Gẫm & Bình

Thiền sư Pháp Hạnh: “Với tôi, hội họa là con đường đến vô ngã” 17. 09. 12 - 1:54 pm

Từ mail của bạn Phan Thu Bình

 

Một chị bạn đồng nghiệp nói với tôi, bằng tất cả lòng thành kính, rằng có một nhà tu hành đã vẽ hàng trăm bức tranh, rằng trong một đêm thầy vẽ cả trăm bức, mà không bán, không bày, chỉ để cho, để tặng. Chị tha thiết mời tôi đến xem như thể để chứng giám điều thần kỳ này. Nhưng trót là hoạ sĩ, tôi ít hào hứng trước những “kỷ lục” của hội hoạ. Lần lữa mãi, nhưng rồi cũng phải chịu thua trước lòng hâm mộ của chị.

Và, thật bất ngờ, tôi được hội ngộ với một con người giản dị, bình an, được ngắm nhìn những bức sơn dầu theo khuynh hướng trừu tượng không hề nghiệp dư chút nào. Câu chuyện của tôi với nhà tu hành, thiền sư Pháp Hạnh dường như không có nhiều màu sắc tôn giáo. Màu sắc của hội hoạ mới là chủ đề chính. Rồi từ đó, một thế giới mới mẻ được phát lộ, xóa nhòa mọi ý niệm vốn có của đạo pháp của cuộc đời.

Thiền sư Pháp Hạnh

Quan niệm của thiền sư Pháp Hạnh về nghệ thuật về sự giải thoát gần gũi với cuộc đời hơn là sự huyền diệu bí ẩn nơi cửa Phật. Ông nhìn cuộc đời như đứa trẻ lần đầu nhìn thấy, có lẽ bởi vậy tranh ông có cái bản năng nguyên khôi như tranh trẻ thơ đùa bỡn với sắc màu.

Xuất gia từ năm 14 tuổi, đã từng tu tập tại Miến Điện và Ấn Độ theo môn phái Mật tông Tây Tạng, nhưng trong câu chuyện, những giáo lý nhà Phật được ông diễn giải thật giản đơn, dễ hiểu. Ông giống như một nghệ sĩ hơn là nhà tu hành. Tôi hỏi ông lý do gì dẫn ông vào hội hoạ, ông cười rồi nói ngay:

– Sự chuyển động trong tâm thức đã xui khiến tôi dùng sắc màu để mô tả. Nó đồng hành với chuyển động của trời đất của thiên nhiên. Tôi vẽ bằng cõi vô thức được hình thành qua rất nhiều ý thức. Và hình như bản chất của hội họa là vậy chăng.

Bản chất của hội họa, theo tôi là con đường tìm về bản ngã chứ không phải đến cái vô ngã của đạo Phật. Vậy có gì là mâu thuẫn giữa hai mục đích đó trong cử chỉ hội họa của ông?

– Chẳng có gì là mâu thuẫn cả, bản ngã chỉ là một phần triệu trong vô ngã. Tôi vẫn nghĩ hội họa đến ngưỡng cuối cùng chính là vô ngã. Người nghệ sĩ nào cũng đi trên con đường tìm về bản ngã để bộc lộ rõ nhất cá tính của mình, nhưng khi đã vẽ với tinh thần vô thường, không cần để chứng tỏ, cũng không cầu xấu, đẹp thì sẽ đạt đến cảm xúc vô ngã.

Vậy, với ông, hội họa chỉ là phương tiện, là “pháp” để đi đến cảnh giới vô ngã?

– Tôi không nghĩ cái gì là phương tiện, cái gì là mục đích. Tôi vẽ giống như hơi thở, như sự vận động không ngưng nghỉ để khám phá bản chất của tâm thức, loại trừ mọi chất bẩn còn tồn ứ. Và đấy cũng là một phương pháp tu tập.

Để đi đến giải thoát?

– Không, để đến với tự do.

Tranh sơn dầu của thiền sư Pháp Hạnh.

Vậy bản chất của tự do là gì, thưa ông?

– Là buông bỏ, nhưng không phải buông bỏ quá khứ cũng không buông bỏ hiện tại. Buông bỏ những gì là tham sân si để rộng lòng tay đón nhận tương lai, đón nhận hiện tại một cách trọn vẹn nhất, không bị giam cầm bởi bất cứ chủ thuyết nào.

Điều này hình như Osho cũng từng nói trong những cuốn sách của ngài. Ông có tâm đắc với Osho?

– Osho là một trí tuệ lớn đáng khâm phục. Nhưng ngài vẫn thiếu một chút bao dung.

Nói đến đây, ông bỗng dừng câu, lặng im một chút rồi ông kể: Có một đứa nhỏ, nhỏ lắm, đi bán vé số bị một bác xe thồ đụng ngã. Cả hai đều vội vã thu nhặt vé số vung vãi trên đường. Đứa trẻ bỗng lên tiếng rằng: “Con không sao đâu, bác cứ đi làm đi kẻo lỡ việc. Con tự nhặt được và cũng chỉ xây xát nhẹ thôi”. Ông bảo đứa bé đã dạy ông về lòng bao dung hơn cả ngàn trang sách. Và cũng đúng lúc đó ông bỗng nhìn ra một dải nắng vàng, trong suốt. Dải nắng đó đã theo ông vào những bức tranh mà đôi lúc ông tưởng như không phải ông đang vẽ mà đứa nhỏ kia mới là tác giả.

Vậy mà ông lại vẽ theo khuynh hướng trừu tượng. Trong hội họa có tư duy trừu tượng mới có bút pháp trừu tượng. Và rằng phải có rất nhiều hiện thực mới có được tư duy trừu tượng. Nhưng với một nhà sư, ít va chạm với thực tế đời sống, như thế có dễ dàng hay khó khăn để đến với hội họa trừu tượng?

– Tôi tìm thấy bình an trong hội họa và tôi mang sự bình an đến với mọi người. Tôi không định nghĩa đó là trừu tượng hay hiện thực.

Nhưng ít nhất cũng phải có một thái độ trước một hiện thực khiến nhiều người bất bình, ví dụ như khoảng cách giàu nghèo như sự bất công, hoặc cái ác vẫn hiển nhiên tồn tại, thưa ông?

– Sự cảm hóa của nghệ thuật là vô cùng lớn lao, hãy vẽ, làm thơ hay nhạc bằng tất cả sự thiện tâm của mình thì xã hội sẽ nhìn rõ hơn thiện, ác. Trong những điều răn dạy của Phật, có một điều mà tôi luôn tâm đắc, đó là hãy hết lòng yêu tổ quốc của mình cho dù còn có những căn bệnh phải mổ xẻ. Hãy yêu như yêu cha mẹ mình cả những khi người cha người mẹ đôi lúc cũng phạm lỗi. Tôi nghĩ tất cả mọi tôn giáo đều có chung ý nghĩa tối thượng này.

Và có chung một khái niệm về thiên đường hoặc cõi niết bàn?

– Thiên Chúa giáo dạy bảo con người lòng vị tha, sống tốt đời đẹp đạo để khi chết sẽ được lên thiên đàng. Phật dạy con người quy luật nhân quả và cõi niết bàn ở ngay chính trần gian này, ngay chính lòng mình. Mỗi người là một thế giới và Phật tính tại tâm.

Nhiều người cho rằng nghệ thuật hay tôn giáo chính là con đường để con người trốn chạy nỗi cô đơn. Tôi không tin lắm vào điều này, bởi là một hoạ sĩ, chỉ khi cô đơn nhất mới có được tác phẩm. Với ông, trong thế giới tâm linh, sự cô đơn có ý nghĩa gì không?

– Niết bàn chính là sự cô đơn tuyệt đối. Nhưng chớ nhầm giữa cô đơn và cô độc. Chỉ có sự cô đơn mới thanh lọc được tâm thức mình. Còn cô độc là nỗi bất hạnh của lòng ích kỷ.

Nghe ông nói vậy, tôi bất giác ngắm kỹ những bức tranh treo đầy căn phòng ông đang ngồi. Hầu hết là những hòa sắc đầy ngẫu nhiên không thấy sự đắn đo, cân nhắc. Cũng không thấy buồn vui. Tất cả đều lặng lẽ trôi chảy như dòng đời vốn thế. Tôi trộm nghĩ phải cô đơn lắm mới có những sắc màu vô thức như vậy. Rồi những bức tranh sẽ trôi về đâu? Nhưng điều đó chắc không quan trọng. Cái có ý nghĩa hình như không nằm ở trên từng bức mà nó là sự vận động âm thầm ngoài tranh, nhắc cho người ta về lẽ vô thường của đời sống. Và chính điều này là chỗ gặp gỡ giữa nghệ thuật và tôn giáo.

Trò chuyện với ông, tôi biết ông rất yêu cuộc đời này, nhưng vẫn khắc khoải một câu hỏi trong tôi rằng: Lẽ nào một khối óc minh mẫn, một trái tim nhạy cảm, một tấm lòng bao dung lại tìm đến nỗi cô đơn tuyệt đối để chiêm nghiệm sự thanh sạch của chính mình. Thì ra chúng ta, cả tôi nữa, quá thiếu đức tin để thấu hiểu cuộc hành trình của ông. Ông tự tìm đến tự do chứ không hưởng thụ tự do. Và như thế, trách nhiệm với cuộc đời của ông lớn hơn tôi quá nhiều.

 

(Nguồn: báo Lao Động – Ảnh: từ Vietnamnet)

 

*

Bài liên quan:

– Thiền sư Pháp Hạnh: “Với tôi, hội họa là con đường đến vô ngã” 
– Nhân đọc bài phỏng vấn thiền sư: bực mình cái người phỏng vấn
 
– Tôi không thấy tính thiền ở đây, tính vô ngã cũng vậy…

 

 

Ý kiến - Thảo luận

17:39 Wednesday,24.1.2018 Đăng bởi:  Pháp kính
Tôi từng biết về thầy Pháp Hạnh, và sống chung với thầy Pháp Hạnh một thời gian. Thầy pháp Hạnh không dùng điện thoại, không có facebook, gmail nên những thông tin trên mạng thầy hoàn toàn không biết, và thầy cũng không quan tâm nhiều.

Một hôm tôi nghe thầy kể, có một nhà báo nào đó đến phỏng vấn thầy, nhà báo yêu cầu thầy, thầy cũng không muốn phỏng vấn làm g
...xem tiếp
17:39 Wednesday,24.1.2018 Đăng bởi:  Pháp kính
Tôi từng biết về thầy Pháp Hạnh, và sống chung với thầy Pháp Hạnh một thời gian. Thầy pháp Hạnh không dùng điện thoại, không có facebook, gmail nên những thông tin trên mạng thầy hoàn toàn không biết, và thầy cũng không quan tâm nhiều.

Một hôm tôi nghe thầy kể, có một nhà báo nào đó đến phỏng vấn thầy, nhà báo yêu cầu thầy, thầy cũng không muốn phỏng vấn làm gì, vì mình có gì để mà phỏng vấn, hình như phỏng vấn về tranh thì phải. Một thời gian sau có người học trò của thầy đem đến cho thầy đọc bài viết đăng trên báo Lao Động gì đó, thầy cũng quên rồi. Khi thầy đọc nội dung bài báo, thầy có nói qua và tôi đã nghe rằng.thầy nói : nội dung bài báo viết không đúng ý thầy muốn truyền đạt chút nào, tranh là tranh, thiền là thiền đâu có cái gì gọi là tranh thiền đâu! Hội hoạ là hội hoạ, vô ngã là vô ngã, nó cũng chẳng có gì dính dáng nhau, vì vậy tiêu đề hội hoa đến với tôi là con đường dẫn tới vô ngã, có ai ngờ nghệch tuyên bố vậy đâu. Khi tuyên bố như vậy thì thầy biết rằng sẽ có những cuộc tranh luận về những tiêu đề đó, mà thầy nói người học trò người ta lỡ đăng rồi thì thôi đừng làm họ tổn thương vì họ cũng là người tốt.

Trong cuộc đời này, cuộc sống chỉ cần bao dung, tha thứ để yêu thương nhau, hơn thua làm gì để tổn thương nhau. Người phỏng vấn thầy đăng bài báo đó họ cũng có ý tốt nhưng họ lỡ đăng rồi thì thôi, thôi hãy để mọi việc xảy ra theo chiều tự nhiên của chính nó ở đây không có ai đúng ai sai chỉ có dòng nhân duyên hiện hữu như thế nào biết như thế ấy, không phán xét không chỉ trích, không bình luận, không khen thưởng và cũng không tán dương.

Thầy khi đọc bài viết đó và những lời bình luận của mọi người và thầy xin lỗi mọi người vì có những thông tin sai lệch của bài báo, người phỏng vấn cũng không có ý đó, cũng có lẽ là do sự nhầm lẫn và hiểu nhầm nhau thôi, xin mọi người thông cảm vẽ tranh thì thầy có vẽ tranh, cũng có thể hàng đêm thầy vẽ cả hàng trăm bức tranh, không phải để khoe khoan, cũng không phải để chứng tỏ, cũng không phải là loại tranh thiền hoặc là tranh không thiền, có những hội từ thiện đến xin tranh thầy, ngày mai thầy phải đi rồi nên hôm nay thầy thức suốt đêm để vẽ cho họ để họ nhận tranh về vì chưa chắc thầy sẽ quay lại nơi ấy nên thầy tranh thủ vẽ trong đêm chớ chẳng phải to tát gì đâu, mong mọi người cảm thông và đừng tranh luận với nhau nữa, cuộc sống này chỉ cần thấu hiểu để được yêu thương, bao dung và tha thứ cùng nhau đó là điều con người cần chỉ vậy thôi. Thầy gởi lời thăm tới mọi người vì tranh thầy mà xảy ra những cuộc bàn luận.Hôm nay tôi có dịp mới đăng bài này lên để các anh các chú , các bác có thông tin để tham khảo. 
3:10 Saturday,30.12.2017 Đăng bởi:  Hoang Anh
Bạn Minh Anh, nếu bạn muốn gặp sư Pháp Hạnh, gửi mail hoặc số điện thoại qua cho mình: hoanganh.ji@gmail.com. Khi nào sư có ở HN, mình sẽ nhắn tin cho bạn biết. Thân.
...xem tiếp
3:10 Saturday,30.12.2017 Đăng bởi:  Hoang Anh
Bạn Minh Anh, nếu bạn muốn gặp sư Pháp Hạnh, gửi mail hoặc số điện thoại qua cho mình: hoanganh.ji@gmail.com. Khi nào sư có ở HN, mình sẽ nhắn tin cho bạn biết. Thân. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả