Bàn luận

Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào?
Bài 3: Làm nghệ sĩ là làm tấm gương trong 28. 04. 12 - 8:11 pm

Phó Đức Tùng

SOI: Tiếp theo phần trước với quan niệm của phương Đông về anh nghệ sĩ, phần này khảo sát quan niệm của phương Tây về nghệ sĩ Hình minh họa do Soi lấy từ internet, như trong bài này là của trang zorger.com

 

b. Quan niệm về anh nghệ sĩ của phương Tây

Khác với quan điểm Nho giáo nói ở phần trước, Phương Tây từ thời cổ đã có sự tách biệt khái niệm nghệ sỹ, nghệ thuật tương đối độc lập với sự phát triển của con người, học giả nói chung. Từ đó, nghệ thuật có một cơ sở lý luận vững chắc để tồn tại độc lập như một nghề, một thiên hướng, một lĩnh vực của xã hội. Nói chung truyền thống phương Tây coi nghệ sỹ là những cư dân bề nổi – superficiel par excellence. Nghệ sỹ và tác phẩm của họ thuộc vào lớp kem hào hoa bổ dưỡng trên bề mặt, tất nhiên có liên quan đôi chút với chất sữa bên dưới, nhưng hoàn toàn có thể tách riêng để thưởng thức.

Cái đẹp theo phương Tây là duy mỹ thuần túy, không cần một thông điệp sâu sắc nào, đủ để khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm, nếu mọi người thấy đẹp và qua đó thấy sung sướng, vui vẻ, hạnh phúc hơn. Tất nhiên tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết phải đẹp trong bản thân phần vật liệu tạo nên nó. Có thể có những thứ vạch trần sự thối tha, ghê rợn để đem lại cho con người những nhận thức nhân văn hơn, đẹp đẽ hơn. Nhưng nếu một sản phẩm từ đầu đến cuối chỉ là xấu thì khó có thể được chấp nhận là nghệ thuật.

Sự phân biệt giữa nghệ thuật cao cấp – art và loại nghệ thuật rẻ tiền quần chúng – Kitsch chủ yếu ở độ đậm đặc của thành phần bổ dưỡng. Tuy nhiên cả hai đều được chấp nhận. Kitsch là loại ít nội hàm, đơn giản, nhiều chất xơ, dành cho hệ tiêu hóa phổ thông, nhưng đối với những con nghiện nghệ thuật loại nặng thì nhạt nhẽo như rượu pha nước lã, thậm chí nguy hiểm vì liều lượng quá thấp. Art là loại có độ nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao, cần một bộ máy phân tích, xử lý cao cấp thì mới tiêu hóa được. Dân thường đứng trước tác phẩm nghệ thuật cao cấp giống như người biết uống rượu đứng trước thùng cồn. Ngửi cũng cảm nhận được độ rượu, nhưng không thể uống.

Người nghệ sỹ được hình dung không phải là một học giả, một nhà tư tưởng có công phu hàm dưỡng, có học vấn uyên thâm, mà là một năng khiếu thiên nhiên đặc biệt nhạy bén. Anh ta như một tấm gương trong, có thể soi rõ những sự việc mà nhìn vào các tấm gương mờ nhạt khác không thấy rõ. Những sự việc được soi rọi có thể là trong bản thân anh ta, như trường hợp của trường phái biểu hiện, nhưng cũng có thể là thế giới bên ngoài anh ta.

Điều quan trọng nhất của người nghệ sỹ là anh ta có tố chất của tấm gương sáng, tức là thiên hướng, năng khiếu bẩm sinh, và sau đó là ý thức giữ cho gương sạch, đó là định lực nghề nghiệp, lương tâm của nghệ sỹ. Khi một người nghệ sỹ có tác phẩm giá trị, tức là trong khoảnh khắc đó, anh ta đã giữ được gương sạch, và gương đó đã soi được vào một góc mà trước nay ít người nhìn thấy. Khi anh ta copy ý tưởng của chính mình để bán lấy tiền, có nghĩa là anh ta lưu giữ hình ảnh đó trên tấm gương, mặc dù cái thật đã đi qua. Khi đó anh ta không thể soi vào những thứ khác nữa. Đó là trường hợp ngoại lệ, tuy nhiều người vẫn làm như vậy.

Thông thường thì nghệ sỹ không muốn tự lặp lại mình, nhưng tấm gương sau khi soi đã bị dính ảnh lên đó, dưới dạng thói quen, định kiến, kinh nghiệm, kiến thức v.v… Khi một tấm gương có vết bẩn, thì trong bất kỳ bức tranh nào cũng hiện lên vết bẩn đó, tạo ra sự lặp lại. Và việc xóa đi cái cũ, giữ cho gương sáng là học vấn của người nghệ sỹ. Nó phải xuất phát từ việc hiểu rõ các loại bụi bám thế nào và cách lau từng loại thế nào. Nếu không có học vấn đó thì mọi tấm gương sẽ bị phủ kín sau một thời gian, trừ những thiên tài đặc biệt có độ hồn nhiên trong sáng tới mức không mấy loại bụi bám vào được. Khi người ta phải thay đổi chủ đề, vật liệu, là khi góc đó đã bị phủ kín, không lau được, cần phải nhìn vào góc khác của gương. Nhưng những góc khác cũng sẽ nhanh chóng bị phủ, nếu vấn đề cơ bản là không biết cách lau sạch.

Nói dài dòng, nhưng về bản chất, người quân tử phương Đông lấy “đốc thực”, nghĩa là tu thân, bồi bổ làm trọng, từ đó phát tiết ra ngoài thì thành nghệ thuật. Người nghệ sỹ (phương Tây) bàn tới sau này lấy “trung hư” làm trọng, nghĩa là phải vứt hết thành kiến, giữ mình như tấm gương trong, soi rõ sự vật. Tất nhiên ở mức độ cao thì hai cách nhìn, hai hướng đi đều sẽ dẫn đến cùng một kết quả, vì thế người Á Đông mới thưởng thức được nghệ thuật phương Tây và ngược lại. Tuy nhiên, những bước đầu thì lại tương đối khác nhau.

*

Bài tiếp theo: Rẽ một chút sang Kinh Dịch, liên hệ tới làm nghệ thuật.

 

*

Bài liên quan:

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 1: Quan điểm ta như đứa trẻ sơ sinh
– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 2: Lớn lên để thành quân tử phương Đông

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? Bài 3: Làm nghệ sĩ là làm tấm gương trong

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? – Bài 4: Rẽ một chút sang Kinh Dịch nhé

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? – Bài 5: Đường đi không có gì là khó. Khó vì không chọn đường nào.

– Đứa trẻ nghệ thuật Việt Nam nên lớn lên theo hướng nào? (Bản tổng hợp, không hình ảnh)


Ý kiến - Thảo luận

13:20 Monday,30.4.2012 Đăng bởi:  Chu Chi
Tôi thích quan điểm của Phó Đức Tùng. Sao lại cứ phải chiến cho tới đúng-sai hẳn hòi mới là chung cuộc? Dĩ nhiên phải có cái đích đúng-sai để con người ta hoàn thiện, phấn đấu, nhưng con đường tới cái đích ấy hay ho hơn nhiều. Trên con đường ấy, ta sẽ đối diện với nhiều cái đúng (chứ không phải chỉ có một duy nhất đúng) và nhiều dạng sai (nhiều khi rất
...xem tiếp
13:20 Monday,30.4.2012 Đăng bởi:  Chu Chi
Tôi thích quan điểm của Phó Đức Tùng. Sao lại cứ phải chiến cho tới đúng-sai hẳn hòi mới là chung cuộc? Dĩ nhiên phải có cái đích đúng-sai để con người ta hoàn thiện, phấn đấu, nhưng con đường tới cái đích ấy hay ho hơn nhiều. Trên con đường ấy, ta sẽ đối diện với nhiều cái đúng (chứ không phải chỉ có một duy nhất đúng) và nhiều dạng sai (nhiều khi rất mỹ miều, trá hình).
Ví như bài của Phó Đức Tùng đây, đó là quan điểm, đúc kết của Tùng. Chúng ta chưa sống đến trót đời, mà có đến trót đời cũng không thể nói Tùng bảo thế là sai hay đúng. Có cái đúng, có cái sai trong lời Tùng, nhưng là sai, hay đúng theo quy chiếu của từng người (với Tùng chẳng hạn, thì là đúng hết).
Vậy thì tranh cãi căng thẳng chẳng để làm gì, mà nên mỗi người đưa ra quan điểm của riêng mình, như mang thực phẩm tới góp một bữa tiệc chung. Ra về ai no được món nào thì no, toàn là bổ dưỡng cả.
Tôi mới đọc đến bài thứ ba, đã thu được nhiều quan điểm chưa được nghe, vậy là có ích lắm rồi.
Đón đọc những bài kế tiếp của loạt bài này.
Thân mến. 
8:29 Monday,30.4.2012 Đăng bởi:  pho duc tung
Các bạn mến,
sự việc nói giống thì không cái gì không giống, nhìn vào chỗ khác nhau thì chẳng cái gì không khác nhau. lời nói chẳng phản ánh được sự thật, nên nói gì cũng là không đúng. Vậy đã nói thì chẳng nên tranh luận đúng sai. Điều quan trọng là lời nói có tạo ra gợi ý cho ta đi tiếp hay không, đó là công dụng của lời nói. Những chuyện mình viết, vốn là
...xem tiếp
8:29 Monday,30.4.2012 Đăng bởi:  pho duc tung
Các bạn mến,
sự việc nói giống thì không cái gì không giống, nhìn vào chỗ khác nhau thì chẳng cái gì không khác nhau. lời nói chẳng phản ánh được sự thật, nên nói gì cũng là không đúng. Vậy đã nói thì chẳng nên tranh luận đúng sai. Điều quan trọng là lời nói có tạo ra gợi ý cho ta đi tiếp hay không, đó là công dụng của lời nói. Những chuyện mình viết, vốn là chủ kiến cá nhân, vì thế chẳng thể nào đúng. Nếu các bạn đọc mà thấy có được gợi ý gì hay, thì là nó có tác dụng, nếu các bạn không thấy gì hữu ích, thì nó vô tác dụng. Nếu các bạn nhân đó mà bàn thêm xem chúng ta nên làm thế nào thì diễn đàn là bổ ích, còn nếu phân tích đúng sai thì chẳng mang lại điều gì. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả