Trường phái

Trường phái biểu hiện: Ra đời trong bất mãn với cái đẹp lý tưởng 25. 12. 12 - 5:17 pm

Người xem Hà Nội biên soạn từ “Câu chuyện nghệ thuật” (The Story of Art) của E.H Gombrich

 

Gauguin – “Spirit of the dead watching” (?), 1892

 

Về sự ra đời của trường phái Biểu hiện, có lẽ liên hệ gần nhất vẫn là ba bậc thầy: Cezanne, Gauguin và van Gogh. Những vấn đề mà ba vị này đặt ra một cách mạnh mẽ luôn tạo cảm hứng của những thế hệ họa sỹ đi sau. Ba vị này cũng là những người chả mấy khi bằng lòng với những gì thu nhận được từ các trường học nghệ thuật.

Với Cezanne, ông không bằng lòng với những thành công mà trường pháo Ấn tượng đã đạt được. Ông lo lắng khi thấy trường phái Ấn tượng đang theo đuổi một cách thái quá những khoảnh khắc phù du mà bỏ quên, hoặc đánh mất cái trật tự, cái cân đối và những hình thể chắc chắn lâu bền của thiên nhiên. Và giải pháp của Cezanne là khai sinh ra trường phái Lập thể (Cubism) ở Pháp.

Paul Cézanne – “Still Life with Peppermint Bottle” (Tĩnh vật với chai bạc hà)

 

Với Gauguin, một kẻ bất mãn, ông chán ghét cái thứ nghệ thuật mà ông đang hưởng ở châu Âu, ông cho nó là già cỗi và quá màu mè. Ông muốn đi tìm sự giản đơn và minh bạch nơi những con người nguyên sơ. Và giải pháp của Gauguin đã đưa tới các biến thể khác nhau của trường phái Ban sơ (Primitivism).

Gauguin – “Christ jaune” (Chúa vàng), 1889. Sơn dầu trên canvas. 92cm x 73cm

 

Van Gogh, một kẻ cũng không bằng lòng với những thỏa hiệp về thị giác, hình như hiểu rằng nghệ thuật sẽ trở nên thiếu nhiệt tình khi cố sức chạy đuổi theo chất lượng của ánh sáng và màu sắc. Chỉ thông qua nhiệt tình nghệ sỹ mới diễn đạt được cảm xúc mạnh mẽ của mình. Vangoh được đón nhận nồng nhiệt ở Đức, và ông mở ra con đường dẫn tới trường phái Biểu hiện (Expressionism). Trường phái này lấy cảm hứng chủ yếu từ van Gogh, nhưng nó cũng nhận lấy những cảm hứng từ hai bậc thầy kia: Cezanne và Gauguin.

van Gogh – “Almond branches in bloom” (Những cành hoa mận nở), 1890

 

Đến thời mình, các nghệ sỹ tiếp sau ba bậc thầy cô đơn và nổi loạn trên đã cảm thấy sự ngột ngạt của trường phái Ấn tượng, họ muốn qua mặt nó và thực sự đối diện với những khó khăn. Một số kẻ trong số họ đã tìm thấy một phần cảm hứng ở tranh khắc gỗ Nhật Bản. Đặc biệt là sau Thế chiến đã bùng nổ một trào lưu ngưỡng mộ với các điêu khắc của người da đen – những món đồ mà các nghệ sĩ có thể tìm thấy ở các cửa hiệu bán đồ “thuộc địa” với giá rẻ mạt. Họ nhìn thấy ở đó một cảm hứng mới cho nghệ thuật phương Tây đang bị cho là đi vào ngõ cụt. Rõ ràng về cấu trúc, kĩ thuật đơn giản và sức diễn tả mạnh mẽ của những bức tượng châu Phi hình như không hề mang những băn khoăn về sự thật, tính tự nhiên hay cái đẹp lý tưởng, những thứ mà nghệ thuật châu Âu trong lúc trăn trở tìm kiếm nên đã biến chúng trở nên khô cứng. Tất nhiên, ý nghĩa thực của những món điêu khắc châu Phi không hề giản đơn như người ta vẫn nghĩ. Thế nhưng, vào thời điểm đó, những gì mang lại từ những bức tượng này cũng đã là một giải pháp cho sự tìm kiếm các trào lưu mới, mà điển hình là trường phái Biểu hiện.

Mặt nạ tộc Luluwa, Cộng hòa Dân chủ Congo

Trong một bức thư mà van Gogh diễn tả khi ông vẽ bức tranh chân dung người bạn, ông đã ví nó như một bức “biếm họa” và tiên đoán rằng người ta sẽ khó mà chấp nhận. Quả thực, tranh biếm họa bản thân nó đã có tính “biểu hiện”.

van Gogh – “Doctor Gachet” (Bác sĩ Gachet). Sơn dầu trên gỗ, 26cm x 20cm,1890

 

Những nhà vẽ tranh biếm họa đã chơi đùa và làm chúng méo mó đi cho gần với cảm tưởng của tác giả về nhân vật của anh ta. Thế nhưng, sự méo mó ấy tuy có thể rất dễ được chấp nhận ở những loại hình nghệ thuật hoạt kê, lại sẽ khó khăn hơn để được chấp nhận trong loại hình nghệ thuật nghiêm chỉnh: thứ nghệ thuật mà dùng để nói về tình yêu, sự sợ hãi, nỗi buồn rầu. Mặc dù, ngày hôm nay, chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận một chân lý rằng cũng với phong cảnh đó, nó sẽ được nhìn khác đi tùy khi ta vui vẻ hay buồn rầu. Nhưng thời điểm đó, khi nghệ thuật (art) được viết bằng chữ A hoa thì điều đó quả là một chướng ngại như Vangogh đã tiên đoán.

Khi nhắc tới trường phái Biểu hiện, có lẽ người đầu tiên phải nhắc tới là Edvard Munch (1863-1944). Họa sỹ người Nauy này đã tiếp nối được rõ nét tinh thần của Vangoh. Bức tranh thường được mang ra làm ví dụ kinh điển về trường phái Biểu hiện của họa sỹ này là “Tiếng thét”, bức tranh thạch bản được họa sỹ thực hiện vào năm 1895.

Edvard Munch – “The Scream” (Tiếng thét), 1895

 

Tiếng thét” cho thấy thế nào là một sự kích động bất ngờ khi bị thay đổi toàn bộ giác quan. Mọi đường nét trên tranh đều cho cảm giác dồn trọng tâm duy nhất vào khuôn mặt đang thét, khiến người xem phải chia sẻ nỗi kinh hoàng, nỗi đau và sự kích động của tiếng thét ấy. Đôi mắt mở trừng, hai má hõm sâu như một người chết và được diễn đạt, bóp méo như trong một bức biếm họa. Bức tranh còn làm cho ta băn khoăn và ám ảnh bởi chẳng bao giờ biết được nguyên nhân của tiếng thét ấy. Vào thời điểm ấy, trong khi khá nhiều người cho rằng việc của các nghệ sỹ nghiêm túc khi thay đổi bề ngoài của sự vật là nên lí tưởng hóa chúng chứ không nên làm cho xấu xí, thì đối với Munch, một tiếng thét đau đớn có thể không gọi là đẹp đẽ nhưng sẽ thiếu trung thực nếu chỉ nhìn vào mặt tốt của cuộc sống.

Với sự mở đầu của Munch, các họa sỹ Biểu hiện đã có một phương tiện tốt để cảm nhận sâu sắc nỗi nghèo túng, sự khổ đau, bất công và những đam mê điên rồ của con người. Đối với họ, việc khăng khăng bám víu vào sự hài hòa và cái đẹp chỉ là sự thiếu ngay thật. Họ muốn đối diện một cách trần trụi kiếp của nhân sinh, đứng về phía những kẻ bị tước đoạt quyền lợi, bị đối xử bất công và xấu xí. Họ có thể cực đoan cho rằng những bậc thầy cổ điển như Raphael hay Gorreggio là đạo đức giả. Họ tránh những thứ gì xinh đẹp và “chọc” cho giới trung lưu phải chi ra khỏi vỏ kén tự mãn.

Emil Nolde – “The last supper” (Bữa tiệc ly),1909

 

Khi chủ nghĩa Phát xít lên ngôi ở Đức thì đó cũng là mảnh đất màu mỡ cho trường phái Biểu hiện phát triển ở đây. Việc Đức Quốc xã nỗ lực xây dựng một hình tượng một nước Đức “hoàn hảo” chỉ càng làm các nghệ sỹ nổi xung và trở nên đối lập; càng đẩy họ vào sự phản kháng mạnh mẽ. Năm 1933, khi Đảng quốc xã lên cầm quyền, Hitler đã giận dữ và trút thù hằn lên các nghệ sỹ. Nghệ thuật hiện đại bị cấm và nhiều nghệ sỹ bị cầm tù hoặc bị cấm làm việc. Ernst Barlach, nhà điêu khắc theo trường phái Biểu hiện là một ví dụ.

Ernst Barlach, “The Avenger” (Người báo thù),1914

 

*

 

Ý kiến - Thảo luận

8:19 Thursday,27.12.2012 Đăng bởi:  Candid

Nói đến The Scream người ta hay nói đến bức tranh màu năm 1893


...xem tiếp
8:19 Thursday,27.12.2012 Đăng bởi:  Candid

Nói đến The Scream người ta hay nói đến bức tranh màu năm 1893

 
8:15 Thursday,27.12.2012 Đăng bởi:  Candid
Hình như Minh họa bức The scream bị nhầm?
...xem tiếp
8:15 Thursday,27.12.2012 Đăng bởi:  Candid
Hình như Minh họa bức The scream bị nhầm? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả