Soi học

Atalanta (phần 1): Khi đàn ông chết như ngả rạ chỉ vì miếng da heo 12. 10. 14 - 6:59 am

Pha Lê

Sau loạt tích dài ngoằng về Hercules, chắc mọi người đã quen với các tích hoành tráng dày cộp. Nhưng trước khi đâm đầu vô một câu chuyện tốn lắm hơi sức khác, chúng ta hãy làm quen với vài nhân vật nho nhỏ trước để sau này dễ hiểu tích lớn hơn. Nhân vật nhỏ đó không ai khác ngoài nàng Atalanta với cặp chân (dài) nhanh nhẹn nhất Hy Lạp.

Tượng nàng Atalanta, Pierre Epautre, không rõ năm, hiện nằm tại bảo tàng Lourve.

Atalanta có một khởi đầu hơi buồn. Theo tích dân gian của người Aelian (bản phổ biến nhất), bố của Atalanta – ông Iasos của xứ Calydon – muốn có thằng cu nối dõi, nhưng rủi thay vợ ông lại hạ sinh một “thị mẹt”, nên ông hạ lệnh cho vợ đem con vô rừng bỏ.

Lý ra thì bé gái đã thành mồi cho muông thú, tuy nhiên may mắn là chỗ bé Atalanta bị bỏ rơi có một gấu mẹ mất con. Vốn đang nặng sữa, con gấu cho bé gái bú và giúp bé sống sót cho đến khi một nhóm thợ săn tìm thấy bé rồi đem về nuôi.

Chắc do bú sữa gấu, quen sống với rừng, ăn rau quả hữu cơ nên Atalanta lớn lên thành một thiếu nữ xinh nhất Hy Lạp với đôi chân dài và làn da trắng hồng không bị mụn vì ô nhiễm. Do yêu thích săn bắn nên Atalanta thờ bà Artemis, và thề sẽ làm trinh nữ giống thần bảo hộ của mình. Artemis cũng rất cưng Atalanta bởi nàng vừa đẹp vừa chạy nhanh vô địch lẫn khỏe không ai sánh bằng. Thậm chí, Atalanta từng đấu vật thắng Peleus – bố của người hùng Achilles, và bắn chết hai nhân mã khi họ tính “giở trò 35” với mình.

Hình vẽ trên chiếc bình cổ, tả lại cảnh Atalanta đấu vật với Peleus, 550 năm trước công Nguyên

Gần gần thời điểm Atalanta chào đời, vợ ông Oeneus – vua xứ Calydon – hạ sinh cho vua hoàng tử Meleager, nhưng lúc bé trai vừa lọt lòng thì các vị thần số mệnh sà xuống cảnh báo rằng, nếu số củi đang cháy trong lò sưởi đây, ở phòng bé Meleager, cháy hết, Meleager sẽ trút hơi thở cuối cùng. Bà hoàng hậu (tên Althaea) sợ quá, lấy nước dội tắt lửa và giấu khúc củi còn sót lại vào một nơi bí mật. Meleager ung dung lớn lên và trở thành một hoàng tử khá đẹp trai.

Tượng Meleager, 330 năm trước Công nguyên, hiện nằm tại Bảo tàng Anh.

Theo truyền thống cưới nhau cho bố mẹ vui của hoàng tử thời đó, Meleager kết duyên với một cô nhà quyền quý tên Cleopatra (không phải cái bà của Ai Cập nhé), nhưng khi chạm mắt với nàng thợ săn chân dài Atalanta, Meleager mới biết yêu là gì, và mê nàng thợ săn như điếu đổ.

Cơ hội “ghi điểm” với người đẹp đã đến khi vua cha Oeneus “quên” cúng trái cây ngon đầu mùa cho Artemis (tập tục bao đời của vùng Calydon, ông vua lại quên thì khó tin nhỉ? Chắc Oeneus giấu trái cây để ăn vụng rồi đổ thừa); mà thần Hy Lạp thì ai cũng biết, rất dễ giận và giận rất dai. Artemis nổi khùng, phóng thích một quái thú heo rừng to oạch, có kích cỡ tỷ lệ thuận với tính hung hăng, và cho phép quái thú tàn phá xứ Calydon. Vua Oeneus hãi quá, triệu tập anh em, các hoàng tử, và kêu gọi thêm nhiều anh hùng chung sức săn quái thú cho mình, ông còn hứa rằng người giết được heo sẽ có quyền lấy da của nó làm áo khoác.

Đội săn heo (gọi là heo Calydonian theo tên địa danh) này có nhiều người (trong đó bao gồm vài người hùng của nhóm Jason – nhưng tích dài hơi này sẽ kể sau), và có em trai lẫn hai ông cậu (bên họ mẹ) của Meleager. Do muốn lấy lòng Atalanta, Meleager mời nàng tham gia đội săn, và hành động này đã khiến em trai lẫn mấy ông cậu bực mình vì bản tính trọng nam khinh nữ của mấy người này (cũng không khác tư tưởng của lắm kẻ sống trong thời hiện đại ngày nay) chẳng khoái vụ tự dưng đâu ra một nữ nhi nhập hội với mình.

Thôi thì cả đoàn cũng gầm gừ bỏ qua, cho Atalata đi săn chung. Lúc đụng mặt con quái thú rồi, đa số các ông đực rựa bị con heo húc cho ngã chổng vó hoặc bị nó lấy răng nanh đâm chết giấc. Mỗi Atalanta nhanh tay lẹ chân, tránh được quái vật và là người đầu tiên bắn nó trọng thương. Nhờ vậy, Meleager xông vào đâm chết con heo khổng lồ dễ dàng.

“Cuộc săn heo Calydonian”, Jacques van Schuppen, 1704. Meleager là người cầm giáo khoác áo choàng đỏ, chuần bị đâm quái thú; Atalanta là cô xinh đẹp bận váy (sao săn bắn được? Tích cổ tả rằng Atalanta lớn lên với rừng nên quen ăn mặc nghèo nàn kiểu Tarzan, nhưng thôi chắc tại họa sĩ lúc này khó lòng hình dung ra Tarzan), buồn cười nhất là Atalanta lại cầm mũi tên như thể sắp thọt ai! Phải giương cung bắn chứ.

 

“Cuộc săn heo Calydonian”, Rubens, 1641. Meleager choàng khăn đỏ còn Atalanta mặc váy tím. Nghĩ theo tranh thì thấy nếu Atalanta giữ được mình giữa đám đàn ông cởi truồng này là cũng hay thật.

 

Hình khắc trên quan tài, tả lại cảnh săn quái thú heo Calydonian. Atalanta lúc nào cũng đứng cạnh Meleager nhỉ? Cho có đôi có cặp.

Xong xuôi, mọi người bàn chuyện ai sẽ nhận vinh quang giết heo, lấy bộ da của nó làm áo. Tất cả đám đàn ông đều chấp nhận Meleager; nhưng vì mê chân dài lẫn biết ơn chân dài có công bắn phát đầu tiên, Meleager quyết định tặng bộ da cho người đẹp và nhường chiến công cho nàng, nói rằng không có Atalanta bắn heo trọng thương thì mình chưa chắc đã thịt được nó.

“Meleager tặng Atalanta đầu của con heo Calydonian”, từ studio của Rubens, 1635. Nhi đồng Cupid có mặt để làm chứng cho tình yêu của hai người.

 

“Meleager và Atalanta”, Franseco Mosca, 1564. Hai người ôm nhau trên cái đầu heo (chết), lãng mạn nhỉ.

Trái với mấy tác phẩm mùi mẫn trên, Atalanta nhận chiến công từ tay Meleager thì chỉ vui thôi chứ không đến nỗi phá bỏ lời thề làm trinh nữ  (dù có bản nói nàng và Meleager có với nhau mụn con, nhưng ít ai tin bản này). Nhưng cũng có thể là nàng chưa kịp rút lời thề thì em trai lẫn các ông cậu của Meleager nổi sung, cảm thấy nhục nhã vì một nữ nhi lại giành được công trạng lớn nên họ quay sang xỉ vả Atalanta rồi đòi nàng đưa lại bộ da con quái thú cho mình. Meleager nghe thấy thì cũng cảm thấy nhục với người nhà không kém, chàng tức giận giết chết thằng em và hai ông cậu.

“Meleager và Atalanta”, Jacob Jordaens, thế kỷ 18th. Người nhà của Meleager (bên trái) đang xỉ vả Atalanta trong khi nàng (mặt to phềnh phệnh) hoang mang dòm Meleager.

Khổ nỗi, tin Meleager giết em út họ hàng lọt đến tai hoàng hậu, bà không chấp nhận được việc thằng con cả giết thằng con út và hai ông anh của mình, nên bà vồ lấy khúc củi gắn liền với số mệnh của Meleager mà bà bỏ công cất giấu trong bao năm, rồi đốt nó cháy rụi. Kết quả: Meleager bỗng dưng chết thiêu giữa lúc trời mát.

“Hoàng hậu Althaea đốt khúc củi số mệnh”, Johann Wilhelm Bauer, 1639. Đây là hình minh họa cho cuốn “Metamorphosis” của Ovid.

Của đáng tội, sau khi giết Meleager thì bà hoàng hậu vừa mất anh vừa mất hết cả con cái, bà buồn quá nên tự treo cổ chết, ông vua Oeneus mất hết vợ con cũng buồn thúi ruột, chỉ mỗi Artemis trên đỉnh Olympia là đập bàn cười ha hả vì đã trả thù thành công cái kẻ dám quên không dâng trái cây cho mình ăn.

Số phận Atalanta sẽ ra sao đây? Chờ kỳ tới nhé.

Ý kiến - Thảo luận

20:45 Sunday,12.10.2014 Đăng bởi:  IQ ABC
Tích này hay thật! Cảm ơn chị Pha Lê!
...xem tiếp
20:45 Sunday,12.10.2014 Đăng bởi:  IQ ABC
Tích này hay thật! Cảm ơn chị Pha Lê! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả