3.000 gửi xe thôi, được tha hồ xem Klimt: 4 bản in tranh và 15 tấm pano giới thiệu tiểu sử
17. 06. 12 - 8:10 am
Bài và ảnh: An
.
GUSTAV KLIMT Triển lãm kỷ niệm 150 ngày sinh của danh họa người Áo Gustav Klimt
Khai mạc: 17h thứ Sáu ngày 15. 6. 2012 Thời gian: từ ngày 15. 6 đến 24. 6. 2012 Địa điểm: Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hà Nội)
Lần đầu tiên, tôi được đi xem triển lãm về một danh họa thế giới tại… Thư viện Quốc gia.
Lối vào sảnh chính của Thư viện, nơi bày triển lãm, có hai hàng các cô gái vận trang phục áo dài truyền thống đứng đón khách, đem lại cảm giác về sự trọng thị, tuy là không phải vị khách nào cũng được họ mỉm cười và đưa tay ra chào đón.
Ngay cửa ra vào là hai tủ sách, trưng bày các sách tranh của Gustav Klimt, cũng như một số sách có lẽ là về lịch sử, văn hóa nước Áo khi đó, sách bằng tiếng Anh và Đức. Nhiều nhân viên nữ của Thư viện Quốc gia đã đứng chờ đến giờ khai mạc.
Có cả những cuốn sách lớn thế này.
Gần đến giờ khai mạc, triển lãm đã đông và mọi người tranh thủ đọc thông tin từ các tấm pano về cuộc đời Gustav Klimt.
Có tổng cộng 15 tấm như vậy, in song ngữ Việt – Anh, giới thiệu khái quát về một số mốc thời gian đáng chú ý nhất trong cuộc đời danh họa. Đây là bức đầu tiên, in ảnh chân dung ông bế một em mèo rất đẹp, và lời khẳng định ông là một nhân vật tiên phong của chủ nghĩa hiện đại trong hội họa thế giới.
Đây là phần giới thiệu về con người cá nhân Klimt, ngoài thông tin còn có in một số bức tranh như là minh họa hình ảnh kèm theo, có chọn lọc, đem lại cảm nhận về một cách giới thiệu nhân vật vừa sinh động, tình cảm, gọn gàng mà cũng rất trân trọng…
Phần giới thiệu về tranh phong cảnh của ông.
Phần giới thiệu về thời kỳ vàng, như là thời kỳ quan trọng nhất của ông, chỉ có minh họa bằng một bức tranh nhưng được in cỡ lớn. Một cách làm pano thật hiệu quả.
Bức “Nụ hôn” được in lại trên một loại giấy đặc biệt.
Nghe nói, toàn bộ phần in ấn được thực hiện ở Việt Nam, phần thiết kế do phía Đại sứ quán Áo đặt hàng ở nước họ.
Triển lãm được khai mạc bằng một chương trình biểu diễn ngắn gọn của nhóm nhạc thính phòng Sông Hồng. Ngay trước đó vài phút, nhóm nhạc tranh thủ giao lưu với một vị khách duyên dáng, bà Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội.
Sau lời chào mừng quan khách của đại diện Đại sứ quán Áo – đơn vị tổ chức sự kiện này, ông Huỳnh Vĩnh Ái, thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, được mời lên phát biểu. Ông không cầm giấy, nên đem lại cảm giác dễ chịu. Sau khi nhấn mạnh đây là một sự kiện văn hóa nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo, ông điểm qua những thành tựu về âm nhạc, kiến trúc, hội họa của nước Áo, cho thấy một bề dày lịch sử văn hóa của đất nước này. Riêng về Klimt, ông nói, sau khi xem các bức tranh được giới thiệu ở đây, ông thấy Klimt vẽ về phụ nữ thật tinh tế, sống động, có chiều sâu tâm hồn…
Sau một bài phát biểu chú trọng về tính chất ngoại giao, vị đại sứ Áo trao tặng lại Thư viện Quốc gia với đại diện là bà giám đốc, một bộ sách về Klimt. Hy vọng giới họa sĩ chúng ta, từ sau sự kiện này, sẽ chăm chỉ đi thư viện hơn, để được đọc, xem những cuốn sách quý này.
Triển lãm có khá nhiều người trong giới mỹ thuật Hà Nội đến dự. Từ các bậc lão thành như họa sĩ Trần Huy Oánh, đứng bên cạnh ông là nữ họa sĩ Thanh Tâm…
… đến bác Phạm Công Thành, cựu giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Và một số khán giả nhiều tuổi, trung thành của các triển lãm mỹ thuật quanh thủ đô.
Ông chủ Hanoigrapevine, nghệ sĩ Brian Ring, cũng không bỏ lỡ sự kiện này.
Có những vị khách ăn vận rất lịch sự như thế này…
… hay thoải mái như dịch giả tiếng Đức nổi tiếng – anh Lê Quang (áo xanh)
hay như bạn Nguyễn Ngọc Lâm, một giảng viên điêu khắc trẻ của Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm đông, nhiều người xem khá kỹ…
… hoặc tranh thủ chụp ảnh lại rồi về nhà nghiền ngẫm xem tại sao một họa sĩ vẽ thiên về trang trí như vậy lại có thể là một người tiên phong của chủ nghĩa hiện đại…
Triển lãm còn đến ngày 24. 6. 2012, bạn tranh thủ đến xem nhé. Chỉ mất 3 nghìn đồng gửi xe ở cổng thư viện thôi, quá rẻ cho một món ăn kiến thức và thẩm mỹ ngon lành, nhỉ?!
Triển lãm tuy không có tranh nguyên bản hoặc phiên bản, chỉ có bốn bức tranh được in trên giấy đặc biệt (chính là 4 bức được đăng kèm trong bài giới thiệu trước), còn lại là tranh in nhỏ kèm trên các pano… nhưng cách làm triển lãm này đem lại hy vọng rằng, thông tin và hình ảnh ở đây là xác thực, không ngại phải thưởng thức hình ảnh tranh giả đâu :-).
Dưới đây là một số hình ảnh chụp lại từ triển lãm:
Ký họa: Cô gái ngồi với chiếc váy kéo cao
Phác thảo bức Judith II
Phần trên của tấm pano giới thiệu bức tranh tường Beethoven Frieze.
Phần trên tấm pano giới thiệu xưởng họa cuối cùng của ông.
...xem tiếp