Nghệ sĩ Việt Nam

ĐIỂM ĐẾN 1, mà theo họa sĩ Bằng Lâm là “không gian mới, co giật mới” 26. 03. 12 - 10:21 pm

Bài và ảnh: Tịch Ru

 

.

ĐIỂM ĐẾN I
Triển lãm tranh của các họa sĩ Malaysia và Việt Nam

Khai mạc: 17h thứ Bảy ngày 24. 3. 2012
Thời gian: từ ngày 24. 3 đến hết ngày 1. 4. 2012
Địa điểm: Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam (số 66 – Nguyễn Thái Học, Hà Nội)

 

Tham dự triển lãm Điểm Đến 1 có hai họa sĩ Malaysia là Zaim bin Durulaman, Yusof Ghani, cùng năm họa sĩ Việt Nam là Ngô Hải Yến, Nguyễn Thân, Vũ Hòa, Ngô Văn Sắc, Lưu Tuyền.

Rất nhiều người đến từ sớm, trước giờ khai mạc mà phòng triển lãm đã rất nhộn nhịp. Đây là quang cảnh phòng triển lãm 1.

Phòng triển lãm 2. Hôm nay cũng có rất nhiều bạn trẻ đến xem. Chẳng mấy khi được xem tranh của các nước bạn vùng Đông Nam Á mà.

Các bác cao tuổi cũng đông. Thích các bác ở cách xem cẩn thận rồi bàn luận rất tỉ mỉ về tranh; nhất là tranh của Zaim bin Durulaman.

Phần lớn khai mạc nào cũng thế, người lớn tuổi có vẻ xem tranh kĩ hơn đám thanh niên. Như vị khán giả này dừng lại rất lâu trước tranh của Nguyễn Thân. Nghe nói, sau giờ khai mạc, họa sĩ Nguyễn Thân sẽ chiêu đãi khán giả bằng một bài saxophone.

Cả phòng triển lãm trang trọng, riêng tờ thông cáo báo chí lại hơi nhem nhuốc. Ai lại dán như thế này bao giờ.

17h30 bắt đầu khai mạc triển lãm Điểm Đến 1. Hôm nay nhà báo Đào Mai Trang phụ trách làm phiên dịch.

Curator Nguyễn Tâm lên phát biểu. Chị cảm ơn quý vị đã đến tham dự, cảm ơn bảo tàng mỹ thuật Việt Nam đã tạo điều kiện để chúng tôi có buổi triển lãm ngày hôm nay. Với mong muốn của anh em họa sĩ và cá nhân tôi sẽ không chỉ dừng lại ở điểm đến I mà còn nhiều điểm đến nữa cho tương lại. Triển lãm thành công là sự cộng hưởng tinh thần tập thể của họa sĩ cũng như nhà tổ chức. Chúng tôi mong muốn một ngày không xa Việt Nam sẽ là trở thành thị trường nghệ thuật. Điểm đến I là điểm khởi đầu cho các điểm đến tiếp theo, không chỉ có của Việt Nam và Malaysia mà còn với nhiều quốc gia khác nữa.

Đến lượt họa sĩ Bằng Lâm phát biểu trong lễ khai mạc.

 

Họa sĩ Bằng Lâm có một bài phát biểu điểm qua từng nghệ sĩ. Lần này họa sĩ dùng một từ mới: “co giật” (thay cho từ “trăn trở”?). Xin ghi lại nguyên văn, có nhiều câu khá trúc trắc, người chép lại cũng không hiểu lắm nên không dám lược hay tóm tắt:

“Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý. Trước tiên cho phép gửi đến quý vị lời chúc sức khỏe và lời chào chân trọng nhất. Như chúng ta đã biết, triển lãm mỹ thuật Điểm Đến I của các họa sĩ Việt Nam và Malaysia đã có sự chuyển biến rất rõ nét trong sự sáng tạo nghệ thuật. Mỗi tác giả, mỗi nghệ sĩ đều thể hiện phong cách riêng của cá nhân mình. Các nghệ sĩ đã thể hiện được không gian, sự co giật không được thể hiện mới trong nghệ thuật hiện đại.

“Vừa qua, trong triển lãm của Nguyễn Thân về người đàn bà mà họa sĩ đã vẽ, chúng ta đã thấy cảm phục: nghệ sĩ đã sáng tạo một phòng tranh hết sức đa dạng và đầy sức sống.

Họa sĩ Yusof Ghani hàng đầu Malaysia đã đem cho chúng ta không gian mới – không gian co giật, để làm cho sự sáng tạo của mình, cho nền nghệ thuật của Malaysia lần này, thể hiện được sự độc đáo trong sáng tạo nghệ thuật của mình mà lần đầu tiên nghệ sĩ đến Việt Nam.

“Họa sĩ Vũ Hòa, làm việc tại Paris, đã đem các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam sang Paris. Họa sĩ đã mang cho chúng ta một loạt tranh trừu tượng trên sơn mài biểu hiện được sự sáng tạo trong nghệ thuật đương đại nhưng là đối với nghệ thuật dân tộc.

“Họa sĩ Zaim bin Durulaman đến từ Malaysia có một không gian riêng – không gian ở những bến cảng, những con tàu, những không gian (mà) nghệ sĩ đã tự sáng tạo cho mình.

“Nghệ sĩ Hải Yến, tôi rất yêu mến vì nghệ sĩ người nhỏ bé nhưng nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm sơn mài cỡ lớn. Không gian đó đã tạo một không gian riêng của nghệ sĩ Hải Yến, và đã tạo một tình yêu nồng nàn, tình yêu với con người, với người phụ nữ.

“Nghệ sĩ Lưu Tuyền rất thích trẻ em, nhưng không gian này khác hẳn với không gian từ trước tới nay, nghệ sĩ tự vượt chính mình để làm nghệ thuật.

“Nghệ sĩ Ngô Văn Sắc, tôi hết sức yêu mến, nghệ sĩ vẽ tranh hiện thực rất sáng tạo. Nhưng nghệ sĩ đã bỏ hiện thực đó và vẽ bằng không gian chính của mình bằng phương pháp in khắc gỗ độc bản mà chúng ta thấy đứng được lâu trong sự sáng tạo của nghệ sĩ.

“5 nghệ sĩ Việt Nam , 2 nghệ sĩ Malaysia, mỗi người một vẻ, mỗi người một phong cách. Phải nói nghệ sĩ Việt Nam đã vượt lên chính mình để vươn tới tầm thế giới. Trong 20 năm đổi mới, nghệ thuật Việt Nam đang phát triển đổi mới vươn lên sự hiện đại. sự rung cảm trong cách nhìn nghệ thuật mới để tạo ra nền nghệ thuật nước ta ngày càng phát triển ngày càng đi lên.

“Tôi xin công bố khai mạc triển lãm những tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam Malaysia Điểm Đến I ngày hôm nay. Cảm ơn curator Nguyễn Tâm đã nối kết các nghệ sĩ Malaysia và Việt Nam. Từ trước đến nay ta thường để cho cơ quan chúng ta làm. Lần đầu tiên một cá nhân làm nên sự kết nối đó, tạo sự hưng phấn để cho nghệ thuật hai nước càng ngày càng phát triển.”

Khi cô Đào Mai Trang đang phiên dịch thì họa sĩ Nguyễn Thân lấy saxophone ra thổi… Thú thật là hơi thiếu tế nhị và thực tế thì họa sĩ thổi cũng không hay cho lắm, nhưng thôi, hoan nghênh tinh thần đóng góp của họa sĩ. Sau đó cô Đào Mai Trang lại phải thay mặt ban tổ chức giới thiệu về các họa sĩ Việt Nam và Malaysia.

Trong lúc họa sĩ Nguyễn Thân thổi saxophone, họa sĩ Đào Anh Khánh định lên trình diễn nhưng chị Nguyễn Tâm kéo ra kịp thời.

Và sau đó, họa sĩ Nguyễn Thân thay mặt nhóm họa sĩ lên cảm ơn mọi người đã đến tham dự triển lãm Điểm Đến 1.

Các họa sĩ tham gia, từ trái qua phải: Nguyễn Thân, Ngô Hải Yến, Vũ Hòa, Yusof Ghani, Lưu Tuyền, Zaim bin Durulaman, Ngô Văn Sắc.

 

Một số hình ảnh các họa sĩ tham gia triển lãm:

Họa sĩ Nguyễn Thân từ trong Sài Gòn ra

Họa sĩ Zaim bin Durulaman (đội mũ áo trắng) đang nói chuyện với chị Đào Mai Trang và phóng viên Mạnh Hà của báo Tiền Phong.

Họa sĩ Vũ Hòa đang đứng cạnh tác phẩm của anh.

Họa sĩ Ngô Hải Yến đang trả lời phỏng vấn

Họa sĩ người Malaysia Yusof Ghani chụp ảnh cạnh tác phẩm của ông. Ông có vẻ hơi e dè hơn họa sĩ Zaim bin Durulaman.

Họa sĩ Lưu Tuyền

Họa sĩ Ngô Văn Sắc (áo carô). Đằng xa là nghệ sĩ Đào Anh Khánh và nhạc sĩ Trí Minh đang nói chuyện.

Curator của triển lãm - chị Nguyễn Tâm - đang nói chuyện với họa sĩ Vũ Hòa (áo tím). Đằng xa là họa sĩ Đỗ Hiệp đang tán dóc cùng bạn bè.

 

Sau đây là một số tác phẩm trong triển lãm:

“Pisang Emas Di Bawa Belayar #27”. Chất liệu tổng hợp. 167.5cm x 167.5cm, của Zaim Durulaman.

“Pisang Emas Di Bawa Belayar#22”, chất liệu tổng hợp, 61cm x 61cm. Bên cạnh là “Penantian #3”, chất liệu tổng hợp, 61cm x 61cm (chả hiểu sao có ba bức tranh mà lại chỉ có hai cái tiêu đề), của Zaim Durulaman.

“Gunung Daik Bercabang Tiga #4”, chất liệu tổng hợp, 70cm x 120cm, của Zaim Durulaman

“Mãnh lực”, chất liệu tổng hợp, 58cm x 45.5cm, của Yusof Ghani

“Mãnh lực II”, chất liệu tổng hợp, 45.5cm x 58cm, của Yusof Ghani

“Búp bê bọc ni lông”, sơn dầu, 150cm x 140cm, của Lưu Tuyền

“Say II”, sơn mài, 120cmx 200cm, của Ngô Hải Yến

“Đêm II”, khắc gỗ tổng hợp, 200cm x 218cm, Ngô Văn Sắc

“Giấc mơ trưa”, khắc gỗ, 100cm x 83cm, của Ngô Văn Sắc

“Trừu tượng III”, sơn mài, 100cm x 100cm, của Vũ Hòa

”Trừu tượng I”, sơn dầu, 120cm x 200cm, của Vũ Hòa

“Người đàn bà trong cửa sổ VI”, tổng hợp, 90cm x 100cm, của Nguyễn Thân

“Người đàn bà trong cửa sổ II”, chất liệu tổng hợp, 100cm x 200cm, của Nguyễn Thân

 

Buổi khai mạc diễn ra đông, vui. Nhưng theo phản ánh của nhiều bạn trẻ thì hình như một số tranh nước sơn còn mới, mùi sơn khá rõ… không biết có phải mới được vẽ không. Triển lãm kéo dài từ 24. 3 đến 1. 4. 2012. Các bạn tranh thủ đến xem tranh các họa sĩ nhé. Nói theo từ mới phát minh của chú Bằng Lâm là xem họ “co giật” thế nào.

 

*

Bài liên quan:

– 24. 3: ĐIỂM ĐẾN I – Đừng bỏ lỡ nhé!
– Về các họa sĩ trong ĐIỂM ĐẾN I

– ĐIỂM ĐẾN 1, mà theo họa sĩ Bằng Lâm là “không gian mới, co giật mới”

 

Ý kiến - Thảo luận

20:53 Sunday,5.8.2012 Đăng bởi:  Artist NGUYỄN TẤT TÂM
Tranh VŨ HÒA có tiếng nói huyền ảo, tranh thầy SẮC thì chú trọng mảng đen, trắng và đi sâu vào nội tâm. Xáo động, thống nhất và hiện thực.
...xem tiếp
20:53 Sunday,5.8.2012 Đăng bởi:  Artist NGUYỄN TẤT TÂM
Tranh VŨ HÒA có tiếng nói huyền ảo, tranh thầy SẮC thì chú trọng mảng đen, trắng và đi sâu vào nội tâm. Xáo động, thống nhất và hiện thực. 
18:07 Friday,30.3.2012 Đăng bởi:  đang cố học
Với triển lãm này thì cũng không nên nói gì nhiều, có lẽ nên khen các bạn trẻ và nên để một chút lắng để kiểm chứng các bạn ngoại quốc. Dù sao thì cũng thấy Zaim Durulaman là châu á xịn rồi: tỷ mỷ quê mùa và khéo léo, trong đó có mùi và có thơ. Anh kia thì tôi không thích vì đó là người châu Âu thì phải!
...xem tiếp
18:07 Friday,30.3.2012 Đăng bởi:  đang cố học
Với triển lãm này thì cũng không nên nói gì nhiều, có lẽ nên khen các bạn trẻ và nên để một chút lắng để kiểm chứng các bạn ngoại quốc. Dù sao thì cũng thấy Zaim Durulaman là châu á xịn rồi: tỷ mỷ quê mùa và khéo léo, trong đó có mùi và có thơ. Anh kia thì tôi không thích vì đó là người châu Âu thì phải! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả