Nghệ sĩ Việt Nam

BIẾM HỌA RỒNG TRE 3: Đến xem nhanh nhé các bạn 31. 03. 12 - 8:51 am

Bài: Tịch Ru - Ảnh: Tịch Ru và từ VNE

 

.

 

TRIỂN LÃM TRANH BIẾM HỌA CÚP RỒNG TRE LẦN 3

Từ 29. 3 đến 3. 4. 2012
Tại 61 Lý Thái Tổ, Hà Nội

 

Giải Rồng Tre cứ hai năm diễn ra một lần. Đây là lần thứ 3 sự kiện này được tổ chức. Lễ trao giải diễn ra tại Press Club và tranh được treo 5 ngày, từ 29. 3 đến 3. 4 tại 61 Lý Thái Tổ, Hà Nội, nơi diễn ra LUALA Concert vừa rồi.


Từ trên cao nhìn xuống là toàn cảnh không gian triển lãm ngoài trời.


Chiều thứ Tư, 28. 3 diễn ra cuộc họp báo, trước đó tranh đã được treo lên sớm và đã có nhiều người đi qua đứng lại xem.


Biếm họa Việt Nam có đặc điểm là nhiều màu… Hơi khác suy nghĩ lâu nay là biếm họa đen trắng.


Mọi người chụp ảnh cạnh bảng trưng bày.


Kiến trúc sư, họa sĩ Lý Trực Dũng đứng trước của Press Club để đợi vào họp báo. Ông có chân trong ban giám khảo.


Họa sĩ Thành Chương đang xem lại một lượt các tác phẩm.


Trên phòng họp báo, họa sĩ /giám tuyển Trần Lương đang được một số nữ phóng viên vây quanh.


Ở góc khác, các phóng viên đang phỏng vấn họa sĩ Trần Hải Nam – người đoạt giải nhất cuộc thi lần này.


Phòng họp báo hôm nay rất đông phóng viên của các báo đài khác nhau. Trong lúc chờ đợi, họa sĩ Lý Trực Dũng đang bàn luận với họa sĩ Trần Lương.


Đến giờ khai mạc, trên bàn chính, từ trái qua phải: Họa sĩ Trần Lương (giám khảo), họa sĩ Lý Trực Dũng (chủ tịch hội đồng giám khảo), bà Trương Lê Kim Hoa (tổng biên tập báo Thể Thao & Văn Hóa ), ông Hà Minh Huệ (phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam), họa sĩ Thành Chương (chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ngành Đồ họa).


Dưới hàng ghế, thấy có ông Vũ Quốc Khánh, giám đốc Nhà xuất bản Thông tấn và Quỹ Vì nỗi đau Da cam.


Cô Đặng Thị Lan Hương – đại diện quỹ Đan Mạch tại Việt Nam.


Ông Trương Kim Phong (ngoài cùng, bên phải), giám đốc marketing của công ty Ford Việt Nam.


.

Bà Trương Lê Kim Hoa phát biểu: giải biếm họa báo chí Việt Nam được tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2007, là một sáng kiến của báo Thể thao Văn hóa dưới sự bảo trợ của hội nhà báo Việt Nam và thông tấn xã Việt Nam. Giải biếm họa lần thứ ba này có chủ đề về môi trường và biến đổi sinh thái – một chủ đề đã và đang khiến cả thế giới phải quan tâm. Sau 4 tháng phát động đã nhận được hơn 400 tác phẩm của gần 100 tác giả, trong đó có người từng được nhận giải của hai mùa trước… Những vấn đề nóng bỏng như nở rộng lỗ thủng tầng ozon, biến đổi khí hậu toàn cầu, bùng nổ dân số, ô nhiễm biển, cạn kiệt tài nguyên khoáng sản, rác thải gia tăng… đều được đề cập. Các họa sĩ biếm sử dụng tiếng cười cảnh tỉnh về những hiểm họa sẽ xảy ra nếu không bảo vệ hệ sinh thái. Qua giải thưởng này, bà hi vọng Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ có những sáng kiến riêng để tôn vinh biếm họa và những họa sĩ biếm – cũng là những hội viên của hội. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức tác phẩm biếm họa của công chúng. Ban tổ chức đã quyết định mang các tác phẩm ra đường phố khu vực 61 Lý Thái Tổ để khán giả có thể cùng xem, cùng cười, cùng suy ngẫm với các họa sĩ. Bà cảm ơn các giám khảo công tâm, cảm ơn các nhà tài trợ (quỹ văn hóa Đan Mạch, công ty Ford, công ty DX-Luala, hội đồng Anh). Bà cho rằng, rất cần các mạnh thường quân để chấn hưng phong trào biếm họa Việt Nam.

Sau đó Đại diện ban giám khảo và các nhà tài trợ lên nhận kỉ niệm hoa và kỉ niệm chương. Từ trái qua phải: Bà Hà Thiên Hà (hội đồng Anh), bà Đặng Thị Lan Hương (quỹ Đan Mạch), ông Trương Kim Phong (công ty Ford Việt Nam), ông Đỗ Ngọc Minh (DX-Luala), họa sĩ Trần Lương, ông Lý Trực Dũng (hội đồng giám khảo), họa sĩ Thành Chương, ông Hà Minh Huệ (Hội Nhà báo Việt Nam )…

 

.

Họa sĩ Lý Trực Dũng chia sẻ: Đề tài lần này, thế giới khai thác hơn 50 năm nay rồi. Khi bắt đầu mọi người thấy rất gay go vì không biết liệu các tranh biếm họa có trùng lặp về ý tưởng không? Chất lượng sẽ như thế nào?… Cả họa sĩ Thành Chương lẫn họa sĩ Trần Lương đều yêu cầu cần phải đưa chất lượng biếm họa lên. Tiêu chí lần này rất quan trọng, vì một tranh tốt thì 60% là ý tưởng và 40% kĩ thuật trình bày. Thêm nữa, lần này mỗi người chỉ được gửi có 5 tranh thôi. Nhưng mọi người rất vui mừng khi thấy có nhiều tranh ấn tượng, cũng như thấy sự đồng thuận trong ban giám khảo rất cao. Đây là thành công khá lớn, và ước mong của cuộc thi là đẩy mạnh nền biếm họa Việt Nam lên, một ngày nào đó sẽ ngang tầm với khu vực và thế giới. Lần này có rất nhiều họa sĩ trẻ, và có những người chưa bao giờ vẽ biếm họa…

Về đề tài, họa sĩ Lý Trực Dũng dẫn một câu nói của một người da đỏ: “Đến khi cái cây cuối cùng bị chặt, cho đến khi con cá cuối cùng bị đánh mất, cho đến khi dòng sông cuối cùng bị nhiễm độc thì con người mới biết tiền không ăn được”. Đấy là thông điệp cực kì quan trọng đối với chúng ta. Ban tổ chức quyết định đưa triển lãm dưới sự trợ giúp của Luala ra đường phố, khiến ta nhớ lại một cuộc triển lãm khác cũng từng được xảy ra cách đây 40 năm, khi Mỹ ném bom vào Noel năm 1972. Khi đó, có một cuộc vận động tất cả các họa sĩ vẽ tranh ngay lập tức. Chỉ có đèn dầu, trong tiếng bom, thế mà ngay hôm sau là đã có tranh treo ở Bờ Hồ. Cuối cùng, họa sĩ cảm ơn tất cả các báo chí truyền thông đã ủng hộ rất lớn cho biếm họa.

.

Ông Hà Minh Huệ của Hội Nhà báo nói: Hội nhà báo Việt Nam đồng hành cùng với báo Thể thao Văn hóa là hai đơn vị bảo trợ cho giải biếm họa. Hội coi biếm họa cũng là một thể loại báo chí đặc thù, đánh giá cao thể loại này, vì nói được rất nhiều điều… Biếm họa luôn có tác động riêng của nó với đời sống xã hội. Giải Rồng Tre lần thứ 3 thành công sẽ mang lại tiếng vang lớn để chúng ta cùng suy ngẫm về môi trường sinh thái của chính chúng ta. Ông tin biếm họa sẽ nói lên tiếng nói cảnh tỉnh đối với mỗi người chúng ta, không chỉ hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau. Ông khẳng định Hội Nhà báo Việt Nam rất ủng hộ chủ trương tổ chức giải nhằm góp phần thúc đẩy tính chuyên nghiệp hóa của biếm họa Việt Nam.

.

Họa sĩ Thành Chương phát biểu: Người Việt Nam mình hài hước từ bao đời nay rồi. Sống được qua bao thăng trầm cũng vì sự hài hước. Ngày xưa trong các báo tạp chí vẫn có những biếm họa, chuyện vui; bao giờ người ta cũng xem các mục đó trước. Ông cũng may mắn có một thời gian làm việc tại báo Văn Nghệ, được quen biết với các họa sĩ biếm, nên có được hệ thống hóa về sự phát triển của biếm họa. Tất cả các anh em họa sĩ thành danh trong biếm họa này đều là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, tuy tính chất hoạt động có khác: họ vẽ nhưng xuất hiện trên báo chí chứ không phải trong những cuộc triển lãm, tụ tập anh em được một dịp như thế này là rất hiếm. Cuộc sống của các anh em họa sĩ biếm rất vất vả, vì vẽ tranh xong không ai mua. Mà tranh vẽ cho báo thì chỉ nhỉnh hơn bao diêm… và nhuận bút rất bèo bọt. Nhưng anh em họa sĩ biếm vẫn say mê làm việc, quả là đáng quý. Ông nói, họa sĩ Lý Trực Dũng có nói là 60% ý tưởng, 40% tài nghệ… nhưng theo ông phải ngược lại, phải coi trọng vấn đề nghệ thuật. Phải tạo được phong cách cho nghệ sĩ biếm họa, và chuyện này không hề đơn giản tí nào. Ông khẳng định, Hội Mỹ thuật luôn ủng hộ tất cả các hoạt động của các họa sĩ biếm. Và chính vì tiêu chí của Hội Mỹ thuật, nên (khi chấm) ông không nặng về nội dung mang tính thời sự, mà tôn vinh giới thiệu tác giả mang phong cách riêng.

Sau đó là chiếu màn hình video những hình ảnh trong giai đoạn chấm giải Rồng Tre. Rồi tuyên bố giải thưởng.


Họa sĩ Lý Trực Dũng và họa sĩ Trần Lương lên trao giải cho hai họa sĩ giải khuyến khích là Phạm Thành Trung và Lê Phương. Có nhiều họa sĩ ở trong Sài Gòn hôm nay không thể tham dự được.


Giải khuyến khích: “Chúa cứu thế” của họa sĩ Phạm Thành Trung. (Ảnh từ VNE)


Giải khuyến khích: “Không đáy” của họa sĩ Lê Phương (bút danh Leo). (Ảnh từ VNE)


Bà Trương Lê Kim Hoa và ông Hà Minh Huệ trao giải nhất cho Trần Hải Nam.


Giải nhất: “Miếng ghép ngược” của Trần Hải Nam. (Ảnh từ VNE)


Hội nhà báo quyết định trao giải đặc biệt cúp “rồng tre” cho Đỗ Anh Dũng có tác phẩm đóng góp tích cực cho ngành báo chí. Họa sĩ trong miền Nam nên đại diện ban tổ chức sẽ chuyển tận tay họa sĩ.


.

Một phóng viên của báo Quân đội Nhân dân hỏi: Hình như các cơ quan doanh nghiệp trong nước không nhiệt tình ủng hộ giải này? Chuyện đó có đúng không? Nếu đúng thì có vẻ như các doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề sinh thái, ban tổ chức nghĩ sao về vấn đề này? Và một câu hỏi cho họa sĩ Thành Chương: bên hội mỹ thuật thì biếm họa đứng ở đâu trong các thể loại mỹ thuật?

Bà Trương Lê Kim Hoa: Rất tiếc là phải trả lời là đúng như vậy. Sau kỉ niệm 85 năm biếm họa Việt Nam, ban tổ chức mới nảy ra sáng kiến tổ chức giải này. Thời gian gấp gáp nên không có tài trợ, nên giải đầu tiên là báo Thể thao & Văn hóa và Thông Tấn Xã tự bỏ tiền ra làm. Giải thứ hai đã có các nhà tài trợ như quỹ Ford và đại sứ quán Đan Mạch… đều là các quỹ phi chính phủ nước ngoài. Số tiền tài trợ cũng chỉ đủ để chi cho các giải thưởng, còn trang trải chi phí đều là do báo. Giải lần ba thì có thêm sự tài trợ của một doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên là tổng giám đốc công ty DX-Luala – anh Đỗ Ngọc Minh.

Họa sĩ Lý Trực Dũng: Các đại gia ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước thứ ba thực sự triệt hại môi trường. Họ thu lợi được rất là lớn, nhưng để họ bỏ số tiền rất nhỏ để ủng hộ cho một hoạt động biếm họa thì không bao giờ. Bởi vì biếm họa chính là kênh chống lại những gì phá hoại môi trường. Ở các nước khác thì các doanh nghiệp đó phải có một quỹ được gọi là quỹ văn hóa.

Họa sĩ Thành Chương: Với Hội Mỹ thuật, biếm họa nằm ở chuyên ngành đồ họa của ngành Mỹ thuật Việt Nam.
Một bạn khác hỏi: Có phải khi có tranh biếm họa thì báo có bán chạy hơn không?

Họa sĩ Thành Chương: Chắc chắn là sẽ bán chạy hơn, người Việt Nam mình thích hài hước lắm. Nhưng vấn đề chúng ta có vẽ hấp dẫn hay không. Có lẽ các trách nhiệm công dân của anh em họa sĩ bây giờ lớn quá. Vấn đề các anh em đưa ra cũng rất lớn lao. Nhiều khi cái hài hước bị giảm đi, mà thực ra một trong những cái quan trọng nhất lại là tính hài hước.

 

Sau đó mọi người xuống khu vực vỉa hè Lý Thái Tổ xem cắt băng khánh thành triển lãm.


.

Trong buổi họp báo hôm nay không thấy họa sĩ Trần Lương phát biểu, nhưng dưới phố, một phóng viên đã đến hỏi ý kiến, và ông bộc bạch như sau:

Thực ra bản thân tôi chưa hài lòng lắm với giải lần này, vì nó chưa có gì khác so với biếm họa mình đã có trong mấy chục năm qua. Tôi tham gia vào hội đồng ban giảm khảo vì muốn bằng kiến thức của mình nâng tính chuyên nghiệp và ngôn ngữ của biếm họa. Trước kia ta coi ngôn ngữ biếm họa là ngôn ngữ tuyên truyền, một dạng nghệ thuật quần chúng nhiều hơn, bản thân biếm họa với kinh nghiệm ở các nước phát triển là có thể đạt một tầm hàn lâm được. Nhưng tôi cảm giác cộng đồng biếm họa của ta trong giai đoạn này mới thức dậy thôi. Tôi hi vọng rằng với biện pháp chuyên môn, cách tổ chức chuyên nghiệp ngày càng chuyên nghiệp hơn sẽ giúp biếm họa thoát khỏi cái chất phong trào, sau đó chúng ta mới tính cách để làm cho hoạt động biếm họa trở nên chuyên nghiệp và thành một bộ môn hàn lâm. Ví dụ như ở Trung Quốc hay ở Nga, các nghệ sĩ dùng nhiếp ảnh trình diễn để làm biếm họa. Các tác phẩm của họ có thể bán 10.000 hay 20.000$ như một tác phẩm hàn lâm. Các tác phẩm biếm họa cũng được sưu tập rất nghiêm chỉnh và chất lượng nghệ thuật lên rất cao. Họ trình bày một hiện tượng xã hội nhưng nâng tầm nghệ thuật lên. Họ chụp thành ảnh sau đó sử dụng kĩ thuật hi-tech photoshop. Năm nay chúng ta mới manh nha có một vài tác phẩm sử dụng nhiếp ảnh, nhưng vẫn chỉ là như một vật liệu, chưa sáng tạo. Hay như điêu khắc biếm họa có thể trưng bày ở bảo tàng và có giá trị rất lâu được. Hoặc có dạng dùng các vật đời thường, cấu tứ lại và thêm thắt vào thành một tác phẩm biếm họa. Không phải là không thể dùng những hình thức đương đại để làm biếm họa được. Trong thông báo, chúng tôi cũng khuyến khích làm những hình thức mới… Tôi cũng nói thật với ban tổ chức là về khía cạnh chuyên môn, tôi chưa bằng lòng với kết quả đã đạt được… Tuy nhiên đây là tiến trình tích cực, khen thì khen nhiều rồi, và mọi người đã khen trong buổi họp báo hôm nay, tôi muốn nói đến những vấn đề cần giải quyết và nâng tầm biến họa lên mức hàn lâm và chuyên nghiệp hơn.

Phóng viên: Với tác phẩm giải nhất, anh ấn tượng nhất tác phẩm này điểm gì?

Trần Lương: Tuy quan điểm của tôi như vậy, nhưng năm nay chúng tôi thỏa mãn với những tác phẩm được chọn và được giải, vì chúng cũng đã manh nha ngôn ngữ mới, không còn sử dụng cách vẽ biếm họa truyền thống như chúng ta thấy mà nặng tính báo chí hơn so với sáng tạo nghệ thuật, từ hòa sắc cho đến tạo hình hay áp dụng nghệ thuật phương tiện mới. Chúng tôi cũng tranh cãi rất nhiều trong tác phẩm giải nhất và giải nhì. Tác phẩm vẽ con “cá lý ngư vọng nguyệt” đưa ra tính truyền thống, kết nối truyền thống cũng như rất gần với tạo hình hàn lâm. Tác phẩm mới rõ ràng cho ta thấy xu hướng mới của nghệ thuật trong thời đại hi-tech, thời đại dân chủ. Người ta bắt đầu đưa ý tưởng xã hội modern, xã hội lắp ghép, thời gian ngắn hơn, nhưng hiệu quả phải cao hơn. Tôi cũng muốn nói là chúng ta không thể cứ trao giải cho các cây đa cây đề có một danh tiếng gần như mặc định trong đầu mọi người. Tác giả giải nhất còn trẻ, chưa nổi tiếng, nhưng tác phẩm thực sự tốt, tôi nghĩ nên trao anh giải nhất. Tôi nghĩ anh ấy hoàn toàn xứng đáng với giải nhất đó.

Phóng viên: 40 năm mới có triển lãm được đưa xuống dưới đường phố. Cá nhân anh nghĩ thế nào về việc những bức tranh này được đưa ra với công chúng?

Trần Lương: Thực ra ta đang trả lại vai trò của biếm họa thôi. Vì những thứ nghệ thuật chúng ta thường cho là phong trào, những nghệ thuật từng cho là có tính tương tác với xã hội thì ở bất kỳ xã hội nào nó cũng thường nằm ở những bức tường chữ to, ở sân đình… sau này là bích báo hay là tranh cổ động vẽ trên tường. Trong thời chống Mỹ, rất nhiều dạng tranh cổ động biếm họa… diễn ra ở nơi công cộng rồi. Đây cũng là nỗ lực của nhà tổ chức. Sự phát triển của biếm họa bị thụt lùi, vì tính phản biện của nó quá mạnh, nó không được thuận lợi, như anh phóng viên của báo Quân đội Nhân dân đã nói vì sao các doanh nghiệp không cho tiền, chính là vì họ sợ những chuyện thị phi. Đó là thực tế, làm sao những người có tiền, kinh doanh tốt ở Việt Nam ủng hộ sự sáng sủa trong các việc phát triển xã hội, thay vì ủng hộ những gì dễ dàng và an toàn. Hi vọng những tác động có tính chất tổ chức và học thuật sẽ tạo nên được một luồng gió mới, chứ các họa sĩ biếm họa lớn tuổi bây giờ gần như hết năng lượng rồi, họ cũng đã qua thời kỳ sáng tạo. Chúng ta phải có một đòn bẩy để tìm khuôn mặt trẻ trong tương lai. Việc bày biếm họa ngoài đường phố là trả lại cho nó không gian của nó. Còn nếu bày biếm họa trong phòng tranh có treo đèn thì đã tạo ra khoảng cách cho người bước vào xem rồi.

 

Khai mạc triển lãm diễn ra dưới đường.


Sau đó là lễ cắt băng khánh thành khai mạc triển lãm.

 

Một số tác phẩm đoạt giải cao khác của cúp Rồng Tre:

Giải nhì: “Cá hóa thạch” của họa sĩ Nguyễn Hữu Lộc (bút danh H.Lộc)


Giải nhì: “Giao hưởng ‘Dòng sông đen’” của họa sĩ Hà Xuân Nồng (bút danh NOP)


Giải ba: “Đã nằm trong Cao hổ cốt” của họa sĩ Nguyễn Hữu Đức (bút danh Đức)


Trong suốt thời gian diễn ra triển lãm sẽ có một hòm từ thiện, tiền thu từ đó sẽ được gửi vào quỹ Vì nỗi đau Da cam.

 

*

Bài liên quan:

– BIẾM HỌA RỒNG TRE 3: Đến xem nhanh nhé các bạn
– Tranh luận giữa hs biem và Trần Lương quanh biếm họa

 

Ý kiến - Thảo luận

15:08 Tuesday,24.4.2012 Đăng bởi:  hs biem
Hôm qua do nhiều lý do phải ngung ngang, nay tôi lại tranh cãi với ông GK Trần Lương về cái sự “nổ vang trời “mà ông gán cho tôi.
Ông GK Trần Lương đã thừa nhận là không có học vị, học hàm gì về BH, thậm chí cũng không vẽ BH vậy thì ông lấy đâu ra kiến thức chính quy để: “muốn bằng kiến thức của mình nâng tính chuyên nghiệp và ngôn ngữ của biếm họa.” . V
...xem tiếp
15:08 Tuesday,24.4.2012 Đăng bởi:  hs biem
Hôm qua do nhiều lý do phải ngung ngang, nay tôi lại tranh cãi với ông GK Trần Lương về cái sự “nổ vang trời “mà ông gán cho tôi.
Ông GK Trần Lương đã thừa nhận là không có học vị, học hàm gì về BH, thậm chí cũng không vẽ BH vậy thì ông lấy đâu ra kiến thức chính quy để: “muốn bằng kiến thức của mình nâng tính chuyên nghiệp và ngôn ngữ của biếm họa.” . Vậy ông “nổ” hay tôi “nổ”?
Ông không có bằng cấp về BH như vậy kiến thức về BH ông cũng ngang tôi, ông lại chê BHVN xấu xí, là phong trào, là nghiệp dư và muôn nâng nó lên “mức hàn lâm và chuyên nghiệp hơn” nhưng bằng cách nào thì... không có gì cụ thể (lại đưa ví dụ của nước ngoài) và chỉ phát biểu chung chung bằng những... học thuật, hàn lâm ... Vậy ông “nổ” hay tôi “nổ” ?
“Nổ” là từ hiện đại mới xuất hiện gần đây, nó thay thế cho cụm từ “thùng rỗng kêu lớn”.
Chính ông là người nói ra chắc ông cũng quá hiểu ý nghĩa.
Cũng xin nhắc nhở rằng: chúng ta chỉ tranh luận (hoặc tranh cãi) quanh vấn đề quan điểm về BH, (cụ thể là quanh nội dung bài phát biểu của ông Trần Lương) không nên xúc phạm về nghề nghiệp cũng như các vấn đề riêng tư khác.
Xin kính chào. 
15:28 Monday,23.4.2012 Đăng bởi:  hs biem
Cảm ơn ông GK Trần Lương đã có cmt trả lời cho tôi, tuy rằng cmt của ông đã cố ý chan nhiều... chất ”biếm họa” nhưng thôi chả bức xúc làm gì cho nhọc thân. Tôi chỉ bàn cãi với ông một vài tí thôi:

- Vì sao những quan điểm “định hướng” của ông không được đăng trên trang wed chính thức của cuộc thi BHBCVN? để những người quan tâm đến BH tham khảo (việc n
...xem tiếp
15:28 Monday,23.4.2012 Đăng bởi:  hs biem
Cảm ơn ông GK Trần Lương đã có cmt trả lời cho tôi, tuy rằng cmt của ông đã cố ý chan nhiều... chất ”biếm họa” nhưng thôi chả bức xúc làm gì cho nhọc thân. Tôi chỉ bàn cãi với ông một vài tí thôi:

- Vì sao những quan điểm “định hướng” của ông không được đăng trên trang wed chính thức của cuộc thi BHBCVN? để những người quan tâm đến BH tham khảo (việc này tôi rất không hiểu) hay là...

- Ông HS công huân phát biểu rất có lý vì đã thi biếm họa thì phải có nhiều người hoat động về biếm họa trong BGK, mà BGK 7 người ở cuộc thi BHBCVN mà chỉ có 28,5% có chuyên môn về BH là không cân xứng, ông ấy nói như vậy là chuẩn xác, (nếu là tôi trong trường hợp này tôi sẽ trả mũ ngay). Tuy nhiên, BTC đã trao cho ông cây bút đỏ thì ông có quyền giữ chặt nó, hoăc không, vì theo tôi được biết thì chẳng có ai có học vị về BH đâu ạ.

Hẳn ông cũng biết những HS biếm “vẽ rất hay, vẽ tranh nặng ký, không nhạt nhẽo”… không tự nhiên làm được mà phải có ”thương hiệu” (nếu không, tôi chắc tranh hay, nặng ký này sẽ vào thùng rác), mà quá trình làm nên ”thương hiệu” đâu có dễ như ông nói, (“những họa sĩ biếm vẫn đăng tranh trên báo mà vẫn có tranh nặng kí“ này cũng chỉ còn ông HS LT Dũng) mà “thương hiệu” của ông này thì ai cũng biết với vai trò trưởng ban GK. Ông có vẻ chỉ nhìn biếm họa một cách phiến diện. Đúng vậy, nên ông mới bảo cái nhìn của tôi là yếm thế, là bạc nhược. ”Yếm thế là chuyện thường tình” nhưng dám nói cái yếm thế thì lại có người nói được, có người không.
- Tôi không nói BH phương tây là vứt đi, và có người hướng ngoại thì cũng có người hướng nội, tôi nói làm theo (nghĩa là sao chép chứ gì nữa) thì có làm tốt cách mấy cũng không bằng người ta. Ông dẫn chứng cách làm của nước ngoài thì không phải hướng mọi người noi theo thì là gì?. Ông đừng nói khinh tiền vì không ai khinh tiền cả mà cơ bản là khinh hay quý cách làm ra tiền thôi, tôi rất quý những đồng tiền tôi làm ra từ sức lao động. Đúng là có nhiều món VHNT du nhập từ phương tây thật, nhưng phát triển theo “cách của mình”, khác với “bắt chước”. hòa nhập hay hòa tan là do nhận thức.
- Tôi mà còn tâm huyết hoài bão nỗi gì, ông "biếm" vừa chứ, chính ông đã bảo “các họa sĩ biếm họa lớn tuổi bây giờ gần như hết năng lượng rồi, họ cũng đã qua thời kỳ sáng tạo" (việc này ông căn cứ vào đâu mà khẳng định vậy nhỉ?) như tôi, kiếm được đồng nhuận bút ngay thẳng là vui chết rồi, ông đừng xui tôi vác tù và, mà tôi không hiểu sao ông lại hiểu “để vợ con xem“ là khinh vợ con ra mặt, tôi xin “dịch” ra ý câu nói: ”vẽ chỉ để vợ con coi” đại ý là: tranh biếm mà không ra được với công luận thì nghỉ là thượng sách, ông hiểu chưa ạ?
- Tôi sẽ chẳng nổ gì cả (mà hình như là ngược lại). Ở cái thời buổi 9 tuổi đã có thể tải thông tin lên mạng thì người dùng internet phải có bản lĩnh, thấy thông tin nào đáng quan tâm thì quan tâm còn không thì cho qua, chẳng quan trọng gì cái nick. Tôi dùng nick nhưng sẽ không xúc phạm ai, trừ khi ai đó xúc phạm tôi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả