Ở Đâu - Làm Gì

Khai mạc GIẤC MƠ LẠ 27. 01. 12 - 8:39 am

Phạm Huy Thông

GIẤC MƠ LẠ
Triển lãm của họa sĩ Phạm Huy Thông

Tiệc cốc-tai khai mạc diễn ra lúc 18h30 ngày 10. 1. 2012
Địa điểm: Văn Phòng Ernst & Young Singapore
One Raffles Quay, Tháp Bắc,
Tầng 18, Singapore

“Giấc Mơ Lạ” là triển lãm cá nhân lần thứ tư của tôi. Triển lãm trưng bày tại Văn Phòng của Tập đoàn Ernst & Young tại Singapore dưới sự giám tuyển của cố Tiến sĩ Huỳnh Bội Trân Beattie. Khai mạc ngày 10. 1. 2011, triển lãm kéo dài đến giữa tháng 4. 2012.


Ernst & Young là tập đoàn tài chính, kiểm toán, không phải là không gian nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng giống như nhiều tập đoàn tài chính ngân hàng khác, Ernst & Young cũng có chương trình hỗ trợ nghệ thuật. Đến nay, chương trình này cũng đã được 4 năm tuổi. Hoạt động nghệ thuật ở đây diễn ra khá đều đặn với triển lãm thay đổi mỗi 3 tháng. Họ chủ động tìm kiếm các hoạ sĩ có triển vọng để tài trợ tổ chức triển lãm. Lợi nhuận từ triển lãm sẽ được trích 20% để làm từ thiện. Đã có nhiều hoạ sĩ trẻ trong khu vực Đông Nam Á được mời làm triển lãm ở Ernst & Young. Từ Việt Nam, họa sĩ Hà Mạnh Thắng, Lý Hùng Anh đã từng làm triển lãm cá nhân ở đây.


Với họa sĩ, đây là cơ hội tốt để giới thiệu nghệ thuật của mình ra nước ngoài. Với các công ty kinh tế, những chương trình nghệ thuật–từ thiện như thế này là phần không thể thiếu trong các chiến dịch PR nâng cao “quyền lực mềm” của công ty, trang điểm cho thương hiệu của tập đoàn. (Các bác ngân hàng nhà ta chú ý nhé! Muốn bắt tay với đối tác nước ngoài thì phải biết cách “chơi” cùng họ. Tụi tôi gà bài mãi rồi mà các bác cứ bỏ tiền ra mua hòn non bộ là sao? Là sao?).


Văn phòng của Ernst & Young gồm hai tầng, rất rộng. Cố giám tuyển Bội Trân đã động viên tôi huy động trưng bày cả hai bộ tranh “Đồng Bào” (2009-2010) và “Tay” (Hands Series, 2010 – ).

 

Bộ tranh “Đồng Bào” đã được triển lãm một phần tại Bùi Gallery cuối năm 2010. Công chúng Hà Nội đã xem và biết. Bộ tranh “Tay” được tôi khởi động ngay sau khai mạc “Đồng Bào”. Tính đến nay, toàn bộ các tác phẩm của bộ tranh Tay đều đã được vẽ ở nước ngoài vì vậy được chuyển thẳng đến Singapore. Điều tôi áy náy nhất là không thể triển lãm bộ tranh này ở trong nước trước khi bày ở nước ngoài. Nhưng bộ tranh “Tay” sẽ được tôi tiếp tục trong hai hoặc ba năm tới. Xin hẹn một lần khác bày với công chúng Việt Nam.


Như các bạn đã thấy trong thư mời, quan điểm nghệ thuật của tôi vẫn vậy. Tôi vẫn bám lấy các đề tài xã hội diễn ra quanh tôi để làm cảm hứng sáng tác. Mặc cho ai chê tranh tôi là không “nghệ”, là minh họa, truyện tranh (như tôi vẫn thừa nhận) tôi vẫn vẽ theo lối mà tôi thích. Còn tiền, còn sức để ngồi vẽ là tốt rồi.


Dưới đây là một số hình ảnh chụp trong khai mạc triển lãm của tôi… Lễ khai mạc không đông khách, bởi đây là đêm trước của sự kiện Singapore Art Stage, có khoảng 7 khai mạc được tổ chức cùng thời gian.


Nhưng buổi khai mạc có cả khách dự đến từ Việt Nam cũng như khách ở Singapore. Trong ảnh là vợ chồng hai họa sĩ sơn mài Trần Đình Khương và Đoàn Thúy Hạnh.

 

Một vài người Việt sống tại Singapore cũng đến xem tranh.


Một số khác lại ngồi lật giở các bản in photo-lithograph trong cặp files.


Cố giám tuyển Huỳnh Bội Trân Beattie cùng hai curator trẻ của Singapore.


Có sự góp mặt của cô Betty Bùi đến từ Bui Gallery, đơn vị “đại diện” cho bộ tranh “Đồng Bào”.


Triển lãm được thực hiện nhờ lòng yêu nghệ thuật của ngài chủ tịch Ernst & Young Singapore và công sức lao động nhiều tháng trời của giám tuyển cùng với các nhân viên tổ chức sự kiện của Ernst & Young.

Xin chân thành cảm ơn.

Tái bút: Các món ăn trong khai mạc nghe nói đều thuộc loại “hảo hạng”.

 

Ảnh trong bài viết lấy từ nguồn PlushAsia

 

*

Bài liên quan:

– 10. 1: Làm sao xem GIẤC MƠ LẠ của Phạm Huy Thông?
– Khai mạc GIẤC MƠ LẠ

– Bộ tranh “TAY” (Hands Series)

– Thử “đọc” tranh Thông trong bộ Tay

– Bộ tranh TAY – Lần này tranh anh Thông giống tranh anh nào?

Ý kiến - Thảo luận

8:01 Sunday,29.1.2012 Đăng bởi:  admin
Xin lỗi Huế-Hay là Soi không đưa cmt tiếp theo của bạn nữa. Theo Soi thì nó vô bổ, làm mất thì giờ họa sĩ và người đọc. Vẫn lập luận ấy, kết luận ấy, dù cho họa sĩ có giải thích thế nào (và có vẻ như họa sĩ giải thích càng thấu đáo thì bạn càng nổi xung lên, quy chụp sang vấn đề đạo đức).
Như đã thông báo từ đầu năm, diễn đàn này cần được "lành m
...xem tiếp
8:01 Sunday,29.1.2012 Đăng bởi:  admin
Xin lỗi Huế-Hay là Soi không đưa cmt tiếp theo của bạn nữa. Theo Soi thì nó vô bổ, làm mất thì giờ họa sĩ và người đọc. Vẫn lập luận ấy, kết luận ấy, dù cho họa sĩ có giải thích thế nào (và có vẻ như họa sĩ giải thích càng thấu đáo thì bạn càng nổi xung lên, quy chụp sang vấn đề đạo đức).
Như đã thông báo từ đầu năm, diễn đàn này cần được "lành mạnh hóa", tức là những cmt bắt lỗi, cố tình không hiểu, cố tình hiểu sai, quy chụp... Soi sẽ không đưa lên. Thời giờ ai cũng ít ỏi, Soi phải làm thế để tiết kiệm cho thời gian sống của bạn đọc, của chính Soi, mong bạn thông cảm. 
17:56 Saturday,28.1.2012 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Gửi bạn Huế Hay.
Chắc bạn ít làm triển lãm cá nhân nên bạn không hiểu cho công việc của người gây dựng "kịch bản" cho triển lãm. Tớ xin nói thẳng với bạn 3 điều thô thiển như thế này:
1. Đề bài đầu tiên cho triển lãm này là địa điểm có tới hai tầng lầu, rất rộng, cần nhiều tranh mới lấp đầy được. Nếu chỉ một bộ tranh Tay hoặc bộ Đồng Bào thì đ
...xem tiếp
17:56 Saturday,28.1.2012 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Gửi bạn Huế Hay.
Chắc bạn ít làm triển lãm cá nhân nên bạn không hiểu cho công việc của người gây dựng "kịch bản" cho triển lãm. Tớ xin nói thẳng với bạn 3 điều thô thiển như thế này:
1. Đề bài đầu tiên cho triển lãm này là địa điểm có tới hai tầng lầu, rất rộng, cần nhiều tranh mới lấp đầy được. Nếu chỉ một bộ tranh Tay hoặc bộ Đồng Bào thì đơn giản là không đủ quân.
2. Đề bài thứ hai là: Đây là bước thứ hai mà tớ tiếp cận thị trường Singapore sau triển lãm Post Đổi Mới bày ở Bảo tàng SAM đã lâu rồi. Nên việc ra quân càng hùng hậu, càng gây ấn tượng càng tốt. (vì sao E&Y quan trọng thế, tớ thật không tiện nói ra, nhưng nên biết rằng các sưu tập gia ở Sing có quan hệ mắt lưới rất chặt chẽ với nhau). Mà E&Y chỉ cho mỗi hoạ sĩ một cơ hội mà thôi. Vậy nên tớ phải huy động hai bộ tranh gần đây nhất mà tớ thấy phản ánh gần gũi nhất sự phát triển của tớ ở thời điểm hiện tại.
Cô Bội Trân và tớ đã nhiều lần bàn bạc thể thức cho triển lãm này. Bộ Đồng Bào và bộ Tay tuy "công thức" tạo hình khác nhau nhưng cùng là những suy nghĩ của tác giả (tớ) về cuộc sống, thế sự. Sự phát triển tư duy có tính kế thừa giữa hai bộ tranh.
3. Nếu đưa ra một cái tên chung chung vô thưởng vô phạt thì cũng được thôi. Nhưng tớ lại ứ khoái làm thế. Tranh của tớ bức nào cũng thuộc dạng khó nịnh mắt (dù tớ là một thằng khá duy mỹ). Tớ hay đùa với người mua là đừng có dại mà treo đầu giường, sẽ gặp ác mộng đó. Tựa đề Giấc Mơ Lạ (tuy ý nghĩa ban đầu nói về chuyện biển đảo) là cái tên khả dĩ bao phủ được toàn bộ không khí của các tác phẩm. Ví dụ "chuối" và "ngao" mà bạn đưa ra, tớ thấy, là một sự so sánh khập khiễng.
Bộ tranh Đồng Bào của tớ thì bạn biết rồi, bộ tranh Tay cũng vừa giới thiệu. Bạn nếu có nhã hứng đặt cho tớ mấy cái tên theo ý bạn được thì tốt, biết đâu lại là gợi ý cho tên triển lãm sau này của tớ ở Việt Nam hoặc ở đâu đó. Lúc đó xin hậu tạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả