|
|
|
|||||||||||||
Thần thoại qua tranhHercules (phần 1): Bóp chết rắn khi còn trong nôi. Bú sữa trộm mà ra dải Ngân Hà17. 11. 13 - 4:04 amPha LêDạo này lâu rồi chưa học tích Hy Lạp, mọi người có dùng thời gian rảnh để ôn bài không đây? Hay lo ăn uống rồi quên hết cả? Những ai chăm chỉ thuộc bài, giờ đã đến lúc học về các tích dài hơn, nhiêu khê hơn. Để bắt đầu, hãy tìm hiểu tích liên quan đến một nhân vật quen thuộc, luôn được nhiều người yêu mến, cho nó dễ xơi: tích về Hercules. Hercules là tên La Mã, tên Hy Lạp là Heracles, nhưng tên La Mã phổ biến hơn nên tôi dùng nó cho tiện. Như bao tích Hy Lạp dài dòng khác, tích về Hercules không bắt đầu từ Hercules, mà từ mẹ của Hecules. Bà là công chúa Alcmene của xứ Thebes, và cũng là cháu của người hùng Perseus. Hai ông anh của bà này bị người xứ Taphia giết, nên lúc vua cha gả Alcmene cho dũng sĩ Amphitryon, bà nhất quyết bắt chồng phải đi trả thù cho anh của mình trước khi cho phép chồng “động phòng”. Yêu sách này luôn hữu hiệu, thế là Amphitryon khăn gói tới xứ Taphia, Alcmene ngoan ngoãn ở nhà chờ. Chờ đến lúc Amphitryon sắp về thì… ông dê xồm Zeus xuất hiện. Ông biến thành chồng của Alcmene, nói rằng mình đã trả thù xong, và thế là Alcmene mang thai Hercules. Ngay lúc Zeus vừa hô biến lên đỉnh Olympia, Amphitryon “thật” trở về (lăng nhăng như Zeus không sợ bị phát hiện), Alcmene không hiểu gì hết nhưng thấy chồng đòi yêu nữa thì bà tiếp tục chiều. Thế là Alcmene mang thai song sinh: một đứa của Zeus, đứa kia của Amphitryon. Lúc hai đứa chào đời, bà đặt tên cho thằng con của Zeus là Alcides, con của chồng là Iphicles. Ủa! Sao lại là Alcides, không phải là Hercules nhỉ? Tí nữa sẽ giải thích. Đúng theo tích thì mãi sau này Alcides mới đổi tên thành Hercules, nhưng các hoạ sĩ hoặc không nhớ, hoặc cố ý đề tên “Hercules” cho tác phẩm để thiên hạ (và những ai không đọc tích nhiều) khỏi thắc mắc. Họ cũng “quên” luôn thằng em cùng mẹ khác cha Iphicles của Hercules, và tạc tượng/vẽ tranh mỗi vị thần sức mạnh này. Nhắc trước để mọi người biết vậy, và tôi cũng xài Hercules luôn cho rồi, chứ nhiều tên quá, đọc loạn cả mắt. Trở lại với tích. Bà Hera sẵn tính ghen, thấy ông chồng mắc dịch của mình lại có thêm con mới, bà nổi khùng và cử hai con rắn đi giết Hercules lẫn Iphicles lúc cả hai chỉ chừng vài tháng tuổi. Nhưng khi hai con rắn mới bò vào cũi của hai anh em, Hercules tóm lấy chúng và siết cổ chúng chết. Ngoài những hình vẽ trên bình cổ này, đa số tranh/tượng về cảnh Hercules “bóp nát con rắn” toàn miêu tả Hercules solo, không có thằng em bên cạnh.
Sau vụ rắn riếc này, mẹ Alcmene hiểu ra rằng thằng con lớn của mình là con của Zeus, và thần Hera đang nổi khùng trên đỉnh Olympia. Sợ bị bà hoạn thư tạt nước mắm, Alcmene đem Hercules ra đồng hoang bỏ. Thấy tội cho Hercules, Hermes bay xuống đồng ẵm Hercules lên đỉnh Olympia (có tích ghi rằng Athena mới là người đưa Hercules lên, vì Athena là thần bảo trợ cho các anh hùng). Hòng nịnh Hera và muốn Hera mủi lòng với Hercules hơn, Hermes đặt Hercules vào lòng Hera khi bà hoạn thư đang ngủ. Bà thần này có lẽ là ngủ khỏa thân, vì Hercules bấu lấy bầu vú của Hera và bú sữa, làm Hera choàng tỉnh. Nhìn thắy thằng Hercules đang bú mình, Hera bực tức đẩy ra, nhưng sữa của bà cũng bắn thành dòng, tạo nên dải Ngân Hà (tiếng Anh là Milky way, Milk thì có nghĩa là “sữa” rồi).
Tuy vẫn ghét Hercules, nhưng Hera có vẻ nguôi ngoai hơn với thằng con riêng của chồng, nên Hermes bưng Hercules về với Alcmene và Amphitryon, bảo rằng Hera sẽ không ghen nữa đâu. Nói vậy thôi, chứ ai cũng biết rằng cơn ghen của Hera nào đã dứt! Các bạn chờ tiếp kỳ sau nhé! * Ý kiến - Thảo luận
22:42
Wednesday,20.11.2013
Đăng bởi:
IQ ABC
22:42
Wednesday,20.11.2013
Đăng bởi:
IQ ABC
Mấy cái tích Hy Lạp này thì đúng là vẫn khoái Hercules hơn cả, chắc do ấn tượng mấy bộ phim anh hùng của Hollywood xem lúc nhỏ. :)
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp