Gẫm & Bình

Performance hay là Propaganda? 09. 07. 10 - 7:28 pm

Mai Chi

Thú thật, nhìn họ tôi không thấy giận được. Với sự tươi trẻ, chưa bị u ám bởi mưu mô và chưa bị cuộc sống đánh cho bầm dập, những thí sinh lần lượt đi vòng quanh dẫy bia đá của Văn Miếu, sờ, xoa, chạm, ôm, vuốt ve đầu của những chú rùa đá. Các bạn nữ thường nhẹ nhàng và dành nhiều thời gian hơn, dịu dàng như đang xoa đầu một chú mèo. Có ai biết được hết những tâm trạng của những bạn trẻ lúc đó: hy vọng, lạc quan, sẵn sàng, hồi hộp…

Tôi tới Văn Miếu vào lúc 16:45 ngày hôm qua, đáng tiếc lúc đó nghệ sĩ Phạm Huy Thông đã kết thúc trình diễn của mình. Theo mô tả của SOI, tác phẩm có hai phần. Ở phần đầu, tác giả đứng cạnh dòng người đang nối đuôi nhau sờ đầu rùa, hai tay cầm một tờ giấy ghi câu hỏi: “Sờ thấy vinh quang?”. Ở phần khác, trong vòng 45 phút, tác giả tự biến mình thành một con rùa, quỳ cạnh dẫy rùa đá, trên lưng để bảng chữ “Xin đừng sờ đầu rùa”.     

Tờ rơi của tác giả dùng cụm từ tiếng Anh readymade performance – một cụm từ chưa từng gặp (bởi nó được Thông nghĩ ra). Tác giả muốn nhấn mạnh tới việc sử dụng ngay những gì đang xảy ra ở môi trường xung quanh, biến du khách thành những người đồng trình diễn. Tuy nhiên, từ lâu các nghệ sĩ đã đưa vào trong trình diễn của mình các cá thể, vật thể, và hoàn cảnh bên ngoài, đây là một phương pháp thông dụng. Không rõ vì sao Phạm Huy Thông lại có nhu cầu tạo ra một cụm từ mới để nhấn mạnh khía cạnh rất đại trà và rất đặc trưng này của trình diễn. Có vẻ anh lo lắng là nếu mình không nêu tên Duchamp, nếu mình không nghĩ ra một từ mới thì người xem sẽ không biết đấy là “nghệ thuật”?  

Theo những mô tả về phản ứng của du khách, theo tôi, phần đầu của trình diễn thành công hơn. Việc nghệ sĩ đứng im lặng với một câu hỏi trên tay là một can thiệp nhẹ nhàng, gây tác động tới những người xung quanh. Họ chú ý, dừng lại, trao đổi, đưa ra ý kiến, và bắt đầu suy nghĩ kỹ hơn về hành động của mình. Đây chính là dụng ý của tác giả.

Ở phần hai, khi nghệ sĩ tự biến mình thành rùa, tác phẩm đã đánh mất toàn bộ sự tinh tế. Nó đã đơn thuần trở thành một lời răn đe về đạo đức. Đáng tiếc, tác giả lại rất tự hào về vai trò quản giáo của mình. “Chỉ mỗi khi tôi nghỉ thì mới có người sờ đầu rùa, chứ còn khi tôi vào vai con rùa, những sĩ tử đi qua dường như hiểu thông điệp của tôi và không còn phá hoại nữa.” Trong thế giới của tranh, tác phẩm này sẽ là một bức tranh cổ động. Chúng ta hãy hình dung phát biểu của một nghệ sĩ khác trong thời gian tới: “Trong toàn bộ thời gian tôi trình diễn, mọi người đều xả rác đúng chỗ”. Không rõ Duchamp sẽ ý kiến thế nào? 

 

Còn quá cả răn đe, tờ rơi của tác giả đầy sự căng thẳng và gay gắt, buộc tội những người trẻ tuổi đang đứng trước một thời điểm quan trọng của cuộc đời họ kia là “buôn bán vinh quang” và “phá hoại một cách ngu xuẩn”. Tôi cho rằng Phạm Huy Thông hơi quá chắc chắn về sự ưu việt đạo đức của mình.   

Khi chuẩn bị rời khuôn viên Văn Miếu, có hai bố con thí sinh nông thôn tới gần tôi hỏi thăm đường. Họ cũng vừa sờ đầu rùa để mong có được may mắn. Cả hai đều bé nhỏ, và cả người bố cũng còn rất trẻ. Tôi nhìn thấy sự trong trẻo trong mắt cô gái, và sự căng thẳng và mệt mỏi trong mắt người bố. “Cuồng tín” và “tham lam” đây ư? Giá trị của mấy phiến đá trăm tuổi, vâng, của văn hóa nói chung là gì, nếu như không phải là để đem tới cho những con người như thế này một chút an ủi?

**

Bài liên quan:

Tường thuật Sờ Đầu Rùa  
Hôm nay: Phạm Huy Thông sờ thấy vinh quang  
Rất, rất sơ lược về readymade art  
Tôi chỉ là người theo chân ông Duchamp
Performance hay là Propaganda?
– Đó là cảm xúc của tớ

Ý kiến - Thảo luận

20:26 Tuesday,23.10.2012 Đăng bởi:  beenorgone
Chia bình luận ra làm 2 phần:
Phần 1 nói về ý: "Giá trị của mấy phiến đá trăm tuổi, vâng, của văn hóa nói chung là gì, nếu như không phải là để đem tới cho những con người như thế này một chút an ủi?"
Hơi buồn cười chút bởi "phiến đá trăm tuổi" mà bạn Mai Chi nói đến thu
...xem tiếp
20:26 Tuesday,23.10.2012 Đăng bởi:  beenorgone
Chia bình luận ra làm 2 phần:
Phần 1 nói về ý: "Giá trị của mấy phiến đá trăm tuổi, vâng, của văn hóa nói chung là gì, nếu như không phải là để đem tới cho những con người như thế này một chút an ủi?"
Hơi buồn cười chút bởi "phiến đá trăm tuổi" mà bạn Mai Chi nói đến thuộc về "sở hữu toàn dân" và việc một nhóm người trong cộng đồng (dù đông đến mấy) có ý thích xâm thực nhân tạo đối với mấy "phiến đá trăm tuổi" không dẫn đến việc xác định chức năng mặc định của chúng là để người ta sờ (tìm chút an ủi như bạn nói). Nó giống với việc phá hoại tài sản cộng đồng nhân danh số đông và cái chung. Thế với những người không thích tìm niềm an ủi bằng cách đó thì chức năng của nó là gì? Biết đâu họ cũng có mong muốn giữ lại nó lâu dài như 1 giá trị văn hóa để tìm niềm an ủi nhưng bị số đông thích xâm thực và cái lý lẽ dân túy của bạn lấp miệng?
Hy vọng bạn Mai Chi sẽ nghĩ khi định viết trả lời cho nhận xét này vì tôi sẽ rất vui được dừng cuộc thảo luận với bạn nếu bạn viện dẫn đến số đông trong câu trả nhời của mình ;)
Nhời 2 xin dành cho Phạm Huy Thông: cái chung, hay số đông được xây dựng không phải dựa hoàn toàn trên các lý tưởng mà là sự trộn lẫn giữa các lý tưởng và nhu cầu sống của xã hội. Vì thế cái chung luôn ẩn chứa những thứ không tốt, hư hỏng, chiều chuộng cái tôi bản năng của đa phần con người. Có một số người bất bình với điều đó, họ tự nguyện đứng tách ra khỏi đám đông cộng đồng, không vì vĩ cuồng, không vì không có khả năng hòa nhập, mà vì muốn đối thoại với cộng đồng về những thứ cộng đồng không đem lại (ít nhất là vậy) - một việc cần thiết. Nói dài như vậy để xin đưa ra 1 ý: Tôi thích nhất là lúc Thông nói chuyện với mọi người xung quanh về cái Thông đang làm, nó cho tôi cảm nhận về hình ảnh mẫu người đối lập tích cực mà tôi vẫn hằng ưa thích. Tôi thực chẳng dám lạm bàn về vẻ đẹp của tác phẩm (việc một gã tay ngang không nên làm), chỉ xin có nhời như vậy để thể hiện suy nghĩ. 
9:50 Wednesday,2.5.2012 Đăng bởi:  Mike
Theo mình nghĩ chúng ta, những nhà phê bình hạng bét, thường không tách bạch giữa đức tin và tư duy logic. Giống như tôn giáo, đức tin khác với đúng hay sai chứ? Vấn đề có Chúa hay không có Chúa mà chúng ta tin vào Chúa.
Và tôi không nghĩ rằng sờ đầu rùa để có thêm sức mạnh là xấu. Vật chất là gì chứ nếu không phải để phục vụ lợi ích con người.
...xem tiếp
9:50 Wednesday,2.5.2012 Đăng bởi:  Mike
Theo mình nghĩ chúng ta, những nhà phê bình hạng bét, thường không tách bạch giữa đức tin và tư duy logic. Giống như tôn giáo, đức tin khác với đúng hay sai chứ? Vấn đề có Chúa hay không có Chúa mà chúng ta tin vào Chúa.
Và tôi không nghĩ rằng sờ đầu rùa để có thêm sức mạnh là xấu. Vật chất là gì chứ nếu không phải để phục vụ lợi ích con người. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả