Ăn uống

Ăn uống: Gà tây, hào sống trong tiệc Giáng Sinh 22. 12. 12 - 12:53 pm

Pha Lê

Chào mọi người, không khí mùa đông vui vẻ chứ? Tuần trước viết bài nấu rượu, rồi cộng thêm không khí lễ hội, nên thành thử lại thèm mấy món ăn của mùa Giáng Sinh.

Nhắc tới Giáng Sinh, thường thì ai cũng nghĩ đến món gà tây nhồi. Nhưng tìm mãi không thấy tranh vẽ gà tây nướng (chắc do để một hồi thì da gà bị ỉu nên họa sĩ không có cái làm mẫu, thời đấy chưa có máy ảnh), thôi thì mọi người xem hình chụp ở cuối bài vậy.

Tại sao vào mùa này người ta thích ăn gà tây nhồi thì tôi nghiên cứu hoài vẫn chưa ra, chỉ biết rằng món này bắt nguồn từ La Mã, và La Mã tổ chức Lễ hội mùa Đông (Winter Solstice) rất hoành tráng. Lúc La Mã đổi dần từ đạo Pagan sang đạo Thiên Chúa, và ngày Giáng Sinh cũng trùng với ngày hội Solstice nên có lẽ người ta giữ luôn thói quen ăn uống cũ, và món gà nhồi trở thành món của Giáng Sinh luôn.

Tác phẩm “Tĩnh vật với bánh nhân thịt gà tây”, 1627, Pieter Claesz.

 

Trong bức tranh này, tác giả có vẻ đã thế một con gà tây còn sống nhăn vào (hoặc con gà này đã bị giết, sau đó được đem ướp xác, nhồi bông để trưng trên bàn tiệc).

 

Để thay thế món gà tây nhồi khó vẽ, họa sĩ bổ sung cho tranh món bánh nhân thịt gà tây. Bánh này là bánh mặn, bên trong đại loại có nhồi thịt gà, ô-liu, hạt dẻ… xong đem nướng lên. Theo tôi biết thì thời xưa, món này dành cho nhà nào không đủ khả năng mua nguyên con gà tây, họ mua thịt gà tây vụn, đem băm ra, nhồi với mấy thứ khác và làm thành bánh. Bây giờ thì các nhà ít con cái và không ham tụ tập họ hàng rất chuộng món này, do một con gà to đùng là quá nhiều đối với gia đình nhỏ.

Thế một con gà tây nhồi thì trông như thế nào? Nó như thế này đây:

Trông nhiều khiếp phải không? Làm món này hơi mất sức, vì gà tây rất dễ khô, nên bạn phải cẩn thận nhét bơ dưới da (chất béo của bơ sẽ giúp thịt mềm, bớt khô), đến khi nướng phải biết cách lật gà để gà chín đều trong lò. Mà con gà này nặng kinh khủng, mỗi lần lật là muốn gãy vai. Bởi vậy hiếm chỗ nào làm được gà tây ngon, mà ăn gà tây dở thì bạn sẽ thấy ngán vô cùng, vì nhìn đâu cũng thấy đầy thịt khô khốc. Thực tế thì món này cũng không rẻ nếu làm đúng kiểu, vì phần thịt nhồi cần một lượng khá nấm truffle bào để dậy mùi thơm, mà nấm truffle là loại nấm… đắt nhất thế giới.
 
Quay lại bức tranh trên, ngoài bánh gà tây, họa sĩ còn vẽ thêm đĩa hào.

Pieter là người Hà Lan, tôi không chắc phong tục ẩm thực ngày Giáng Sinh ở Hà Lan có hào không, nhưng tôi chắc chắn rằng bên Pháp dùng hào trong dịp này. Tháng 12 cũng là tháng có hào ngon đặc biệt vì đây là mùa lạnh, hào sẽ trữ mỡ nên rất béo, dân Pháp vì thế tận dụng luôn thực phẩm của mùa (giống việc Châu Âu tận dụng cam để nấu rượu mulled wine do đây cũng là mùa cam). Người dân mua hào tươi, về tự tách vỏ, sau đó vắt chanh ăn sống. Một số trai tráng còn giữ lại nước hào (chảy ra khi bạn tách đôi hào), lọc hết cát, rồi đổ nước này vào ly và… uống tươi; theo họ thì nước hào rất bổ cho sức khỏe (thật ra phụ nữ uống cũng được, nhưng các bà thường không thích cái vị tanh của nước hào sống).

Mẹo nhỏ, tiếng Anh có câu nói rằng: chỉ ăn hào vào tháng có chữ r. Như vậy những tháng nóng như May (tháng 5), June (tháng 6), July (tháng 7), August (tháng 8) là không có hào ngon; còn September (tháng 9), October (tháng 10), November (tháng 11), December (tháng 12), January (tháng 1), February (tháng 2), March (tháng 3), và April (tháng 4) là có hào ngon. Hào đặc biệt hấp dẫn vào mùa đông, thế nên xứ nóng như Việt Nam thường chỉ có hào.. dở. Bạn nào từng xơi hào ở xứ lạnh rồi sẽ nhận ra rằng hào của mình nhạt phèo như nước lã, họa may chỉ có thể đem nấu cháo, chứ ăn sống thì không ngon bằng hào người ta.

Các bạn “xơi” trước món gà Tây nhé, đến Noel sẽ có món nữa.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả