Thị trường

Bí quyết khi đi mua tranh thạch bản: dùng kính lúp 20. 06. 12 - 3:26 pm

Nguyễn Đình Đăng

Đây là cmt của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cho bài “Một số thắc mắc quanh triển lãm Vũ Cao Đàm“. Soi xin tổng hợp và đưa lên thành bài cho các bạn dễ theo dõi. Tên bài do Soi đặt. Cảm ơn họa sĩ Nguyễn Đình Đăng rất nhiều.

 

Một thí dụ của tranh thạch bản. (Các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản to hơn).

 

Nói một cách rất sơ lược thì in thạch bản (in đá – lithography) có hai phương pháp, tạm gọi là truyền thống và hiện đại.

1. Phương pháp truyền thống

Nguyên tắc in thạch bản hay in đá (lithography) được phát minh từ thế kỷ 18, khá đơn giản, với phần khuôn dương bắt mực, nhưng không bắt nước, và phần khuôn âm hút nước nhưng không bắt mực.

Người ta dùng một loại bút như bút chì sáp (ruột có dầu mỡ, không hút nước), vẽ hình lên mặt đá phẳng (đá vôi, CaCO3).

Sau đó người ta bôi một dung dịch keo pha nước lên mặt phiến đá. Dung dịch này chỉ bám lên những chỗ không dính dầu mỡ. Trong quá trình in, phiến đá được làm ướt. Nước chỉ bám vào những chỗ có keo, và để hở những nét vẽ bằng sáp (chất có dầu mỡ). Còn mực in có chứa dầu như dầu lanh và dầu bóng trộn với màu. Khi lăn mực in lên phiến đá đã được vẽ hình thì mực in chỉ bám lên các nét vẽ có dầu mỡ. Kết quả là hình in lên giấy là từ mực dính trên các nét vẽ.

Đến thế kỷ 19 người ta phát minh ra in thạch bản màu (color lithography). Nguyên tắc in thạch bản nhiều màu cũng tương tự như in thạch bản một màu, nhưng bây giờ mỗi màu phải có một phiến đá riêng, và phải in riêng từng màu. Khó khăn ở đây là phải làm thế nào cho các hình in bằng các màu khác nhau không được lệch vị trí.


2. Phương pháp hiện đại: offset lithography

Thực chất đây là in offset dựa trên nguyên tắc in thạch bản, tức là nước và dầu đẩy nhau (không dính vào nhau). Phương pháp này cho phép in được rất nhiều bản.

Offset lithography bao gồm việc in ảnh lên các tấm nhôm, nhựa polyester, v.v… có phủ nhũ tương bắt sáng (photoemulsion – như trên phim chụp ảnh), tạm gọi là khuôn in (printing plate). Người ta chụp ảnh tác phẩm, đặt phim âm bản lên trên khuôn in, rồi chiếu tia cực tím lên. Sau đó hiện và hãm khuôn in tương tự như hiện và hãm ảnh khi rửa ảnh. Hình in được giữ lại trên khuôn, còn những gì không thuộc hình in thì được tẩy đi nhờ một quá trình hóa học. Tuy nhiên công đoạn này hiện nay được thay bằng kỹ thuật in laser gọi là CTP (Computer to Plate) và các khuôn không cần tẩy hóa học nữa.

Khuôn in sau đó được cuốn lên trụ trong máy in. Nước được lăn lên khuôn in, nhưng chỉ dính vào những chỗ trống, và không bám vào phần nhũ tương (có hình vẽ). Sau đó mực in được lăn lên khuôn, và mực chỉ dính vào phần hình vẽ, chứ không bám vào phần đã dính nước.

Trụ này lại lăn trên một trụ đối diện bọc cao su. Trụ cao su này sẽ dính hình vẽ từ khuôn sang và ép nước đi, thành ra khi in lên giấy, giấy không bị ướt. Vì hình vẽ được chuyển từ khuôn (set) sang trụ cao su (off set = ngoài set) rồi mới in lên giấy nên phương pháp này được gọi là offset lithography (in thạch bản offset) hay đơn giản là in offset.


Làm thế nào đề phân biệt bản in thạch bản theo truyền thống cổ điển với bản in thạch bản offset?

Trong in thạch bản cổ điển (lithography), hoạ sĩ vẽ thẳng lên khuôn (mặt đá, kim loại hay nhựa polyester, giấy, v.v.), hoặc vẽ lên giấy rồi ép hình từ giấy lên đá (phương pháp của Alois Senefelder, 1771 – 1834). Sau đó, hoạ sĩ lăn mực và in. Vì vậy mỗi bản in là thành phẩm mang dấu ấn riêng của họa sĩ. Mỗi màu cần một hình vẽ riêng. Thời xưa người ta dùng tới 20 – 25 phiến đá để in các màu khác nhau.

Xem ví dụ về quá trình in tay lithography tại đây

hoặc tại đây.

Trong in thạch bản offset (offset lithography) – một trong những dạng phổ biến nhất trong in ấn thương mại, họa sĩ thuê thợ ảnh chuyên nghiệp chụp hình bản gốc tranh của mình. Sau đó ảnh chụp được gửi tới nhà in. (Ngày nay, hầu hết các nhà in thương mại nhận làm luôn cả công đoạn chụp hình từ bản gốc). Nhà in sau đó chuyển tất cả các màu trên ảnh thành một tổ hợp của 4 màu (gọi là tách màu): đỏ, vàng, lam, và đen. Các màu và sắc khác đều có thể được tạo ra từ 4 màu đó theo nguyên tắc trừ màu: đỏ + vàng = da cam, vàng + lam = lục, lam + đỏ = tím. Trên thực tế, mực in dùng màu cyan (hồng tím) thay vì màu đỏ. Màu cyan khi pha với vàng cho màu đỏ da cam, còn khi pha với màu lam cho màu nước biển sẫm (ultramarine). Từ 4 ảnh với 4 màu riêng rẽ, người ta làm âm bản và khuôn in từ ảnh, rồi cho vào máy in.

Như vậy, trong offset lithograph, dấu ấn của hoạ sĩ bị mất 3 lần. Lần thứ nhất ở công đoạn chuyển từ bản gốc sang ảnh chụp, lần thứ hai ở công đoạn tách màu, và lần thứ 3 ở khâu in vì, tùy theo trình độ và chất lượng của nhà in, màu khi in ra có thể khác ít hoặc khác xa bản gốc.

Cách thông thường và đơn giản nhất để phân biệt một bản in lithography (vẽ trực tiếp và in tay theo phương pháp cổ điển) với bản in offset lithography (thông qua chụp ảnh bản gốc và tách màu) là nhìn bản in dưới kính phóng to, chẳng hạn kính loupe có độ phóng đại càng lớn càng tốt. Trong bản in lithography, các chấm màu được phân bố ngẫu nhiên, không theo trật tự hay đường thẳng nào, mực có thể đè lên nhau, trông rất phong phú.

Ví dụ:

(Các bạn nhớ bấm thẳng vào hình để xem bản to hơn)

 

Còn trong bản in offset lithography các chấm màu được tạo ra từ việc tách màu hiện rõ, xếp thẳng hàng một cách cơ học, ví dụ:

 

.

 

Mỗi màu có hình thù chấm màu riêng, và khi hòa với nhau tạo nên một vòng tròn rất nhỏ hình hoa thị (rosette). Dưới kính phóng đại 25 – 50 lần, các chấm hiện ra sắc cạnh, xếp theo lưới thẳng hàng. Phần giấy cạnh phần có mực in thường sạch.

Ví dụ:

Phóng to 200 lần:

 

Một khi bạn nhìn thấy những chấm hoa thị (rosette) như vậy thì chắc chắn đó là bản in có sự can thiệp của máy ảnh và công nghệ in offset thương mại.

Ngoài ra bạn có thể dùng ngón tay sờ mặt bản in trên giấy. Mặt bản in offset lithography thường nhẵn thín, trong khi mặt bản in lithography bằng lăn mực in tay thường có mặt mực dày nổi lên tựa như mặt một bức tranh vẽ vậy. Cũng có thể không cần sờ tay, mà chỉ cần nhìn nghiêng qua kính lúp. Bản in lithography bằng khuôn kẽm lên giấy thường có dấu ấn từ máy in, giấy không phẳng mà có vết của khuôn kẽm hằn lên ở mặt sau tờ giấy.

Giấy in lithography thường dày và có sợi. Danh mục vài loại giấy in lithography được liệt kê tại các đường link ở cuối trang web này.

Một chiêu nữa là nhìn chữ ký của tác giả ở dưới mỗi bản in hoặc ở mặt sau bản in lithography. Tuy nhiên chiêu này không phải lúc nào cũng an toàn, kể cả khi chữ ký đúng là từ tay hoạ sĩ. Trong những năm 1960 – 1970 Salvador Dalí đã làm tiền bằng cách ký khống hàng chục ngàn tờ giấy trắng tinh (người ta ước lượng từ 50 ngàn tới 350 ngàn tờ) với tốc độ ký 2 giây một tờ và bán với giá 40 USD một tờ, tức cứ mỗi tiếng ký khống như vậy Dalí đã kiếm được 72,000 USD, cao hơn nhiều so với giá tranh của chính ông. Sau đó các tay làm tranh giả, ví dụ Leon Armeil, đã mua được các tờ giấy này và đem in các bản in giả lên để tung ra thị trường với giá cao gấp 100 lần [1,2]. Vì thế hiện nay nhiều bản in có chữ ký của Dalí vẫn còn làm các nhà sưu tập và bảo tàng đau đầu để phân biệt thật giả.

Tóm lại, bản in thạch bản theo truyền thống cổ điển (lithography) thường được đánh giá cao hơn bản in thạch bản offset (offset lithography) vì lithography mang dấu ấn trực tiếp của hoạ sĩ, có chất lượng cao hơn và số lượng bản in ra ít hơn nhiều so với offset lithography.

*

Chú thích:

[1] Consumer, 12/8/1985.
Link này.

[2] J. Jordan, Salvador Dalí: The founder of the “Fake”, 10/12/2008.
Link này
.

 

*

Bài liên quan:

– Đi Hong Kong mua tranh Việt Nam
– Lần đầu tiên tại Việt Nam: tranh thạch bản của danh họa Vũ Cao Đàm

– Vui đấy, nhưng vẫn buồn với triển lãm Vũ Cao Đàm

– Một số thắc mắc quanh triển lãm Vũ Cao Đàm

– Hình như bác muốn ném đá?

– Bí quyết khi đi mua tranh thạch bản: dùng kính lúp

 



Ý kiến - Thảo luận

13:09 Thursday,21.6.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
@ Phuong Huynh

Dưới đây là vài thông tin tôi tổng hợp được dành cho các nhà sưu tầm mỹ thuật.

10 lời khuyên các nhà sưu tập mỹ thuật

1. Bạn chỉ nên mua tác phẩm nào làm bạn xúc động, làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của bạn.

2. Hãy năng đi xem triển lãm tại các bảo tàng và galleries trong và ngoài nước.

3. Hãy tham gia vào danh sách liên l
...xem tiếp
13:09 Thursday,21.6.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
@ Phuong Huynh

Dưới đây là vài thông tin tôi tổng hợp được dành cho các nhà sưu tầm mỹ thuật.

10 lời khuyên các nhà sưu tập mỹ thuật

1. Bạn chỉ nên mua tác phẩm nào làm bạn xúc động, làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của bạn.

2. Hãy năng đi xem triển lãm tại các bảo tàng và galleries trong và ngoài nước.

3. Hãy tham gia vào danh sách liên lạc của các galleries để họ có thể gửi giấy hoặc thông báo mời bạn tới dự khai mạc triển lãm.

4. Hãy cố đi xem các triển lãm quốc gia và quốc tế nếu có thể.

5. Trao đổi với các nhà sưu tập mỹ thuật khác để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm sưu tập của họ.

6. Đọc sách về lịch sử mỹ thuật và sưu tầm mỹ thuật.

7. Đặt mua và đọc vài tạp chí mỹ thuật.

8. Đọc các bài phê bình mỹ thuật, nhưng phải luôn nhớ rằng các bài phê bình đó chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của nhà phê bình mà thôi.

9. Hợp tác với cố vấn mỹ thuật chuyên nghiệp để tham khảo cách thức mua tác phẩm mỹ thuật.

10. Một khi bạn đã tự đào tạo mình và yêu mê mẩn một tác phẩm mỹ thuật, hãy mua nó, đem về nhà thưởng thức.

Khi mua tác phẩm mỹ thuật:

1. Bạn cần yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ giấy biên nhận (hoá đơn), ghi rõ lai lịch từng tác phẩm bạn mua. Nếu bạn mua tác phẩm nghệ thuật từ gallery, hay một tổ chức, cá nhân nào, thì chỉ nên chọn gallery (tổ chức, cá nhân) có uy tín, có bảo hành, để trong trường hợp xảy ra "trục trặc" bạn có thể giải quyết ổn thoả khi quay lại gallery (tổ chức, cá nhân) đã bán tác phẩm cho bạn.

2. Thư của người bán bảo đảm tác phẩm là thứ thiệt (không phải hàng giả, hàng nhái, hàng đểu).

3. Thông tin của tác giả về tác phẩm.

4. Loại hình tác phẩm (nguyên bản, hay bản in với số lượng hạn chế, hay bản sao).

5. Biết cách thức bảo quản tác phẩm.

6. Gặp gỡ nghệ sĩ - tác giả. Các buổi khai mạc triển lãm là dịp tốt để gặp nghệ sĩ.

7. Theo dõi sự phát triển của nghệ sĩ mà bạn định sưu tập tác phẩm qua các triển lãm.

8. Lập hồ sơ của tác phẩm bao gồm cả tên nghệ sĩ, tên tác phẩm, chất liệu, kích thước, năm sáng tác, chủ đề, ảnh chụp tác phẩm, các bài báo về nghệ sĩ - tác giả, các vựng tập của tác giả, v.v.

9. Giữ quan hệ tốt với nghệ sĩ - tác giả. Nếu thấy cần thiết, có thể cho tác giả mượn lại tác phẩm bạn đã mua từ tác giả để triển lãm.

10. Theo dõi giá cả và việc định giá của thị trường mỹ thuật.


Đối với các nghệ sĩ đương thời, nếu bạn đủ tự tin, bạn có thể trực tiếp mua tác phẩm từ hoạ sĩ .
Các nhà sưu tầm có tiếng của Nga như Pavel Tretyakov, Savva Mamontov, Ivan Morozov, Sergei Shchukin từng kết bạn với nhiều hoạ sĩ và mua tranh của họ. Pavel Tretyakov, thậm chí sợ bị hớt tay trên, nên đã đến tận studio của Repin, hay Levitan để "xí chỗ" mua tác phẩm của các hoạ sĩ này ngay từ khi họ còn đang vẽ dở, chưa xong. 
23:25 Wednesday,20.6.2012 Đăng bởi:  Phuong Huynh
Cám ơn họa sĩ Nguyễn Đình Đăng về thông tin cực kì quan trọng và thú vị. Tôi đã đọc đi đọc lại các bài viết của anh và tôi mở mang được rất nhiều kiến thức về mỹ thuật. Cái còn rất thiếu với những tay ngang như chúng tôi. Tiện đây, nếu có thể giúp được , mong ai đó có thể đánh giá giúp các tác phẩm đang treo tại triển lãm, xem thuộc những nhóm tranh nào
...xem tiếp
23:25 Wednesday,20.6.2012 Đăng bởi:  Phuong Huynh
Cám ơn họa sĩ Nguyễn Đình Đăng về thông tin cực kì quan trọng và thú vị. Tôi đã đọc đi đọc lại các bài viết của anh và tôi mở mang được rất nhiều kiến thức về mỹ thuật. Cái còn rất thiếu với những tay ngang như chúng tôi. Tiện đây, nếu có thể giúp được , mong ai đó có thể đánh giá giúp các tác phẩm đang treo tại triển lãm, xem thuộc những nhóm tranh nào. Xin cảm ơn rất nhiều. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ?

An Bàng thực hiện (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả