Gẫm & Bình

Từ Hồng Hà đến Cửu Long, “Những cái nhìn về Việt Nam” tại bảo tàng Cernuschi ở Paris 11. 12. 12 - 10:12 pm

Laurent COLIN - Sáng Ánh dịch

Hai thiếu nữ – Mai Trung Thứ (1906-1980) – Màu trên lụa, 1942. (© Christian Murtin. Soi tìm ảnh)

Viện bảo tàng Cernuschi, cạnh công viên Monceau, Paris, mời chúng ta (cho đến 27. 1. 2013) trở về thời gian đầu của hội họa Việt Nam lúc thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương từ khoảng thập niên 1920 đến thập niên 1950.

Phải nhắc đến công sức của bà Loan de Fontebrune là người đã ‘khai quật’ ra và tập họp lại được 75 tác phẩm, phần lớn từ các bộ sưu tập tư nhân, trong đó có nhiều tranh chưa hề được triển lãm cho công chúng.

Cuộc triển lãm này, tuy qui mô nhỏ nhưng mang nhiều khám phá, gồm hai phần: một bên là các giáo sư của trường Mỹ thuật, các giải Đông Dương và các “họa sĩ du khách”; bên kia là tác phẩm của các sinh viên “sở tại” của những năm đầu.

Victor Tardieu (1870-1937), Entrée des tombeaux à Hué (Lối vào lăng ở Huế)- Sơn dầu trên gỗ, khoảng 1924. (© Carnets du Vietnam Janvier 2013 n°36. Soi tìm ảnh.)

 

Lucien Lièvre (1836- ?), Baie d’Along (Vịnh Hạ Long). Sơn dầu trên toan, khoảng 1830. (© Carnets du Vietnam Janvier 2013 n°36. Soi tìm ảnh.)

 

Alix Aymé (1894-189) – Femmes dans un Jardin (Những người phụ nữ trong vườn). Màu trên lụa. (© Carnets du Vietnam Janvier 2013 n°36. Soi tìm ảnh.)

 

Nên nói ngay là trong cuộc đối diện này, phần tác phẩm của các trò rõ ràng là trội hơn hẳn phần của các thầy. Các vị này, dù tài giỏi đến đâu, vẫn bị cầm tù trong phong cách “hương xa” hay cái nhìn nhân chủng học đặt trên người bản địa, và do đó dù tài đến mấy, vẫn là nằm ở bên ngoài. Trong khi đó, các nghệ sĩ sở tại cho thấy sự thân thuộc của họ với chủ đề. Rất chóng, phần nào nhờ sự hướng dẫn hay khuyến khích của các vị thầy đáng kể của trường, các nghệ sĩ này đã khẳng định một cách nổi bật những kỹ thuật riêng: sơn mài với Nguyễn Gia Trí (mờ ảo của bức “”, vào khoảng thập niên 50), lụa với trước hết là Nguyễn Phan Chánh (vẻ đẹp liêu trai của “Thiếu nữ chải tóc” khoảng 1933) hay Tô Ngọc Vân (“Các cô thợ thêu” -1932). Ta còn thưởng thức hành trình đáng ngạc nhiên của Lê Văn Đệ với gam sơn dầu thổ hoàng của những cảnh nội (“Trong gia đình” -1933).

Tô Ngọc Vân (1906-1954) – Những cô thợ thêu. Màu trên lụa,1932. (© Christian Murtin. Soi tìm ảnh)

Không bàn đến chuyện thích thú (*), triển lãm đây là một dịp không thể bỏ lỡ cho những ai quan tâm đến những bước đầu tiên của hội họa Việt Nam. Khẳng định xong điều này, vẫn thấy còn lại một số điều đáng tiếc. Đi đến cuối hành trình, người ta vẫn thấy thiếu thốn lạ lùng, và tự hỏi: Có phải đây là một triển lãm về “nghệ thuật mô-đéc tại Việt Nam” theo như catalogue nói, và một lần nữa, lại có tính lịch sử nhiều hơn là tính phê bình? Ta có cảm tưởng chỉ mới mon men được phần mào đầu của nền hội họa này mà mù tịt không thấy lối vào những chương chính. Phải chăng đây là “một cái nhìn về Việt Nam” như tiểu tựa của cuộc triển lãm cho biết, hay chính là một cái nhìn về Đông Dương viễn hoặc? Một cái nhìn đã bị làm yên ắng đi, không xung đột và không yêu sách, với trang trí áp đảo bối cảnh, ở đó vấn đề thuộc địa bị vắng mặt một cách kỳ lạ, tuy tác phẩm của Lương Xuân Nhị (“Mùa đông”-1937) có thấp thoáng nhắc cho ta sự hà khắc của thời đại ấy.

Lương Xuân Nhị (1914-2006) – Mùa đông. Màu trên lụa. Khoảng 1937. (© Christian Murtin. Soi tìm ảnh)

 

Cuộc triển lãm này không cho ta thấy phần tiếp nối với những họa sĩ đã đi tiếp, làm nên nền hội họa Việt Nam hiện đại. Chỉ có mỗi một bức sơn mài của Nguyễn Tiến Chung (“Hội ngộ”, không đề ngày) có hơi hướm tái phục một nền nghệ thuật dân gian, là một chiều hướng đáng kể sau ngày Độc lập. Thay vì những ký họa thời chiến của Tô Ngọc Vân, hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ thuật Kháng chiến và hy sinh trong một cuộc ném bom Pháp vào năm 1954, thì người ta lại thích bày ra cho chúng ta xem hơn những cảnh yên bình của những năm 30, dưới nét cọ của người học trò xuất sắc của Victor Tardieu.

Chiến tranh thực ra đã bắt đầu vào lúc thời điểm một số tác phẩm đang bày tại bảo tàng Cernuschi được sáng tác.

Việt Nam trở thành độc lập và nền hội họa quốc gia cũng thế. Các cô thợ thêu hiền hòa, những thiếu nữ Bắc Kỳ lơi lả của những tác phẩm đầu vội che thân và hốt biến, thay thế bởi các nữ dân công ngoài mặt trận. “Đông Dương hủ lậu” chẳng bao lâu sau cũng biến mất trong bùn lầy của Điện Biên Phủ.

La Cueillette des Simples (Nhặt điều giản di?) – Lê Phổ (1907-2001). Màu trên lụa, 66,5 x 50 cm, 1932. (© Christian Murtin. Soi tìm ảnh)

 

Trong số các họa sĩ tại triển lãm đại diện cho giai đoạn đầu này, phải lưu ý là Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm đã định cư tại Pháp (cuối thập niên 30), để lại đằng sau họ một đất nước mà họ cũng như các tác phẩm của họ không còn chỗ nữa. Trung thành với thể loại ban đầu, gần như là xơ cứng trong những năm khởi cọ, tác phẩm của họ để lại ít dấu ấn tại Pháp vì luôn cách khoảng với những trào lưu cùng thời, khác với các nghệ sĩ lưu vong khác cũng gốc Á, như Foujita trước họ hay là Zao Wou-Ki sau đó.

Thiếu nữ uống trà – Vũ Cao Đàm (1908-2000). Màu trên lụa. Khoảng 1935-40. (© Christian Murtin. Soi tìm ảnh)

 

Tại nước Việt Nam mới, những triển lãm của Hội An Nam hay là nước Pháp Thuộc địa đã đến hồi kết chung. Hội họa không còn để thưởng lãm hay là để trang trí nữa, càng không phải để mua bán. Hội họa dấn mình vào cuộc chiến dù như thế có cơ nguy dây với tuyên truyền. Rồi về sau, giá vẽ sẽ được đặt trong những nhà máy, những công trường và những hợp tác xã.

Giai đoạn tranh đặt hàng và làm nội cảnh cho quan chức và doanh gia thuộc địa kết thúc. Bùi Xuân Phái xuống đường và vẽ lại những cảnh hàng ngày. Nguyễn Tư Nghiêm quay về làng xã, lấy cảm hứng từ những tượng đình làng, để đưa ra một nghệ thuật quần chúng đích thực Việt Nam, được diễn tả một cách kiên quyết hiện đại. Nguyễn Sáng tự khẳng định về mặt chính trị và thẩm mỹ là không còn dính líu nào đến chủ nghĩa viễn đông của những buổi ban đầu. Ngay cả Dương Bích Liên, với hằng hà chân dung thiếu nữ, cũng chỉ kể những câu chuyện cá nhân xa rời hẳn với những dáng mẫu và những khuôn mẫu.

Danh sách những nghệ sĩ vắng mặt trong cuộc triển lãm này còn rất dài. Họ là những người tham gia vào cuộc chiến giành độc lập với những ước vọng – và cả những thất vọng – trong những năm mà hội họa Việt Nam thực sự tìm thấy hơi thở của mình tiếp tục giữ được đà tiến này cho đến cuối thập niên 1980.

*

(*): Chú thích của người dịch: Trong bản gốc là «Ne boudons notre plaisir», là ta không nên kìm hãm sự thích thú của ta, việc gì mà không thích, cứ thích mạnh đi chứ (ý để chuẩn bị phần sắp sửa chê đến nơi) nhưng trong văn cảnh này, người dịch chưa tìm ra câu nào tương đương!

 

 

Ý kiến - Thảo luận

19:50 Sunday,16.12.2012 Đăng bởi:  Loan De Fontbrune

Trong triển lãm đầu tiên này, chúng tôi chỉ muốn giới thiệu các họa sĩ Pháp và Việt của thời kỳ đầu và trường Mỹ Thuật Đông Dương cho đến 1954.
Hy vọng sẽ có các cuộc triển lãm sau để nói về giai đoạn kháng chiến, trường Mỹ Thuật Huế, Sài Gòn, sau 1954&
...xem tiếp

19:50 Sunday,16.12.2012 Đăng bởi:  Loan De Fontbrune

Trong triển lãm đầu tiên này, chúng tôi chỉ muốn giới thiệu các họa sĩ Pháp và Việt của thời kỳ đầu và trường Mỹ Thuật Đông Dương cho đến 1954.
Hy vọng sẽ có các cuộc triển lãm sau để nói về giai đoạn kháng chiến, trường Mỹ Thuật Huế, Sài Gòn, sau 1954…


 

 
15:13 Wednesday,12.12.2012 Đăng bởi:  meo meo meo, meo meo meo méo mèo meo
đẹp quá!
...xem tiếp
15:13 Wednesday,12.12.2012 Đăng bởi:  meo meo meo, meo meo meo méo mèo meo
đẹp quá! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả