Nhiếp ảnh

Phần 2 – Yên lặng nào: Lớp không vở, lớp nuôi râu, lớp toàn hàng hiệu 19. 09. 12 - 3:57 pm

Hoàng Lan st & dịch

Từ các học sinh mang giày hiệu Prada ở Nga cho đến những lớp học đông đến nỗi 4 trò phải ngồi 1 bàn ở Nigeria (chẳng khác gì Việt Nam), nhiếp ảnh gia Jullian Germain đưa chúng ta đi tham quan các lớp học trên khắp thế giới.

(Phần 1)

Trường Escolar Secundaria Tiracanchi, tại Peru

Tỷ lệ sinh: 2.5
Tuổi thọ trung bình: 74
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 15%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 3%
Số thanh niên biết chữ: 97.4%

Chúng tôi mất đến 4 giờ đi xe kéo để đến Tiracanchi. Đây là một ngôi làng nhỏ trên núi. Các học sinh ở đây rất nhút nhát và ít nói; 82% bố của các em là nông dân, và chỉ 46% các em này có điện sinh hoạt ở nhà. Khó khăn lớn nhất tại đây là giáo viên – không có người địa phương nào học đủ cao để dạy, và giáo viên thành phố thì chẳng muốn chuyển đến nơi hẻo lánh này để dạy học với đồng lương ít ỏi.

 Trường Tiểu học Gambella, ở Gambella, thuộc Ethiopia

Tỷ lệ sinh: 4.4
Tuổi thọ trung bình: 58
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 78%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 17%
Số thanh niên biết chữ: 44.6%

Gambella là một ngôi làng nhỏ, cách thành phố Addis Ababa 429 km. Ngôi trường nhìn rất tạm bợ, và hai giáo viên hôm đó nghỉ không đứng lớp. Đối với một ngôi trường có 5 lớp thì việc mất đi 2 lớp trong ngày hôm đó chẳng hay ho gì. Nhưng dù thế, hầu hết các bé tại đây đều lên được cấp II. Những học sinh tôi gặp đều rất năng nổ và thích khoe cho tôi xem bài tập viết của chúng.

Trường Jessore Zilla, ở Jessore, thuộc Bangladesh

Tỷ lệ sinh: 2.3
Tuổi thọ trung bình: 68
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 81%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 27%
Số thanh niên biết chữ: 75.5%

Dù trông nghiêm nghị thế, nhưng đây không phải trường quân đội đâu. Đồng phục ở đây là vậy đó. Nhưng ngôi trường này rất kỷ luật và có tổ chức chả kém gì quân đội, và các học sinh được dạy cho học vẹt. Chúng rất tham vọng, và tin rằng trường lớp sẽ cho chúng cơ hội tốt; chúng xem mình như những bác sĩ và luật sư của tương lai.

Trường Kuramo Junior, tại Lagos, thuộc Nigeria

Tỷ lệ sinh: 5.6
Tuổi thọ trung bình: 51
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 84%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 38%
Số thanh niên biết chữ: 71.2%

Lớp này có 60 học sinh, nhưng mấy lớp khác có tới 90 học sinh. Một số lớp còn nhìn giống “lớp học ngoài trời có mái che”. Thấy thầy cô giảng bài ở những lớp “ngoài trời” này, tôi nảy ý chụp hình, nhưng họ không cho phép. Họ rất nhạy cảm, và đề nghị tôi chụp hình tại lớp này, vì căn phòng vừa mới được sơn sửa lại.

Trường Trung học cơ sở Min-sheng, tại Taipei, Đài Loan

Tỷ lệ sinh: 0.9
Tuổi thọ trung bình: 72
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 0%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: không có dữ liệu
Số thanh niên biết chữ: không có dữ liệu

Đúng là bất ngờ. Các học sinh ăn trưa cùng giáo viên trong lớp, sau đó ngồi xuống bàn và ngủ trưa 30 phút. “Ngủ trưa” đã ăn sâu vào văn hóa của chúng nên các em thực sự lăn ra ngủ (chú thích: hầu hết các nước phương Tây không ngủ trưa, trừ một số vùng tại một số nước như Tây Ban Nha thì có nghỉ trưa chút đỉnh, nhưng cũng chỉ vào mùa hè). Sau đó mấy em ra sân hít thở không khí độ 10 phút rồi quay vào lớp học tiếp.

Trường Escuela Primaria Angela Landa, thuộc Old Havana, tại Cuba

Tỷ lệ sinh: 1.5
Tuổi thọ trung bình: 79
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 0%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 5%
Số thanh niên biết chữ: 100%

Cuba nổi tiếng là có một nền giáo dục cực tốt, dù rằng nó cũng là nước nghèo. Bạn sẽ thấy hình poster của Che Guevara, Fidel Castro và em trai dán trên tường. Xém nữa thì mấy tấm poster này trờ thành nhân vật chính trong các tấm hình về Cuba của tôi, vì chúng được dán khắp nơi.

Trường Omar Bin Al-Khattab Educational Complex, tại Doha, thuộc Qatar

Tỷ lệ sinh: 2.3
Tuổi thọ trung bình: 78
Số người sống dưới mức 2USD/1 ngày: 0%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 2%
Số thanh niên biết chữ: 97.8%

Trường này dạy dỗ rất hiệu quả nhưng thiếu linh hồn. Đây đúng là một môi trường chỉ để làm việc chứ không có vui. Các em học sinh nam vị thành niên ở đây đều đang “nuôi râu”.

Trường số 63, Quận Kalininsky, St Petersburg, Nga

Tỷ lệ sinh: 1.5
Tuổi thọ trung bình: 69
Số người sống dưới mức 2 USD/1 ngày: 0%
Số trẻ em cấp tiểu học không đến lớp: 4%
Số thanh niên biết chữ: 99.7%

Người Nga rất coi trọng giáo dục, và mấy em học sinh này đều là những người nhiều tham vọng. Tất cả các em học sinh ở đây đều (muốn) vào Đại học. Chúng đã bắt đầu mang giày cao gót, mặc đồ vest. Không phải là giày Nike đâu nhé – mà toàn giày Gucci với Prada. Lớp này trông như lớp dành cho doanh nhân hơn là học sinh.

 

*

Bài liên quan:

– Yên lặng nào: Lớp không vở, lớp nuôi râu, lớp toàn hàng hiệu – phần 1 
– Phần 2 – Yên lặng nào: Lớp không vở, lớp nuôi râu, lớp toàn hàng hiệu

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bàn về gái đẹp

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả