Gẫm & Bình

Bí mật bật mí: Mỹ thuật hiện đại từng là vũ khí của CIA 26. 01. 12 - 9:44 am

Frances Stonor Saunders - Hồ Như Mai st và dịch

.

 

Tình báo Mỹ dùng những nghệ sĩ như Pollock và de Kooning trong Chiến tranh lạnh ra sao?

Trong hàng thập kỷ giới nghệ thuật vẫn xem chuyện này là một kiểu tin đồn hay trò đùa gì đó, nhưng giờ đây mọi thứ đã được xác nhận. Cục Tình báo Mỹ CIA từng sử dụng nghệ thuật hiện đại của Hoa Kỳ – với các tác phẩm của những nghệ sĩ như Jackson Pollock, Robert Motherwell, Willem de Kooning và Mark Rothko như một thứ vũ khí trong Chiến tranh lạnh. Theo đúng kiểu của một “Ông hoàng thời Phục Hưng”, nhưng hoạt động bí mật, CIA đã nuôi dưỡng và cổ súy cho hội họa Biểu hiện trừu tượng (Ab Ex) của Mỹ trên toàn thế giới trong hơn 20 năm.

Mối liên hệ này dường như không tưởng. Từng có một giai đoạn, trong những năm 50, 60 đa số dân Mỹ không ưa nổi, thậm chí là khinh rẻ nghệ thuật hiện đại. Tổng thống Truman dường như đã nói lên quan điểm của số đông khi ông phát biểu rằng, “Nếu thứ đó là nghệ thuật thì tôi đúng là một kẻ mọi rợ” (Ông tổng thống dùng từ “Hottentot” – một từ chỉ dân tộc Khoikhoi – từng sống ở Tây Nam châu Phi từ thế kỷ thứ 5, theo một cách kỳ thị ghê gớm. ND). Bản thân các nghệ sĩ, nhiều người trong số đó từng là Cộng sản cũng không được chấp nhận tại Mỹ dưới thời chống cộng kiểu McCarthy vào cuối những năm 40 đến những năm 50. Họ cũng chắc chắn không phải là đối tượng dễ nhận được sự ủng hộ của chính quyền Hoa Kỳ.
Vậy thì tại sao CIA lại bảo kê cho họ? Chính bởi trong cuộc chiến tuyên truyền với Liên Xô, phong trào nghệ thuật mới mẻ này có thể được dùng như bằng chứng của sự sáng tạo, của tự do trí tuệ và sức mạnh văn hóa của nghệ thuật Mỹ. Nghệ thuật Nga thời đó, bị bó chặt xong chiếc áo ý thức hệ Xô Viết, rõ ràng không thể cạnh tranh lại.

Sự tồn tại của chính sách này, qua những lời đồn thổi, rồi được đem ra tranh cãi qua nhiều năm, đến nay cũng đã được chính các cựu quan chức CIA xác nhận. Trong khi các nghệ sĩ không hề hay biết, rằng thứ nghệ thuật Mỹ mới mẻ này đã được bí mật ủng hộ dưới chính sách “long leash – dây xích dài”- với những sắp đặt tương tự như kiểu bảo kê gián tiếp mà CIA từng thực hiện với tạp chí Encounter do Stephen Spender làm tổng biên tập.

Quyết định đem văn hóa và nghệ thuật vào kho vũ khí của Mỹ trong chiến tranh lạnh được thực hiện ngay khi CIA được thành lập vào năm 1947. Thất vọng trước sức hút mà chủ nghĩa Cộng sản vẫn có được đối với nhiều trí thức và văn nghệ sĩ ở phương Tây, CIA đã lập ra một tổ chức, lấy tên là Propaganda Assets Inventory (Kho tài sản tuyên truyền), lúc cao điểm có thể tạo ảnh hưởng với hơn 800 tờ báo, tạp chí và các tổ chức thông tin công cộng. Người ta từng đùa rằng tổ chức này giống như một cái máy hát Wurlitzer, hễ bấm nút thì sẽ chơi bất kỳ bài nào mà CIA muốn trên toàn thế giới.

Dấu mốc quan trọng tiếp theo chính là năm 1950, khi bộ phận đối ngoại International Organisations Division được thành lập dưới sự dẫn dắt của Tom Braden. Chính tổ chức này đã tài trợ cho bản có minh họa của tiểu thuyết Trại Súc Vật của nhà văn George Orwell, rồi đứng sau các nghệ sĩ nhạc jazz, các buổi diễn opera và cả chương trình lưu diễn quốc tế của Dàn nhạc Giao hưởng Boston. Các nhân viên CIA được cài vào ngành công nghiệp phim ảnh, vào các nhà xuất bản, thậm chí là đóng giả các nhà văn chuyên viết về du lịch cho bộ sách du lịch Fodor nổi tiếng. Và bây giờ như chúng ta đã biết, CIA còn đứng ra hỗ trợ phong trào avant-garde vô chính phủ nổi tiếng của Mỹ, chính là chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.

Thoạt tiên, Mỹ có vẻ công khai hơn trong việc tài trợ cho thứ nghệ thuật Mỹ mới mẻ này. Năm 1947 chính phủ đã đứng ra tổ chức và tài trợ cho một triển lãm lưu diễn quốc tế, có tên Advancing American Art, với mục đích phủ nhận những nhận xét từ phía Liên Xô rằng nước Mỹ là một sa mạc về văn hóa. Nhưng triển lãm đã gây ra tai tiếng ngay trong nước, khiến Tổng thống Truman phải thốt lên lời nhận xét ở đầu bài, và một nghị sĩ khác còn chua thêm vào.“Tôi chỉ là một người Mỹ ngu ngốc đi đóng thuế cho thứ rác rưởi này.” Cuộc triển lãm lưu động sau đó đã bị hủy.

Bấy giờ, chính quyền Hoa Kỳ vấp phải một thế tiến thoái lưỡng nan. Thứ chủ nghĩa vật chất này, đi cùng với sự lên án điên cuồng của Joseph McCarthy dành cho tất cả những thứ gì avant-garde hay không chính thống, thật hết sức đáng xấu hổ. Nó phủ nhận ý tưởng rằng nước Mỹ là một nền dân chủ giàu có về văn hóa. Nó cũng khiến cho chính quyền Mỹ không thể nhanh chóng củng cố sự chuyển giao ưu thế văn hóa từ Paris về New York kể từ những năm 1930. Để giải quyết vấn đề này, CIA được huy động vào cuộc.

Mối liên hệ này không đến nỗi quá lạ thường như người ta tưởng. Vào lúc đó, nhân viên của CIA chủ yếu là những người tốt nghiệp những trường danh tiếng nhất là Yale và Harvard; nhiều người trong số đó có sở thích sưu tầm nghệ thuật và viết tiểu thuyết khi rảnh rỗi. CIA lúc đó chính là “hang ổ” của chủ nghĩa tự do, khi so sánh với một thế giới chính trị dưới tay của McCarthy hay FBI của J Edgar Hoover. Nếu có một tổ chức chính thống nào đó có thể đứng ra tôn vinh những người theo học thuyết Lenin, Trotsky và các tay bợm nhậu làm nên Trường phái New York thì đó chính là CIA.

Cho đến nay vẫn không có một bằng chứng trực tiếp nào để chứng tỏ rằng có người đứng ra thiết lập mối liên hệ này. Nhưng lần đầu tiên Donald Jameson, cựu nhân viên CIA đã lên tiếng phá tan sự im lặng. Jameson khẳng định rằng CIA nhìn thấy ở Ab Ex một cơ hội và đã nắm lấy cơ hội đó.

Nói về Ab Ex – Biểu hiện Trừu tượng – tôi ước gì mình có thể nói rằng chính CIA đã phát minh ra nó, chỉ để xem ngày mai sẽ có gì xảy ra ở New York và SoHo,” ông đùa cợt. “Nhưng tôi nghĩ điều chúng tôi thực sự làm khi đó chính là công nhận sự khác biệt. Chúng tôi nhận ra rằng Ab Ex chính là thể loại nghệ thuật khiến cho Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa trông càng cứng nhắc và bó buộc hơn. Và mối liên hệ đó đã được khai thác trong một số triển lãm.

Trong chừng mực nào đó, nhận định của chúng tôi cũng được chính Moscow giúp đỡ, vì thời đó, họ lên án hết sức mạnh mẽ tất cả những gì không phù hợp với những hình mẫu cứng nhắc của họ. Vậy là người ta có thể lập luận khá chặt chẽ và chính xác rằng bất kỳ thứ gì bị Moscow chê bai nặng nề như vậy thì đáng được ủng hộ theo cách này hay cách khác.”

Để làm được chuyện bảo kê giới avant-garde tả khuynh Mỹ (một cách âm thầm), CIA phải đảm bảo sao cho mọi sự hỗ trợ đều được bí mật. “Những chuyện như thế này đều phải làm từ xa,” Jameson giải thích “để không ai có thể nghi ngờ Jackson Pollock, hoặc những nghệ sĩ như thế dính dáng gì đến CIA. Và thực sự mọi thứ đều được giữ khoảng cách vì phần lớn các nghệ sĩ này đều không phục chính quyền, và đương nhiên chẳng coi CIA ra gì. Nếu bạn phải dùng đến những người tự coi mình là gần với Moscow hơn là Washington thì càng tốt hơn nữa.”

Đây chính là chính sách ‘long leash – dây xích dài’. Trọng tâm của chiến dịch mà CIA thực hiện chính là Hội đồng Tự do Văn hóa (Congress for Cultural Freedom), một tập hợp đông đảo các trí thức, nhà văn, sử gia, thi sĩ và nghệ sĩ, được thành lập bằng tiền của CIA hồi năm 1950 và điều hành dưới tay một điệp viên CIA. Đây chính là vị trí đầu não chống lại những đòn tấn công từ Moscow và đồng minh của Moscow ở phương Tây. Lúc cao điểm, tổ chức này có văn phòng ở 35 nước và xuất bản đến hơn hai chục tạp chí, trong đó có cả Encounter.

Hội đồng Tự do Văn hóa còn tạo ra một vị trí lý tưởng để CIA có thể bảo kê âm thầm cho trường phái Biểu hiện Trừu tượng. Hội đồng là nhà tài trợ chính thức cho các triển lãm lưu diễn, các tạp chí sẽ tạo ra diễn đàn cho những bài phê bình có lợi cho thứ hội họa Mỹ mới mẻ này, trong khi đó, chẳng ai (kể cả các nghệ sĩ) biết được chuyện gì đang xảy ra.

 

.

 

Hội đồng đã đứng ra tổ chức một số triển lãm Ab Ex trong những năm 1950. Một trong những triển lãm quan trọng, The New American Painting (Hội họa Mỹ mới), được mang đến mọi thành phố lớn của châu Âu trong những năm 1958-1959. Những triển lãm gây ảnh hưởng khác khi đó chính là Modern Art in the United States (Mỹ thuật Hiện đại ở Hoa Kỳ – 1955) và “Masterpieces of the Twentieth Century” (Những tuyệt phẩm của thế kỷ 20 – 1952).

Mang Ab Ex đi triển lãm nơi này nơi khác rất tốn kém, vì thế các triệu phú và bảo tàng được gọi vào cuộc. Nổi bật trong số đó là Nelson Rockefeller, thân mẫu của ông là đồng sáng lập MoMA ở New York. Là chủ tịch của chính bảo tàng này, Rockefeller là một trong những đại gia lớn nhất của Ab Ex (thứ mà từng được ông gọi là “hội họa tự do”). Bảo tàng của ông được Hội đồng giao cho tổ chức và giám tuyển phần lớn những triển lãm quan trọng.

Bảo tàng này cũng có nhiều mối liên hệ khác với CIA. William Paley, chủ tịch hãng thông tấn CBS và là người sáng lập CIA từng ngồi trong hội đồng quản trị Chương trình Quốc tế của Bảo tàng. John Hay Whitney, từng làm việc cho OSS (tiền thân của CIA) từng là chủ tịch. Và Tom Braden, lãnh đạo đầu tiên của bộ phận quốc tế (IOD) của CIA là thư ký điều hành bảo tàng năm 1949.

Braden năm nay đã ngoài 80. Ông sống ở Woodbridge, Virginia, trong một ngôi nhà đầy các tác phẩm Ab Ex, được canh gác bằng một đàn chó béc-giê to vật. Ông giải thích mục đích của IOD:

Chúng tôi muốn tập hợp tất cả các nhà văn, nhạc sĩ, văn nghệ sĩ, để chứng tỏ rằng phương Tây và nước Mỹ tôn sùng quyền tự do thể hiện và thành tựu tri thức, mà không hề có những ranh giới cứng nhắc nào về chuyện anh phải viết gì, phải nói gì, phải làm gì, phải vẽ gì, như Liên Xô khi đó. Tôi nghĩ IOD chính là bộ phận quan trọng nhất của CIA và tôi nghĩ nó thực sự đóng vai trò hết sức quan trọng trong Chiến tranh lạnh.”

Ông khẳng định rằng cơ quan của mình khi đó hoạt động bí mật vì công chúng vẫn còn hằn học với giới avant-garde. “Rất khó để thuyết phục Nghị viện chấp nhận những việc chúng tôi muốn làm khi đó – đem nghệ thuật, dàn nhạc giao hưởng và xuất bản tạp chí ra nước ngoài. Đó là một trong những lý do vì sao chúng tôi phải bí mật. Mọi thứ lúc đó phải bí mật. Để khuyến khích sự cởi mở, chúng tôi lại phải hoạt động bí mật”.

Nếu điều này tương tự như chuyện đóng vai giáo hoàng với những Michelangelo của thế kỷ 20 thì càng tốt. “Lúc đó cần có giáo hoàng, hay một ai đó có nhiều tiền của để công nhận nghệ thuật và ủng hộ nó,” Braden nói “Và sau nhiều thế kỷ người ta sẽ nói ‘Nhìn kìa, nhà nguyện Sistine, công trình đẹp nhất thế giới!’ Đây là một vấn đề mà nền văn minh nhân loại luôn gặp phải, từ khi có nghệ sĩ đầu tiên và triệu phú/giáo hoàng đầu tiên đứng ra tài trợ. Nhưng nếu không có những triệu phú hay giáo hoàng đó, chúng ta sẽ không có được nghệ thuật.”

Liệu Ab Ex có thể trở thành trào lưu nghệ thuật nổi bật thời hậu chiến nếu không có sự bảo kê này? Câu trả lời có lẽ là có. Nhưng cũng thật sai trái nếu nghĩ rằng ngắm một tác phẩm Ab Ex tức là đang bị CIA bịp.

Nhưng ta hãy nhìn lại, cuối cùng những tác phẩm Ab Ex đi về đâu: trong các sảnh lát đá cẩm thạch của ngân hàng, trong sân bay, trong các tòa thị chính, những phòng họp quan trọng và các gallery lớn. Đối với những cựu binh Chiến tranh lạnh từng ủng hộ Ab Ex, những tác phẩm này là một thứ logo, một chữ ký cho một nền văn hóa, một hệ thống mà họ muốn hiện diện ở tất cả những nơi quan trọng. Như vậy thì, họ thực sự đã thành công.

.

 

Hoạt động bí mật

Năm 1958, triển lãm lưu diễn The New American Painting, với các tác phẩm của Pollock, de Kooning, Motherwell và nhiều nghệ sĩ khác được mang đến Paris. Bảo tàng Tate của Anh muốn có triển lãm ngay sau đó nhưng lại không đủ tiền. Chỉ trong ngày, một triệu phú và người yêu nghệ thuật người Mỹ, Julius Fleischmann đã vào cuộc và sau đó triển lãm được mang đến London.

Tiền mà Fleischemann bỏ ra không phải là tiền riêng mà lại là của CIA. Số tiền này được chuyển qua một tổ chức là Farfield Foundation, nơi Fleischman làm chủ tịch. Dưới vỏ bọc của một tổ chức từ thiện, đây lại chính là một kênh bí mật cho các nguồn tiền của CIA.

Vậy là, trong khi bảo tàng Tate, công chúng và cả nghệ sĩ đều không hề hay biết, triển lãm được mang đến London bằng tiền thuế của dân Mỹ, để phục vụ cho những mục đích tuyên truyền trong Chiến tranh lạnh hết sức phức tạp. Tom Braden mô tả cách lập ra những kênh như Farfield Foundation, “Chúng tôi đến gặp một người giàu có nổi tiếng nào đó ở New York và nói với họ ‘Chúng tôi muốn lập ra một tổ chức như thế này.’ Chúng tôi sẽ nói cho họ biết chúng tôi đang làm gì và yêu cầu họ giữ bí mật, và rồi người đó sẽ nói ‘đương nhiên rồi, tôi sẽ làmvà vậy là có thể đi in giấy tờ với tên người đó ngay trên đầu, rồi lập ra tổ chức. Một công cụ khá là đơn giản.”

Julius Fleischmann rất thích hợp với vai trò này. Ông từng làm thành viên hội đồng quản trị của Chương trình Quốc tế ở MoMa – cũng như nhiều tên tuổi quyền lực khác từng gắn bó với CIA.

Ý kiến - Thảo luận

13:35 Thursday,14.3.2013 Đăng bởi:  cao thanh son

Các bạn đọc bài này có nghĩ đến những "Giải ánh mắt trẻ" của Philip Moris; L'Espace; Viện Goeth... ở Việt Nam không... đã bao nhiêu bạn hãnh diện được tài trợ trưng bày... ở đó? Chắc các bạn đều hiểu cả nhưng được làm nghệ thuật đỡ tốn kém, lại trưng ở những nơi sang trọng, đắt tiền
...xem tiếp

13:35 Thursday,14.3.2013 Đăng bởi:  cao thanh son

Các bạn đọc bài này có nghĩ đến những "Giải ánh mắt trẻ" của Philip Moris; L'Espace; Viện Goeth... ở Việt Nam không... đã bao nhiêu bạn hãnh diện được tài trợ trưng bày... ở đó? Chắc các bạn đều hiểu cả nhưng được làm nghệ thuật đỡ tốn kém, lại trưng ở những nơi sang trọng, đắt tiền (cái này Nghị quyết TW5 hô to mà chả có gì) thì các nghệ nhà ta đều "mackeno". 

 
21:00 Wednesday,1.2.2012 Đăng bởi:  nguyen sinh hung
theo tớ điều này có thật khi ngoại trưởng Mỹ tuyên bố mỗi đồng đo la chuyển ra nước ngoài đều có mục đích chính trị rõ ràng...nhưng mấy HS có ai biết đc chỉ cần vài cái giải của PhilipMoris là NT đương đại VN bây giờ ...hỏng
...xem tiếp
21:00 Wednesday,1.2.2012 Đăng bởi:  nguyen sinh hung
theo tớ điều này có thật khi ngoại trưởng Mỹ tuyên bố mỗi đồng đo la chuyển ra nước ngoài đều có mục đích chính trị rõ ràng...nhưng mấy HS có ai biết đc chỉ cần vài cái giải của PhilipMoris là NT đương đại VN bây giờ ...hỏng 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (Cập nhật 2 và kết thúc?)

Nguyễn Đình Đăng - câu hỏi của Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả