|
|
|
|||||||||||||
Kiến trúcMột nền kiến trúc xoàng xĩnh nhất cũng đáng được mổ xẻ 02. 02. 13 - 11:17 amNguyễn Trương QuýSOI: Nhân đọc các trao đổi sau bài Muốn biết đến một Hà Nội xưa, nhưng còn đâu những bài học của người Hà Nội cũ!, tác giả Nguyễn Trương Quý có viết cmt sau, Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi và thảo luận. Cảm ơn Trương Quý nhiều. Thưa các bạn, Bài của tôi là nhân đọc hai cuốn sách có tính chất chân dung người thiết kế thuộc dạng hiếm hoi ở Việt Nam, một cuốn có tính tổng kết giới thiệu chân dung các kiến trúc sư Việt Nam, thế hệ được đào tạo từ trường Mỹ thuật Đông Dương và cuốn còn lại là về một trong số ấy. Đây là một bài thiên về điểm sách, chứ không phải là một bài tổng kết về con đường kiến trúc nước nhà, nó chỉ gợi ra một vài nét về những người được đào tạo theo lối phương Tây để hành nghề ở một nước Việt Nam thuộc địa, và họ đã khẳng định vị trí sáng tạo của mình ra sao. Tôi cũng rất mong muốn có thời gian để tìm hiểu, tập hợp và phân tích các tư liệu về không gian, kết cấu, nội thất… của các công trình này, mà đa số đã bị biến dạng bên trong rất nhiều, hoặc tệ hơn, đã biến mất. Tôi rất vui nếu có anh chị em nào có điều kiện cùng bồi đắp thông tin dữ liệu và hình ảnh để chủ đề về kiến trúc Việt Nam đầy đặn hơn, nhất là trên Soi. Chúng ta sống trong một không gian kiến trúc Hà Nội chẳng cái gì quy hoạch toàn vẹn, nó là hệ quả của cái gì, thì cần bắt đầu từ những sản phẩm kiến trúc đầu tiên của thành phố Hà Nội hiện đại, khi người Pháp bắt đầu xây dựng theo thể thức thành phố phương Tây năm 1888. Và hơn 40 năm sau, có bàn tay thiết kế của những người Việt. Chính những người này đã tiếp quản hệ thống di sản kiến trúc Việt Nam sau năm 1945 và họ cũng chính là những người đã chủ trương các đồ án quy hoạch và thiết kế ở cả hai miền, mà dấu ấn còn để lại đến ngày nay. Vì thế, tên bài viết mang dụng ý truy nguyên về thuở ban đầu của những con người ấy, mà hai cuốn sách đã cung cấp dữ liệu rất đáng quan tâm và xem như tập hợp khá đầy đủ về giai đoạn 30-45 đó. Nếu so sánh di sản kiến trúc của Việt Nam – nhất là của thế hệ kiến trúc sư thời Đông Dương so với thế giới thì cũng như là so sánh Hà Nội với Paris. Tất nhiên chúng ta sẽ bật cười: Hà Nội có mà bằng cái xó nhà quê của Tây! Nhưng như anh Tạ Mỹ Dương đã viết về người cha mình, điều thế hệ các cụ để lại là một vài công trình mang khát vọng sáng tạo của một lứa người trẻ tuổi “nhà quê”. Cái gì còn lại hôm nay, nó sứt mẻ hay vẹo vọ thế nào, thì chúng ta tìm hiểu nó là một nhu cầu rất bình thường, cả về những cái hay và những dang dở, tiếc nuối. Trong bài viết tôi cũng không hề tâng bốc hay tán dương cái gì vô căn cứ, huống hồ là bạn Trần Quang Lu nói rằng leng keng hoặc chụp mũ, “thủ dâm” (trong cmt bài Muốn biết đến một Hà Nội xưa). Tôi chỉ nêu lên đôi hiện tượng rằng, trong một thời gian dài, những công trình của những kiến trúc sư đầu đàn đó đã được giới kiến trúc sư Việt Nam xếp vào những tác phẩm tiêu biểu, vậy mà chúng cũng không trụ được với thời cuộc đến bây giờ. Việc có đáng giữ hay không, đó là chủ đề của những bài viết khác. Có lẽ tôi không cần phải viện dẫn mới chứng minh được rằng, rất nhiều người hay hoài niệm và “thắp hương” cho một Hà Nội xưa. Ngay cả các phương tiện truyền thông chính thống cũng thường xuyên tô đậm hình ảnh một Hà Nội thời Pháp thuộc như những tấm postcard xinh xắn: những biệt thự nho nhỏ, những dinh thự tráng lệ, những đại lộ cây thẳng tắp, những họa tiết Art Deco dày đặc… Những thứ ấy không phải bỗng dưng mọc lên dưới tay những “bọn Tây” vô danh nào đó, mà họ là những kiến trúc sư hẳn hoi, và như tôi đã dẫn ra, những kiến trúc sư Việt Nam đã can dự vào. Một nền kiến trúc xoàng xĩnh nhất cũng đáng được mổ xẻ khi nó là chỗ ăn ở của hàng triệu con người, huống hồ một thành phố đông dân như Hà Nội. Tại sao những ngôi biệt thự từng là thế kia mà giờ nó lại ra nông nỗi này? Tại sao người chủ mới lại đập bỏ đi và thay bằng thứ mới, và tại sao ta lại tiếc cái cũ? Hoặc tại sao ta lại đồng ý với chủ mới? Những điều này nằm trong vấn đề về phong cách của thời đại, hay quan niệm thẩm mỹ chính thống, xin các nhà nghiên cứu bàn luận sâu hơn. Bạn có thể chê bài viết của tôi là “leng keng”, nhưng tôi cũng rất mong đọc được những bài của bạn về kiến trúc đó đây, những cuốn sách viết về kiến trúc nêu lên những bài học gần gũi. Thậm chí bạn có thể viết hẳn một bài: Vì sao kiến trúc của ta xấu? Vì sao các kiến trúc sư Việt Nam lại kém tài thế? Vì sao di sản kiến trúc Hà Nội theo bạn là vớ vẩn? Vì sao 50 ông kiến trúc sư trường Mỹ thuật Đông Dương kia không có công trình nào ra hồn? Tôi rất háo hức đợi những bài đó.
Ý kiến - Thảo luận
13:34
Saturday,2.2.2013
Đăng bởi:
Kiến trúc sư
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Kiến trúc sư Việt Nam không hề kém tài. Không tin mời xem các công trình kiến trúc của Võ Trọng Nghĩa tại đây và ...xem tiếp