Nhiếp ảnh

Yên lặng nào: Lớp không vở, lớp nuôi râu, lớp toàn hàng hiệu – phần 1 18. 09. 12 - 12:15 pm

Hoàng Lan dịch

Từ các học sinh mang giày hiệu Prada ở Nga cho đến những lớp học đông đến nỗi 4 trò phải ngồi 1 bàn ở Nigeria (chẳng khác gì Việt Nam), nhiếp ảnh gia Jullian Germain đưa chúng ta đi thăm quan các lớp học trên khắp thế giới.

Trường Escola Estadual Nossa Senhora do Belo Ramo, tại Belo Horizonte, thuộc Brazil

Tỷ lệ sinh (số lượng con cái của mỗi phụ nữ): 1.9
Tuổi thọ trung bình: 73
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 10%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp (chứ không phải không học nhé): 5%
Số thanh niên (15-24 tuổi) biết chữ: 97.8%

Đây là ngôi trường mà các con em của tầng lớp lao động đi học. Còn tất cả những ai có tiền ở Brazil đều cho con đi học trường tư. Các em học sinh ở trường công đều nghèo khổ. Trong lớp không có nhiều cặp túi hay sách vở gì. Trường thì thiếu trang thiết bị; và, nói thẳng thừng, để những em này học lên đến đại học là rất khó.

Trường Agnes-Miegl-Realschule, tại Düsseldorf, Đức

Tỷ lệ sinh: 1.4
Tuổi thọ trung bình: 80
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 0%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 16%
Số thanh niên biết chữ: 99.1%

Đây được xem như một “trường học thực thụ”. Các bé trông rất thoải mái, sáng sủa. Tôi nghĩ rằng chúng còn trông khá là trưởng thành nữa. Ngôi trường đã đặt hàng một họa sĩ graffiti để trang trí lớp học. Văn hóa thanh niên là một phần kết cấu của ngôi trường. Lớp học kế bên đang tổ chức tiệc; giáo viên, phụ huynh, và học sinh vui vẻ tiệc tùng với nhau.

Trường Tiểu học Al Ishraq, tại Akamat Al Me’gab, thuộc Yemen

Tỷ lệ sinh: 5.3
Tuổi thọ trung bình: 65
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: không có dữ liệu
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 22%
Số thanh niên biết chữ: 84.1%

Tấm hình này chụp lại… toàn bộ ngôi trường tiểu học. Nó chỉ có một lớp, nằm tại một ngôi làng nhỏ chuyên làm nghề nông của nước Yemen. Tôi đoán rằng tụi trẻ khoảng chừng 5 đến 12 tuổi, dù có thể còn có em nhỏ tuổi hơn. Các trường học nhỏ ở miền quê thường cho phép bé trai và bé gái học cùng nhau (chứ theo đúng đạo Hồi thì trai gái phải học khác lớp). Đứa lớn thường giúp thầy cô dạy đứa bé hơn học.

Trường Trung học Beaumont, thuộc St Louis, Bang Missouri, Mỹ

Tỷ lệ sinh: 2
Tuổi thọ trung bình: 78
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 0%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 3%
Số thanh niên biết chữ: 99.7%

Ngôi trường phản ánh sự thật (về người dân) của St Louis – đa số là người da đen. Ngôi trường rộng rãi, có kiến trúc khá lâu đời và truyền thống, nhưng ông hiệu trưởng lại rất năng nổ (chứ không “già” như tuổi của trường) và tôi có cảm giác rằng thầy và trò rất hợp nhau.

Trường Bornago, thuộc Netherlands

Tỷ lệ sinh: 1.8
Tuổi thọ trung bình: 81
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 0%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 1%
Số thanh niên biết chữ: 99.7%

Hôm đấy mấy nhóc này tham gia ngày hội thể thao. Tôi phát hiện ra rằng học sinh Hà Lan là học sinh thư thả thoải mái nhất. Đây là các em lớp 9, chừng 13-14 tuổi. tôi rất thích khi thấy một số em nhìn hài lòng với chính mình – các bé trai trông rất khỏe khoắn còn các bé gái thì cười tươi, dù có một vài em trông hơi khó chịu một chút.

Trường Colegio de Educación Público, tại Madrid, Tây Ban Nha

Tỷ lệ sinh: 1.5
Tuổi thọ trung bình: 69
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 0%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 4%
Số thanh niên biết chữ: 99.7%

Các em này chỉ vừa mới học nhạc nên mấy “buổi biểu diễn” của chúng nghe kinh khủng lắm. Tôi nhận thấy rằng ở Madrid, các trường tiểu học thường có diện tích lớp rất bé. Tỷ lệ sinh ở Tây Ban Nha đang giảm dữ dội, nên một số trường gặp phải nguy cơ đóng cửa.

Trường Deneside Infants (giờ là Tiểu học Seaview), tại Seaham, hạt Durham, Anh Quốc

Tỷ lệ sinh: 2
Tuổi thọ trung bình: 80
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 0%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 2%
Số thanh niên biết chữ: 99.7%

Cậu bé châu Á là con trai của một anh hề làm tại một đoàn xiếc lưu vong, đoàn xiếc này đang diễn tại thành phố Seaham (nên bé tạm thời học ở đây). Thành phố này khá là nghèo, và toàn người da trắng. Cậu bé châu Á hẳn là đi khắp nơi cùng bố và đoàn xiếc, nên bé chắc cũng học ở nhiều trường khác nhau. Tấm hình này nói lên nhiều điều về độ tuổi của bọn trẻ: một cậu nhóc không tập trung nổi vì công đoạn chiếu sáng của tôi khá là dài hơi và mất thì giờ, khiến bé nhăn mặt khó chịu; một bé khác thì tự lấy bút đỏ vẽ lên mặt của mình.

 

*

Bài liên quan:

– Yên lặng nào: Lớp không vở, lớp nuôi râu, lớp toàn hàng hiệu – phần 1 
– Phần 2 – Yên lặng nào: Lớp không vở, lớp nuôi râu, lớp toàn hàng hiệu

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả