Tạp hóa - Xã hội
Thời sự cho nghệ sĩ:
Thuốc phiện đông tây tiền kiếm lắm
Giao thông ngang dọc bạc thu nhiều08. 08. 15 - 12:13 pm
Đoàn Lê (thơ) và Hữu Khoa (dịch)
(Đọc bản tin tuần trước tại đây)
Tuần này đọc báo ta, nghe đài địch, Đoàn Lê có bài thơ tổng kết sau:
Chàng nghịch dại pha trà thuốc phiện
Đúng ngày sinh giã biệt cõi đời
Lá lẩu đủ món mình chơi
Kệ mẹ nguồn gốc – chết toi có ngày
Léo gì lãi bằng cây anh túc
Diện tích trồng kỷ lục Afgha
NATO vừa mới rút ra
Cánh đồng thuốc phiện bao la thế vào
*
Dù gian khó quyết đào kênh mới
Ai Cập kia chơi trội có gien
Kim tự tháp khổ dân đen
Giờ đổi trái phiếu lấy tiền mua vui
*
Muốn tàu lớn tới lui thuận tiện
Đưa gạo than từ biển vào sông
Cảng Trần Đề đã duyệt xong
Tương lai vùng đất Chín Rồng lộn cao
*
Cô bán vé – xin chào em nhé
Giờ ta mua rất lẹ tại gia
Lên mạng chứ đếch ra ga
In phát chuẩn mẫu thế là lượn luôn
*
Thầu với thiếc bán buôn như đệch
Công nghệ dùng khéo lệch mẹ nhau
Metro gói trước gói sau
Thứ trưởng kinh hãi dập đầu chịu thua
*
Đang nóng chuyện thi đua làm tượng
Rồi lũ tràn ngập nước bao vùng
Với bao câu chuyện hãi hùng
Ma túy – vận tải ta dùng điểm tin
Để hiểu nội dung bài thơ, mời các bạn đọc bản tin sau:
NGOÀI NƯỚC
1.
Đồng thuốc phiện ở Tasmania. Ảnh từ Internet
Theo The Guardian , Jonas Pedersen quê vùng Esbjerg, Denmark, tới Australia hồi tháng 12. 2013, và 3 tháng sau chết vào đúng sinh nhật lần thứ 26.
Pedersen bứt nụ hoa thuốc phiện ở những trại quanh Tasmania trong một chuyến đi chơi vào tháng Hai và mang về pha trà. Bạn đồng hành du lịch ba lô với anh là Pablo Kaiser cho biết, trong hai tuần đi chơi, Pedersen đã nhiều lần pha trà nụ thuốc phiện, và bỏ qua những lời khuyến cáo, vì có vẻ như trà chẳng có tác dụng gì với anh này. Rồi Pedersen cảm thấy không khỏe vào hôm 16. 2, nói với Kaiser chắc do dùng quá nhiều trà. Hôm sau Kaiser thấy Pedersen đã chết.
Hôm thứ Năm, 6. 8. 2015, bác sĩ pháp y Olivia McTaggart mới có kết luận: Pedersen chết vì ngộ độc morphine có trong trà tự chế. Bác sĩ McTaggart cho biết, ở Tasmania cũng có vài trường hợp thanh niên lén vào hái thuốc phiện, về chiết xuất ra morphine dùng và… qua đời.
Trên đảo Tasmania, chuột túi hay ăn thuốc phiện. Ăn xong chúng cũng say, có khi nhảy múa thành vòng tròn. Một số con bị nghiện, phá hàng rào để vào ăn hoa. Từ trang này
Vì sao lại dịch tin này: vì thấy ở Việt Nam hiện nay nhiều người hay dùng lá lủng linh tinh, ai mách gì cũng uống, để lọc gan, lọc thận, chữa tiểu đường, trong khi bản thân không hề tìm hiểu kỹ dược tính, thậm chí còn nhầm từ cây này sang cây khác mà vẫn uống.
2.
Cũng chuyện thuốc phiện, ngay khi các đoàn quân của NATO rút về, Afghanistan liền đạt kỷ lục về canh tác thuốc phiện. Theo số liệu của UNODC (một tổ chức của Liên hiệp quốc về ma túy và tội phạm, trong 2014, kỷ lục đã bị phá vỡ với 224.000 hectares được trồng, tăng 7% so với 2013, đạt 6.400 tấn (nếu thu hoạch đủ).
Afghanistan là nước làm ra tới 90% chất chiết xuất opiate tự nhiên của thế giới và nguồn bán thuốc phiện chiếm 4% GDP của cả nước này.
Trên đồng thuốc phiện ở Afghanistan. Ảnh từtrang này
Tội nghiệp Liên hiệp quốc đã phải dành tới 7.6 tỉ USD để xóa bỏ cây thuốc phiện ở nước này từ hồi 2001. Nhưng năm nay chỉ xóa được 2.692 hectares, tức là chỉ khoảng 1% diện tích trồng trên toàn quốc, thực không sao lại được với các ông Afghanistan. Đội quân của NATO rút tới đâu, đồng thuốc phiện mọc lên tới đấy!
Thuốc phiện là thứ cây trồng lợi nhuận hàng thứ ba trên thế giới, mỗi km vuông có giá trị khoảng 6 triệu USD. Mùa thuốc phiện năm nay ở Afghan ước tính sẽ thu về 850 triệu USD, theo một báo cáo buồn của UNODC.
3.
Nơi này trút thuốc độc cho thế giới, nơi kia lại tự nguyện tặng quà. Theo Washington Post, hồi tháng Tám năm 2014, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi bỗng muốn đào một con kênh Suez mới. Và ông muốn sau một năm là phải đào xong. Và giờ, ông sắp sửa được khánh thành công trình rồi: nạo vét sâu hơn cho con kênh cũ, đào thêm một con kênh mới chạy song song dài 35km, và Ai Cập tự hào gọi đó là “món quà cho thế giới”.
Con kênh Suez hồi 2014
Thêm con kênh Suez mới hồi 2015, chạy song song
Nhưng theo các chuyên gia, có lẽ món quà này không cần thiết, nhất là với giá 8 tỉ đô (báo Ai Cập lại nói có 4 tỉ thôi nhé) trong lúc Ai Cập cũng đang khốn khó. Có thêm con kênh mới thì cũng chẳng mở ra được gì mới, cùng lắm bớt được ít tiếng đồng hồ cho những con tàu vốn đã quen lênh đênh ngày tháng, mà trong khi đó, kể từ hồi khủng hoảng 2009, thương mại tàu biển đã lừ đừ lắm rồi, còn đâu tình trạng kẹt tàu, kẹt kênh nữa mà phải đào thêm.
Hồi 1869, khi lần đầu con kênh đào Suez được hoàn thành, nó đã làm thay đổi bức tranh thương mại thế giới nhờ nối liền Biển Đỏ với Địa Trung Hải, cắt bớt gần nửa đường cho tàu bè đi lại giữa Âu và Á. Đó là một cú hích khổng lồ cho kinh tế Ai Cập và vị thế Ai Cập thời ấy. Nhưng giờ thì con kênh mới chỉ thêm thừa.
Vào ngày đầu khai thông thử, đã có 3 con tàu container đi qua con kênh mới. Hình từ trang này
Hãy đợi vậy, xem con kênh mới có mang lại nhiều tiền hơn như Ai Cập mong ước không, Ai Cập có nhờ đó mà trở thành tụ điểm hàng hải và dịch vụ tàu biển không. Nếu không, tổng thống Sissi sẽ lại lãnh đủ. Năm ngoái, ông yêu cầu huy động tiền cho con kênh mới này thông qua trái phiếu quốc gia. Công dân nào cũng phải mua, và tiền làm con kênh đã kiếm được đủ, chỉ trong vài ngày.
TRONG NƯỚC
4.
Người ta có kênh mới, mình cũng sắp có cảng mới đấy.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn (tờ này đọc hay lắm nhé các bạn), một nhóm nghiên cứu do kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, Tổng thư ký Hội biển TPHCM làm trưởng nhóm, nhận thấy đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu một cảng biển đón được tàu trọng tải lớn để chở gạo, chở than. Hiện các cảng có sẵn ở sông Hậu cứ bị bồi lấp hoài, nạo vét không xuể, rất tốn tiền. Nhóm nghiên cứu của ông Dũng phát hiện thấy ở cửa sông Trần Đề (Sóc Trăng) có một đê cát chắc chắn, dài 17.2km, và một luồng nước tự nhiên, vừa ổn định, vừa rộng rãi, nêu mở cảng ở đây chắc chắn sẽ không bị bồi lấp, tha hồ tàu lớn vào ra.
Ngày 4. 8. 2015, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng sau khi họp với nhóm nghiên cứu, đã yêu cầu Bộ mình làm các thủ tục để đưa dự án cảng Trần Đề vào danh mục kêu gọi đầu tư vốn.
Chưa biết tính khả thi ra sao, các bạn rồi sẽ được đọc nhiều phản biện trên các báo sau này. Mong rằng dự án này tốt thực. (Tìm mãi trên mạng mà không có tranh nào của họa sĩ Việt Nam vẽ vùng cửa biển này nhỉ…)
5.
Cũng theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nếu ngày xưa muốn đi thực tế, các bạn họa sĩ phải ra ga xếp hàng trước cái cửa tò vò, hỏi cô bán vé mặt lạnh chuyến tàu nào còn vé, toa tàu nào còn chỗ, rồi mua về một cái vé tàu; thì gần đây bạn đã có thể lên mạng của Đường sắt Việt Nam tra cứu, chọn chỗ, trả tiền, rồi… vẫn phải ra ga lấy vé.
Nhưng nay, từ tháng 8, bạn sẽ mua vé trên mạng, trả tiền, rồi tự in vé ra và đến giờ cứ thế lên tàu… Tuy nhiên, bạn phải có máy in, vì “bản in vé điện tử phải theo mẫu quy định của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam”, chứ không phải cứ thế chép lại nguệch ngoạc trên giấy hay chìa tin nhắn điện thoại ra như đi máy bay.
Dù sao thì cũng xin chào nhé, cô bán vé!
Nói gì thì nói, chắc ta vẫn khá hơn Ấn Độ cái khoản đi tàu hỏa. Ta thì chưa bao giờ có được một cái ảnh thế này.
Thêm một cái nữa nhé, cũng Ấn Độ, khi con tàu vào ga. Ảnh từ trang này
6.
Nghe tin TPHCM làm Metro thì cũng thích, nhưng đọc cái tin này thì lại hơi lo, hình như vẫn kiểu làm ăn manh mún.
Theo đó, tuyến Metro này có 5 gói thầu, có gói đã triển khai, có gói còn đang đấu thầu. Nay Ban quản lý đề nghị gói nào làm xong trước thì dùng trước. Thứ trưởng Bộ Giao thông nghe thế kêu trời, bảo dùng thì phải dùng đồng bộ chứ!
Bản đồ xe điện ngầm ở TPHCM
Ngoải ra, cuối bản tin có một câu đọc cũng hơi lạnh gáy: “Phó thủ tướng cũng lưu ý Bộ GTVT và TPHCM cần tính toán các quy chuẩn để tích hợp với nhiều công nghệ trong tương lai, tránh tình trạng mỗi tuyến dùng một công nghệ”. Cầu trời là không phải như vậy nhé!
Có bạn nhiếp ảnh gia nào hay họa sĩ nào chụp hoặc vẽ lại quá trình làm tuyến Metro đầu tiên này ở nước mình không nhỉ? Lịch sử cả đấy…
*
(Đọc bản tin tuần sau tại đây)
"hiện nay nhiều người hay dùng lá lủng linh tinh, ai mách gì cũng uống, để lọc gan, lọc thận, chữa tiểu đường, trong khi bản thân không hề tìm hiểu kỹ dược tính, thậm chí còn nhầm từ cây này sang cây khác mà vẫn uống." các cụ về hươu ở VN (khác với các nơi khác) nuôi ô sin chẳng có việc gì làm, suốt ngày ôm tô lô phôn, cơm cháy gọi cơm khê. Tệ nhất l
...xem tiếp