Ăn uống

Làm Souvlaki cho thần và hàng xóm hít khói 06. 12. 15 - 7:37 pm

Pha Lê

Màn nướng thịt bê bò heo tế thần là không xa lạ gì đối với người dân của các nền văn minh xưa. Người Hy Lạp cổ cũng thế, đọc tích Hy Lạp toàn thấy nhân vật trong đó tế con này, tế con kia – nhiều khi tế cả… con mình.

Tục nướng thịt bằng lửa với cúng kiếng của người Hy Lạp thường gắn liền với tích về thần Prometheus, đặc biệt bản do nhà thơ Hesiod kể. Ông thần này một là có công cướp lửa của Hestia đem cho loài người, hai là bày cho loài người cách lừa thần hòng lấy phần thịt ngon về ăn, còn lại cúng thần linh phần xương (láo thế!).

“Prometheus cướp lửa”, Jan Cossiers, 1630. (Hình trong bài: internet)

Tất nhiên Hesiod kể cho nó kịch tính mỹ miều thế, chứ đúng ra hồi xưa không ai nghĩ mình đi cúng thần phần thịt. Theo dân Hy Lạp, thần không có ăn, do ăn xong phải… thải, mà ý tưởng thần thánh quyền năng ôm quần vào toa-lét nghe hơi thô bỉ. Buồn cười là ngày nay nhiều người cũng nghĩ thế, chả trách sao trong tiểu sử của Kim Jong-il, phía Triều Tiên viết rằng ngài Jong-il không có đi ngoài bao giờ.

Thế nên người Hy Lạp xưa mới cho rằng họ cúng thần bằng khói. Nói chung đã là người thì gần như ít ai cưỡng lại được cái mùi thịt nướng than gỗ, chắc do bản năng mấy nghìn năm thui bê thui bò lúc chúng ta mới biết cách dùng lửa. Điều này cộng với việc khói toàn bốc lên trời đã khiến dân Hy Lạp xưa suy đoán là thần nhà ta chỉ hít khói thơm thôi. Mỗi lần nướng thịt, dân Hy Lạp cúng cho thần phần khói ấy.

Chiếc bình cổ có vẽ cảnh người dân nướng thịt cúng thần, thần bay trên cao “gom khói”

Bởi vậy mà ẩm thực Hy Lạp có nhiều món thịt nướng ngon lắm, đặc biệt là món souvlaki nổi tiếng. Thời xưa món này có tên obeliskos, do chữ obelos cổ có nghĩa là “que xiên”. Ngày nay người Hy Lạp gọi nó là souvlaki cho hợp thời, vì chữ souvla trong tiếng Hy Lạp hiện đại cũng có nghĩa “que xiên” – thịt nướng mà. Vết tích của món này có từ thế kỷ 17 trước Công Nguyên lận – nghe thật hết hồn. Các nhà khảo cổ từng tìm thấy hai phiến đá đẽo, trên bề mặt có rãnh để gác que nướng thịt.

Hai phiến đá thời thế kỷ 17 trước Công Nguyên, tìm thấy ở đảo Santorini, Hy Lạp. Người xưa sẽ đặt chúng ngay lò sưởi, xiên thịt vào que rồi để đấy nướng.

Thời nay, dân Hy Lạp nướng thịt souvlaki theo đủ cách, cách gọi là “truyền thống” một chút sẽ dùng lò nướng ngoài trời bằng sắt, dùng que to xiên miếng thịt to, chỗ gác que xiên phải nằm ở trên than một chút, ở dưới trống để không khí lưu thông chứ không gắn vỉ, và chỗ gác que xiên cũng phải hở một phần để người nướng tiện xoay xoay que xiên cho thịt chín đều.

Lò nướng souvlaki truyền thống: đặt que thịt trên than rồi xoay xoay cho chín đều – gần như mô phỏng hai phiến đá cổ thời trước Công Nguyên kia. (Hình trong toàn bộ bài lấy từ internet)

 

Mỗi que xiên thường to và nhiều thịt, nướng bốc khói để “cúng” thần linh.

Souvlaki kiểu “đại trà”, bán nhiều cho khách du lịch là loại nướng vỉ hoặc nướng lò gas. Souvlaki chỉ dùng heo, cừu hoặc gà thôi, nhưng ngày nay để đáp ứng nhu cầu của đủ loại người, một số nhà hàng có nướng thêm món cá souvlaki.

Souvlaki nướng vỉ bán cho du khách ở Athens, que xiên cũng nhỏ hơn.

Thịt souvlaki thường dùng kèm tzatziki với bánh mì dẹt hoặc cơm. Món này ngon một phần là do nó ướp đơn giản, nhưng ướp lâu. Thành phần thường chỉ có muối tiêu, dầu ô-liu, chanh, thật nhiều rau thơm – thường là oreganothyme. Quậy tất cả thành hỗn hợp rồi ngâm cho các viên thịt ngập trong đó, để chừng… một ngày. Xong rồi đem xiên que và nướng than, trước khi ăn vắt thêm lát chanh với bằm rau oregano, thyme, basil gì đấy để rải lên thịt nữa, đảm bảo thơm ngon.

Xâu souvlaki mới nướng ra phải nói là ngon điên cuồng. Nếu đủ thời gian để ngâm dầu ô-liu trong một ngày thì ta có thể dùng thịt ít mỡ được, do dầu lúc ấy đã thấm vào thịt, giúp thịt bớt khô. Chứ thịt nạc ướp sơ đem nướng sẽ chán lắm, chẳng có mỡ thành thử luôn khô queo. Nếu siêng, nên vừa nướng vừa phết thêm phần hỗn hợp ướp còn sót lại.

 

Thấy que xiên toàn thịt ngán, xỏ xen kẽ vài món như hành Tây hoặc ớt chuông vào.

Yếu tố thứ hai giúp souvlaki ngon là tzatziki. Người Hy Lạp gọi tzatziki là xa-lát, nhưng họ cũng dùng nó như một dạng sốt chấm. Nguyên liệu của nó gồm ya-ua Hy Lạp (loại vắt nước nên cực đặc), dưa leo bào, tỏi bằm, muối tiêu, dầu ô-liu, và bạc hà trộn lại. Tzatziki nổi tiếng vừa béo, vừa mát, vừa thơm tho dễ ăn, lại chua chua. Chẳng biết có phải do nó béo chua với chứa nhiều khuẩn giúp tiêu hóa hay không mà chấm souvlaki vào đấy thì chỉ lăn quay ra chết. Thịt nướng ngon quá mà, sốt tzatziki lại giúp ta ăn hoài không thấy ngán, bụng cứ nhè nhẹ, ai ham thấy chưa đầy bụng để rồi xơi thêm phần nữa thì ôi thôi sập bẫy. Ăn xong đứng dậy mới biết rằng mình lỡ nhai quá nhiều. Cũng may vì có ya-ua nên đầy ứ một lúc thôi, nhanh tiêu kinh.

Qua bao năm, dù tin hay không còn tin nữa, người Hy Lạp vẫn cho các vị thần của mình hít khói no nê. Mời các bạn xem một số souvlaki ngày nay nhé:

Sốt tzatziki, mùa nào có trái bơ, bằm nát bơ ra trộn vào sốt luôn cho nó thêm ngon.

 

Souvlaki gà xiên bí ngòi với chén tzatziki bên cạnh.

 

Có tzatziki là một người có thể ăn tới mấy que thịt! Ai sợ béo thì ăn ít lại chứ đừng đổi tzatziki thành sốt khác nhé, không ngon đâu.

 

Món souvlaki truyền thống, ăn kèm tzatziki và bánh mì dẹt.

 

Souvlaki ăn kèm cơm cũng ngon, nhưng phải là cơm hạt dài, nấu kèm gia vị như saffron (nhụy hoa nghệ Tây) hoặc quế hồi đinh hương… để cơm có màu và có mùi gia vị (món Địa Trung Hải vốn khoái dùng nhiều rau thơm với gia vị lắm). Như vậy ăn kèm thịt nướng và tzatziki mới hợp.

 

Bánh mì dẹp kẹp souvlaki cá hồi và cà chua bi. Cá hồi là biến thể của nước khác, chứ thực ra cá này làm theo kiểu souvlaki chả ngon mấy.

 

Nếu phải nấu souvlaki cá, người Hy Lạp hay chọn cá kiếm cho dai thịt. Trong ảnh là souvlaki cá kiếm, ăn kèm tzatziki, cà chua, bạc hà, và thì là.

 

Nhà hàng Hy Lạp cao cấp sẽ lôi souvlaki ra thí nghiệm, làm thành đủ món như món souvlaki thịt thỏ này, xiên vào que sao cho ra thành hình giống “kẹo mút”.

 

Tzatziki kéo thành một vệt vòng để trang trí, thịt souvlaki nướng xong đem cuốn… bánh tráng (trên rải mè) cùng rau.

 

Ý kiến - Thảo luận

0:28 Wednesday,9.12.2015 Đăng bởi:  RaumuongNoigian
Dân tộc nào mà chả nướng, hở bạn? Là từ nguyên thủy mà, cũng như một số thứ khác đồng nguyên nguyên thủy!
...xem tiếp
0:28 Wednesday,9.12.2015 Đăng bởi:  RaumuongNoigian
Dân tộc nào mà chả nướng, hở bạn? Là từ nguyên thủy mà, cũng như một số thứ khác đồng nguyên nguyên thủy! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả