Nghệ sĩ thế giới

Còn một bức Cézanne chưa vẽ… 11. 07. 12 - 9:23 am

Vũ Lâm

"Những người chơi bài", Paul Cézanne

 

Trong bài trước, tôi muốn đưa lại hình ảnh bức Những người chơi bài của Paul Cézanne làm một ví dụ vui giữa “nghệ thuật và cờ bạc”, nhưng không biết bỏ vào đâu. Đây là bức tranh đắt giá nhất thế giới hiện nay, có giá chính thức hơn 250 triệu USD. Trên Soi có dịch tin về việc mua bán bức tranh này, nhưng cũng không lý giải được tại sao giá trị của nó tại sao lại cao thế, chỉ đưa được một câu của Gary Tinterow, giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Houston rằng đây là bức tranh “đen tối nhất, trần trụi nhất, và cốt lõi nhất”.

Nhưng cái gì? Cái gì ấy? Đen tối nhất, được phơi bày trần trụi đến cốt lõi nhất, thì cũng chẳng nói ra. Vậy lý do tại sao bức tranh sơn dầu (không rõ khổ tranh, nhưng chắc cũng không lớn lắm) trong loạt tranh 5 bức tranh vẽ cách đây 117 năm lại có cái giá khủng khiếp thế, ngoài những lý do “xã hội” như Qatar điên cuồng muốn họ trở thành một trung tâm nghệ thuật thế giới? Và tác giả bức tranh là một “người khổng lồ” kết nối nghệ thuật hội họa của hai thế kỷ. Còn lý do nội tại nào nằm ở giá trị bản thân bức tranh và hội họa của Cézanne nói chung chứ?

Những người chơi bài và cô gái, Paul Cézanne. Đây cũng là bức trong loạt tranh chơi bài của họa sĩ.

 

Tôi không cho rằng mình giải đáp nổi câu hỏi này. Chỉ tạm đưa ra một vài đường dẫn. Paul Cézanne (1839 – 1906) là một họa sĩ đại phú do được nhận thừa kế. Và ông bỏ hết cả để theo đuổi nghệ thuật. Lịch sử nghệ thuật Âu-Tây gọi ông là một trong bốn “người vĩ đại ngoại ngạch” hậu Ấn tượng, là Cézanne; Paul Gauguin (1848 – 1903); Van Gogh (1853 -1890); Georges Seurat (1859 – 1891). Sáng tác của bốn “ông tổ” này ảnh hưởng đến tất cả các phong trào và chủ nghĩa sau này của hội họa thế kỷ 20.

Đối tượng vẽ của Cézanne cực kỳ giản dị, một ít phong cảnh, một ít tĩnh vật, một ít chân dung, chỉ có thế, và hình như ông cũng không phát ngôn tư tưởng gì kinh dị lắm. Ông chỉ vẽ thôi, và ông tạo ra những “mã nguồn” của cấu trúc hình thức hội họa mới, phi cổ điển đã đành, còn phi cả Ấn tượng. Ông là người “tạo mã” cho Lập thể ‘băm hình”, và cả một phần của chủ nghĩa Biểu hiện-Trừu tượng “vẽ cái cảm thấy, không vẽ cái nhìn thấy” sau này.

Về phương diện mỹ học, Cézanne đưa ra một cái nhìn chủ động triệt để với đối vật và dùng nó để trình bày nhận thức của mình về “chủ đề” với mong muốn “kiên cố hóa” khoảnh khắc, chứ không kể lể như tranh Cổ điển hoặc diễn tả cảm giác mơ màng phù phiếm bồng bềnh như tranh Ấn tượng. Có lẽ muốn xây dựng một “tinh thần trực tiếp, hiện đại”, trong cái “triết học về sự nhìn” như vậy, nên nhân vật trong tranh Cézanne trông thì như tượng, màu thì dở xanh dở chín sường sượng, không khẳng định nhưng lại đầy kích thích, gợi hứng. Hình thì “xiết hình” rất chặt, nhấn đường công-tua giữa các vật và ngay trong vật rất mạnh cứ như người mới vẽ tập vẽ “phác mảng”. Nhưng năng lượng toát ra từ tranh vẫn lồ lộ là “nội lực” của một “người hùng”.

Pierrot và Harlequin

 

Tạm nói chung về hội họa và đôi nét “mỹ học” của hội họa Cézanne như vậy, bây giờ chiếu vào bức Những người chơi bài. Nếu như cho rằng họa sĩ không kể lể như cổ điển nữa mà dùng đối tượng vẽ để trình bày nhận thức của mình về “chủ đề”, thì việc ông vẽ hai bác nông dân Aix-en-Provence (miền Nam Pháp) đang “rượu chè, cờ bạc” đâu có phải là chỉ là “chụp” hai thằng đánh bạc, vì thế giới ngày nào, ở đâu mà chẳng có thằng đang đánh bạc. Nhưng đây là Cézanne trình bày cảm quan trực tiếp của ông về một cuộc đấu đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại. Đó là cuộc đấu trí-lực tay đôi giữa hai kẻ đàn ông, bằng phương tiện những lá bài. Những cuộc đấu tay đôi giữa đàn ông và đàn ông bao giờ cũng là đơn giản và đáng sợ nhất, vì đó là sự khởi nguồn của chiến tranh và hủy diệt… (Nói thêm: trong 12 họa phẩm cận-hiện đại đắt giá nhất hiện nay, thì ngoài một bức vẽ hoa của Van Gogh và một bức trừu tượng của Pollock, thì 10 bức còn lại toàn là chân dung, có 8 bức chân dung đơn, một bức chân dung “đám đông phù hoa” của Renoir và nhõn một bức chân dung đôi – đấu bạc tay đôi, trông nặng nề như chì, của Cézanne).

Nhưng có lẽ trên đời còn có một cuộc đấu tay đôi còn đáng sợ hơn gấp bội. Tôi giả thiết rằng nếu Cézanne không chết vì bị viêm phổi khi vướng phải bão tuyết, sống già thêm, thể nào ngài cũng vẽ bức “Những người đánh bài” thứ sáu. Đó là cuộc chơi bài giữa một người đàn ông và một người đàn bà, và thay vì các lá bài thực, đó là các “quân bài tình” và các “quân bài thù”, “quân bài thực”, “quân bài hư”… hay tuyệt đỉnh. Nếu cụ Cézanne vẽ được, thì đến giờ, giá bức đó chắc không phải chỉ 250 triệu đô, mà chắc là 2,5 tỷ đô cũng nên. Tôi sẽ mua luôn, (nếu tôi có tiền, cái chữ “nếu” này thật là phiền!)

"Chàng trai trẻ và cô gái cùng chơi bài", van Rijn Rembrandt

 

*

Bài liên quan:

– Còn một bức Cézanne chưa vẽ…
– Ai thắng ai trong ván bài của Cézanne?

Ý kiến - Thảo luận

20:08 Monday,16.7.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
@Em-có-ý-kiến:

1) Tôi trích Salvador Dalí nói về Paul Cézanne như một ví dụ chứng tỏ một lúc hai điều rằng không phải là danh họa thì nói cái gì cũng đúng, nhưng đồng thời cũng cho thấy có những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều, kể cả đối với những người / những gì tưởng như đã được phong thánh.

Có những cái sai trong các phát biểu, nhận định của
...xem tiếp
20:08 Monday,16.7.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
@Em-có-ý-kiến:

1) Tôi trích Salvador Dalí nói về Paul Cézanne như một ví dụ chứng tỏ một lúc hai điều rằng không phải là danh họa thì nói cái gì cũng đúng, nhưng đồng thời cũng cho thấy có những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều, kể cả đối với những người / những gì tưởng như đã được phong thánh.

Có những cái sai trong các phát biểu, nhận định của Dalí. Trong cuốn sách “50 bí mật của tay nghề ma thuật”, ông đã có một số lời khuyên sai về kỹ thuật vẽ sơn dầu (như việc dùng keo hổ phách, việc loại màu umber ra khỏi bảng màu, việc bỏ keo dammar, việc ông dùng các dầu lâu khô pha với các keo có thể gây giòn nứt khi vẽ lót, v.v.).

2) Thời xưa, một bậc thầy (master) trong hội họa là một hoạ sĩ tinh thông nghề nghiệp, sư phụ hoặc cao thủ trong hội hoạ sĩ địa phương, và sáng tác độc lập, tức không chịu sự chỉ huy hoặc thuộc studio của một master nào khác. Vì thế đôi khi một số master chỉ là các hoạ sĩ "sống lâu lên lão làng".

Nghệ sĩ, chứ không phải thợ chép tranh (tiện đây nói luôn: thợ cũng có bậc thầy của thợ), ít nhiều đều có tinh thần sáng tạo trong nghệ thuật. Nhưng các bậc thầy không nhất thiết phải là các nhà cách mạng hay lật đổ trong hội hoạ. Những bậc thầy cổ điển như Leonardo Da Vinci học các kỹ thuật và phong cách từ thầy của mình (Andrea Verrocchio), song vào tay một thiên tài như Leonardo, các phong cách kỹ thuật này đã tạo nên các bức tranh chứa đựng nhiều bí ẩn như có thần thánh nấp trong đó. Hình họa của Leonardo thì hoàn hảo và tao nhã tới mức trong suốt 6 thế kỷ, bất chấp vài cuộc cách mạng và lật đổ trong mỹ thuật, chưa ai bì kịp. (Trong một bài viết, tôi có nói hình hoạ của Salvador Dalí mà đem xếp cạnh hình hoạ của Leonardo thì cũng tựa như con gà tây đứng cạnh con phượng hoàng). Johannes Vermeer chỉ vẽ theo các motives tương tự như của nhiều hoạ sĩ thời đó, ví dụ Peter de Hooch. Song Vermeer được coi là một trong những bậc thầy vĩ đại nhất thời kỳ Hoàng Kim Hà Lan (t.k. 17) bởi di sản hội họa trong vẻn vẹn không quá 30 bức tranh mà ông để lại thật vô giá cho các thế hệ đi sau học hỏi, trong đó tiềm tàng cả ấn tượng, lập thể, action painting v.v.

Có lẽ trong nghệ thuật cái đáng nói là sự khác nhau giữa tài năng và thiên tài. Tôi có bàn về vấn đề này tại đây:
http://nguyendinhdang.wordpress.com/2012/04/01/tai-nang-va-thien-tai/

3) Đoạn bạn trích dẫn từ một trang trong cuốn sách “Art & Physics” tại
http://www.artandphysics.com/chapter_8_page5.html
là của Leonard Shlain (1937 – 2009). Ông sinh thời là một bác sĩ giải phẫu kiêm nhà văn. Ông không phải là hoạ sĩ cũng không phải là nhà vật lý nên việc ông gán ghép không gian Cézanne với không-thời gian của thuyết tương đối khá ngây ngô và nhầm lẫn (Tôi không đủ thì giờ để vạch ra những cái nhầm lẫn sơ đẳng của ông, và cũng không cần thiết ở đây, vì sẽ hơi đi sâu vào vật lý). Cézanne cũng không phải là người đầu tiên phát minh ra không gian âm. Từ t.k. 16 – 17 danh hoạ Nhật Bản Hasegawa Tōhaku (長谷川 等伯 = Trường Cốc Xuyên Đẳng Bá) đã dùng không gian âm trong hội hoạ, mà tiếng Nhật đọc là “ma” ((間) còn phiên âm Hán-Việt đọc là “gian” như trong từ “không gian” (空間) (Xem cmt của Composition tại http://soi.com.vn/?p=68314 ). Vào những năm 1860 tranh khắc gỗ và hội họa Nhật Bản được du nhập vào Pháp, trở thành nguồn cảm hứng cho các hoạ sĩ Ấn tượng, Hậu Ấn tượng, Lập thể. Cézanne nằm trong số các hoạ sĩ Pháp say mê tranh Nhật và ông đã biến không gian âm trong hội hoạ Nhật Bản thành một phần quan trọng trong không gian hội họa của ông, tự nhiên đến nỗi có những người như ông Leonard Shlain nói trên tin rằng Cézanne đã phát minh ra “không gian không phải là rỗng”. Đây cũng là một ví dụ minh chứng cho câu nói: “Nghệ sĩ giỏi thì vay mượn. Nghệ sĩ vĩ đại thì thuổng.” của T.S. Eliot mà sau này Picasso đã “thuổng”lại.

Không gian Cézanne là một kết hợp tự nhiên giữa viễn cận tuyến tính và viễn cận ngược (hay viễn cận Byzantine t.k. 5 - 15). Trong viễn cận ngược điểm hội tụ nằm ở phía trước, bên ngoài bức tranh.Viễn cận ngược xảy ra trên võng mạc khi nhìn những vật rất gần ta. Cézanne có cách nhìn tự nhiên khiến viễn cận trên vọng mạc ông xê dịch theo hướng nhìn. Kết quả là cả hai kiểu viễn cận thượng dẫn đều hiện diện trong tranh ông. Bức tĩnh vật dưới đây là một ví dụ về viễn cận ngược trong tranh Cézanne.
http://www.paulfrasercollectibles.com/upload/public/docimages/Image/n/p/u/CezanneStillLife1893.jpg

Nhà vật lý Boris Raushenbach (1915 – 2001), viện sĩ Hàn lâm Khoa học Liên Xô, một trong những sáng lập gia của ngành vũ trụ Liên Xô, có viết một cuốn sách nhan đề “Các cách xây dựng không gian trong hội hoạ” (1980), trong đó có chương phân tích về không gian Cézanne. Toàn bộ cuốn sách (bằng tiếng Nga) có thể tải xuống miễn phí tại đây:
http://scilib.narod.ru/Math/Rauschenbach2/index.html
Chương này cũng được tóm lược trong thành một bài báo ngắn (cũng bằng tiếng Nga) tại
http://shubina_gallery.tripod.com/library/theory-painting/perspectiva.htm

Trong một buổi nói chuyện tại viện Nghiên cứu Mỹ thuật (thuộc ĐHMT Yết Kiêu) vào khoảng cuối 1985 - đầu 1986 tôi đã thuyết trình về cuốn sách này. Dựa trên các phân tích toán học, tác giả kết luận rằng việc xếp Cézanne vào hàng ngũ những người đặt nền móng cho hội hoạ trừu tượng là một sự ngộ nhận, ít nhất nếu chỉ trên cơ sở cách xây dựng không gian trong tranh của ông. Thực ra phải khẳng định điều ngược lại. Đó là Cézanne đã đi tiếp một bước trong việc phát triển luật viễn cận. Ông đã đi ra ngoài viễn cận tuyến tính để bước vào một hệ thống viễn cận cảm nhận đầy đủ hơn, và hoàn hảo hơn trong một số trường hợp. Vì thế không nên gắn tên ông với sự diệt vong của hệ thống viễn cận khoa học mà cần gắn tên ông với một bước tiến trong sự phát triển hệ thống viễn cận này. 
10:09 Monday,16.7.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
Ai thắng ai trong ván bài của Cézanne?

Cézanne không chỉ coi hình là nền tảng cơ bản của bố cục, mà còn tiến một bước xa hơn. Ông khai triển hình thành dãy các hình cơ bản trong hình học không gian là hình trụ, hình cầu, hình nón, hay của hình học phẳng là hình chữ nhật, hình tròn, hình tam giác. Trong tranh của ông, cái cây biến thành hình trụ, quả táo th
...xem tiếp
10:09 Monday,16.7.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
Ai thắng ai trong ván bài của Cézanne?

Cézanne không chỉ coi hình là nền tảng cơ bản của bố cục, mà còn tiến một bước xa hơn. Ông khai triển hình thành dãy các hình cơ bản trong hình học không gian là hình trụ, hình cầu, hình nón, hay của hình học phẳng là hình chữ nhật, hình tròn, hình tam giác. Trong tranh của ông, cái cây biến thành hình trụ, quả táo thành hình cầu màu sắc v.v. Cách phân tích hình thành các hình cơ bản trong hình học, và cách phết màu thành từng mảng của ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hứng khởi cho Chủ nghĩa Lập Thể trong hội họa t.k. 20. Coi Cézanne như tổ nghề, Braque, Picasso và nhiều hoạ sĩ Lập Thể khác thường lấy cảm hứng từ bố cục hình học, hòa sắc và phối cảnh của Cézanne.

Để vẽ loạt tranh 5 bức những người chơi bài, Cézanne đã mượn motive của các tiền bối trong hội hoạ Hà lan, Pháp, Ý t.k. 16 – 17. Tuy nhiên Cézanne đã bỏ qua kịch tính tâm lý, sự dẫn chuyện, mà thay vào đó bằng những khuôn mặt trơ như đá và sự tinh giản về quang cảnh. Trong bức tranh vẽ hai người chơi bài, mà Quatar đã mua với giá 250 triệu USD, Cézanne dường như chỉ quan tâm tới hình. Bức tranh đầy các hình cơ bản trong hình học như đã nói ở trên. Bố cục của bức tranh khá đối xứng với chai rượu ở giữa chia đôi bức tranh, đồng thời làm ranh giới giữa hai đối thủ. Nếu gấp bức tranh theo đường thẳng kẻ dọc vô hình trên chai rượu, hình người bên phải sẽ trùng vị trí hình bên trái, tuy đó không phải là đối xứng gương, mà có sự phá vỡ đối xứng. Điều này cho thấy Cézanne nắm rất vững nguyên tắc đối xứng của mỹ thuật cổ điển. Hai nửa tranh cũng đối xứng - tương phản về hoà sắc: Người bên phải sáng, cầm cỗ bài tối, trong khi người bên trái tối, cầm cỗ bài sáng.

Kịch tính đã được Cézanne giải quyết bằng bố cục. Kích thước của hai người chơi bài không giống nhau. Người bên trái có vẻ là một tay chơi sành sỏi: Anh ta vừa chơi vừa phì phèo tẩu thuốc, có vẻ thoải mái, lạnh lùng, với hai cùi tay thả lỏng thấp hơn mép bàn. Anh ta cũng được vẽ bằng hòa sắc cũng lạnh và tối hơn. Dáng ngồi của anh ta thẳng, dựa sát vào lưng ghế, gần như vuông góc với đường ngang của một cái giá hay bệ cửa trên nền đằng sau. Đầu anh ta cao hơn hẳn đầu người bên phải. Người này có dáng ngồi khom về phía trước, vẻ căng thẳng, lo lắng. Hòa sắc sáng và cơ thể chắc nịch của người bên phải khiến anh ta trông gần với người xem hơn. Mũ của hai người cũng khác. Người bên trái đội một chiếc mũ cao hình trụ, kiểu mũ của thị dân phong lưu, trông nhẹ nhõm như che chở cho một cái đầu với tư duy thanh thoát, tỉnh táo, trong khi người bên trái đội chiếc mũ nom như mũ nông dân, bẹp xuống, hình nón cụt ngoại tiếp cái đầu hình cầu (Nếu nhìn kỹ sẽ thấy một hình nón, hay tam giác với đáy là vành mũ còn đỉnh ở mép trên của bức tranh), vẻ mặt đỏ như ngấm men rượu, trông có vẻ chất phác và nóng nảy hơn. Người bên trái có mái tóc kiểu cách với mai dài được xén theo mode, ôm quanh vành tai cân đối thông minh, trong khi người bên trái có mái tóc cắt bình thường, một cái cổ lực lưỡng và một vành tai méo mó như của một võ sĩ đánh box. Cách cầm quân bài của hai người cũng không giống nhau. Tay chơi bên trái xoè quân bài như cái quạt, tỏ rõ lối chơi thuộc hạng …chuyên nghiệp, quân bài của anh ta sáng sủa, màu của các quân bài trông rõ ràng, trong khi người bên phải cầm cỗ bài một cách khá vụng về, quân bài của anh ta xám. Mép khăn bàn bên trái buông thẳng xuống, hoà điệu với dáng ngồi thẳng đứng, bình tĩnh của tay chơi bên trái, trong khi mép khăn bàn bên phải xòe ra, như đâm vào bụng người bên phải.

Như vậy, chỉ bằng tạo hình, bố cục, hòa sắc, Cézanne dường như gợi ý cho người xem ai sẽ thắng ai trong ván bài này. Người ngồi bên trái, vẻ tay chơi sành sỏi, mang chất khôn ngoan kiểu thị dân tư sản đang ở thế thượng phong, trong khi người bên phải ngờ nghệch, nóng nảy, mang chất nông dân chất phác chắc sẽ thua. Phải chăng đó cũng là một lý do khiến đây là bức tranh đen tối nhất trong series 5 bức vẽ những người chơi bài của Cézanne - đen tối nhất không chỉ đơn thuần trong hoà sắc? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả