Gẫm & Bình

TẦM TÃ: Luôn không mệt mỏi nhưng đôi khi quá cố gắng 19. 07. 10 - 10:27 pm

Mai Chi

Không gian đầu tiên của triển lãm Tầm tã ở Bui Gallery được lấp đầy bởi duy nhất một ngôi sao lớn, đường kính gần 3m. Khung của ngôi sao được làm bằng những chiếc nạng gỗ của các cựu chiến binh vô danh. Tỏa sáng  từ bên trong, kích thước khổng lồ của nó đem lại sự đường hoàng, vừa nghiêm trang vừa dịu dàng. Giống như vỏ bom được biến thành chiếc cày và sau vài mùa sử dụng không ai nhận ra được nguồn gốc của chúng nữa, những chiếc nạng đã được biến thành một nguồn sáng thanh bình, nên thơ và gần gũi.

Tác phẩm đã có thể dừng lại ở đây. Tôi đã có thể hình dung một dự án trong đó các gia đình cựu chiến binh khắp mọi miền gửi tặng nghệ sĩ Nguyễn Văn Phúc những chiếc nạng của người thân của mình, và sau đó, nghệ sĩ gửi lại tới các làng mạc những ngôi sao của mình, không, của họ. Chúng sẽ tỏa sáng ở các sân đình, chợ đêm, bến đò.  Lòng yêu thương có thể hàn gắn những vết thương. Nhưng không, tác phẩm không dừng ở đấy: ở giữa ngôi sao là một motif cậu bé dân gian Đông Hồ đang ôm một ngôi sao vàng năm cánh  thay vì ôm gà. Chắc có ẩn ý chính trị gì đây. Tôi xin cảnh báo: bạn đang ở trong một triển lãm của Trần Lương, và bạn sẽ không có cơ hội dù chỉ một phút thoát khỏi cảm giác “Chúng tôi là những công dân trăn trở cho xã hội” của anh.  

Nguyễn Huy An suy tư về cái bóng của đồ vật và con người. Anh vật thể hóa nó bằng than đen, chốt nó lại, giết chết nó, bắt nó không thay đổi hình dạng. Thú vị, nhưng, cũng như anh tự phát biểu, không có gì mới. Tôi không hiểu rõ lắm những quyết định thể hiện ý đồ của anh. Vì sao anh lại chọn một cái bàn, vì sao anh chọn góc đèn chiếu sáng như thế, chỉ vì nó “dễ nhìn”? Tôi muốn thấy ý tưởng được đưa ra ngoài đường phố, chốt lại một khoảng khắc của mặt trời in bóng qua cây cối, cột đèn, xe máy và các đồ vật khác nữa, tồn tại ngắn ngủi cho tới khi bản thân những cái bóng được ghi lại đó bị mưa cuốn trôi. Trong không gian phòng tranh này, nó là một sự triển khai khô cứng và ít sức sống. 

Phòng của Nguyễn Trần Nam là phòng tôi ưa thích nhất. Gia đình của anh: người mẹ nông dân, người chị đô thị gốc quê, người bố cựu công nhân, cậu em học sinh, và bản thân tác giả, nghệ sĩ – trai làng, đứng rải rác trong phòng, gần nhau mà không hẳn nhìn nhau. Họ là những con lật đật, bé hơn kích thước thật một chút, nên toát ra một vẻ khiêm tốn và tư lự. Cuối cùng chúng ta cũng có một tác phẩm không tỏ ra cao siêu, không lên án, không giảng giải. Trái lại, những con người ở đây hơi băn khoăn, không rõ mình phải làm gì, nhưng họ cũng không hoảng loạn. Nếu bạn đẩy những hình người, họ sẽ bắt đầu chuyển động, tương tác, nghiêng lại gần nhau rồi lại rời xa nhau. Họ không di chuyển được mà chỉ nhúc nhích một chút. Tôi thích điều này. Chúng ta chẳng phải đều là những con lật đật hay sao, lúng túng không biết mình phải đi đâu và phải làm gì. Bi kịch đấy, nhưng một con lật đật cũng sẽ không bao giờ bị đốn đổ cả – không đúng là bản chất người Việt ư?   

       

Được bố trí để trở thành cao trào của triển lãm, không gian của Vũ Hồng Ninh thực ra là một phản cao trào. Đây là không gian ồn ào nhất, lắm lời nhất của triển lãm. Một cậu bé được tạc bằng xà phòng đứng trên bục, tay phải giơ cao. Cậu to lớn khác thường và sự béo tốt của cậu toát ra một vẻ đe dọa như từ những bức tượng xi măng thời xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh là một chậu rửa bằng thiếc đen lót sỏi sơn đen (vì sao?). Khán giả được gợi ý sử dụng cậu bé để rửa tay. Bị nhồi nhét quá nhiều thứ, tác phẩm của Ninh giống như một diễn giả đang cố gắng không thành công để tóm tắt ý chính của mình. Brochure của triển lãm dành nhiều chữ kể về một đứa trẻ được sinh ra trên hoa sen cách đây 2500 năm, bước đi bẩy bước, vân vân (ai vậy nhỉ?).

Rồi bỗng nhiên, ở đâu đó, hình như ở tiêu đề trên tường, chữ “Tễu” được nhắc đến. Tễu là hiện thân của tinh thần nông dân Việt Nam. Tễu đang giơ ngón giữa, nói “Fuck you!”. Với ai? Vinashin? Khoan, nhưng tờ chương trình nhắc tới một thế giới đầy bụi khói và ồn ào đinh tai. Người xem sẽ dùng xà phòng và cậu sẽ lụi tàn. Hay Tễu hy sinh cho nghệ thuật, cho sự sạch sẽ? Tôi hình dung ra khách dự buổi party khai mạc sang trọng thay nhau rửa tay và ngầm nói với nhau “chúng ta ở đây để gột sạch cái bẩn thỉu bụi bậm mà chúng nó ngoài kia gây ra.” Liệu tôi có được tính vào chúng ta hay bị tính vào chúng nó? Câu hỏi chồng chất câu hỏi.

Tầm tã, còn hơn các show trước của Trần Lương, có một vẻ nghiêm trọng, thậm chí hơi căng thẳng, của một tinh thần phục vụ cộng đồng, luôn không mệt mỏi nhưng đôi khi quá cố gắng. Trớ trêu thay, lúc ra về tôi không gạt được cảm giác là chính những tác phẩm của triển lãm, với những phát ngôn xã hội của mình, đang bị giam cầm trong cái biệt thự Pháp cổ của Bui Gallery, một không gian trước là thuộc địa bây giờ đã thành thượng lưu.

*

Bài liên quan:

Tường thuật khai mạc Tầm Tã
Nhà báo ơi, tại Mỹ thuật không vui à?
– Luôn không mệt mỏi nhưng đôi khi quá cố gắng
– Hãy quẳng thanh kiếm toàn trị đi, ngài curator
– Vài điểu tôi muốn hỏi Tầm Tã

Ý kiến - Thảo luận

12:26 Tuesday,1.3.2011 Đăng bởi:  Minh Đức Trịnh
Bài viết xuất sắc, đã lâu không được đọc những cách viết thế này: phân tích vào tác phẩm chứ không mô tả tác phẩm để tránh khỏi bình luận (xin lỗi, việc mô tả thì tự chúng tôi cũng làm được, không cần đến nhà phê bình). Cảm ơn tác giả Mai Chi. Mong được đọc thêm nhiều bài viết của anh.
...xem tiếp
12:26 Tuesday,1.3.2011 Đăng bởi:  Minh Đức Trịnh
Bài viết xuất sắc, đã lâu không được đọc những cách viết thế này: phân tích vào tác phẩm chứ không mô tả tác phẩm để tránh khỏi bình luận (xin lỗi, việc mô tả thì tự chúng tôi cũng làm được, không cần đến nhà phê bình). Cảm ơn tác giả Mai Chi. Mong được đọc thêm nhiều bài viết của anh. 
3:24 Tuesday,20.7.2010 Đăng bởi:  vu ninh
Hi, cảm ơn ý kiến của anh Mai Chi. Anh viết thì nhiều nhưng tôi thì không hiểu lắm. Mời anh đến trao đổi tại buổi tọa đàm (18h ngày 21/7/2010)
...xem tiếp
3:24 Tuesday,20.7.2010 Đăng bởi:  vu ninh
Hi, cảm ơn ý kiến của anh Mai Chi. Anh viết thì nhiều nhưng tôi thì không hiểu lắm. Mời anh đến trao đổi tại buổi tọa đàm (18h ngày 21/7/2010) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

U LÀNH TÍNH: Lại "thế này mà là nghệ thuật ư?"

Canvas - Ảnh dùng lại của Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả