Thị trường

Hoàng tộc Qatar mua bức “Những người chơi bài” hơn 250 triệu USD, làm đảo lộn cả thị trường 04. 02. 12 - 6:04 pm

Theo Alexandra Peers - Phạm Phong lược dịch

Với kỷ lục đáng nể này, quốc gia nhỏ tí mà lắm dầu đã gia nhập một nhóm cực chuyên: chỉ có năm bức “Những người chơi bài” trên đời, bốn bức kia nằm trong những bộ sưu tập hàng thế giới, thí dụ của bảo tàng Orsay và bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. Cuộc mua này của Qatar là một cú dứt điểm trong nỗ lực trở thành một tụ điểm trí tuệ của thế giới.

 

Qatar đã mua bức “Những người chơi bài” của Paul Cézanne với giá hơn $250 triệu. Cuộc mua bán này, không cần mặc cả tiếng nào, đã thiết lập giá cao nhất từ trước tới nay cho một tác phẩm nghệ thuật, làm đảo lộn thị trường nghệ thuật hiện đại.

Nếu nói giá này điên cũng đáng lắm, do nó cao gấp đôi mức kỷ lục cho một tác phẩm nghệ thật tại các phiên đấu giá. Mà đây không phải một bức phong cảnh hùng vĩ của Van Gogh, cũng không phải một bức chân dung của Vermeer, nó chỉ là một miêu tả ảm đạm, khô khan của hai tay nông dân xứ Aix-en-Provence ngồi chơi một ván bài. Nhưng với $250 triệu, Qatar đạt được nhiều hơn thế: không chỉ nắm một tuyệt phẩm hậu Ấn tượng, bức tranh đã giúp Qatar “lên số” trong giới nghệ thuật. Cả series “Những người chơi bài” có năm bức, bốn bức kia đã do những tay tổ nắm, như bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, bảo tàng Orsay, Courtauld, và quỹ Barnes Foundation. Thế là vù một cái, Qatar lọt được vào “hội chơi bài” của nhóm chóp bu.

Liệu bức tranh có đáng giá thế? Vâng, Cézanne đã gợi hứng để ta có trường phái lập thể, rồi báo trước cho ta thứ nghệ thuật trừu tượng, đến nỗi Picasso gọi ông là “cha của tất cả chúng ta”. Có nghĩa “$250 triệu là cả một gia tài,” như nhà thẩm định mỹ thuật Victor Wiener đã nói. “Cứ vớ bất kỳ tài liệu lịch sử mỹ thuật nào cũng có thể có ‘Những người chơi bài’ trong đó. Đó là một hình ảnh lớn, rất lớn.” Vài tháng trước, ông đã nói, “Nghe đồn có vụ mua bán. Giờ thì toàn bộ cấu trúc thị trường nghệ thuật sẽ bị thay đổi: người ta sẽ dùng cái giá này làm điểm xuất phát.

Cuộc mua tranh Cézanne thực sự đã diễn ra hồi 2011, và chi tiết của cuộc thương thảo bí mật giờ này mới được tung ra, khi một bầy những nhà sưu tập V.I.P, giám tuyển V.I.P, và nhà buôn (cũng hàng V.I.P nốt) lên đường tới Qatar để tuần sau dự khai mạc triển lãm bom tấn của Takashi Murakami – cũng là những thứ vừa qua đã bày ở điện Versailles. Quốc gia này, tọa lạc tí ti trên bán đảo Ả Rập, nay là điểm đến mới trong cuộc đại lưu diễn của nghệ thuật thế giới: hiện đang có triển lãm bức tượng cao 80 foot của Richard Serra, rồi một triển lãm tổng kết của Louise Bourgeo (con nhện đồng của bà hiện đang bò trên Trung tâm Hội nghị Doha); tháng Ba sẽ có Diễn đàn Nghệ thuật Thế giới (Global Art Forum), chắc chắn sẽ thu hút các nghệ sĩ, giám tuyển, các ông chủ từ các bảo tàng trên toàn cầu.

Sheikha Al Mayassa bint Hamad bin Khalifa Al-Thani, con gái hoàng thân Qatar, là một thế lực lớn đằng sau những vụ mua tác phẩm của xứ này. Ảnh: Amar Abd Rabbo

 

Làm cách nào Qatar mua được tranh Cézanne? Từ nhiều năm nay, ông trùm tàu biển Hy Lạp George Embiricos đã sở hữu được bức tranh này, nhưng hiếm khi cho mượn. Theo lời một người buôn tranh, thỉnh thoảng, trước những lời đề nghị cho mượn, ông cũng thấy “thinh thích” nhưng rất thờ ơ, vì vài chục năm qua, bức tranh đã leo quá cao trên thị trường nghệ thuật. Vài năm trước, bức tranh còn được tờ ARTnews liệt kê vào danh sách một trong những tác phẩm hàng đầu của thế giới còn nằm trong tay tư nhân.

Chỉ ít lâu trước khi Embiricos qua đời vào mùa đông 2011, ông trùm này mới bắt đầu bàn tới việc bán tranh, cũng nằm trong khối tài sản của ông. Hai nhà buôn nghệ thuật là William Acquavella và một người nữa (nghe đồn là Larry Gagosian) đã đề nghị mức giá tới $220 triệu, theo lời một người trong cuộc. Nhưng hoàng tộc Qatar, chẳng hề lèo nhèo về giá cả, trả vượt luôn thành $250 million. (Ước tính các thứ cộng lại, kể cả tỉ giá hối đoái lúc trao tranh, đã khiến nhà Qatar thực chất phải trả khoảng $300 triệu.)

Nhưng Qatar ngày càng khoái vụ này hơn, vì khi cuộc mua bán diễn ra, bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan đang mở một triển lãm lớn chỉ để bày bộ “Những người chơi bài” – thế mà lại thiếu mất bức của ông trùm Embiricos. Người ta tin rằng đây là bức chơi bài cuối cùng mà Cézanne vẽ, khoảng 1895, và là “bức đen tối nhất, trần trụi nhất, và cốt lõi nhất,” Gary Tinterow, giám tuyển của triển lãm tại Met nói. (Tin mới: tuần này, ông Gary cũng lên chức, trở thành giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Houston.)

 

Ý kiến - Thảo luận

17:57 Tuesday,7.2.2012 Đăng bởi:  nguyễn sinh hung
có lẽ giới họa sĩ việt nam cũng nên nghiên cứu đề tài này, và để ko bị gọi là HS "người nhái", ta nên tập trung vào vẽ những người với ván cờ bạc tỷ rất hay đấy
...xem tiếp
17:57 Tuesday,7.2.2012 Đăng bởi:  nguyễn sinh hung
có lẽ giới họa sĩ việt nam cũng nên nghiên cứu đề tài này, và để ko bị gọi là HS "người nhái", ta nên tập trung vào vẽ những người với ván cờ bạc tỷ rất hay đấy 
9:05 Sunday,5.2.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Sao ở chiển lãm ĐẠI GIA không thấy tác phẩm "Các xếp đánh bạc" nhẩy?

Hay bức nớ có thể CÁC XẾP đã mua rất nhanh, cũng khỏi mặc cả, vừa tỏ tình yêu nghệ thuật kết hợp bí mật phi tang chứng tích ôm tiền nhà nước đi đánh tá lả...

Lạ lùng ghê gớm !
...xem tiếp
9:05 Sunday,5.2.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Sao ở chiển lãm ĐẠI GIA không thấy tác phẩm "Các xếp đánh bạc" nhẩy?

Hay bức nớ có thể CÁC XẾP đã mua rất nhanh, cũng khỏi mặc cả, vừa tỏ tình yêu nghệ thuật kết hợp bí mật phi tang chứng tích ôm tiền nhà nước đi đánh tá lả...

Lạ lùng ghê gớm ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả