Gẫm & Bình

“Salvator Mundi” là
“Mona Lisa đàn ông”? 07. 01. 13 - 7:42 am

Hoàng Lan dịch

M. Goldstein phỏng vấn nhà sử học mỹ thuật Andrew Martin Kemp – học giả của Oxford và chuyên gia hàng đầu về thời Phục hưng – về bức “Salvator Mundi” bí ẩn của Leonardo da Vinci, 17. 11. 2011.

Leonardo da Vinci (Italian, 1452-1519) – Salvator Mundi – Sơn dầu trên panel, 65.6 x 45.4 cm.

 

Lần đầu tiên ông thấy bức “Salvator Mundi” là trong hoàn cảnh nào?

Nicolas Penny – giám đốc của Gallery Quốc gia ở London –  email cho tôi, “Anh có muốn tới đây vào ngày này… ngày này… không? Có một món mà tôi nghĩ rằng anh sẽ muốn xem.” Cái mail này thật sự khác thường vì nếu không thì tôi đã nhận được một file có hình jpeg đính kèm. Lúc ấy tôi cảm giác rằng, “Chà, chắc chắn món này có liên quan tới Leonardo.” Và tôi cho rằng họ (Gallery Quốc gia) cũng đang tính tới một triển lãm Leonardo vào thời điểm đó. Thế nên tôi đến phòng phục chế tranh (của Gallery Quốc gia), và một vài học giả về Leonardo đã có mặt ở đấy rồi. Nó (bức tranh) đang nằm trên một cái giá vẽ bên tay trái. Tôi nhìn nó và nghĩ, “Tuyệt”.


Ông biết ngay (rằng đấy là tranh của Leonardo) à?

Đúng thế. Khá rõ ràng. Nó mang thần thái của Leonardo. Bức “Mona Lisa” cũng mang thần thái này. Thế là sau phản ứng sơ phát ấy – một phản ứng gần như có sẵn bên trong cơ thể, ta ngắm bức tranh và nghĩ, thế nào nhỉ, nhìn vào những phần được bảo quản tốt hơn, như tóc chẳng hạn, sẽ thấy rằng tác giả xử lý phần tóc cực kỳ tốt. Nó có kiểu “cuồn cuộn” rất kỳ quái, như thể tóc là một chất “đang sống”, đang chuyển động, hoặc giống như nước – chính Leonardo cũng từng nói rằng tóc giống nước. Nó gần như không còn là tóc nữa, mà trở thành một nguồn năng lượng. Đây là cách vẽ tóc rất đặc trưng, cách của Leonardo.

Rồi bàn tay Chúa có rất nhiều chi tiết về giải phẫu học mà người ta hay bỏ qua. Tất cả những bản “Salvator Mundi” khác – chúng tôi có bản vẽ chì cũng như rất nhiều bản copy – đều vẽ các ngón tay theo kiểu hình ống. Việc Leonardo đã làm (mà những người sao chép hay bắt chước không nhận ra) là: vẽ làm sao để thấy các đốt ngón tay như nằm dưới da. Những bàn tay trong các bản copy nhìn nhẵn nhụi, theo đúng thói thường, nhưng tác giả của bức tranh này thì biết đặt da thịt phủ trên các khớp ngón tay (mà đây là một người trẻ tuổi nhé, không phải một nghệ sĩ già). Thế nên, tác phẩm trông thật tuyệt.

Có một thứ khiến tôi sững sờ là quả cầu, từ đó tôi cũng bỏ công nghiên cứu sâu hơn về món này. “Salvator Mundi” rõ ràng là đang cầm quả cầu mundus*, tượng trưng cho thế giới mà ngài cứu rỗi, và quả cầu ấy trông hoàn toàn khác với những gì tôi từng thấy trước đây.

Những quả cầu trong các bức “Salvator Mundi” khác thường làm bằng đồng hoặc đặc ruột. Đôi lúc chúng như địa cầu, đôi lúc chúng là những khối cầu thủy tinh trong suốt, và một hoặc hai quả mundus còn có tí phong cảnh bên trong. Còn quả mundus trong bức này thì có một loạt những lỗ sáng lấp lánh – trông chúng như những bong bóng, nhưng lại không tròn – được vẽ rất khéo, một chút đắp nổi, một chút màu tối, và chúng ta thấy những lỗ sáng nho nhỏ trên – đặc biệt tại một vài chỗ ta còn có thể thấy hiện tượng phản sáng ngược. Điều này khiến tôi nghĩ ngay đến đá pha lê. Bởi vì đá pha lê thường có nhiều khoang hổng nằm bên trong; một khối đá pha lê trong suốt không có khoang hổng là rất hiếm, nhất là những khối đá lớn. Mà quả cầu mundus trong tranh có những khoảng hở nhỏ, với hình dạng không đều; thế là tôi nghĩ: chà, hay đây. Leonardo cũng gần như là một chuyên gia về đá pha lê. Nữ tước Isabella d’Este từng nhờ ông đánh giá một chiếc bình pha lê mà bà tính mua, Leonardo thích những chất liệu kiểu này lắm.

Thế nên khi quay về trường Oxford, tôi đến khoa địa chất và nói, “Cho coi vài khối đá pha lê nào.” Thêm nữa, trong Tủ Tò mò** của bảo tàng Ashmolean có một quả cầu bằng đá pha lê rất to, bên trong quả cầu cũng có khoang hổng. Thế là chúng tôi chụp ảnh quả cầu trong điều kiện áng sáng tương ứng với ánh sáng của bức “Salvator Mundi“. Tôi cũng bắt đầu xem xét cái cườm tay phía dưới quả cầu pha lê; có tới hai cái cườm tay. Nhà phục chế thì nghĩ rằng đây là lỗi pentimento (vẽ xong thì họa sĩ đổi ý, vẽ lại theo kiểu khác, nhưng vết vẽ cũ vẫn còn trên tranh – ND), nhưng tôi tự hỏi, liệu có thể Leonardo đang ghi lại sự khúc xạ kép thường bắt gặp ở các khối cầu làm từ khoáng chất can-xít. Nếu điều này là đúng, thì tác phẩm hoàn toàn mang đậm “chất Leonardo”. Tôi thích những chi tiết diễn tả được sự “sành sỏi”. Không tay chép tranh nào rành chuyện đó. Họ chỉ biết sao chép lại. Một vài kẻ chép khá hơn những kẻ khác, nhưng không ai vẽ ra được khối cầu pha lê với khả năng khúc xạ kép. Và một trong những điểm quan trọng của quả cầu pha lê là: nó liên quan đến biểu tượng “khối cầu trong suốt như pha lê” của thiên đàng, bởi vì trong thuyết vũ trụ Ptolemaic, các vì sao nằm trong một quả cầu trong suốt, và thế cho nên sao là thứ được thượng đế “gắn” lên trời. Cái mà bạn thấy trong “Salvator Mundi” chính là “Đấng cứu thế của vũ trụ“, đây cũng là một sự biến hóa mang đậm “chất Leonardo”.
 
Một yếu tố nữa mà tôi để ý tiếp theo: có một sự khác biệt so với những gì chúng ta gọi là “độ sâu của trường ảnh” – Bàn tay Chúa và các ngón tay trông rất sắc nét. Khuôn mặt – ngay cả khi có bị hư hại ở vài chỗ – trông có mềm mại hơn. Theo bảo thảo D (1507-1508), Leonardo từng tìm hiểu về độ sâu của trường ảnh. Nếu đưa một vật gì đấy tới quá gần mắt, bạn sẽ không nhìn ra nó và sẽ cảm thấy đường nét của nó không tập trung. Nhưng nếu đặt vật đó ở một điểm tối ưu, trông nó sẽ rõ nét hơn nhiều. Rồi đem cái vật ấy ra khỏi điểm tối ưu đấy, vật sẽ bớt sắc nét đi. Leonardo có khảo sát hiện tượng này. Tác phẩm có yếu tố trí tuệ, yếu tố thị giác, và có những vật liệu tương đối quý (đá pha lê), đây vốn là điểm độc đáo của Leonardo.

 

Ông diễn tả vẻ mặt của nhân vật chính trong “Salvator Mundi” như thế nào?

À, theo cách nào đó, nói theo kiểu thô sơ nhất, bạn có thể diễn tả nó như một sự sùng bài tương đương với “Mona Lisa“, bởi vì nó rất mềm mại. Trên mắt trái của Chúa – ta nhìn vào thì là mắt phải – có một vài vết Leonardo để lại sau khi đã dùng cườm tay để làm dịu phần “da thịt”, và nét mặt cũng được vẽ rất mềm, đây là đặc điểm của Leonardo từ năm 1500 trở đi. Và điều thực sự kết nối những tác phẩm sau này của Leonardo là chúng cho ta một cảm giác về sự chuyển động về tâm lý, nhưng chúng cũng mang vẻ bí ẩn, một cái gì đấy mà chúng ta chưa thực sự biết. Leonardo cuốn bạn vào tác phẩm nhưng lại không cho bạn câu trả lời. Đa số các bức Salvator Mundi khác thì rất thẳng thừng.

Giờ đây, lần đầu tiên chiêm ngưỡng bức tranh tại London show – cùng với các tác phẩm Leonardo khác – thật nhẹ nhõm khi thấy rằng nó đứng rất vững (trước các tác phẩm “anh em”). Bức tranh mang một vẻ lạ lùng kỳ lạ vẫn luôn hiện diện trong những tác phẩm sau này của Leonardo. Giờ tôi lại nghĩ rằng “Salvator Mundi” có nhiều điểm tương đồng với bức Thánh John trong Bảo tàng Lourve hơn là bức “Last Super” (Bữa tiệc ly) hoặc ngay cả bức “Mona Lisa“. Điều đó cũng có nghĩa: triển lãm này không hẳn là về Leonardo tại cung điện Milan***. Nhưng thôi kệ, ai mà quan tâm.

Mona Lisa

Ông nhắc đến cái đặc tính kỳ quái của những bức chân dung do Leonardo vẽ, như “John the Baptist” – chúng quả thật có tính gì đó rất “khó chịu” và “siêu nhiên”.

Đúng thế, bức “John the Baptist” là như vậy. Nó “dơ” đến khủng khiếp, nhưng mang hết những đặc tính kể trên, tôi tin là thế – cái bí ẩn tôn giáo, khi John nói “Có một người chào đời sau ta,” và ngài chỉ tay lên trời, nhoẻn miệng cười tự mãn. Bức “Salvator Mundi” rất giống như vậy. Tác phẩm không chỉ thể hiện một cách trực diện đấng Salvator Mundi (Đấng cứu thế) đang nhìn vào bạn, mà còn tạo ra một sự mơ hồ.

Các bản tường trình còn nói bức “Salvator Mundi” này được định giá 200 triệu USD. Con số đó bắt nguồn từ đâu?

Tôi thực sự không biết. Mấy bản tường trình dường như không dựa trên cơ sở nào chắc chắn. Với những tác phẩm độc đáo như vậy, tôi không biết là bạn phải đối xử với nó như thế nào nữa, nhưng tôi không theo dõi thị trường. Tôi không định giá tranh. Tôi không biết được con số này từ đâu mà ra.

Dĩ nhiên, một câu hỏi lớn là: liệu chúng ta còn tìm được thêm nhiều tranh Leonardo nữa không? Ông từng viết rằng 4/5 trên tổng số các tác phẩm của da Vinci hiện đang mất tích.

Đúng thế. May nhất thì chắc chúng ta chỉ có thể tìm thấy thêm bản thảo hoặc tranh vẽ chì, nhưng cơ hội này cũng ngày càng hiếm, vì người ta cũng ngày càng nhạy hơn (có nghĩa tìm thấy tranh là giấu bặt? – ND). Chưa có bức Leonardo nào được phát hiện trong một trăm năm nay (trừ bức này). Ở Anh có một câu đùa: bạn ngồi chờ xe buýt gần nửa tiếng (mà không chiếc nào tới), sau đó 2 hoặc 3 chiếc tới cùng một lúc. Chắc mấy tác phẩm của Leonardo cũng giống vậy. Với Leonardo, tôi không bao giờ có thể đoán trước được điều gì.

*

Chú thích:

* Mundus: tiếng la-tin cổ, có nghĩa là “thế giới”

** Tủ tò mò (Cabinet of Curiousity, hoặc wunderkammer): chỉ những chiếc tủ hoặc phòng nhỏ, bên trong chất những “món lạ” mà thời Phục Hưng chưa biết là món gì, ví dụ như hóa thạch, san hô, xương động vật tiền sử, tranh ảnh cổ, các loại đá lạ v.v…

*** Tác phẩm Salvator Mundi từng nằm trong triển lãm “Leonardo tại cung điện Milan” của Gallery Quốc gia ở London.

Ý kiến - Thảo luận

20:18 Monday,7.1.2013 Đăng bởi:  Candid
Rock crystal thì dịch là thạch anh thì hay hơn.
...xem tiếp
20:18 Monday,7.1.2013 Đăng bởi:  Candid
Rock crystal thì dịch là thạch anh thì hay hơn. 
10:34 Monday,7.1.2013 Đăng bởi:  Trịnh Minh Tiến
Mình ấn tượng nhất trong bức tranh này là bộ ngực rất đẹp, căng tròn và mềm mại mới chết chứ 
...xem tiếp
10:34 Monday,7.1.2013 Đăng bởi:  Trịnh Minh Tiến
Mình ấn tượng nhất trong bức tranh này là bộ ngực rất đẹp, căng tròn và mềm mại mới chết chứ  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả