Tin-ảnh: Barbara Kruger “ngộ chữ”, trừu tượng ở Montréal, mua thủy tinh nhân 50 tuổi, và xem cá vàng
25. 08. 12 - 3:59 pm
M. Nha tổng hợp
WASHINGTON – Bảo tàng Hirshhorn và Vườn Tượng của Smithsonian vừa đặt hàng nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Barbara Kruger làm một sắp đặt “đo ni đóng giày” tại một trong những không gian đông người tham quan nhất của bảo tàng. Khai mạc hôm 20. 8. 2012, sắp đặt “Belief+Doubt” (Tin+Ngờ 2012) sẽ choáng hết sảnh trệt và lan ra tới cửa hàng sách mới dời địa điểm của bảo tàng. Ảnh: Cathy Carver
Trong sắp đặt này của Barbara Kruger, toàn bộ diện tích khoảng 6,700 sq ft (khoảng 620m2) gồm cả tường, sàn, cạnh cầu thang sẽ được phủ những dòng chữ in nhựa vinyl, quây người xem lại trong những mẫu tự cao tới 3.6m, màu đỏ, đen, trắng tương phản cao. Ảnh: Cathy Carver
“A Matter of Abstraction” (Một vấn đề của trừu tượng?) là triển lãm đang diễn ra tại bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Montréal, Canada. Bày theo trình tự thời gian và chia thành các khu chủ đề, triển lãm mượn được các tác phẩm tiêu biểu của những bộ sưu tập vĩnh viễn từ các bảo tàng lớn – những tác phẩm đã trở thành di sản vô giá của nhân loại. Để có triển lãm “vĩ đại” này, phải kể đến sự tài trợ của bộ Văn hóa, Truyền thông và Địa vị Phụ nữ vùng Québec (về chức năng thì bộ này giống bộ Văn hoá và Truyền thông). Triển lãm sẽ kéo dài tới tận tháng Ba năm……….. 2016 – những 4 năm nữa! Trong ảnh: tác phẩm của Rita Letendre: Malapeque II, 1973. Acrylique trên toile, 152,5 x 203,2 cm. Quà tặng từ người giấu tên, thuộc bộ sưu tập của bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Montréal. Ảnh: Richard-Max Tremblay
Các tác phẩm trong triển lãm “A Matter of Abstraction” trải dài từ 1940 đến 2010, với 110 tác phẩm của 60 nghệ sĩ, bao gồm tranh, ký họa, video, điêu khắc, và đặc biệt nhấn mạnh đến những tác phẩm của vùng Quesbec. Trong ảnh: chi tiết một phần tác phẩm của Marcel Barbeau: Rétine virevoltante, 1966. Acrylique trên toile, 203,5 x 203,5 cm, thuộc bộ sưu tập của bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Montréal.
TOLEDO – Để kỷ niệm 50 năm phong trào Studio Glass của Mỹ ra đời, hội Apollo – là nhóm sưu tập của bảo tàng Nghệ thuật Toledo, đã chọn mua ba tác phẩm đương đại của studio cho vào bộ sưu tập tác phẩm thủy tinh của bảo tàng – một trong những bộ sưu tập thủy tinh đẹp nhất trên thế giới. Trong ảnh: Bình, Chai, Bát – Jane Bruce (Anh, sinh 1947) làm năm 2008.
Phong trào Studio Glass bắt đầu ở Mỹ vào năm 1962, đánh dấu việc dùng thủy tinh như một chất liệu điêu khắc, và thứ làm ra là một tác phẩm, không chỉ mang tính trang trí như xưa nữa. Năm 1962, giáo sư về gốm sứ Harvey Littleton và nhà hóa học Dominick Labino bắt đầu phong trào thổi thủy tinh đương đại này. Họ mở hai workshop ở bảo tàng Mỹ thuật Toledo, trong thời gian đó, họ thử nghiệm nấu thủy tinh trong một cái lò nhỏ và làm ra nghệ thuật thổi thủy tinh. Ảnh: Hộp màu II của Jun Kaneko (Nhật, sinh 1942), thủy tinh thổi, 2007 – một trong những tác phẩm mà bảo tàng mua lần này.
GHENT – Khách tham quan lật những cuốn sách tại một thư viện cực to ngoài trời – một sắp đặt của nghệ sĩ Ý Massimo Bartolini, làm trong một vườn nho ở tu viện Saint-Peter, Ghent, Bỉ. Ảnh: Virginia Mayo
TOKYO – Du khách ngắm cá vàng bơi trong một chiếc bể đa diện vào hôm khai mạc Triển lãm Nghệ thuật dưới Nước tại Tokyo. Triển lãm hàng năm này do Hidetomo Kimura tổ chức là một sự kết hợp giữa không khí thời Edo xưa, với kỹ thuật hiện đại, và… cá vàng, nhà tổ chức cho biết. Ảnh: Koji Sasahara.
Cá vàng là một trong những biểu tượng mùa hè của Nhật. Triển lãm này có 5.000 con cá, bày trong các loại bình, hồ khác nhau. Soi sẽ có bài giới thiệu sau.