Gẫm & Bình

Người trong thành phố:
Phản cảm của điên cuồng 22. 03. 10 - 10:23 pm

SOI C

 

Triển lãm: Người trong thành phố
Họa sĩ Phạm Ngọc Dương
Khai mạc: 18.00, thứ Sáu, 8. 1. 2010
Triển lãm: từ  8 đến 18. 1. 2010 tại Viện Goethe

Đây là triển lãm được báo chí giới thiệu nhiều nhất, cũng là triển lãm nhận được nhiều lời khen. Vậy mà một ngày sau buổi khai mạc, phòng triển lãm rơi vào im ắng.

Tác phẩm Lớp học phổ thông

Người trong thành phố trưng bày 14 tác phẩm: 12 bức tranh màu dầu trên toan gồm Cậu bé và máy tính, Cô gái mặc áo xanh, Tắm nắng, Đầu gấu, Cô gái và hoa, Cụ bà, Cậu bé và hoa, Tắm, Cô gái và hoa sen, Ngủ, Yêu nhau, Lạnh và 2 tác phẩm sắp đặt mang tên Đổi dạng, Lớp học phổ thông.

Tác phẩm Tắm

Ý tưởng người ép thể hiện xuyên suốt qua tranh và sắp đặt: “Đối với tôi, bức tranh về cuộc sống hiện đại là hình ảnh các thế hệ khác nhau được sinh ra và lớn lên trong khó khăn, và bị mắc kẹt dưới nhiều áp lực. (…) Mô tả đầy đủ gương mặt mỗi cá nhân  là một điều không thể. Vì thế, tôi đã sử dụng trí tưởng tượng của tôi để tạo ra hình ảnh con người trong trạng thái đang bị áp lực” (Phạm Ngọc Dương).

Tác phẩm Yêu nhau

Triển lãm mang dấu ấn của nghệ thuật pop-art trong sắp đặt, trong chủ đề, trong cách sử dụng màu tương đối sặc sỡ với các mảng màu đối chọi.

Để có Đổi dạngLớp học phổ thông, họa sĩ  đã phải nhào tóc (bằng sợi nilon), quần áo cũ, khăn quàng, giầy, phụ kiện thời trang hỏng… với composite, đổ vào khuôn khối vuông thủy tinh hoặc ép, chèn bởi khối nặng.

Tác phẩm đồ sộ cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen là Đổi dạng.

Tác phẩm Đổi dạng

Tôi không thích hình bao trùm là con robot bởi nó mang cảm giác “sến” và rõ nghĩa, thế nhưng khi nhìn từng bộ phận của con robot được tạo bởi các hình đầu tóc, tay  chân, quần áo… và toàn bộ được sắp đặt rất đúng vị trí vốn có, tôi cảm thấy khó chịu vì sự bẩn thỉu, của xô bồ (vật dụng), của nhăn nhúm điên cuồng khổ sở (trên nét mặt người). Một tác phẩm nếu sờ thử tay vào, sẽ có cảm giác ghê rợn, kinh hãi. Phải chăng đây chính là dụng ý của họa sĩ để gây hiệu quả thị giác mạnh?

Một chi tiết trong Đổi dạng

Với 12 bức tranh, màu không đậm đặc, được sử dụng khá nuột, nét vẽ chi tiết đòi hỏi tỉ mỉ, khối chắc, và cũng chính vì Phạm Ngọc Dương tự ép vuông nhân vật của mình (nhưng họ vẫn nở ra từng đường cong) vô tình lại làm người xem liên tưởng tới các nhân vật béo phì trong tranh Fernando Botero.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả