Ở Hamburg: Toàn người phức tạp đi làm tối giản
31. 12. 11 - 7:46 am
Hữu Khoa và Soi tổng hợp
HAMBURG – Hamburger Kunsthalle đang giới thiệu một triển lãm các tác phẩm từ bộ sưu tập của bảo tàng này. Triển lãm điểm lại sự nổi lên của cái gọi là “nghệ thuật tối giản” vào những năm 1960 – một phong trào đã góp phần thay đổi một cách triệt để quan niệm về nghệ thuật. Mang đặc điểm là những hình dáng căn bản, sắp xếp theo chuỗi, dùng những vật liệu công nghiệp và những phương tiện sản xuất trong công nghiệp, khuynh hướng nghệ thuật này khởi đầu tại Hoa Kỳ, với những tên tuổi lớn như Carl Andre, Dan Flavin, Donald Judd, Sol LeWitt và Robert Morris. Trong hình: phía trước là tác phẩm “Magpie Line, Malmö,” 1985 của Richard Long. Phía sau là “Channel Painting No. 3”, 1975 của Alan Charlton.
HAMBURG – Trong nghệ thuật tối giản, mọi ảo ảnh, mọi thứ biểu tượng đều bị loại bỏ: tác phẩm chỉ còn là chính nó. Trong ảnh, tác phẩm “Romartyr Hamburg “1989 của Carl Andre – một điêu khắc gia tối giản nổi tiếng với những tác phẩm kẻ ô thẳng thớm ngăn nắp. Ông có tội to với nghệ thuật vì đã khiến vợ (cũng là một nghệ sĩ) đã phải nhảy từ lầu 34 xuống sau một vụ cãi nhau. Cũng trong hình này, phía sau là tác phẩm “OB – 112/B – 113/=B – 114”, 1967 của Peter Roehr (1944-1968) – một nghệ sĩ yểu mệnh, khi sống có một mục đích trong nghệ thuật là làm sao cho ‘công năng gốc của vật thể phải được quên đi hoàn toàn”.
HAMBURG – Từ đó tới nay, biết bao nghệ sĩ đã dùng ngôn ngữ chính thức của trường phái tối giản rồi làm giàu có ngôn ngữ ấy lên bằng những mức độ ý nghĩa khác nhau. Trong hình là tác phẩm “Coded Language Hardliner”, 2002 của Frank Gerritz – một điêu khắc gia nhưng mất nhiều năm phát triển những ý tưởng điêu khắc của mình chủ yếu bằng… những bản vẽ. Dùng một cây bút chì loại Faber Castell 9B, Frank Gerritz đặt lớp than chỉ này chồng lớp than chì kia trên một mặt ván MDF phẳng lừ. Kết quả là một mạng những đường thẳng có cấu trúc… hệt như bức tranh ban đầu.
HAMBURG – Bên cạnh phương diện mỹ học và hình thức, những vấn đề về xã hội, văn hóa, chính tị cũng ngày càng trở nên rõ rệt hơn, đòi hỏi một hình thức liên can khác, quyết liệt hơn từ phía người xem. Trong hình là tác phẩm “Coded Language Hardliner”, 2002 của Frank Gerritz. Phía trước là tác phẩm “Magpie Line, Malmö,” 1985 của Richard Long (sinh năm 1945) – một điêu khắc gia, nhiếp ảnh gia, và họa sĩ nổi tiếng của Anh. Long là họa sĩ duy nhất lọt vào danh sách chung kết của giải Turner tới bốn lần, nhưng ông nổi tiếng hơn nữa vì đã từ chối giải này vào năm 1984. Cuối cùng, năm 1989, ông cũng (đành) nhận giải thưởng quý giá này với tác phẩm “White Water Line”.
HAMBURG – Tác phẩm “Untitled (Loverboy)”, 1989 của Felix Gonzalez-Torres (1957-1996), gồm vải xanh mỏng và đồ treo vải. Kích thước thay đổi tùy không gian sắp đặt. Felix Gonzalez-Torres là nghệ sĩ Mỹ gốc Cuba, mất vì AIDS năm 36 tuổi. Ông là người tin một cách chắc nịch rằng nghệ thuật nào cũng là chính trị, dù nó có chủ ý (là chính trị) hay không. Hầu hết các tác phẩm của ông đều có tên là “Untitled”, thỉnh thoảng mới mở ngoặc thêm một cái tên phụ.
HAMBURG – “Ohne Titel”, 1970 của Dan Flavin (1933-1996) là một ngọn đèn nê-ông treo ở góc nhà. Dan Flavin là nghệ sĩ tối giản Mỹ, nổi tiếng với những sắp đặt từ những loại đèn huỳnh quang có bán đầy ngoài cửa hiệu.
HAMBURG – Tác phẩm “Aschehaufen VI”, 1968/71 của Reiner Ruthenbeck – một điêu khắc gia và nhiếp ảnh gia người Đức. Trong tác phẩm của ông về sau hay có thêm… âm thanh.
HAMBURG – Chi tiết tác phẩm “Untitled (Lover Boys)”, 1991 của Felix Gonzalez-Torres (1957-1996).
HAMBURG – “Ohne Titel”, 1973 của Robert Morris.
HAMBURG – “Kniebank auf Tomaten”, 1987 của nghệ sĩ tối giản Đức Andreas Slominski (sinh năm 1959), mãi đến 2009 mới có triển lãm đơn đầu tiên!