Tin tức

Tin-ảnh: Cuối năm còn trầm trọng 22. 12. 11 - 7:29 am

Hữu Khoa tổng hợp

PYONGYANG – Cuối năm, Bắc Hàn chịu tang lớn. Trong ảnh, hàng trăm người dân Bắc Hàn tập trung trước bức tượng vĩ đại của Kim Il Sung ở Pyongyang, khóc thương lãnh tụ (con) là Kim Jong Il vừa mất hôm thứ Bảy, 17. 12. 2011 do nhồi máu cơ tim trên một chuyến tàu hỏa, sau một thời gian dài điều trị tai biến và bệnh tim. Ông thọ 69 tuổi. Ảnh: APTN.

 

GATESHEAD – Mùa đông đã về. Trong ảnh, những người đi bộ lội trong tuyết ngang qua bức tượng “Thiên thần phương Bắc” gần Gateshead, trong làn gió đông lạnh ngắt thổi qua nhiều phần của nước Anh vào hôm 16. 12. 2011. Ảnh: Owen Humphreys

 

BETHLEHEM – Một người Palestine đang làm hang đá trong nhà thờ Thánh Đản ở thành phố bờ Tây Bethlehem. Noel sắp tới rồi! Ảnh: Nasser Shiyoukhi.

 

FRANKFURT – Trong lúc đó, chuyện tài chính của cộng đồng châu Âu vẫn căng thẳng. Trong ảnh, một bức tượng đồng Euro được dựng trước Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt, Đức, hôm 16. 12. 2011. Bức poster bên dưới viết: “Nói chuyện tương lai nào”. Ảnh: Michael Probst.

 

COLOGNE – Khó khăn thì khó khăn, các triển lãm vẫn diễn ra. Triển lãm “Trước luật” (Before the Law – dựa theo tên một truyện ngắn nổi tiếng của Kafka?), diễn ra từ 17. 12. 2011 đến tận 22. 4. 2012 tại bảo tàng Ludwig và Siemens Stiftung, dành trọn cho chủ đề thân phận con người và sự mong manh của nó, theo một cách thức vừa toàn diện, vừa tập trung. Trong ảnh là tác phẩm của Wilhelm Lehmbruck, có tên “Sitzender Jüngling”, làm khoảng 1916 – 17. Đồng, đường kính 104 cm.

 

COLOGNE – Câu hỏi căn cơ về thân phận con người luôn quan trọng với mọi thời – một câu hỏi luôn luôn đương đại. Việc xâm phạm quyền con người và tấn công nhân phẩm con người là thứ có thể quan sát hàng ngày. Ngày nay, truyền thông dường như cho phép ta khảo sát những điều này ngày càng thấu đáo hơn. Trong ảnh là tác phẩm của Pawel Althamer có tên “Bródno People”, 2010, kích thước 252 x 600 x 165 cm – một tác phẩm trong triển lãm “Trước luật”.

 

BARCELONA – Nhưng khó khăn về tài chính cũng khiến người ta ít đùa hơn. Trong bức hình này, những hột nút vẽ một cô gái điếm, một người bán dạo bất hợp pháp, và một người đàn ông cầm bó hoa, được trưng bày tại Barcelona, Tây Ban Nha. Bộ sưu tập táo bạo những hột nút này, trưng ra mặt tăm tối của Barcelona, vừa được mang ra rao bán đã bị các cửa hàng ở thành phố này đối xử lãnh đạm. Đây là sản phẩm của Margalida Montoya và Arcadi Royo – hai kiến trúc sư và nhà thiết kế người địa phương. Cả hai muốn trưng ra – bằng một chút hài hước và tự phê bình – một khía cạnh của Barcelona; khía cạnh ấy vừa chân thực vừa rất thân quen, tuy nhiên bà con không hưởng ứng. Ảnh: Manu Fernandez

Ý kiến - Thảo luận

11:18 Thursday,22.12.2011 Đăng bởi:  admin
Cảm ơn Em-co-y-kien nhiều lắm.
...xem tiếp
11:18 Thursday,22.12.2011 Đăng bởi:  admin
Cảm ơn Em-co-y-kien nhiều lắm. 
10:56 Thursday,22.12.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Hữu Khoa: "...Triển lãm “Trước luật” (Before the Law – dựa theo tên một truyện ngắn nổi tiếng của Kafka?)..."

Dạ, trúng phóc là Kafka

ạ!

Em nhớ có đọc lâu rùi trên mạng bản dịch truyện cực ngắn nổi này của Kafka do Phan Quỳnh Trâm dịch (đặt tên Việt là Trước Pháp Luật).

Nếu SOI thấy không rườm có thể đăng hầu độc giả thêm cơ hội hiểu thêm cái t
...xem tiếp
10:56 Thursday,22.12.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Hữu Khoa: "...Triển lãm “Trước luật” (Before the Law – dựa theo tên một truyện ngắn nổi tiếng của Kafka?)..."

Dạ, trúng phóc là Kafka

ạ!

Em nhớ có đọc lâu rùi trên mạng bản dịch truyện cực ngắn nổi này của Kafka do Phan Quỳnh Trâm dịch (đặt tên Việt là Trước Pháp Luật).

Nếu SOI thấy không rườm có thể đăng hầu độc giả thêm cơ hội hiểu thêm cái tích của pho tượng kia - chính là "hình ảnh người đàn ông đến từ miền quê cả đời mòn mỏi và tuyệt vọng trước cổng Pháp Luật" -một nhân vật của Kafka đã hấp dẫn các nghệ sĩ thị giác biết bao nhiêu

ạ!

Truyện ngắn của Kafka như vầy:

TRƯỚC PHÁP LUẬT

Trước Pháp Luật có một tên gác cổng. Một người đàn ông đến từ miền quê xin tên gác cổng cho vào bên trong Pháp Luật. Nhưng tên gác cổng nói hắn không thể cho ông vào lúc này được. Người đàn ông nghĩ ngợi rồi hỏi liệu ông có thể vào một lúc nào khác chăng. Tên gác cổng nói: “Có thể, nhưng không phải lúc này”. Cái cổng Trước Pháp Luật để ngỏ, như thường nó vẫn vậy; tên gác cổng bước qua một bên, người đàn ông nghiêng mình ngó vào bên trong. Khi tên gác cổng nhận ra điều đó, hắn cười phá lên và bảo: “Nếu nó hấp dẫn đến vậy, ông cứ vào đại đi, mặc kệ tôi cấm, nhưng nhớ là tuy tôi có quyền, tôi chỉ là kẻ ít quyền lực nhất trong số những người gác cổng ở đây. Từ phòng này sang phòng khác, ở đâu cũng có những người gác cổng, càng vào sâu thì càng quyền thế. Người gác cổng thứ ba là đã dễ sợ tới độ chính tôi cũng không dám nhìn nữa.” Có những khó khăn mà người đàn ông đến từ miền quê không thể ngờ tới; Pháp Luật, theo ông nghĩ, phải nên rộng mở cho mọi người và mọi lúc, nhưng bây giờ khi đã nhìn kỹ tên gác cổng trong chiếc áo choàng lông thú, với cái mũi to nhọn và hàm râu kiểu Tartar đen, dài và mảnh, ông quyết định tốt nhất là chờ cho đến khi được phép. Tên gác cổng đưa cho ông một chiếc ghế đẩu và để ông ngồi chờ ở bên cánh cổng. Ông đã ngồi ở đó ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Ông tìm mọi cách để được vào, và năn nỉ tên gác cổng đến độ làm cho hắn mệt nhừ. Tên gác cổng thường làm những cuộc phỏng vấn nho nhỏ, hỏi ông về quê quán và nhiều chuyện linh tinh khác, nhưng những câu hỏi ấy thường được cất lên một cách hờ hững, theo kiểu cách các lãnh chúa thường làm, và luôn kết thúc với lời phán là ông chưa thể vào được. Người đàn ông hy sinh tất cả mọi thứ mà ông có, những thứ mà ông mang theo cho chuyến đi, dù quý giá đến mấy, để mua chuộc tên gác cổng. Tên gác cổng nhận tất, nhưng bao giờ cũng lưu ý ông rằng: “Tôi chỉ nhận để cho ông khỏi nghĩ rằng ông đã làm điều chi sơ suất.”

Trong suốt nhiều năm trời, người đàn ông chỉ mải mê chú ý vào tên gác cổng. Ông quên bẵng những tên gác cổng khác, và với ông dường như tên gác cổng đầu tiên này mới là trở ngại duy nhất chặn ngang con đường vào Pháp Luật của ông. Ông nguyền rủa sự bất hạnh của mình, thoạt đầu một cách ồn ào và bừa bãi, những năm về sau, càng già, ông chỉ còn lẩm bẩm một mình. Ông trở nên ngây ngô, và nhờ ngắm nghía tên gác cổng trong nhiều năm trời, ông biết đến cả những con bọ chét trong chiếc áo choàng lông thú của hắn, cũng như đã năn nỉ những con bọ chét ấy giúp ông làm sao cho tên gác cổng xiêu lòng.

Sau một thời gian dài, thị lực của ông bắt đầu yếu dần, và ông không còn biết được trời tối thực hay cặp mắt đã đánh lừa ông. Tuy vậy, trong bóng tối mờ mịt đó ông vẫn có thể nhận biết được một luồng hào quang không thể dập tắt được cứ tràn ra từ cánh cổng của Pháp Luật. Giờ đây thì ông không còn sống được bao lâu nữa. Trước khi ông chết, tất cả những kinh nghiệm thu thập được trong nhiều năm dài đằng đẵng tụ về một điểm trong đầu ông, một câu hỏi ông chưa từng hỏi tên gác cổng bao giờ. Ông ngoắc hắn lại gần, bởi ông không còn sức để nhấc tấm thân đã cứng đờ của mình. Tên gác cổng phải cúi xuống, bởi chênh lệch về chiều cao đã thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho người đàn ông (cùng với tuổi tác). “Bây giờ ông muốn biết gì nào?” tên gác cổng hỏi, “ông thật là tham.” “Ai cũng muốn đến với Pháp Luật,” người đàn ông nói, “nhưng tại sao trong bao nhiêu năm, ngoài tôi ra, chẳng có ai khác xin vào đây vậy?” Tên gác cổng nhận thấy người đàn ông đã đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, rồi để cho những giác quan đang yếu lả của ông có thể nắm bắt được những lời nói của hắn, hắn gào vào tai ông: “Không có ai khác được vào đây cả, bởi vì chiếc cổng này được dựng lên chỉ để dành riêng cho ông mà thôi. Bây giờ thì tôi sẽ đóng nó lại.”

Cám ơn dịch giả Phan Quỳnh Trâm và dịch giả Hữu Khoa

ạ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả