Trường phái
Điêu khắc đương đại: Làm sao nói về ký ức?
Phần 1: những kỷ niệm thời thơ ấu15. 11. 13 - 11:03 am
Judith Collins - Phạm Long biên dịch. Đào Châu Hải hiệu đính
.
Ký ức, hay hoài niệm, từng được nhà thơ Guillaume Apollinaire* ví như “những hồi kèn đi săn cứ lịm dần trong gió”. Ký ức quả là mong manh, chóng tàn. Chúng sẽ phôi pha nếu không được hồi sinh và gìn giữ, mà nghệ thuật có lẽ là chuyến tàu tốc hành tuyệt vời nhất đưa ta về lại miền ký ức. Nghệ thuật cho ta cơ hội phản ánh các sự kiện lớn của cả một đời, từ chuyện bình dị nhất đến các sự kiện kinh dị nhất: tình yêu và cái chết, tình dục và tâm linh, sự ngây thơ con trẻ và trí tuệ cùng kinh nghiệm tuổi già. Với nhiều hình thức đa dạng khác nhau, nghệ thuật điêu khắc đương đại đề cập tới ký ức con người trong những trạng thái cảm xúc và tâm lý thật phong phú.
Kỷ niệm tuổi thơ và thời niên thiếu là nguồn sinh lực dồi dào cho bao nghệ sĩ. Một trong số đó, người có lẽ khai thác các vỉa mạch ký ức thơ dại sâu sắc nhất là nữ nghệ sĩ Louise Bourgeois. Bà từng nói: “nghệ sĩ vẫn là một đứa trẻ – dù không còn trong trắng mà vẫn chưa thể tự giải thoát khỏi cõi mê vô thức.” Các tác phẩm và những cuộc trả lời phỏng vấn của bà đã hé lộ nhiều điều về những cảm xúc thời thơ ấu cùng vai trò của các bậc sinh thành trong sự phát triển tâm lý của bà. Bà đã thực hiện một loạt các tác phẩm sắp đặt giống những căn phòng có tên là Buồng, và hai tác phẩm có lẽ ấn tượng nhất là Phòng Đỏ (Cha Mẹ) – Red Room (parents) và Phòng Đỏ (Của Con) – Red Room (child). Ở tác phẩm thứ hai, những vật khác nhau màu đỏ được xếp trong những đồ nội thất, những bản đúc cánh tay và bàn tay đan vào nhau, các cuộn chỉ lớn, gợi lên cảm giác về sự hiểm nguy, bạo lực và đổ máu, cùng chút gì đó yếu ớt dễ bị tổn thương. Thổ lộ nhu cầu làm ra những bức luỹ lớn vây bọc miền quá khứ và mong sao những hoạt động tái sáng tạo của mình có tác dụng thanh tẩy (trừ tà, exorcism, trục tẩy những thứ trong người như bị quỷ ám – ND), bà nói: “Trả nợ cho quá khứ, và tôi được giải thoát.”
Louise Bourgeois, Phòng Đỏ (Của Con),1994. Chất liệu tổng hợp. 210,8 x 353 x 274,3 cm. Musée d’Art Contemporain de Montréal, Quebec.
Mang quan điểm mạnh mẽ về sự bất bình đẳng xã hội, Edward Kienholz cũng sáng tạo ra những hoàn cảnh bủa quây (giống Louise Bourgeois), song một trong những tác phẩm lạ thường nhất của ông lại là một phản ánh đa tầng về tuổi thơ. Lán mỏ – Mine Camp là một tác phẩm đầy lòng tôn kính với người cha, người đã bao lần đi cắm trại cùng ông ngày thơ bé. Những nhân vật trong các tác phẩm điêu khắc phức tạp của ông thường được đúc trực tiếp từ người thân và bạn bè đang sống, còn tượng người cha là phiên bản đúc từ chính ông, bởi khi làm tác phẩm này thì cha ông đã không còn.
Edward Kienholz, Lán mỏ, 1991.Xe tải, hươu treo trên cây khô, bếp lửa trại, đồ nấu ăn, súng, dụng cụ. 9,1 x 14 x 10,9 m.
Mine Camp là tác phẩm đúc đồng lớn nhất và phức tạp nhất trong sự nghiệp của ông, và có thể nói đối với Kienholz, cũng như Bourgeois, nó đúng như sự hòa quyện của lòng thành kính với việc thanh tẩy. Song tác phẩm này không đơn thuần là một tự truyện bởi cái tiêu đề của nó cũng đã là lối chơi chữ hàm nghĩa rộng hơn (camp vừa có nghĩa là trại, lán, cũng có nghĩa là trận đánh – ND).
Picky Swallow, một nghệ sĩ Úc sống và làm việc tại Los Angeles, trong cảm xúc quê hương cách trở, đã để ý tới “những hoàn cảnh và truyền thống quanh mình”, và một tác phẩm ra đời từ sự kiểm điểm nội tâm, tác phẩm Giết Thời Gian – Killing Time, một điêu khắc tĩnh vật với những con cá đặt trên một mặt bàn được chạm khắc với tay nghề thật điêu luyện. Cha của Swallow là một ngư phủ từng đánh bắt những hải sản như thế. Tác phẩm này như vừa tôn vinh gia đình và nghề chài lưới truyền thống, cũng là một loại hình tĩnh vật cổ điển của lịch sử mỹ thuật, một đồ án nói về cái chết (memento mori*).
Ricky Swallow, Giết thời gian, 2003-4. Jelutong phủ nhựa laminat, đá hoa cương. 108 x 184 x 118 cm.
Ricky Swallow, Giết thời gian, chi tiết
Kể từ những năm đầu thập niên 1980, nghệ sĩ Hartin Honert, người đang sống và làm việc tại Dusseldorf, đã lấy cảm hứng từ những ký ức thơ ấu để sáng tạo nên các tác phẩm điêu khắc đơn lẻ hoặc nhiều chi tiết, chúng gợi lên một thế giới tĩnh trầm, bất động, cho dù chịu nhiều chấn thương tâm lý. Tác phẩm của ông có hình thức giản dị và tinh khiết, gần gũi với tranh thiếu nhi và nghệ thuật minh họa cho sách trẻ em. Với tác phẩm điêu khắc Chụp Ảnh – Foto, ông đã sử dụng một bức ảnh chụp trong kỳ nghỉ, khi cả gia đình quây quần quanh một chiếc bàn, nhưng cha mẹ và anh em đã bị xóa khỏi bố cục này, như thể muốn “cô biệt cái thời khắc kết nối ngắn ngủi giữa máy ảnh và tôi”. Ông nhớ là đã bị tiếng kêu ro ro của chiếc máy ảnh chụp tự động hấp dẫn thế nào, và chỉ có mỗi ông nhìn thẳng vào nó, đây cũng là thời điểm tác phẩm điêu khắc này “chộp bắt”.
Martin Honert, Chụp Ảnh, 1993.Polyester, gỗ, sơn, ghế. 107 x 133 x 86cm.
Ở bờ bên kia đại dương, tại Los Angeles, Robert Therrien đã thực hiện một tác phẩm gần giống như thế, tác phẩm Dưới Gầm Bàn – Under the Table nhằm nối lại những kỷ niệm xưa bé. Ông tự chuẩn bị hàng trăm bức ảnh chụp bên dưới bàn ghế trong căn bếp của mình. Sau đó, ông thể hiện tác phẩm điêu khắc với kích thước lớn gấp đôi đồ nội thất thực, để người xem có được cảm giác mạnh. Nó đã thành công, người xem cảm thấy chúng như thứ đồ của những người khổng lồ đang đi vắng, hoặc như lời nhắc nhủ về ký ức tuổi nhỏ, cái thời họ còn bé xíu, chỉ mới cao tới mặt ghế mà thôi.
Robert Therrien, Dưới Gầm Bàn, 1994. Gỗ, men. 297 x 549 x 793 cm.
Robert Therrien, Dưới Gầm Bàn
Đằng sau các tác phẩm sắp đặt biểu hình của Jan-Erik Andersson là những câu chuyện cổ tích “tự chế trong nhà” ngày xưa. Tác phẩm của ông thường kể về những chuyện tình, những nỗi niềm khát khao và nhung nhớ. Ông muốn làm những tác phẩm điêu khắc và sắp đặt khả dĩ kích thích cảm hứng cho cả trẻ em và người lớn để họ sáng tác nên những câu chuyện riêng giàu trí tưởng tượng. Vì thế, ông thường dùng các màu sắc tươi tắn và hình thức đơn giản với các nhân vật giống phim hoạt hình. Tác phẩm Giấc Mơ Của Nàng Công Chúa Băng – The Dream of the Ice Princess [sáng tác năm 1993] được đặt trên một sân băng, minh họa cho câu chuyện do nghệ sĩ sáng tác kể về mối tình của một cô bé và một chàng trai chơi khúc côn cầu trên băng.
Jan-Erik Andersson, The Dream of the Ice, sắp đặt 1993 Princess
Khác với Honert và Andersson, những người luôn tạo ra những hình tượng lôi cuốn trẻ em, nghệ sĩ Pia Stadtbaumer lại xây dựng nhân vật là chính những đứa trẻ. Bà có những bức điêu khắc mô tả các em bé trần truồng mà bà quen biết, cậu bé Max và cô bé Clara; đây là pho bức tượng làm theo phương pháp đổ khuôn truyền thống, kích thước bằng người thật, trong đó bà đã dùng sáp màu và thạch cao màu vàng chanh (acid yellow) để đổ khuôn. Chú bé sáu tuổi Max đang đứng trong một tư thế mất tập trung cùng với mấy đồ vật rất lạ mà đáng ngại nhất trong số đó là khẩu súng lục được bọc trong một chiếc áo nhỏ. Một sợi dây nối thẳng từ trần nhà xuống đỉnh đầu cậu bé, không biết để treo cậu lên hay để neo giữ. Tránh định vị một trạng thái tình cảm cụ thể của đứa trẻ, Stadtbaumer muốn giành cho người xem niềm thú vị khi họ tự tìm thấy những câu chuyện riêng tư cho mình.
Pia Stadtbaumer, Max, báo, hình xăm, súng lục, áo búp bê, 2000. Zellan, bột màu, acrylic, giấy báo, kim loại, vải, đá kim cương giả, sợi. 120 x 42 x 33 cm.
Một cách tiếp cận hoàn toàn khác được thấy trong các tác phẩm của Laura Ford. Các hình tượng trẻ em của bà không hiện thực; thay vì hiếu động, chúng lại là những cô bé mù, mặc váy xếp và nghịch súng, hoặc là những chú bé rất trật tự trong những chiếc mũ trùm đầu hình thú như hươu, lừa và lạc đà, rất nhiều trong số đó thật lặng lẽ, giống như chú lừa Eeyore*. Tất cả các bức tượng này đều có cốt thạch cao phủ nỉ bên ngoài, hoặc, trong trường hợp tượng các bé gái, được trùm vải hoa. Các nhân vật của bà không phải là đồ chơi, cũng không hẳn là búp bê, bà “mặc” quần áo cho các chú bé đội mũ thú như một kiểu “băng bó” nhằm ám chỉ sự chữa trị và phục hồi sức khoẻ. Sử dụng vật liệu bằng nỉ phủ lên các nhân vật bé bỏng hay động vật, hẳn bà muốn gợi lại cảnh Joseph Beuys choàng chăn nỉ [trong một tác phẩm trình diễn nổi tiếng của ông]* (xem Chương 12).
Laura Ford, Nhà Tư Tưởng Hàng Đầu, 2003. Thép, thạch cao, gốm, vải. Kích thước không cố định.
Laura Ford, Nhà Tư Tưởng Hàng Đầu
Các chất liệu để Lia Menna Barreto chiêm nghiệm về tuổi thơ là búp bê, con rối và những đồ chơi thú bằng cao su. Bà thể hiện chúng trong những bố cục hỗn trộn, có khi là những nhân vật nguy hiểm thiếu chân thiếu tay, ngụ ý về sự biến hóa thường xảy ra trong những câu chuyện cổ tích truyện quái vật mà cũng gợi nhớ điêu khắc [siêu thực] của Hans Bellmer và Mike Kelley. Các đồ chơi của bà không phải là đồ cũ mà được mua mới ở chợ gần nhà, như vậy, với bà chúng không hề có chút kỷ niệm hay tình cảm xưa cũ. Trong một số tác phẩm, như Lộn Trái Thỏ – Inside Out Rabbit, món đồ chơi của bà có kèm bóng điện hoặc những dấu hiệu của việc đốt cháy gây nên cảm giác âu lo về mối nguy hiểm nào đó.
Lia Menna Barreto, Lộn Trái Thỏ, 1995. Thỏ bông, đèn bão. 34 x 64 x 90 cm
Một cảm giác day dứt khó chịu khác cũng tàng ẩn trong các tác phẩm của Xavier Veilhan, người được đào tạo như một họa sĩ và hiện làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Năm 1995, ông làm bốn pho tượng kỵ mã bận quân phục to bằng kích thước thật có tên là Vệ Binh Cộng Hòa – The Republican Guard với chất liệu polyurethane và nhựa sơn màu. Tất cả bốn người đều đang ngồi cứng trên lưng ngựa với thanh kiếm tuốt trần, như thể họ đang canh gác một dinh thự hay bảo vệ một yếu nhân. Mỗi bức tượng đã được chế tác độc lập, vừa nhấn mạnh tính chất ẩn danh mà tránh được vẻ giống nhau như lột của chúng. Veilhan đã bố trí những pho tượng này tại nhiều nơi công cộng, đem đến sự thú vị lẫn phiền toái cho các du khách.
Xavier Veilhan, Vệ Binh Cộng Hòa, (1 trong 4 tượng), 1995. Polyurethane, nhựa, polyester sơn màu. Kích thước mỗi tượng: 280 x 280 x 70 cm. Fonds Regional d’Art Contemporain (FRAC), Languedoc-Roussillon, Pháp
Tác phẩm của Yoshitomo Nara tuy không gây lo âu, song thay vào đó, lại có xu hướng ủy mị. Tác phẩm Những Chú Chó Thời Thơ Ấu Của Bạn – Dogs From Your Childhood có hai chú cún nhỏ bằng sợi thủy tinh đứng nhìn nhau một cách hiền lành. Ông cũng làm một số pho tượng trẻ em trong dáng điệu trầm ngâm hoặc tinh quái với những con chó ngoan thường nhắm nghiền mắt làm bằng sợi thủy tinh trắng, tạo nên bầu không khí hơi ma mị. Ông nói: “Không hề bị ảnh hưởng của thứ văn hóa đại chúng Nhật Bản, nghệ thuật của tôi thể hiện những trải nghiệm tuổi thơ, những ngày tháng được nô đùa với những chú cừu, những chú mèo và chó trên đường lúc tan trường về”. Với khuynh hướng châm biếm, các hình người và thú của ông đã tham gia vào cơ cấu văn hóa Mỹ và xuất hiện cả trên các mặt hàng cốc tách, áo thun, hay tranh áp phích v.v…
Yoshitomo Nara, Những Chú Chó Thời Thơ Ấu Của Bạn, 1999. Sợi thuỷ tinh, sơn mài, nessel, nỉ sơn acrylic. 106 x 59,5 x 220 cm.
Có hai nghệ sĩ châu Âu cùng sinh ra và lớn lên tại nông thôn trong những năm 1950, và đều sáng tác những tác phẩm duy trì được mạch nối cảm xúc với những đồ vật thời bé dại. Antonio Sosa sinh ra trong một ngôi làng nhỏ tại Andalucia, cạnh dòng sông Guadalquiver, và ông đã sử dụng các nguyên liệu tự nhiên của địa phương, ví dụ như cát sông, và cũng tái chế các đồ chơi thủa nhỏ của mình. Tác phẩm Những Hạt Giống Ở Bờ Phải Con Sông Guadalquiver – Seeds on the Right Bank of the River Guadalquiver là những khuôn đúc các đồ vật có nhiều ý nghĩa đối với tuổi nhi đồng và niên thiếu của ông – một con ngựa giấy bồi, một thân cây vóc dáng như người, một mô hình cái chân ở trường nghệ thuật và một bức tượng nhỏ Trung Hoa. Những khuôn mẫu trơ hơ như các vỏ hạt rỗng ruột vãi trên luống tro tàn phản ánh những gì đã mất, đã trôi qua rồi.
Antonio Sosa, Những Hạt Giống Ở Bờ Phải Con Sông Guadalquiver, 1992-3. Thạch cao, burlap, ashes. 130 x 40 x 600 cm.
Thủa nhỏ, Miroslaw Balka sống tại một thị trấn gần Warsaw. Ông vẫn giữ trong mình mọi kỷ niệm, đặc biệt là những giáo lý công giáo đã phải học dưới chế độ quân luật tại Ba Lan. Giờ đây, ngôi nhà cũ của gia đình đã trở thành studio của ông. Tác phẩm Hồi Tưởng Về Lễ Ban Thánh Thể Đầu Tiên – Remembrance of the Holy Communion mô tả một cậu bé đứng bên chiếc bàn phủ tấm vải ren, trên đó có đặt bức ảnh của một đứa trẻ. Bức tượng hầu như đơn sắc với hai vết màu đỏ trên thân thể: một vết trên đầu gối trông như vệt máu chảy, vết kia là màu đỏ của chiếc khăn vải nhỏ hình trái tim cài lên ngực trái bằng một chiếc ghim. Hình tượng này đã vay mượn các hình tượng của Thánh Tâm Chúa Giêsu (Sacred Heart of Jesus), còn vết đỏ ở đầu gối nhắc nhở những việc thường xuyên xảy ra với ông lúc bé.
Miroslaw Balka, Hồi Tưởng Về Lễ Ban Thánh Thể Đầu Tiên, 1985. Thép, ximăng, đá hoa cương, gỗ, vải sứ, ảnh. 170 x 90 x 105 cm. Muzeum Sztuki, Lodz, Ba Lan
Cha của Balka và ông nội là những thợ nề chuyên xây dựng các tượng đài tưởng niệm cá nhân theo lối cổ truyền. Lớn lên, không còn phải xoay sở với nghề gia truyền để kiếm sống, ông tập trung sức lực vào việc thực hiện các đài tưởng niệm cho một đối tượng công chúng rộng lớn hơn.
(Còn tiếp)
*
Từ: “Sculpture Today/ Chapter 11: MEMORY” của Judith Collins – Phạm Long biên dịch. Đào Châu Hải hiệu đính