sĩ từ miền Bắc, miền Nam cũng dành thời gian đến Huế chia vui cùng họ. Điều này thật thú vị, nhất là trong thời điểm có vẻ không thuận về tiết trời.

 

Những con số nói gì…

1945 cái bát sứ trắng được thếp vàng nhưng một vài lớp mỏng ở bên trong lòng, phía ngoài vẫn để nguyên. Trong lòng bát, có con số 1945 được viết bằng sơn màu đen theo cách không giống nhau; có cái bát được viết một lần, có cái hai lần, có cái ba lần, có số viết cỡ nhỏ, có số cỡ lớn, có số được viết tuần tự, có số lại được viết theo cách kết hợp giữa dãy nọ với dãy kia… Bên trên cái bát là đôi đũa sơn son được đặt nằm ngang ngay ngắn. Bộ bát và đũa này được xếp trên lớp chiếu cói có phết nhũ trắng, thẳng hàng ngang dọc trong một khoảng không gian trưng bày bị giới hạn bởi tường và mấy cây cột cái. Nhiều đèn rọi làm cho không gian xung quanh sáng lóa.

Người xem chỉ có thể đứng hoặc đi xung quanh cái sắp đặt này, để xem và nghĩ. Cái quá khứ hai triệu người Việt Nam chết đói trong năm 1945 là thứ mà tác giả muốn nhắc nhớ đến qua tác phẩm này. Trong thông điệp về tác phẩm, họ viết: “Chúng ta đã luôn nhớ về mùa thu năm 1945 với âm vang của cờ hoa, âm thanh, màu sắc. Nhưng trước cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 còn có một niềm đau khôn nguôi với hơn 2 triệu người dân chết đói. Không có cờ hoa và màu sắc, chúng tôi tưởng niệm hai triệu vong hồn thập loại chúng sinh bơ vơ dưới vòm trời u xám đói rét ấy bằng những bát đũa sơn son thếp vàng và con số 1945 khôn nguôi nhắc nhở một niềm đau đã khắc vào biên niên sử của đất nước. Bát và đũa được sơn son thếp vàng bởi chúng tôi tin rằng khi nỗi đau được tưởng niệm, thì nỗi đau sẽ mang sứ mệnh nhắc nhở loài người không để lặp lại thảm họa!

Chi tiết sắp đặt “Chén và đũa, 1945”

 

Nhưng cái màu “sơn son thếp vàng” kia đưa lại cho tôi nhiều dấu hỏi khác: để ngưỡng vọng quá khứ thống khổ ấy? Hay để bái vọng nó? Một quá khứ đen, chìm sâu trong góc khuất của tâm hồn dân tộc này. Và cái màu phú quý ấy làm cho tôi nhức mắt. Nó có thể dẫn dắt người xem cùng chìm sâu xuống góc khuất quá khứ của dân tộc này không? Nó có thể làm bạn liên tưởng đến những bình diện xã hội khác của hôm nay hay những góc tinh thần khác của mỗi người không? Tự dưng, tôi nhớ đến sắp đặt tại Tate Modern với 100 triệu hạt hướng dương của Ai Wei Wei. Cũng là sự nhắc nhớ lại cái đói của người dân (đây là người dân Trung Hoa, và để chống lại cái đói, họ phải ăn hạt hướng dương). Hạt hướng dương được làm bằng sứ, hoàn toàn thủ công, được phủ sọc đen cũng hoàn toàn thủ công bởi hàng trăm nhân công. Chúng trông hệt như hạt hướng dương ngoài đời nhưng… không ăn được. Chúng cứng đinh, khó nhằn… Một đống dài rộng các hạt hướng dương trải trên sảnh lớn của Tate, sâu dưới những bức tường cao vợi. Người xem có thể đi vào trong đó, giẫm lên chúng, cảm nhận cái lạo xạo của âm thanh, hít thở cái bụi sứ và trong nỗi bối rối vì bị áp chế truớc không gian rất minh bạch mà cũng rất huyễn ảo ấy, họ bắt đầu liên tưởng đến rất nhiều cạnh khía khác mà thông điệp về nạn đói chỉ là một. Có thể là ngục tù, có thể là sự hỗn mang của đám đông, sự mê muội và “cùng một giuộc”, hoặc thậm chí là sự chà đạp lên đám đông (với hành vi đi trên hạt hướng dương) như ý viết trong bài của một nhà bình luận nghệ thuật người Mỹ… Hoặc cũng có thể nói tất cả đó là hệ quả của cái đói. Một quá khứ khó nhằn và đầy ám ảnh thực tại cũng như tương lai không phải chỉ của riêng người Trung Hoa! Cách lựa chọn vật thể để tạo dựng tác phẩm cùng không gian trưng bày tương hợp chính là cách bày tỏ tư tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ.

.

 

Tôi không có ý so sánh những chén và đũa với những hạt hướng dương. Tôi liên tưởng đến tác phẩm của Ai Wei Wei chỉ vì thích sự mở rộng cánh cửa cảm nhận tác phẩm của ông do chiều sâu tư tưởng của nó – thứ mà ông không hề đả động tới trong thông điệp.

Trở lại với Chén và đũa, ý nghĩa xã hội của tác phẩm này được đánh giá cao nhưng thật tiếc vì nó chỉ hoàn toàn được đề cập đến trong thông điệp văn bản. Việc lựa chọn chén và đũa làm vật thể biểu trưng là một lựa chọn khả dĩ. Nhưng tôi cảm nhận thấy những màu sắc mỹ nghệ ở đây khiến cho câu chuyện lịch sử trở nên xa cách với chính tác phẩm đang gợi nhắc về nó. Chúng đồng thời làm cho hai vật thể mang tính chất biểu tượng là chén và đũa mặc nhiên bị giới hạn trong hình ảnh của đồ thờ cúng. Thêm sự thừa sáng  cộng với những bờ tường trắng xóa xung quanh, cái trần nhà đổ dốc và những tấm vách kính phía trên khiến cho tác phẩm như nổi nênh trước mắt tôi. Phải nói, cái không gian bao quanh này là một tác nhân tiêu cực, góp phần khiến cho toàn bộ tác phẩm khó đạt tới chiều sâu suy tưởng mà tác giả có vẻ muốn hướng đến.

Thanh và Hải sơn thếp cho chén và đũa

 

Cái giường sinh viên – giấc mơ vua chúa

Cũng là một cách phủ màu phú quý lên quá khứ, sắp đặt Giường nội trú, 1991 có xuất phát là câu chuyện cá nhân của tác giả. Họ sống nội trú với cái giường tầng và nay, họ mang chính cái giường đó ra, phủ sơn son, trướng đỏ thêu rồng phượng trên đó. Hai cái giường tầng có lẽ chỉ khác nhau ở một điểm: một cái có sơn hình con rồng ở chính giữa tầng giường phía dưới, cái còn lại sơn con phượng. Còn lại, giống nhau. Hai cái giường đó cũng được để trên tấm chiếu dát nhũ trắng, đặt cách nhau một chút. Vậy là xong. Cùng là nhắc đến quá khứ nhưng một bên là quá khứ chung của dân tộc, một bên là quá khứ của cá nhân, cũng có thể là của một bộ phận sinh viên như tác giả năm xưa. Tôi không tin hai tác phẩm này có gì liên đới với nhau, ngoại trừ cùng kiểu nền (chiếu), cùng kiểu phủ sơn son thếp vàng lên vật thể, nhiều hơn một vật thể, biến vật thể thành đơn vị tác phẩm.

Nhưng ngoài việc phủ lên quá khứ một cảm xúc “duy mỹ” như Như Huy bình luận, thì còn gì nữa không trong cảm nhận của tôi khi xem hai cái giường sơn son này? Không còn gì nữa. Nhưng tôi thấy vui vui. Chí ít, tác phẩm này cũng cho tôi một cái mỉm cười khi nhớ lại thời sinh viên của mình, tuy rằng tôi không ngủ giường tầng để có giấc mơ “cung vua phủ chúa”. Cái sự vô tư, vô ưu đáng quý của thời sinh viên có vẻ vượt thoát khỏi những ẩn dụ thẩm mỹ kia, tôi nghi ngờ vậy.

Tác phẩm “Giường nội trú”

 

“Chạm tới biển”… nào

Phần còn lại của triển lãm là bộ phim ba kênh màu Chạm tới biển, dài 59 phút.

Tôi đã thực sự dành trọn vẹn 59 phút để xem hết tác phẩm. Phim ghi lại hình ảnh của hai nhân vật, mình trần, mặc quần dài và làm rất nhiều động tác, công việc ở nhiều địa điểm khác nhau. Họ không nói với nhau một lời nào. Họ đi qua bãi cây cỏ hoang, họ lội nước, họ buộc tóc nhau, họ quấn vải đỏ lên người nhau và buộc người vào cây hoặc lên ghế; họ vật lộn trong sự bùng nhùng của những dải vải đen đỏ, họ cuốc đào cát trên bãi biển, họ trói buộc và kéo lê nhau trên bãi cát, họ lội ra biển rồi bơi vào, sõng xoài lên bờ… Trong mọi hành vi, gương mặt của hai nhân vật rất giống nhau, bình thường, không lộ rõ một thái độ hay trạng thái cảm xúc nào, không thể hiện ra được một sung lực gì của thế giới tinh thần…

Chính vì vậy, câu hỏi lớn nhất trong tôi là tại sao họ lại dành cho tác phẩm cái thông điệp lớn vậy: “Con dân nước Việt chẳng ai quên cuộc chia lìa của thủy tổ trăm trứng 50 lên rừng 50 xuống biển, vậy nên hướng về biển luôn là khát vọng miên viễn cho cuộc đoàn viên hạnh ngộ, nghĩa đồng bào. Hai cá thể của một thực thể tách rồi, hòa nhập trong cuộc vận vặn lần này; dưới một hình thức của ngôn ngữ tổng hợp: phim, trình diễn, các hình thức khác của ngôn ngữ thị giác; một lần nữa nhắc nhớ lại cách ứng xử với tiền nhân, với đất nước, với những vấn đề nóng bỏng thời sự của non sông… của nghệ sĩ-công dân; những người chẳng thể nào đứng ngoài đại cuộc của quê hương. Chỉ khác chăng là phương thức và ngôn ngữ tỏ bày: bằng cơ thể trụi trần, bối cảnh quê hương, sắc màu biểu cảm, công nghệ phù hợp…

Trong tiếng violon réo rắt, những hình ảnh trên màn hình thực sự thách thức khả năng đồng cảm của tôi. Nhưng tôi không có cách nào vượt qua nó nên đành ước mơ: Giá mà tôi không nhìn thấy bất kỳ một cái đường viền làng mạc, khu dân cư nào trong phim này, chỉ là mênh mông biển, mênh mông cát với hai con người và cuộc “vận vặn”, tìm kiếm vô hướng, vô định… có lẽ chỉ diễn ra không đầu không cuối trong những cơ ngủ mê thì có lẽ phim sẽ phần nào phù hợp với cái tên của chính nó. Hay tôi sai hoàn toàn? Những hình ảnh nhà dân cao thấp ngay trước mũi thuyền – nơi trình diễn của nghệ sĩ – cho thấy biển sao thật gần chúng ta? Hay ít nhất, cũng cho thấy một điều: nghệ sĩ không thể mạo hiểm với tính mạng của mình giữa mênh mông.

.

*
Triển lãm cho thấy sức làm việc của hai nghệ sĩ là rất đáng nể, nhất là với hai tác phẩm hiển thị rõ sự dụng công như Chén và đũaChạm tới biển hay sự tỉ mỉ thêu thùa như Giường nội trú. Các văn bản thông điệp cũng cho thấy sự suy nghĩ của họ về những chủ đề lớn mà họ muốn đề cập tới trong nghệ thuật. Nhưng có lẽ, nghệ thuật thị giác cần nhiều hơn thế để có thể tạo nên những ám ảnh và ấn tượng thị giác đủ mạnh mẽ, sâu sắc và qua đó, có khả năng truyền tới người xem những thông điệp xã hội lớn lao. Vì vậy, nghệ thuật này vừa cay nghiệt vừa quyến rũ đối với chính nghệ sĩ sáng tạo cũng như công chúng…

 

Hà Nội, 12. 2011

 

*

NHỮNG CON SỐ
Triển lãm mỹ thuật của anh em nhà họ Lê – Thanh & Hải

Đơn vị tổ chức:
– Trung tâm văn hóa Phương Nam
– New Space Arts Foundation (N.S.A.F.)

Khai mạc: 17h00 ngày 11. 12. 2011
Tại: New Space Arts Foundation (N.S.A.F.)
Làng nghề Huế – trung tâm văn hóa Phương Nam
Tầng 2 Số 15 Lê Lợi, TP. Huế
Triễn lãm sẽ diễn ra từ 11. 12 đến hết ngày 11. 1. 2012

 

*

Bài liên quan:

– Vài ý rời về triển lãm “Những con số” của Le Brothers Thanh & Hải
– 11. 12: Hãy đến Huế để xem NHỮNG CON SỐ

– Khai mạc NHỮNG CON SỐ: Tuy xa mà quá sức đông vui!

– Những con số, cảm nhận từ một góc nhìn

– NHỮNG CON SỐ có nói được điều muốn nói?

Ý kiến - Thảo luận

10:25 Friday,30.12.2011 Đăng bởi:  Lãng Hiển Xuân
Hê...hê...tớ biết thằng Lê Công Hiếu là thằng nào rồi nhé... Chú mày không sợ công an nhưng chắc chắn là phải sợ eng... Mai eng kêu chú mày đi nhậu mà chú mày trốn là eng cắt đầu anh giai chú mày đó nghe...ặc...ặc...:)) Lần sau cứ để tên thiệt của chú mi như eng đi, mượn tên thằng nớ sau ni tội hắn nghe...ặc...ặc..ặc..!!!
...xem tiếp
10:25 Friday,30.12.2011 Đăng bởi:  Lãng Hiển Xuân
Hê...hê...tớ biết thằng Lê Công Hiếu là thằng nào rồi nhé... Chú mày không sợ công an nhưng chắc chắn là phải sợ eng... Mai eng kêu chú mày đi nhậu mà chú mày trốn là eng cắt đầu anh giai chú mày đó nghe...ặc...ặc...:)) Lần sau cứ để tên thiệt của chú mi như eng đi, mượn tên thằng nớ sau ni tội hắn nghe...ặc...ặc..ặc..!!! 
0:27 Friday,30.12.2011 Đăng bởi:  le cong hieu
Muốn tranh luận hay chia sẻ thì ghi rõ họ tên, không nên giả danh. Công an phường là ai đây nhỉ? Công an tỉnh tôi còn không sợ, Thiếu tướng tôi còn xem thường.
...xem tiếp
0:27 Friday,30.12.2011 Đăng bởi:  le cong hieu
Muốn tranh luận hay chia sẻ thì ghi rõ họ tên, không nên giả danh. Công an phường là ai đây nhỉ? Công an tỉnh tôi còn không sợ, Thiếu tướng tôi còn xem thường. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả