Ở Đâu - Làm Gì

MONUMENTA 2012: Tôi tặng riêng bạn không gian này 18. 05. 12 - 8:06 am

Phước An st và dịch

.

 

PARIS – Những người yêu nghệ thuật hẳn đã trông đợi điều bất ngờ khi triển lãm thường niên Monumenta diễn ra – một triển lãm vốn có tiếng là táo bạo, hoành tráng – đặc biệt là khi năm nay, nghệ sĩ người Pháp Daniel Buren đảm nhiệm, và lần đầu tiên, theo đúng nghĩa đen, ông kéo cái trần cao ngất của Grand Palais xuống đất.

Monumenta, năm nay bước vào năm thứ năm, vẫn giữ nguyên đề bài của mình: thách thức nghệ sĩ nổi tiếng thế giới nào dám bước vào trong sảnh lớn của một trong những tòa nhà quan trọng nhất nước Pháp, làm chủ không gian ấy, biến cải không gian ấy, bằng nghệ thuật.

Một không gian rộng chừng 13.500 mét vuông, cao 45 mét, nghệ sĩ nào nghe thôi cũng chóng mặt, đặc biệt là Buren:

Người đàn ông này – báu vật quốc gia Pháp – là một nghệ sĩ theo trường phái tối thiểu.

Và như để chứng minh cho tầm quan trọng của show Monumenta, hôm thứ Tư, 9. 5, tức một hôm trước ngày mở cửa cho công chúng, tổng thống mới bầu của Pháp Francois Hollande đã ghé qua thăm, coi như dự một sự kiện văn hóa đầu tiên kể từ hôm nhậm chức là Chủ nhật.

Năm ngoái, nghệ sĩ người Anh Anish Kapoor đã làm một quái vật biển khổng, khổng, khổng lồ cho Monumenta, thật năm nay ai có muốn đua theo cũng khó. Con quái vật đó đụng đến tận trần Grand Palais, thu hút hơn 270.000 khách tham quan trong sáu tuần rưỡi trưng bày.

Quái vật của Kapoor

 

Nhưng Buren, người từng đoạt giải “Praemium Imperiale” 2007 – gần như giải Nobel cho nghệ thuật, đã nghĩ khác hơn.

Buren coi những vòng tròn trong veo màu đỏ, xanh lục, xanh lá, vàng sắp theo hàng ngang như một cái mái thứ hai, cao chỉ có 2.5m, tức hơn đầu người Tây chút ít. Đi kèm theo là những sọc kẻ “thương hiệu” của ông, cao 8cm, trắng và đen.

Chỉ có thế thôi, không gian lơ lửng ngay bên dưới mái vòm là trống, trơ mỗi 9 cái gương tròn từ sàn chiếu lên, sáng lóa.

.

 

Thoạt nhìn, có vẻ như Buren đã thất bại trước đề bài Monumenta năm nay: “Hãy choán đầy một không gian”.

Nhưng nghĩ lại: chất liệu gì có thể choán đầy không phải chỉ Grand Palais, mà bất kể một không gian nội thất nào?

Một thứ thôi: ánh sáng.

Tinh thần của địa điểm này là mặt trời, là ánh sáng, cắt xuyên qua màu sắc những vòng tròn… Bạn cần cảm được cái không gian mà bạn ở bên trong… Grand Palais với trần kính lúc nào cũng có thứ ánh sáng đẹp đẽ ấy, kể cả những ngày mưa, ” Buren nói với tờ Associated Press.

Sáng sớm, người ta bắt gặp du khách đi dưới những đĩa lốm đốm cầu vồng đầy vẻ tò mò, một số người trông ngán ngẩm, một số ngó hoang mang. Những chiếc đĩa màu đứng như đồng phục, 2.5m phía trên đầu.

.

 

Thế rồi có những tiếng kêu thán phục khi tia nắng sáng đầu tiên xuyên qua mái tòa nhà.

Và đúng như nhà phê bình nghệ thuật Joost de Geest đã từng tổng kết đúng nhất: “Nghệ thuật của Buren không bao giờ thấy được ngay, tiếp cận được ngay. Bạn cần phải quanh quẩn một lúc mới cảm được. Những vòng tròn màu rất tươi sáng, vui vẻ, dễ nhìn, nhưng đầu tiên bạn cần khám phá chúng. Hãy tưởng tượng thế này: đây là lần đầu tiên bạn có thể đi lại thoải mái quanh Grand Palais! Tôi thích nhất khi điều đó được thực hiện trên một quy mô nhỏ.”

Hóa ra “cỡ nhỏ” là chủ ý của Buren.

Tôi vẫn hay làm việc trên nhiều dự án khác nhau, kích cỡ khác nhau. Có cái trống rỗng, có cái đầy tràn, có cái không cấu trúc. Ở đây, một lần nữa, cốt lõi của tác phẩm là khiến tác phẩm trở nên gần gũi, riêng tư… Tôi đã làm cho trần của Grand Palais thành thấp xuống, chỉ cỡ đầu người, cỡ người. Đó là để tòa nhà thành ra riêng tư trở lại với mỗi người, ” Buren nói.

.

 

Cũng nằm trong kế hoạch “dân chủ hóa” không gian này, Buren còn cho niêm chặt cổng chính của Palais, và dần dần niêm luôn những cánh cửa khổng lồ cũng như những cầu thang mênh mang của nó.

Ồ vâng, đó là việc đầu tiên tôi làm, khi nghĩ tới việc biến không gian này thành riêng tư hơn. Tôi chặn cửa lớn – cánh cửa ấy trong tác phẩm này không hợp, không có tác dụng, không cần thiết – và mở những cửa hông nhỏ ở cánh nam và cánh bắc. Tôi muốn không khí trong Grand Palais tự nó nói lên tất cả. Ý tưởng của tôi chính xác là như thế..”

Tuy nhiên không phải ai cũng được quy mô của sắp đặt này thuyết phục, và họ chỉ nhìn thấy tác phẩm này là thiếu kỳ vĩ, thí dụ như ý kiến của Jonathan Hoenig, từng xem tác phẩm của Kapoor hồi năm ngoái: “Tôi thấy không ấn tượng. Monumenta cơ mà, và dĩ nhiên tôi chờ đợi một thứ gì đó to hơn, ấn tượng hơn, nhất là từ một người như Buren. Năm ngoái, Kapoor quả thực đã lấp đầy không gian này. Ông ấy hay hơn Buren.”

Ngợp trước quái vật của Kapoor.

 

Nhưng đây không phải lần đầu giới phê bình “đả” Buren – người mà trong sự nghiệp 40 năm của mình từng được giao vài khoảng không mênh mông.

Nổi tiếng nhất là tác phẩm sắp đặt vĩnh viễn của ông tại Palais Royal, Paris – một tác phẩm khiến cả nước Pháp nổi điên trong suốt hai năm thực hiện, hồi những năm 1980s.

Để lấp đầy khu vực sân trong của cung điện nổi tiếng thế kỷ 17 này, cách điện Louvre có một chút, Buren đã sắp đặt khoảng một tá những cột đen và trắng (một lần nữa, những sọc đen và trắng “đặc sản”) với nhiều cái không cao hơn những gốc cây.

Tác phẩm Les Deux Plateaux

 

Các nhà phê bình lúc đó nói Buren đã làm xấu mặt di sản quốc gia.

Tiếp theo, trong cơn giận dữ, hàng rào bao quanh khu vực Buren đang làm đã bị phủ đầy những graffiti (chửi rủa) và thậm chí cả lời đe dọa sẽ phá hủy tác phẩm.

Việc này khiến dự án phải dừng lại, mãi đến 1986 mới hoàn tất được.

Hai mươi lăm năm sau, những cái cột đen, trắng của Buren đã trở thành một thứ tài sản quốc gia. Những gốc đá hoa cương ngày nào giờ được âu yếm gọi “Cột Buren”.

Nói về tác phẩm 2012 lần này, Buren bảo:

À không, may quá lần này trong lúc làm không có vấn đề gì, nên chúng tôi đúng hẹn,” Buren thừa nhận một cách vui vẻ. Ông đã cho thấy, hài hước là một công cụ rất hợp để đi qua những cơn bão, trong cái thế giới thất thường này của nghệ thuật.

Daniel Buren, MONUMENTA 2012” diễn ra từ 10. 5 đến 21. 6 tại Grand Palais, Paris.

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả