Tin tức

Antony Gormley muốn nhốt Bộ trưởng vào tượng 04. 12. 12 - 7:05 am

Hoàng Lan tổng hợp

Gormley tại triển lãm mới

Trước khi đọc vào bài để xem vì sao Gormley muốn nhốt Bộ trưởng bộ Giáo dục, xin nói sơ qua về hệ thống thi cử trung học ở Anh.

Hiện nay học sinh Anh thi theo hệ thống bằng GCSEs. Thi kiểu GCSEs thì rất dễ dãi, học sinh có thể tự chọn môn thi, muốn thi sớm hay thi muộn cũng được, thi như kiểu lấy tín chỉ, lấy cho đủ để đậu thì thôi,…

Điểm chấm của hệ thống GCSEs cũng rất dễ dãi. Nhiều học trò đạt điểm cao.

Bức xúc trước việc dễ dãi này, Bộ trưởng Giáo dục Anh, ông Gove, đòi bỏ hệ thống này đi, thay bằng hệ thống Tú tài Anh (EBaccs – như ở nước ta hiện nay).

EBaccs thì khó hơn nhiều, với môn thi do hội đồng thi Quốc gia chỉ định, gồm Anh, Toán, và Khoa học. Thi rớt một môn là coi như rớt luôn cả bằng, năm sau phải thi lại trọn gói. Trong bài thi Tú tài cải cách, điểm sẽ được cộng thêm cho người viết đúng chính tả, ngữ pháp, và cách đặt chấm phẩy. Bộ trưởng Gove một mực khẳng định các đề thi sẽ loại bỏ những câu hỏi kiểu ‘vừa miệng cắn, đút tận miệng’. 600,000 học sinh sẽ bắt đầu chương trình EBaccs với môn tiếng Anh, Toán, và Khoa học từ năm 2015.

Bộ trưởng Michael Gove

So sánh thêm

GCSEs
: Nếu thi trượt môn nào, có thể thi lại môn đó cho đến khi đậu.
EBaccs: Không còn chuyện thi lại một số môn, bắt buộc phải thi lại toàn bộ các môn của kỳ thi.

GCSEs: Thời giờ làm bài thi có thể chỉ ngắn độ 90 phút
EBaccs: Thời giờ làm bài sẽ dài hơn, có thể lên tới 3 tiếng.

GCSEs: Đề thi Toán có rất ít câu Đại số. Đề tiếng Anh có những câu trả lời kiểu ‘vừa miệng cắn’, hiếm có những bài dịch khắt khe từ tiếng Anh sang tiếng nước ngoài.
EBaccs: Có thêm nhiều câu Đại số trong đề thi Toán, thêm nhiều bài luận tiếng Anh dài, có thêm các câu dịch đầy đủ từ tiếng Anh sang tiếng nước ngoài.

GCSEs: Hơn 50% nội dung đề thi là từ chương trình học và các bài kiểm tra liên tục.
EBaccs: Học sinh sẽ có một hoặc hai kỳ kiểm tra khó hơn khi khóa học hai năm kết thúc.

GCSEs: Xét về chuyên môn, bất cứ ai đạt từ điểm A đến G sẽ được coi như đã “đậu”.
EBaccs: Hệ thống chấm điểm mới, thang điểm từ 1 đến 6, điểm 7 trở lên là rớt.

GCSEs: 22% đạt A hoặc A cộng. Khoảng 7% các sĩ tử đạt A cộng
EBaccs: Chỉ 5% có thể sẽ đạt top 1 (điểm 1).

Nhiều người chỉ trích Bộ trưởng Gove là kéo lùi giáo dục Anh về thời kỳ xa xưa. Trong khi Bộ trưởng thì cho rằng mình làm thế để chống lại bệnh thành tích, siết chặt giáo dục để giáo dục Anh không bị tụt hậu do quá dễ dãi.

*
Giờ vào bài nhé:

Nhân dịp Antony Gormley có triển lãm mới về các tác phẩm điêu khắc trừu tượng tại gallery White Cube (chi nhánh Bermondsey), trong cuộc phỏng vấn với báo Telegraph, ông đã dùng vài ‘từ ngữ chọn lọc’ để nói về Michael Gove – ngài bộ trưởng bộ giáo dục của Anh Quốc.

Antony phát biểu rằng kiến nghị mới của bộ trưởng – chuyển sang thi lấy bằng Tú tài Anh (EBaccs) – là ‘sai lầm một cách kinh hoàng’.

Cái ông Gove đó nên đến đây và chúng ta sẽ nhốt ông ấy lại,” Gormley nói với tờ Telegraph. “Biết đâu ông ấy có thể rút ra một cách tiếp cận giàu tưởng tượng hơn về “nhận thức con người’ là gì.”

Triển lãm mới của Gormley

Gormley buộc tội Gove, nói ông bộ trưởng này là một “thảm họa toàn phần”.

Theo sáng kiến của bộ trưởng, bằng Tú tài EBaccs sẽ thay thế bằng GCSEs. Chương trình EBaccs lấy tiếng Anh, toán, khoa học, lịch sử, địa lý, và ngôn ngữ làm môn học chính; bỏ lơ những môn như nghệ thuật thị giác, thiết kế, kịch, múa, hoặc âm nhạc.

Gormley là nhân vật mới nhất của thế giới nghệ thuật lên tiếng chỉ trích dự án này.

Không cần hỏi thì (ai) cũng biết rằng trí sáng tạo không đến từ những gì bạn học trong sách vở hoặc trong lịch sử, vốn đã viết sẵn từ trước, mà là biết tập trung vào, thêm vào những giá trị cho những trải nghiệm của mình khi nó diễn ra,” Gormley nói. “Chỉ qua ca hát, nhảy múa, và làm nghệ thuật, chúng ta mới kiến tạo trọn vẹn một con người và hun đúc nên những cá nhân thực sự.

Nếu khả năng đọc viết và những con số là cách duy nhất để đánh giá trí tuệ, tôi phải nói như thế còn thiếu phân nửa con người. Ý tôi là, ai muốn làm mỗi chuyện kiếm tiền nào? Cái mà ta muốn tạo ra là cuộc sống – và ta cần làm sao để cuộc sống mang một ý nghĩa gì đó.

Nói thật lòng, tôi không biết làm thế nào cái chính phủ này có thể tồn tại được.”

Nghệ sĩ nhận định rằng cái quyết định coi nhẹ sự quan trọng của các môn nghệ thuật trong giáo dục của ông Gove và của chính phủ có thể đẩy lùi những bước tiến mà bộ phận văn hóa của đất nước này đã đạt được trong thời gian chuẩn bị cho London 2012 Olympics vừa rồi, và trong các món quà nghệ thuật mà các nước tham gia đã đem đến tặng Anh.

Đối với tôi, việc này thật kỳ cục, chính phủ dường như muốn nhấn mạnh rằng (qua Olympics), đây là lần đầu tiên nước Anh trở thành trọng tâm của thế giới xét về mặt văn hóa thị giác, thế nhưng họ lại rút đi ‘chất bổ dưỡng’ của chính cái văn hóa đấy.” Gormley nói với tờ Telegraph.

Nghệ sĩ cũng dẫn chứng việc bảo tàng Tate Modern đón tới 5 triệu du khách mỗi năm, là dấu hiệu nói lên “Mọi người muốn mở rộng tầm nhận thức và có những trải nghiệm mà họ không thể tìm thấy ở những nơi khác.”

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lời thầy dạy có khi cũng thiếu logic

Phó Đức Tùng - Nguyễn Đình Đăng - Nguyên Tánh

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả