Nhiếp ảnh

Khi các nhiếp ảnh gia “khoe” ảnh xấu cho chúng ta xem 18. 06. 12 - 11:44 am

Như Mai dịch

Nhiếp ảnh gia thường rất hãnh diện khi khoe những tác phẩm đẹp nhất của mình. Thế còn những tấm xấu nhất thì sao? Jane Bown, Martin Parr, Terry O’ Neil và các nghệ sĩ khác đưa các tấm ảnh xấu sau ra diện kiến khán giả.

"Mahmoud Ahmadinejad", 2009, do Platon chụp. "Năm 2009 tôi chụp khoảng 110 nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hiệp Quốc. ông Ahmadinejad là một ngạc nhiên lớn. Tôi muốn nắm bắt thần thái đầy đe dọa của nhà độc tài nhưng ông ta đột nhiên nhận ra rằng, không những ông sắp ngồi mẫu cho tấm ảnh chân dung riêng tư nhất từ trước giờ, mà đám người ủng hộ ông cũng đang theo dõi. Bọn họ tung hô loạn xạ, khiến Ahmadinejad mất tập trung và bắt đầu cười. Cơ hội 'chụp tên độc tài' của tôi đã bị bỏ lỡ.”

Tấm hình này đã bị loại ra khỏi cuốn sách ảnh "Twentysix Gasoline Stations", 1962, do Ed Ruscha chụp. “Tôi nhìn thấy chiếc xe trên đường 66 tại một vùng đất hoang vu ở Arizona. Khung cảnh này có đầy đủ đặc điểm của một tấm ảnh đẹp: mấy con thỏ hoang trên hàng rào, một chiếc xe chết máy, đám cỏ dại và biển số xe cũ mèm; bầu trời có gì đó lãnh đạm, còn chân trời thì gần như không có. Trong một lớp học nhiếp ảnh thì không chừng người ta sẽ đem tấm này ra thảo luận, (các thầy cô) sẽ bàn về chuyện những yếu tố khác biệt vẫn có thể trở nên hài hòa ra sao nếu biết cách chụp. Và đó chính là lý do mà nó thất bại. Tôi cảm thấy đây chính là tấm ảnh tệ nhất của mình. Nó hoàn hảo theo kiểu 'Mỹ giả tạo'”.

"The World", do Tom Hunter chụp tại Devon. Tác phẩm này chụp một con tàu khổng lồ có tên là ‘The World”, đây cũng là chỗ nghỉ ngơi của dân nhà giàu. Tác giả nói: "Quang cảnh thật là hoành tráng. Nhưng tôi không nghĩ rằng mình đã làm tốt. Có cả hàng triệu bức ảnh như thế này trên internet, và chúng chẳng nói được gì nhiều hơn là 'Wow, nó trông vui vui.' Tôi đã dày công tạo ra những tác phẩm mang phong cách riêng của mình, và rõ ràng tấm này không nằm trong số đó."

"Eric Clapton và Bob Dylan", do Terry O’ Neill chụp. Ông nói "Tôi không thích hình chân dung, trừ hai ngoại lệ: Marilyn Monroe và Bob Dylan. Tôi muốn chụp được cái cá tính vừa đương thời vừa chân thật của họ. Tôi nghĩ chúng ta đều muốn nhìn thẳng vào đôi mắt của hai người này và cố gắng khám phá ra điều gì đó. Tuy nhiên tôi rất thất vọng khi Bob chẳng thiết tha cho lắm. Ông không muốn chụp hình riêng mà muốn đứng chung với Eric. Tôi không hiểu tại sao. Có lẽ ông ấy ngượng. Nhưng chán thật: chiều sâu tính cách của ông đáng ra sẽ trở nên nổi bật trên hình (nếu ông không kéo Eric vào đứng cùng).

 

(Các bạn đọc thêm: Chụp Bob Dylan: có yêu bản thân thì hình mới đẹp)

"Gregory Peck", 1990, do Jillian Edelstein chụp. Jillian nói: "Tôi chụp ảnh Gregory Peck cho báo Time Out. Khi đó ông ấy đang ở tại một khách sạn thuộc thành phố London và tôi nghĩ rằng mình có thể chụp ảnh từ rất nhiều góc. Nhưng Peck dùng ngón tay để chỉ vào má phải. 'Cô chỉ có thể chụp tôi từ phía bên này.' Có lẽ tôi không nên nghe lời ông ấy, nhưng trong buổi gặp gỡ thân mật và ngắn ngủi đó tôi nghĩ rằng mình nên tôn trọng ý muốn của ông. Khi đó tôi còn trẻ và vẫn còn lúng túng. Sau lần đó tôi đã rút ra bài học là mình phải luôn tự đạo diễn các bức ảnh mình chụp."

"Port Eliot Festival", 2011, của Martin Parr. "Tôi muốn đưa ra hai bức ảnh - một bức tốt và một bức bỏ đi - để minh họa điểm yếu của tấm hình xấu. Đây chính là tấm xấu đấy. Tôi chụp nó tại Port Eliot ở Cornwall. Lúc này đang là nửa đêm, nhưng đến 11 giờ sáng hôm sau thì một tấm tốt hơn (hình tiếp theo) đã nằm ở trên tường."

"Port Elliot Festival", 2011, của Martin Parr. ‘"Đây là bức ảnh cuối cùng còn trụ lại (sau khi tôi quẳng mấy tấm khác đi). Mọi thứ trở nên hài hòa hơn: cô gái trong hình trông ăn ảnh, và động tác của cô vừa hợp; tôi đã cân bằng ánh sáng của môi trường xung quanh với đèn flash, vì thế tôi phải chụp tới vài lần. Tấm ảnh thứ nhất không đến nỗi tệ, nhưng không bằng tấm này. Đây cũng là một khó khăn điển hình của các nhiếp ảnh gia: chụp nhiều tấm không-đến-nỗi-tệ, nhưng tấm thật tốt thì chẳng thấy đâu cả."

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Marina Abramovic - Tuyên ngôn đời nghệ sĩ

Marina Abramovic – Khôi Nguyên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả