|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhPhim từ đĩa: WAR HORSE – Đẹp đến ngỡ ngàng 09. 06. 12 - 1:38 amPha Lê tổng hợp
Không phải phim nào của Steven Spielberg cũng là “top”, là kinh điển, nhưng không phim nào dưới trung bình, và phim nào cũng đáng xem. Lý do đơn giản: hình ảnh đẹp có một không hai, và nhạc của John Williams. Năm nay, Spielberg ra mắt War Horse (Chiến mã), và liếc sơ qua vài đoạn thì cũng biết phim này sẽ được đề cử vô số Oscar. Hành trình lên màn ảnh của bộ phim này khá là dài, đầu tiên nó là một tiểu thuyết dành cho trẻ em, sau đó được chuyển thể thành kịch, diễn trên sân sấu của khu West End của London (năm 2007, vở kịch này hiện vẫn liên tục diễn mỗi ngày cho tới hôm nay). Và bây giờ, Spielberg chuyển vở kịch thành phim. Câu chuyện bắt đầu ở vùng Devonshire, Anh Quốc; Ted Narracott – một nông dân – tham gia buổi đấu giá của tỉnh để mua ngựa kéo cày (dân Anh không dùng trâu). Nhưng Ted nhìn thấy một con ngựa giống tuyệt đẹp và muốn mua nó về. Ngựa giống thường chỉ dành cho dân có tiền, còn nông dân như Ted phải thực tế, mua ngựa nhằm lo chuyện đồng áng. Xui xẻo thay, tên địa chủ Lyons của vùng Devonshire cũng thích con ngựa. Muốn trêu ngươi Lyons, Ted quyết định trả giá cao và đem con ngựa về, khiến vợ của ông phải ré lên.
Nhưng Albert – con trai Ted – thì thích mê chú ngựa. Cậu đặt tên nó là Joey, chăm nó, nuôi nó lớn, huấn luyện nó. Biết rằng Joey không phải ngựa kéo cày, nhưng nếu Joey không làm được việc thì gia đình cậu sẽ chết đói, nên Albert và Joey cùng cố gắng hoàn thành điều không thể. Cuộc sống ở nông trại có khó khăn thật, nhưng ai cũng hạnh phúc, nhất là cặp bạn đồng hành Joey/Albert, cho đến khi Thế chiến thứ nhất nổ ra.
Vốn nghèo, Ted hiểu rằng chiến tranh sẽ khiến gia cảnh của mình suy sút hơn bội lần, không còn cách nào khác, ông nhắm mắt bán Joey cho quân đội, mặc cho Albert khóc lóc van nài. Từ đây, cuộc sống mới của Joey bắt đầu. Trong chiến tranh, ngựa như một dạng của cải, chủ cũ chết thì nó sang tay chủ mới. Hoàn cảnh đưa đẩy Joey làm đầy tớ cho quân Anh, đến quân Đức, đến nhà của một bác nông dân ở Pháp. Liệu Joey có được hội ngộ với Albert? Liệu Joey có sống sót sau chiến tranh, trong khi hàng ngàn con ngựa khác bỏ mạng?
Cuộc chiến nào cũng tàn khốc, tại sao ta phải phí một bộ phim để kể chuyện ngựa? Nhưng chính ra, War Horse đã lột tả được sự tàn khốc của chiến tranh. Làm người, ai cũng có lý do để gia nhập quân đội, có thể đó là vì ta bị ép đi, bị gọi đi, hay vì ta đi theo một lý tưởng, lẽ phải, hay đơn giản chỉ vì muốn bảo vệ đất nước của mình. Nhưng động vật không suy nghĩ như thế, chúng – như Joey – bị thảy vào cuộc chiến mà chúng không bao giờ hiểu nổi, chúng chỉ có mỗi bản năng để đối phó. Mọi người hay nói rằng: chiến tranh gây đau thương cho bao kẻ vô tội, nhưng chẳng mấy ai hiểu loài người không phải loài duy nhất chịu thiệt. Ngựa, bồ câu (đưa thư), gia súc… có số phận tệ hơn nhiều, vì ai cũng nghĩ rằng mạng người quý hơn, và ta tự cho mình cái quyền đặt mạng sống của mình lên trên mạng của một con ngựa. Ngựa bị bắn trong lúc giao chiến, rồi quân đội dùng ngựa để kéo những khẩu súng thần công nặng cả tấn, kéo cho đến khi chúng kiệt sức hay bị thương mà chết. Thực tình thì quân đội cũng chả có thức ăn hay thuốc để mà phí cho việc chăm ngựa, nên con này đuối sức thì họ lôi ra bắn bỏ, thế con khác vào. Chúng ta thường không mấy để ý đến những việc ta cho rằng chẳng phải của mình; Rừng bị phá? Tức lắm, nhưng thôi, làm gì được bây giờ. Dân lao động không có tiền lo cho con ăn học? Chịu vậy, ai mà giúp hết cả thiên hạ nổi. Ngựa bị ngược đãi trong Thế chiến thứ nhất? Làm sao bây giờ, người còn chết như rạ, nói chi tới ngựa. Nhưng khi chúng ta gặp một nhân vật cụ thể, nghe thấy câu chuyện, chứng kiến được nỗi khổ của nhân vật đó, tự nhiên những cái “không liên quan” hóa thành gần gũi; bỗng dưng việc ngựa bị đẩy vào một cuộc chiến do loài người gây ra là việc không thể chấp nhận được.
Kết quả, bộ phim có những cảnh khiến người xem phải mắc nghẹn, muốn khóc mà không khóc được, “kẻ tội phạm” khiến cảm xúc của ta bị giằng xé là Steven Spielberg, “kẻ đồng phạm” là John Williams. Góc máy của Spielberg luôn có một vẻ đẹp cổ điển, đẹp đến não nề, đẹp ngây ngất. Không ai trên thế giới này quay phim như Spielberg quay. Nói chung thì mỗi đạo diễn (giỏi) luôn có phong cách quay khác nhau. David Lynch thích những cảnh quay cận, u ám; Mike Leigh thích quay tâm trạng hơn là quay người; Peter Jackson và James Cameron luôn tìm cách đổi mới kỹ thuật quay. Còn Spielberg? Ai có thể quên cảnh bé Elliot chở người ngoài hành tinh E.T bay ngang qua mặt trăng trong phim “E.T”? Ai có thể quên cảnh tiến sĩ Sam nhìn thấy con khủng long vươn đầu lên gặm lá cây trong phim “Công viên kỷ Jura”? Hình ảnh của Spielberg đầy chất thơ, vượt qua cả khả năng diễn đạt của ngôn ngữ, chúng là những biểu tượng nghệ thuật mà người nào điên lắm mới dám ‘không xem’. Cảnh đoàn quân Anh phóng ngựa qua cánh đồng lúa mì, cảnh Albert và Joey cày những thửa ruộng đầu tiên, và một trong những loạt cảnh tuyệt nhất của thế kỷ: chú ngựa Joey hoảng sợ đâm đầu vào vùng giao chiến, chạy qua hầm hào của quân Đức, băng qua trận tuyến và bị cọc bẫy lẫn hàng rào kẽm gai xé rách da thịt. Và người đẩy những cảnh quay này lên tầm cao mới chính là nhà soạn nhạc John Williams – nghệ sĩ (còn sống) giữ kỷ lục “được đề cử nhiều Oscar nhất” (nhiều đến mức có năm ông chả thèm đi dự vì chán). Nhạc của ông nổi tiếng không thua gì phim của Spielberg, và ông gần như chỉ làm nhạc cho phim Spielberg, hiếm lắm mới thấy ông làm nhạc cho phim của đạo diễn khác (tỷ như phim “Star Wars – Chiến tranh giữa các vì sao“; hay “Harry Potter“). Người nào ít mặn mà với Spielberg thì cũng phải xem phim này vì John Williams, thưởng thức những bản sáo đậm chất thơ mộng của vùng quê Devonshire, rồi những bản nhạc chiến hoành tráng nhưng não nề. Vậy đó, khi chứng kiến thấy Joey vật lộn trong chiến tranh, ta chực khóc, nhưng cũng ngay lúc này, máy quay của Spielberg mở ra, đem những hình ảnh thơ mộng đến thót tim đập vào mắt người xem; rồi nhạc của John Williams nổi lên, và chúng ta bị sự hoàn hảo của cái đẹp, của nghệ thuật lấn át. Mọi thứ đang buồn bỗng nhiên dừng lại, tâm hồn ta vỡ òa, ta như đang bay bổng cùng Spielberg và John, nếu có khóc thì người xem sẽ không khóc vì tội nghiệp Joey, mà sẽ khóc vì họ chưa bao giờ thấy cái gì đẹp đến như vậy. Người nào không tin tôi, hãy lên Youtube để xem Trailer.
Khỏi phải nói, phim này chuyển thể từ kịch, nên có những đoạn khá là… ủy mị. Nhưng Spielberg không phải tay mơ. Một số đạo diễn không biết rằng phim của mình là ủy mị, sến táu; một số thì biết, nhưng cho rằng khán giả thích thế, làm sâu sắc quá thì sợ không ai hiểu. Spielberg cũng biết, nhưng ông “tấn công trực diện”, chủ động nhào vào nắm lấy sự ủy mị, làm chủ nó, bắt nó phải khuất phục mình, ông có thừa kinh nghiệm và đủ tự tin, nên dù người xem biết rằng phim có đoạn ủy mị, không ai có gì để phàn nàn, vì đây là ủy mị kiểu Spielberg, nó quá độc đáo đi. Vì thế, nếu bạn có dư vài chục ngàn và hai tiếng rưỡi đồng hồ, làm ơn mua phim War Horse về xem. Có thể bạn chẳng thích ngựa, cũng không ưa gì chiến tranh, nhưng bỏ mất một phim đẹp như thế này thì quả là phí mất đời người. * Lưu ý: Nhớ kiểm tra chất lượng trước khi mua, xem đĩa chất lượng kém, âm thanh rè rè thì uổng hết cả công của Spielberg cũng như John. Bạn nào biết cách tải phim thì làm ơn lên mạng tải bản HD hay Blue Ray về xem.
Ý kiến - Thảo luận
12:21
Sunday,10.6.2012
Đăng bởi:
phale
12:21
Sunday,10.6.2012
Đăng bởi:
phale
Có bán đĩa DVD thôi bạn hieniemic ơi!!!
6:28
Sunday,10.6.2012
Đăng bởi:
hieniemic
Rạp Việt Nam có chiếu War Horse không ha chị Pha Lê?
...xem tiếp
6:28
Sunday,10.6.2012
Đăng bởi:
hieniemic
Rạp Việt Nam có chiếu War Horse không ha chị Pha Lê?
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp