Trường phái

Daniel Buren: vẫn đẹp trong chật vật 06. 05. 11 - 6:03 am

Coline Milliard - Hồ Như Mai dịch

 

Daniel Buren giữa các cột của tác phẩm Les deux Plateaux

LONDON – Nghệ sĩ ý niệm người Pháp Daniel Buren từng được xem là một nhân vật gây tranh cãi trong suốt nhiều năm, thường với cùng một lý do. Nổi tiếng nhất với các tranh và sắp đặt có sử dụng đường sọc, cũng là motif “đặc sản” trong suốt bốn thập kỷ qua, Buren đã tạo ra một vụ khá ồn ào năm 1986 khi một rừng những cột đen trắng đủ các kích cỡ, có tên là Les Deux Plateaux được ra mắt ngay trong sân của Palais Royal ở Paris, và sau đó là vào năm 2010, sau khi tác phẩm phải “mông má” lại  hết 6 triệu Euro.

Tác phẩm Les Deux Plateaux

Hồi đầu tháng 3. 2011, nghệ sĩ đã đến Anh để thực hiện một tác phẩm mới nhân dịp khai trương không gian nghệ thuật Turner Contemporary tại thành phố ven biển Margate. Buren là một tay kỳ cựu chuyên làm những sắp đặt hết sức tham vọng trong các cơ sở và không gian công cộng. Dịp này ông đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về vụ cắt giảm chi tiêu đồng loạt đối với nghệ thuật ở khắp châu Âu cũng như sự thiếu cam kết của chính trị gia đối với những tác phẩm nghệ thuật công cộng mà họ đã đặt làm.

Tác phẩm phủ của Buren trước mặt tiền bảo tàng Neues

Với các tác phẩm lệ thuộc vào địa điểm như tác phẩm đang làm ở Margate, ông bắt đầu như thế nào? Ông có một chiến lược nào không?

Tôi không có một hệ thống nề nếp gì cả. Tất cả phụ thuộc vào không gian, vào thể loại triển lãm, vào chuyện tác phẩm là tác phẩm công cộng hay dành riêng cho một cơ sở nào đó. Tôi thường thích xem trước không gian trước khi bắt tay làm việc, nhưng cũng chẳng phải là nguyên tắc gì. Đôi khi tôi đến xem địa điểm rồi thực hiện tác phẩm trong vòng 8 đến 10 ngày. Đối với tác phẩm này, tôi đi Margate lúc Turner Contemporary còn đang được xây dựng. Thực ra tôi cũng có thể bắt tay làm luôn mà chỉ cần xem các bản vẽ địa điểm, nhưng việc đi thăm thành phố cho ta thêm nhiều ý tưởng cũng như thay đổi cách nhìn.

Một tác phẩm của Buren tại Bỉ

Như ông cũng biết đấy, lĩnh vực văn hóa ở Anh giờ đang khá là căng thẳng. Chính phủ đã bỏ phiếu thông qua một loạt cắt giảm chi tiêu lớn và các cơ sở nghệ thuật trên khắp cả nước hiện giờ đang trông ngóng tin tức từ Hội đồng nghệ thuật, xem ngân quỹ của mình có được cấp lại không.

Tôi có nghe nói, nhưng tôi cũng không biết rõ lắm. Chuyện không có tiền giờ cũng thường rồi. Các cơ sở nghệ thuật ở đâu cũng đang thiếu tiền. Đây không phải là chuyện riêng của nước Anh, mà là tình trạng chung ở thế giới phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu, nơi các bảo tàng được nhà nước hỗ trợ, thông qua ngân quỹ quốc gia, thành phố hay vùng miền.

Gió Tây, tác phẩm của Buren

Ông có cảm thấy rằng càng ngày người ta càng ít quan tâm đến nghệ thuật đương đại không, hay chỉ là vấn đề kinh tế thôi?

Cũng khá là rối đấy: công chúng của nghệ thuật đương đại ngày một quan trọng, nhưng chính trị gia lại liên tục cắt giảm ngân sách của các cơ sở, làm cho nghệ thuật đương đại càng chật vật. Thật là một nghịch lý.

Tác phẩm Travai in Situ

Thật thú vị khi thấy một không gian như Turner Contemporary được mở ra ở Margate, nhưng trong điều kiện hiện hay, ta chỉ biết  hi vọng rằng không gian này sẽ được hỗ trợ để hoạt động về lâu dài – cũng là mối lo ngại chung cho các cơ sở mới mở. Có gì đó khá giống với trường hợp của tác phẩm “Les Deux Plateaux” ở Palais Royal, đã được đặt làm công phu từ những năm 1980 nhưng lại không được bảo quản tốt và năm ngoái phải đem đi phục chế khá tốn kém.

Chính xác, lại vẫn là nghịch lý đó. Các chính trị gia bỏ rơi các tác phẩm nghệ thuật bằng cách không chi tiền bảo dưỡng, cuối cùng hoặc là mất tác phẩm hoặc là phải chi ra rất nhiều tiền để phục chế. Thực sự đây là một bất cập.

Les Deux Plateaux

Có bao giờ ông đã bị phía đặt hàng làm thất vọng chưa?

Việc bảo dưỡng tác phẩm thực sự là vấn đề. Khác với 25 năm trước đây, ngày nay người ta đã hiểu được lợi ích của một tác phẩm nghệ thuật công cộng, nhưng người ta lại không hiểu được chuyện là họ phải có trách nhiệm với tác phẩm sau đó – và nghệ sĩ “automatic” là rơi vào một mớ mâu thuẫn to đùng.

Daniel Buren

Cũng như kiến trúc, nghệ thuật công cộng luôn phải lệ thuộc vào chính trị. Anh đã được một nhóm chính trị gia chọn, nhưng rồi họ cũng sẽ bị thay thế và những người kế nhiệm có thể sẽ không chi tiền cho tác phẩm, chỉ để tấn công người tiền nhiệm. Nghệ sĩ rơi vào một cuộc chiến ngớ ngẩn giữa hai chính trị gia và cuối cùng chính tác phẩm bị thiệt.

Nếu anh đứng đầu một thành phố, dù lớn dù nhỏ, anh cũng phải lo lắng cho hàng triệu thứ, dù muốn dù không. Thậm chí ngay cả khi anh sống ở Pháp, nơi mà nhà thờ và nhà nước đã tách biệt qua hàng thế kỷ, nhà nước vẫn phải duy trì nhà thờ. Nếu anh là thị trưởng, ngay cả khi anh phản đối tôn giáo, anh cũng không thể nào nói “Tôi chả quan tâm và tôi sẽ không phục chế cái nhà thờ này.” Nghệ thuật đương đại đáng ra cũng phải được đối xử như vậy, nhưng trên thực tế thì không – đó chính là vấn đề.

Một tác phẩm bằng những tấm mica của Buren

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả