Khác

A long, long way to march 01. 07. 10 - 8:55 pm

SOI HN tường thuật (với sự giúp đỡ của nghệ sĩ Như Huy về phần thông tin dự án)

 
 
 

 

Một tác phẩm của Qin Ga trong quá trình thực hiện Long March 2002

 

Long March Project (Đại Trường Chinh Dự án) là một dự án nghệ thuật ra đời năm 2002, khi ấy nhằm mục đích lần lại con đường lịch sử của cuộc Đại Trường Chinh bên Trung Quốc những năm 34 – 36. Các nghệ sĩ tham gia dự án đi lại 6000 dặm đường, trên đường đi có các cuộc biểu diễn và sắp đặt tại 12 địa điểm.

Trải qua gần 8 năm, Long March Project không còn là một dự án đơn lẻ nữa mà đã trở thành hai bộ phận (nhiều người lẫn lộn điều này): tổ chức Long March Project đại diện cho rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Trung Hoa, cả về mặt thị trường. Còn chuyến đi Long March ngày nào nay đã trở thành một thứ tài sản: mọi hoạt động, tác phẩm thực hiện trong chuyến đi đó đều được thu thập lại để triển lãm nhiều nơi trên thế giới, gắn liền với những chuyến đi mới phối hợp giữa các nghệ sĩ Trung Quốc và nghệ sĩ quốc tế.

Đường mòn Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh Trail) là một dự án hoàn toàn mới của tổ chức Long March Project, với sự tham gia của các nghệ sĩ Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Campuchia. Dự án này được chuẩn bị trong ba năm, và chuyến đi kéo dài một tháng.

Theo đường Hồ Chí Minh, các nghệ sĩ thực sự là “đi”: khi xe đò, khi đi bộ đường dài, có lúc mệt rã rời; lúc Lào, lúc Việt Nam, lúc Campuchia… Xen kẽ các cuộc đi là các buổi thảo luận, trình diễn, tham quan.  (Phần thông tin trên do nghệ sĩ Như Huy cung cấp. Anh cũng là một thành viên tham gia dự án này.)

 

Tờ rơi quảng cáo dự án trên một ngõ Sài Gòn (Ảnh: website dự án)

 

Đoàn lên đường đi Campuchia (Ảnh: website dự án)

 

Một buổi thảo luận tại Phnom Penh của các marchers. (Ảnh: website dự án)

Chiều 30. 6, đoàn có cuộc gặp mặt kết thúc dự án Ho Chi Minh Trail tại Viện Goethe Hà Nội. Khoảng 50 nghệ sĩ, trí thức ở Hà Nội tham gia cuộc thảo luận này, theo một mô hình mới: không chương trình lập sẵn. Mỗi câu hỏi đều có quyền hỏi, nhưng không có nghĩa là phải trả lời.

Ta có thể hiểu, suốt một tháng trên đường đi, các nghệ sĩ cũng đã có những cuộc thảo luận như thế: tự do và biết tôn trọng lẫn nhau. Rồi họ sẽ về nhà, lại làm việc, nhưng ba tháng sống cùng nhau thật sự trong môi trường nghệ thuật “không salon” sẽ có những tác động không nhỏ đến những hoạt động và nhãn quan của họ sau này.

Chính vì nội dung của cuộc thảo luận là “mở”, nên vất vả nhất là Soi vì phải loay hoay tóm tắt lại. Và cuối cùng, nội dung mà SOI thấy mọi người quan tâm nhất (và SOI cũng chỉ nhớ có chừng ấy) là “có không một khoảng đệm giữa chính thống và không chính thống cho nghệ thuật.”

 

Họa sĩ Đào Châu Hải

Điêu khắc gia Đào Châu Hải, ngồi trên bàn chủ tọa, nghĩ câu hỏi này không cần thiết, “Nghệ thuật không phân biệt chính thống hay không chính thống, quan trọng là nghệ sĩ thể hiện những trải nghiệm trong đời sống bằng bản sắc riêng của mình. Tôi được theo học nghệ thuật từ khi mới 13, 14 tuổi và không một ai dạy tôi là phải đứng ở bên nào của nghệ thuật.  Trên thế giới này chỉ có nước nào thiếu dân chủ, văn hóa… mới đặt ra vấn đề chính thống hay không chính thống.”

 

Họa sĩ Như Huy và họa sĩ Phương Vũ Mạnh

Họa sĩ Như Huy muốn hình tượng hóa khái niệm này: “Chính thống hay không chính thống nói nghe có vẻ trừu tượng quá. Tôi chỉ muốn bổ sung rằng nghệ thuật có cái dễ triển lãm, có cái khó triển lãm, có cái không được triển lãm. Cũng như đèn đỏ, đèn vàng và đèn xanh.” À, SOI Mít hiểu rồi, cái mà các nghệ sĩ đặt ra là có hay không một mô hình đèn vàng, cụ thể là tại những nước như Trung Quốc và Việt Nam.

 

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Chính thống hay không được hiểu theo hai góc độ, chính trị và nghệ thuật. Theo tôi có bốn loại tác phẩm: được triển lãm, có thể triển lãm, không được triển lãm, không muốn triển lãm, tương ứng với bốn thái độ: thích nghi, thỏa hiệp, cự tuyệt và phá phách. Và theo tôi hai thái độ đầu đều là xu thời.” (SOI cho rằng anh Nguyên cực đoan. Thế thì các triển lãm đang diễn ra hiện nay đều là xu thời hết sao?)

Họa sĩ Phạm Huy Thông (áo đen)

Họa sĩ Phạm Huy Thông lại chỉ ra một phương cách (thịnh hành?): “Ngoài ra còn có những nghệ sĩ khác tạo vỏ bọc cho tác phẩm để khi bị hỏi han thì giải thích theo vỏ bọc ấy. Tôi không gọi đấy là thỏa hiệp. Tôi gọi là… che đậy.” (Nghệ sĩ Như Huy edit lại là “ngụy trang”).

Điêu khắc gia Đào Châu Hải bổ sung (và Soi nghĩ nhiều người đồng ý với ông): “Họa sĩ Việt Nam cũng có cái khó, đó là nói chung ai cũng hiểu những tác phẩm để được trưng bày thì không nên nói xấu lãnh đạo, không chỉ trích Đảng và nhà nước, không đổi trụy… nhưng không có điều luật nào quy định cụ thể cả, mà là tùy theo phán quyết của một nhóm người, mọi người cứ thế mà ngầm hiểu. Do đó ranh giới rất mù mờ. Và do đó mới có tình trạng có những tác phẩm tưởng không triển lãm được thì lại triển lãm được, có những cái tưởng triển lãm được nhưng vì vô tình hay hữu ý bị quy về những điều kia thành ra lại không triển lãm được.”

 

Giám tuyển Lu Jie

 

Nhưng quả thực, dù không thích Trung Quốc, SOI vẫn phải công nhận các nghệ sĩ Trung Quốc quá giỏi trong thảo luận. Họ khúc chiết, dứt khoát, có lý luận. Thí dụ, để trả lời ý kiến của anh Phạm Xuân Nguyên: “… Chỉ có tác phẩm xu thời mới được triển lãm…”, vị chủ tọa Lu Jie, curator Trung Quốc dẫn đầu dự án, khẳng định, “Chẳng có nước nào trên thế giới mà bất kỳ tác phẩm nào cũng được triển lãm”.
Không thể đòi hỏi tự do tuyệt đối, quả có vậy.

 

Liu Wei

Hay đáp lại những thắc mắc về “lề trái, lề phải”, “cấm đoán”…  nghệ sĩ Liu Wei chia sẻ những kinh nghiệm từ Trung Quốc: “Đừng coi bị cấm đoán là quá kinh khủng, ngày xưa nhiều người trong chúng tôi cũng uất ức như thế, lúc nào cũng muốn tranh đấu cho tự do sáng tác, và tác phẩm chỉ dựa vào những mối quan tâm đó: đấu tranh, lề trái. Tất cả những yếu ấy không có gì sai nếu cái chính là nghệ thuật vẫn được đặt lên hàng đầu. Nhưng nhiều họa sĩ lúc ấy chỉ coi mình là đứng bên lề, là phi chính thống, là chống đối, nên sinh ra những tác phẩm hằn học. Thế rồi khi không còn bị cấm đoán nữa lại thấy trống rỗng, các tác phẩm hồi đó xem lại cũng đã trở nên không còn giá trị.”

Giáo sư Lu Xinghua và nghệ sĩ Việt kiều Brian Đoàn

 

Giáo sư triết học Lu Xinghua, một “triết gia” của đoàn, nói: “Đương đại không phải chỉ có thời hiện tại. Đương đại gồm cả ba thì: quá khứ, hiện tại, tương lai. Một tác phẩm xuất sắc, nhất là tác phẩm đương đại, phải có đủ hai yếu tố: độc đáo (do tài của nghệ sĩ), cực đoan (do bối cảnh gồm chính trị, văn hóa). Nghệ sĩ vì thế không thể tách khỏi bối cảnh xã hội, chính trị mà mình sống.”

Thế đấy, nghệ sĩ đương đại Việt Nam ơi, nếu theo đúng hai tiêu chuẩn này thì chớ thờ ơ với mọi sự quanh mình đấy nhé. Điều này càng khẳng định hơn trong 8 đúc kết của chuyến đi (mà SOI không sao nhớ được 6 cái còn lại), quan trọng nhất là 2 đúc kết:

1. Chúng tôi (những nghệ sĩ tham gia chuyến đi này) hiểu rằng mình “ignorant” (Phiên dịch dịch là “vô minh”. Soi dịch là “ngu dốt”). Trước chuyến đi chúng tôi thấy mình ngu dốt, trong chuyến đi chúng tôi thấy mình ngu dốt, và sau chuyến đi vẫn thấy mình ngu dốt. Ngu dốt về mọi thứ: từ những việc bé như tổ chức, đến những việc lớn như triết học.”

2. Chúng tôi “not innocent” (phiên dịch dịch là “không vô can”. Soi dịch là “không ngây thơ”)

Quả là hay. Nghệ sĩ mà nhận ra mình còn ngu dốt thì còn đi xa, còn ngạc nhiên trước cuộc đời, còn tìm hiểu, còn xúc động. Và đúng như Như Huy viết trên FB, thái độ chính trị của nghệ sĩ không phải là dùng tác phẩm của mình để chống lại cái này hay cái khác, mà bằng tác phẩm để nhận ra, bằng trí óc và bằng thân xác, rằng “chúng ta không ngây thơ trước thực tại hiện tồn”.

Nhưng rồi một họa sĩ Việt Nam, đầu trọc, răng đen nhưng nhức, đứng lên hỏi, “Các bạn đi như thế này có khác gì phượt đâu nhỉ?”

“Phượt: đúng,” curator Lu Jie đáp, “nhưng chúng tôi không giả vờ choàng lên chuyến đi những trọng trách, những sứ mệnh. Thậm chí chúng tôi cũng không bảo mình đi thế này để tìm hiểu xã hội, làm gì cho xã hội. Chúng tôi đi chỉ để đi với nhau, sống với nhau, trao đổi với nhau. Đi được một cuộc thế này quả là một nỗ lực, là rất khó. Mỗi người phải đấu tranh: ở lại nhà để vẽ, hay lên đường một chuyến dài vất vả…”

 

Brian Đoàn và Như Huy trước bảo tàng

Đúng là một nỗ lực để lên đường, đầu tiên là trong ý thức. Nghệ sĩ Brian Đoàn nói: “Ban đầu cái tên đường mòn Hồ Chí Minh gợi tôi nhớ một thời kì mà mình muốn quên đi. Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam và phải di tản. Tham gia chuyến đi, tôi đã nếm trải những vất vả đến mức đau đớn của cơ thể và đôi khi cảm thấy hoang mang về ý thức. Đi bộ 20km mỗi ngày trên đường mòn Hồ Chí Minh. Rồi nghe những tranh luận rất avant garde về triết học, nghệ thuật, và chính trị… làm tôi rất hoang mang. Nhưng đến ngày hôm qua, tôi và anh Như Huy thăm bảo tàng Hồ Chí Minh, khi cùng nhau ngồi nghỉ ngoài bảo tàng, đột nhiên tôi tự hỏi tại sao bây giờ chúng tôi có thể ngồi đây cạnh nhau, trong khi nhẽ ra chúng tôi thuộc về hai chiến tuyến, có thể đã chĩa súng vào nhau: tôi súng Mỹ và anh súng Nga. Tôi cảm thấy may mắn là chúng tôi không giết lẫn nhau, và chúng tôi là những kẻ sống sót.”

(Chà, cái đầu đất của SOI lúc ấy phỏng đoán: Brian 40 tuổi. Năm 1975 anh 5 tuổi, nếu cầm súng bắn Như Huy chắc chỉ có súng nước của Tàu?)

Nghệ sĩ Trần Lương cũng tham dự. Anh từng có một màn đánh răng đầy ấn tượng ở Thiên An Môn. Anh cho biết mình rất tiếc vì đã không tham gia cuộc Long March hồi 2002 vì bận một dự án khác; đến giờ vẫn còn tiếc. “Nhưng tôi vẫn dõi theo các bạn từ đó đến giờ và vẫn coi mình là một phần của đội Long March… Đến bây giờ tôi vẫn không dám chắc trong tương lai có thể tham gia các hoạt động của các bạn không, nhưng tôi muốn các bạn biết rằng, là một nghệ sĩ ở Việt Nam, tôi cũng đang cặm cụi một cuộc trường chinh đầy đớn đau và nhọc nhằn không kém gì cuộc trường chinh của các bạn.”

Hơn 9h, mọi người vẫn còn thích thú với cuộc thảo luận. Tưởng chệch đề mà không chệch đề. Đó là cái lợi của tự do và thẳng thắn.

Cuối cùng, nói lời chót, điêu khắc gia Đào Châu Hải thực hành luôn tiêu chí “not innocent” của người nghệ sĩ trước thực tại: mời các nghệ sĩ Trung Quốc của đoàn làm một cuộc trường chinh ra Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng Lu Jie đã trả lời lịch lãm và khôn ngoan, nói đến các hình thức khác nhau của đường mòn Hồ Chí Minh – trên biển, trên đất liền, trong tâm tưởng, trong kinh tế… và kết luận việc thực hiện một cuộc trường chinh trên biển hoàn toàn là một khả năng. Tuy nhiên có lẽ ai nấy đều hiểu, “it’s a long, long way to march”.

 

*

(Bạn HN sau khi đọc bài đã cmt như sau:

“Ý cuối cùng của Lu Jie ko phải là như SOI viết SOI ạ.

Bác ý nói rất cảm động. Nói rằng có 5 loại đường HCM: đường bộ, xăng dầu (nhiên liệu), đường biển, đường không, đường tiền tệ. Vậy thì giờ đây, chúng ta sẽ hướng tới và xây nên một con đường khác: Con đường lòng người (tôi dịch thế, còn bác nói là “human trail”)

Rất hay, HN ơi, cảm ơn bạn rất nhiều. SOI biết ngay từ đầu mà, thể nào SOI Mít ghi cũng sót, cũng có cái nhầm, cái hiểu sai… Các bạn đọc khác cũng đọc thêm trong phần cmt ở dưới nữa nhé.

Nếu nói về một “human trail” trong context lời mời đi Trường Sa, Hoàng Sa, SOI e rằng cũng vẫn là “a long, long way to march” mất thôi, trong tình hình hiện nay, với sự “not innocent” của tất cả mọi người.)

Ý kiến - Thảo luận

2:34 Sunday,27.3.2011 Đăng bởi:  cuong tom tep
Con đường nhiều thử thách, khó khăn đòi hỏi -thử thách bản lĩnh của mỗi cá nhân (với tư cách là một con người, và sau đó là một nghệ sĩ) là "con đường" đi Hoàng Sa-Trường Sa, nhưng đã bị khước từ một cách thật "hay ho"
...xem tiếp
2:34 Sunday,27.3.2011 Đăng bởi:  cuong tom tep
Con đường nhiều thử thách, khó khăn đòi hỏi -thử thách bản lĩnh của mỗi cá nhân (với tư cách là một con người, và sau đó là một nghệ sĩ) là "con đường" đi Hoàng Sa-Trường Sa, nhưng đã bị khước từ một cách thật "hay ho" 
10:27 Saturday,3.7.2010 Đăng bởi:  Claire Nguyễn
Hic hic anh Trần Lương ơi, không hiểu lúc đánh răng rửa mouth (đọc là mao) trước Thiên An Môn không biết anh có tự cho mình là một phần không thể tách rời của Đại Trường Chinh không nhỉ?
...xem tiếp
10:27 Saturday,3.7.2010 Đăng bởi:  Claire Nguyễn
Hic hic anh Trần Lương ơi, không hiểu lúc đánh răng rửa mouth (đọc là mao) trước Thiên An Môn không biết anh có tự cho mình là một phần không thể tách rời của Đại Trường Chinh không nhỉ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả