|
|
|
|||||||||||||
KhácMột tối vui ở Nhà Sàn 30. 07. 10 - 11:58 amBài và ảnh: AZIZTrình diễn giao lưu và liên hoan với nhóm nghệ sĩ Myanmar 18:30 thứ Tư ngày 28. 07. 2010
Nhà Sàn hôm ấy có một sự kiện khá đặc biệt – đó là buổi trình diễn có các nghệ sĩ trình diễn đến từ Myanmar, một trong những nơi có lẽ là bí hiểm và ít được biết đến nhất trên thế giới ngày nay. Không phải đợi lâu, các nghệ sĩ Myanmar đã nhanh chóng nổ phát súng đầu tiên của chương trình trước khi các nghệ sỹ Việt Nam lần lượt đáp lễ ngay sau đó. Một màn trình diễn phải nói là sống động vì có sự kết hợp liên tục của chuyển động, âm thanh, hình ảnh và tương tác. Bốn nghệ sỹ cùng biểu diễn, tương tác với nhau và tương tác với khán giả, trên nền của một bài hát có lẽ là dân ca Myanmar, một màn hình chiếu lên tường dày đặc những cụm chữ “what is life”. Một người băng kín mặt và phần miệng đỏ như máu, sau đó anh tự cắt áo và đi ôm hôn tất cả khán giả, một người khác luôn bận rộn với những dải giấy màu và một cái cột, người khác thì cầm đèn pin đi soi mặt tất cả mọi người – cả nghệ sỹ và khán giả, một người nữa lúc đầu chạy loăng quăng, về sau chụp vải lên đầu. Buổi trình diễn kết thúc ở cao trào khi các nghệ sỹ chạy, nằm, đập, giật và hét những tiếng kêu mà tất nhiên là tôi không thể hiểu được. Phần trình diễn của các nghệ sỹ Việt Nam được bắt đầu gần như trái ngược với tiết tấu nhanh, mạnh trước đó. Trong tiết mục của nghệ sỹ Vũ Hồng Ninh, người xem có đủ tất cả thời gian cần thiết để quan sát, từ sự lơ đãng, tò mò ban đầu đến tập trung, hồi hộp về cuối. Đó là cảnh một quả bóng bay đặt dưới ghế có người ngồi trên (nghệ sĩ Lê Huy Hoàng), được một nghệ sỹ (Vũ Hồng Ninh) thổi từ đằng sau. Quả bóng cứ lớn lên, người cứ thổi, bóng lại lớn lên, lớn lên mãi, … mọi người nín thở, có người bịt tai hoặc quay đi chỗ khác… thời gian cứ trôi đi, quả bóng cứ mãi không chịu nổ, không khí ngày càng ngột ngạt, căng thẳng. Rồi như từ trên trời rơi xuống, một người (nghệ sĩ Phạm Ngọc Dương) từ bên ngoài chạy vụt vào, không nhớ là dùng tay chân hay vật gì tác động, và bốp một phát – quả bóng vỡ tan: người ngồi trên ghế giật mình, người thổi giật mình, khán giả cũng giật mình và phù, bầu không khí căng thẳng đã biến mất.
Tiết mục của nữ nghệ sỹ Lại Thị Diệu Hà cũng được bắt đầu chậm rãi, từ tốn khi cô ngồi một mình trên một chiếc ghế giữa phòng tỉ mẩn trang điểm với một chiếc gương và đồ nghề đựng trong một cái hộp giống như để đựng… cơm hộp. Trang điểm, như chúng ta đều biết, luôn là một việc đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Ngay vào lúc thời gian và sự kiên nhẫn của khán giả gần như đã cạn, thì có ai đó nhảy ra giữa sàn, cầm kéo cắt hết phần vải phủ ngực, cắt dọc váy và cắt ngang, bỏ đi phần vải phủ eo của nghệ sỹ. Ánh mắt của nghệ sỹ nhìn anh ta đầy vẻ ngạc nhiên và giận dữ. Còn với một khán giả như tôi thì, Ooops, cô ấy nhìn xinh đẹp và gợi cảm hơn rất nhiều chỉ sau vài nhát kéo trong chưa tới một phút, trong khi màn trang điểm kia đã diễn ra có lẽ cả … thể kỷ rồi. Nghệ sỹ tiếp tục vẽ thêm vài vết cào xước trên ngực và những giọt nước mắt đỏ, rồi đứng lên chào tạm biệt. Ở dưới, khán giả vỗ tay rầm rầm.
Phần “hái hoa dân chủ” của nghệ sỹ kiêm nhà sáng lập Trần Lương giúp khán giả tham gia nhiều hơn và bầu không khí trong sàn cũng thân mật, thư giãn hơn. Mỗi khán giả, sau khi hái hoa, sẽ phải đọc to nội dung trong mỗi bông hoa, sau đó sẽ được nhận quà, ôm hôn, sờ mó, hay đá đít nghệ sỹ theo đúng như những gì đã ghi trong đó. Rất may là không có dao, kéo, hay những thứ tương tự. Trong lúc mọi người đang bận rộn với các phần trình diễn ở giữa sàn, thì góc bên phải, có ai đó đang bận rộn đan dây qua lại giữa bốn cái cột, chăm chỉ như một con nhện chăng tơ. Sau phần trình diễn của ông chủ Nhà Sàn là tiết mục “đường” của nghệ sỹ Vũ Đức Toàn. Anh chậm rãi đứng đó, đổ một gói đường lên tay trái và giữ nguyên tay ở đó. Anh từ tốn nhìn quanh mọi người với một vẻ rất tâm trạng. Thời gian lại trôi. Một lúc sau, tay phải anh lấy ra một cái thìa, anh từ tốn ăn, một thìa đường, hai thìa đường. Nét mặt như đang suy nghĩ lung lắm. Anh lại giơ thìa về phía khán giả, một khán giả, hai khán giả lên ăn đường cùng anh. Rồi cũng ai đó từ ngoài nhảy vào, tay cầm mấy thìa đường, kêu gọi bà con ăn giùm kẻo anh ăn nhiều quá tiểu đường thì toi. Gì chứ tình thương thì khán giả luôn có thừa, thế là mọi người xúm xít lại giúp anh. Xong rồi thì đống đường trên tay trái của anh cũng vơi đi quá nửa. Anh lấy ra một cốc nước, cho đường vào, khuấy lên rồi từ tốn uống. Một lúc sau, anh lấy ra một cái kẹo bông rồi từ tốn giơ lên cao, ở dưới một em nhỏ chạy lên nhận kẹo và hớn hở chạy về chia với bạn. Tiết mục “đường” chấm dứt. Cuối cùng là màn trình diễn của một nghệ sỹ Huế, Nguyễn Văn Hè. Anh quì xuống sàn, cởi chiếc áo lót ra. Hơi gầy chút nhưng rắn chắc và da đen sẫm khá đẹp, tôi thầm nhận xét. Anh từ tốn đặt áo lót xuống sàn, lộn trái nó ra, sau đó mặc lại lên người. Vẫn trong tư thế quì, anh vắt chéo hai tay rồi thu người lại, đầu cuộn vào trong. Hai tay vẫn trong tư thế vắt chéo giờ đang cố cởi áo ra. Vật vã, bức bối. Rồi anh cũng thoát ra khỏi chiếc áo, nhưng nó đã bị xé rách ra thành nhiều mảnh. Vậy là buổi trình diễn của các nghệ sỹ Myanmar và Việt Nam đã hết. Nghe nói có màn “nhậu”, tôi vừa định háo hức quay ra thì, không, giờ đến phần “art talks”. Các nghệ sỹ đứng đó đợi ý kiến khán giả mà mãi chưa có ai hỏi gì, không lẽ dạ dày mọi người cũng đang “háo hức” như tôi. Một bạn Tây gợi ý về sự giống và khác nhau trong các màn trình diễn giữa các nghệ sỹ Myanmar và Việt Nam. Đó quả là một ngòi nổ cho một phần trao đổi khá lâu sau đó. Rất may là rượu và bia thì không thể thiu được. Những câu hỏi ban đầu xoáy quanh màn trình diễn của các nghệ sỹ nước bạn. Những tiếng kêu đã được giải nghĩa, đó là những câu mang tính tự thuật, những “what is me” trong tiếng mẹ đẻ của họ. Còn tiết tấu nhanh, mạnh và có phần bạo lực ở đó được giải thích là xuất phát từ thực trạng xã hội của họ. Có một người nhận xét, màn trình diễn của các nghệ sỹ nước bạn mang nặng tính trình diễn mà ít ý nghĩa hơn so với các nghệ sỹ nước nhà. Tôi tự hỏi, vậy mục đích của một tác phẩm nghệ thuật trình diễn là… trình diễn hay là ý nghĩa. Nếu có ý nghĩa thì liệu nó có buộc phải rõ ràng và giống nhau đối với mọi khán giả, hay giữa khán giả với nghệ sỹ? Các câu hỏi dành cho các nghệ sỹ Việt Nam tập trung vào tương tác giữa nghệ sỹ và khán giả. Nghệ sỹ có muốn có tương tác hay không? Sự tương tác là chủ động hay bị động, nó có góp phần hay phá vỡ ý tưởng ban đầu của tác giả về tác phẩm? Đáp án: tiết mục “hái hoa dân chủ” muốn có sự tương tác chủ động, đơn giản, nhẹ nhàng và vui vẻ. Suýt quên, “con nhện chăng tơ” bản thân nó hóa ra là một tác phẩm – trình diễn hay sắp đặt? Mọi người đặt câu hỏi, và cũng muốn biết ý nghĩa của nó. Nhưng tác giả chỉ nói là tác giả tranh thủ làm khi các tiết mục trình diễn khác đang diễn ra ở giữa sàn. Quả là một câu trả lời lơ lửng con cá vàng.
Cuối cùng, bản thân tôi luôn cảm thấy có bầu không khí căng thẳng trong phần trình diễn của nghệ sỹ Việt Nam (trừ tiết mục “hái hoa dân chủ”) – bầu không khí ấy được tạo nên từ những khoảng lặng, những động tác từ tốn, những nét mặt trầm tư. Tôi luôn tự hỏi liệu sự căng thẳng đó có hàm ý gì không. Khi hỏi về ý nghĩa, với tiết mục “bóng bay”, nghệ sỹ muốn nói về sự lấp đầy khoảng trống. Buổi art talks kết thúc, tôi nghĩ là: bổ ích. Điều ngạc nhiên nhất với tôi là sự miễn cưỡng và bị động của một số nghệ sỹ trước sự tham gia của khán giả — trong khi đó là một phần đang ngày càng không thể thiếu của các buổi nghệ thuật trình diễn, giúp đem lại một chút bất ngờ, ngẫu hứng, xóa dần ranh giới giữa nghệ sỹ và khán giả, và khiến cho nghệ thuật trình diễn tồn tại, phát triển mà đến được với công chúng.
* Bài liên quan: – 28. 7: ăn chơi tại Nhà Sàn Ý kiến - Thảo luận
12:46
Monday,9.8.2010
Đăng bởi:
admin
12:46
Monday,9.8.2010
Đăng bởi:
admin
Lãng Đãng thân mến, các bài viết đào sâu hơn nhân cuộc này đã có (xoay quanh vấn đề tương tác), bạn có thể đọc thêm ở mục bài liên quan. Soi quan niệm cứ làm tốt những việc đơn giản đã: đầu tiên là kể lại được cho người đọc mình đã đi xem cái gì. Hiện nay các nghệ sĩ của chúng ta đang phải làm việc âm thầm: trình diễn nhiều nhưng hầu như không có báo nào tường thuật lại, dù đơn giản các màn trình diễn. Soi chỉ xin làm việc ấy. Bài về học thuật và không để bạn đọc thấy nhạt hoét, Soi xin trân trọng mời bạn tìm ở các trang khác chuyên sâu hơn và giới thiệu cho mọi người cùng đọc, Soi sẵn sàng dẫn link. Còn Soi lượng sức mình chỉ đến thế, gu mình chỉ đến thế, nhiệt tình của cộng tác viên Soi đánh giá thế là nhất rồi, thỏa mãn Soi lắm rồi, Soi cũng không sợ làm những bạn đọc như bạn thất vọng, vì biết chắc chắn chạy theo đối tượng độc giả như bạn thì cũng không bao giờ làm hài lòng được. Nói như đã từng nói, Soi xin chỉ là một mầm cải xanh, đừng kỳ vọng vào Soi để rồi thất vọng bạn nhé.
11:35
Monday,9.8.2010
Đăng bởi:
lãng đãng
Các bạn tìm cộng tác viên bất cẩn quá. Không biết thì phải tìm hiểu chứ?
Bài viết không đầy đủ cả thông tin là tên Nghệ sĩ, đọc xong thấy nhạt. Mà chẳng có tí gì phân tích hay đào sâu học thuật. ...xem tiếp
11:35
Monday,9.8.2010
Đăng bởi:
lãng đãng
Các bạn tìm cộng tác viên bất cẩn quá. Không biết thì phải tìm hiểu chứ?
Bài viết không đầy đủ cả thông tin là tên Nghệ sĩ, đọc xong thấy nhạt. Mà chẳng có tí gì phân tích hay đào sâu học thuật. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp