Khác

Tường thuật Sờ Đầu Rùa
(đầy đủ NHẤT :-)) 08. 07. 10 - 11:52 am

SOI HN

BUỔI SÁNG:

Hôm nay, 8. 7. 2010, trời Hà Nội phải đến 40 độ cả ngoài trời lẫn trong lòng. Nhưng ở cửa Văn Miếu Quốc tử vẫn dằng dặc hàng người kiên nhẫn chờ mua vé rồi kéo vào thành đoàn, lặng lẽ tiến thẳng vào khu nhà bia, chỗ đám rùa đá nằm.

Hôm nay, ngày các thí sinh đại học khối D nhận phiếu báo danh.
Ngày mai, họ bước vào phòng thi, với một niềm tin đáng yêu và ngây thơ rằng đó là cánh cửa duy nhất để mở ra cuộc đời tươi sáng.

Trong một góc nhà bia, họa sĩ Phạm Huy Thông đứng, trang phụ tự chọn như mọi ngày, máy ảnh trong tay, phát tờ rơi cho “khán giả”. (Nội dung tờ này khá dài, Soi sẽ đăng sau). Rồi tất cả đứng cùng với anh, nhìn ra một cảnh tượng: Lũ lượt sĩ tử với khách du lịch chen nhau tiến đến sờ đầu rùa. Hầu như không ai dừng lại để đọc chữ trên hàng bia đá. Có vẻ mọi người chỉ quan tâm tới rùa chứ không màng tới bia, (dù cũng có sờ tí bia).

À, màn readymade performance của chương trình Sờ Thấy Vinh Quang hóa ra là đây, nhưng như thế nó không phải của Phạm Huy Thông mà là của công cộng -một màn performance lớn với hàng ngàn performers lặng lẽ cùng một động tác sờ.

Đó là ý tưởng của Thông, và nhiều người cũng như Soi HN thấy anh bạn quả là nghịch ngợm. Nhưng chưa đủ…

Họa sĩ Bùi Hoài Mai có trong số khán giả, góp ý: với performance, ngay cả là một readymade performance thì nghệ sĩ cũng phải có một sự can thiệp nào đó, khiến ý nghĩa của cái có sẵn kia ít nhiều đảo chiều; trong trường hợp này thì ít nhất gây ra được sự sực tỉnh của những người sờ đầu rùa, để họ nhận thức lại mình đang làm gì…

Đây cũng là một performance tương tác, mỗi ý kiến của người xem đều là một gợi ý để thực hiện các hành động tiếp theo của buổi trình diễn. Vì thế Phạm Huy Thông lấy ngay mặt sau của tờ brochure, viết lên dòng Sờ Thấy Vinh Quang, thêm một dấu chấm hỏi (?), thành:

 

SỜ THẤY VINH QUANG?

 

và tiến ra hàng cột phía trước, giơ ra…

Những du khách sờ đầu rùa đầu tiên ngơ ngác, rồi tiến lại dần, nói chuyện, nêu nhiều ý kiến khác nhau, nhiều lời giải thích khác nhau cho một hành động. Hóa ra, sờ đầu rùa cũng có nhiều loại, nhiều động cơ:
– sờ vì nghĩ đó là sờ vào văn hóa
– sờ để thi đậu
– sờ vì tò mò khi thấy người khác sờ
– sờ vì tưởng bắt buộc phải sờ khi vào Văn Miếu
– sờ vì thích cảm giác mát lạnh của đồng dưới tay

Có cần phải mang một ý nghĩa gì lớn lao, một thông điệp gì trầm trọng không? Thoạt tiên Soi nghĩ là không, ít nhất là từ phía Soi, chỉ  thấy đây một quang cảnh vui và lạ mắt, tuy là dân Hà Nội đấy mà nếu không có buổi trình diễn này thì cũng chẳng để ý đâu.

Nhưng rồi càng nghĩ Soi càng tức: từ nay, hành động sờ đầu rùa của Soi (nếu có) đã không còn vô tư được nữa rồi.
Và nghệ thuật như thế đã xong nhiệm vụ.

*

BUỔI CHIỀU:

Sau buổi trưa, tầm 2h20 chỉ lèo tèo vài người đến, Phạm Huy Thông chọn cách khác buổi sáng, táo bạo hơn, tác động trực tiếp hơn, mà theo anh là “can thiệp mạnh hơn vào đám đông”. Anh quỳ xuống giả làm rùa, để tấm biển “Xin đừng sờ đầu rùa”. Có người đi qua thốt lên, “Ông kia bị tội gì à?”.

Cứ tưởng chiều không ai đến, thế mà dần dần người người cũng lũ lượt kéo đến… sờ đầu rùa tiếp, tuy cũng có bị tấm bảng của Phạm Huy Thông thu hút.

Có người còn đến nắm tay chia sẻ cùng anh…

 

“Cảm động là có một thí sinh cũng ra Văn Miếu để cầu cúng và sờ rùa lấy may,” Thông kể, “nhưng khi thấy việc làm của con rùa lắm mồm Phạm Huy Thông, cậu ta đã tình nguyện vào vai rùa giúp tôi 5 phút. Cậu mong đó là lời cầu khấn chân thành nhất cho cuộc thi ngày mai.”

“Vào vai một con rùa thật mệt,” Thông nói. “Sau 45 phút, chân tôi mỏi nhừ, khi các họa sĩ khác dìu tôi dậy, chân không còn cử động được nữa. Nhưng màn trình diễn của tôi chiều nay có vẻ tác động tương đối tốt với đám đông, chỉ mỗi khi tôi nghỉ thì mới có người sờ đầu rùa. Chứ còn khi tôi vào vai con rùa, những sĩ tử đi qua dường như hiểu thông điệp của tôi và không còn phá hoại nữa. Nếu ai còn ngoan cố vẫn sờ đầu rùa, con rùa Phạm Huy Thông sẵn sàng cãi lý với họ. Các đồng nghiệp nhận định: Tôi là con rùa đanh đá nhất Văn Miếu chiều nay.”

Sau 45 phút quỳ, Thông nghỉ, những người nãy giờ né dãy rùa anh quỳ ùa lại sờ nốt số đầu rùa chưa sờ.

Họa sĩ hỏi một số bạn trẻ, “Sờ thế thì đầu các cụ rùa sẽ thế nào?”. Một số bạn bảo, “Sạch sẽ ạ”.

Xét cho cùng cũng là sĩ tử lương thiện cả, chẳng biết bám víu vào đâu nên mới vất vả nắng nôi đến sờ đầu rùa; Trong khi nhiều bạn khác giờ đang nằm trong nhà điều hòa mát lịm, yên tâm ngày mai thi kiểu gì cũng đậu, vì suốt thời gian qua bố mẹ đã sờ đầu rất nhiều vị tiến sĩ rồi.

 

**

Bài liên quan:

Tường thuật Sờ Đầu Rùa
Hôm nay: Phạm Huy Thông sờ thấy vinh quang
Rất, rất sơ lược về readymade art
Tôi chỉ là người theo chân ông Duchamp
Performance hay là Propaganda?
– Đó là cảm xúc của tớ

Ý kiến - Thảo luận

16:06 Tuesday,24.8.2010 Đăng bởi:  ngoc
chưa bao giờ nghĩ đến việc sờ đầu rùa và sẽ kêu gọi sờ đầu rùa... nên sờ trán mình :)
...xem tiếp
16:06 Tuesday,24.8.2010 Đăng bởi:  ngoc
chưa bao giờ nghĩ đến việc sờ đầu rùa và sẽ kêu gọi sờ đầu rùa... nên sờ trán mình :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả