Gẫm & Bình

Tán về “Phê bình = Tán”
Bài 1 – Ông Tuấn bình cô Mai:
không thấy hình, chỉ thấy chữ 04. 03. 13 - 8:33 am

Họa sĩ Nguyễn Gia Hòa

Cung quăng, cung quẳng, cung quằng
  Tổng bất ngoại bò vàng chi liếm lá”.

Nguyễn Công Trứ

Hai câu thơ này, cụ Trứ có ý chế giễu những người làm thơ thời cụ chỉ chăm chú gia công sự réo rắt của từ ngữ (luật bằng, trắc) trong khi cái ruột của nó thì lại hoàn toàn vô nghĩa, rỗng tuếch.

Căn bệnh này, sau hàng thế kỷ giờ đây lại thấy xuất hiện ở một số lớn bài phê bình Mỹ thuật, và có khuynh hướng trầm kha hơn!

QUÁ KHỨ
Vào khoảng đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi tình cờ đọc được một bài viết của nhà phê bình nghệ thuật N.P. Bài viết nói về một cuộc triển lãm tranh S. Dali ở Mạc Tư Khoa. Lâu quá rồi tôi không còn nhớ rõ nhiều. Cái hằn trong óc tôi là tác giả được xem trực tiếp cả phòng triển lãm và có nói đến hai bức của Dali. Một là bức Con nhện chiều mang lại niềm hy vọng. Bức thứ hai là Sự vĩnh hằng của ký ức. Dĩ nhiên tác giả có nhận xét và đương nhiên bạn có thể hình dung đến sự phê phán ít nhiều về cái gọi là “nghệ thuật của xã hội tư bản”. Điều này giờ không quan trọng. Nhưng đến hiện nay, tôi vẫn không tài nào xóa nổi khỏi ký ức việc tác giả mô tả một hình ảnh trong bức tranh Sự vĩnh hằng… như sau: “… Ở góc trái, dưới cùng là hình vẽ giống như một cái bình có những hạt đen đen…

“Sự vĩnh hằng của ký ức” của Dali

Trước đó, tôi chỉ được may mắn xem ảnh in rất nhỏ của bức tranh này, song cũng đủ nhận rõ “cái bình có những hạt đen đen” mà ông N.P. nhắc đến thực chất là một cái đồng hồ quả quýt màu cam, trên nắp của nó là một đám kiến đang bu vào. Ta có thể thông cảm nhà phê bình có tuổi, mắt kém, hơn nữa tranh thực rất nhỏ (24,1 x 33cm). Nhưng đã là nghiên cứu thì phải đeo kính vào chứ? Bức tranh có bốn đồng hồ (1 màu cam, 3 màu lơ) trong các vị trí và hình dạng khác nhau, cộng với một vách đá xa xa trên biển (chưa kể các hình ảnh khác) là những thành tố quan trọng để ít nhiều có thể quy chiếu phân tích nội dung Sự vĩnh hằng của ký ức.

Đúng là cụ tán vui, tưởng tượng không thành có. Nhìn qua quýt thế này mà tiến vào phân tích tác phẩm nghệ thuật!

Tôi bắt đầu cảnh giác với các nhà phê bình nghệ thuật Việt Nam từ đó.

Nhưng vừa rồi… lại có… sau chừng 40 năm, tuy kiểu khác.

HIỆN TẠI
Họa sỹ Vũ Đình Tuấn (giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam), ngày 11. 12. 2012, trên báo Thể thao Văn hóa (trang 19) có viết bài báo nhan đề Sơn mài của Nguyễn Thị Mai – Mộc mạc tao nhã đến nao lòng. Tôi không rõ ông Tuấn có kiêm thêm hoạt động phê bình không, nhưng nội dung bài báo có ý giới thiệu họa sỹ Nguyễn Thị Mai đồng thời với những phân tích có tính phê bình.

“Đêm tân hôn”, sơn mài của Nguyễn Thị Mai

Mới đọc cái tít “Mộc mạc tao nhã đến nao lòng” tôi đã e ngại (nó làm tôi liên tưởng đến từ “hào sảng” của ông Nguyễn Quân khi bình về tượng Nguyễn Hải). Nhưng nghĩ ông đang là giảng viên, hàng ngày giảng dạy sinh viên, chắc sẽ nghiêng nhiều đến tính cụ thể, học thuật trong phân tích tác phẩm…

Tuy nhiên, đọc xong toàn bài, tôi thấy có ba ý hơi bất cập:

1. Điều cần dè xẻn ông lại vung tay quá trán
Nếu nhớ đến tranh sơn mài cũng “mộc” rất đẹp của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm khoảng đầu những năm 1970 của thế kỷ trước (loạt tranh Thánh Gióng – thậm chí có giải thưởng), có lẽ ông Tuấn sẽ biết e dè khi phát ra một loạt từ ngữ ngợi khen: “… Ấy thế mà Mai lại ngang nhiên chối bỏ một cách chủ động và bản lĩnh cái phép tắc cuối cùng… Hay đây chỉ là cái riêng trong biểu cảm kỹ thuật sơn mài của họa sỹ Nguyễn Thị Mai…”.

“Gióng”, 1950. Sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm

Chủ động, bản lĩnh, riêng! Toàn phẩm chất quý. Có thể họa sỹ Mai có những phẩm chất này, nhưng cũng nên so sánh cụ thể tương quan với ai đó, để kết luận từ tốn hơn, rõ hơn.

2. Điều tất nhiên ông lại nhận định ngập ngừng
Có một khởi nguồn của câu chuyện, từ rất xa.

Khoảng 1947-48, tại Hội nghị Văn hóa Kháng chiến, danh họa Tô Ngọc Vân có phát biểu (tôi nhớ đại ý phần trích dẫn): “Hội họa thế giới nhìn (đi?) về đâu? Nhìn về sơn mài Việt Nam” – Tôi nhắc lại: tôi chỉ nhớ đại ý, không chính xác từng từ.

Chúng ta kính trọng cảm xúc dâng trào tinh thần dân tộc của danh họa trong bối cảnh cam go của cuộc kháng chiến chống Pháp, song với tài năng lỗi lạc của ông, tôi không cho là ông nghĩ nhiều quá đến cái ưu thế vỏ (bề mặt) của sơn mài. Thâm tâm, ông không thấy cần mang sơn mài làm đối trọng với sơn dầu.

Tiếc rằng, hình như đến giờ, nhiều người vẫn bị ám ảnh bởi điều này!

Riêng tôi, tôi luôn bị ám ảnh bởi một điều rất cay đắng rằng Tại sao? Do đâu? Danh họa sơn mài đầu đàn Nguyễn Gia Trí của Việt Nam – một người tài năng lớn không còn bàn cãi – lại không có một vị trí rõ ràng trong mắt xích tiến trình Mỹ thuật Thế giới thế kỷ 20?

Vấn đề chính nằm ở hướng khác. Không phải hướng mà ta hay nghĩ!

Tổng quát về vai trò chất liệu
, có thể rút ra vài nhận định sau:
a. Sơn mài chỉ là sự định danh tắt của một loại tranh, hàm ý (kèm theo) một kỹ thuật phối hợp chất liệu cơ bản – sơn ta – với các chất liệu khác như vàng, bạc, son, vỏ trứng v.v… Kỹ thuật này có sự áp dụng chủ động các tác động cơ học (như mài, toát …) cộng với sự vận dụng hơi thụ động các phản ứng hóa học trong chừng mực. Kỹ thuật khá phức tạp, nhưng cuối cùng nó cũng chỉ là một kỹ thuật chất liệu, như kỹ thuật dùng các loại chất liệu khác. Nó có giá trị thứ cấp, trình độ tạo hình mới là giá trị đầu tiên, bao trùm. Nếu xem một giá trị tự thân của chất liệu để đương nhiên đồng nhất với giá trị tự thân chủ yếu của tác phẩm thì thật ngô nghê. Bức sơn dầu Thiếu nữ bên hoa huệ là tác phẩm lớn, nhưng bức bột màu Cổng thành Huế của danh họa Nguyễn Đỗ Cung có đẹp không? Đẹp chứ! Thiếu nữ gội đầu của Trần Văn Cẩn tuy chỉ là khắc gỗ nhưng có người cả đời vẽ sơn mài cũng không mon men đến được v.v…

“Thiếu nữ gội đầu”. Khắc gỗ của Trần Văn Cẩn

Siqueiros, họa sỹ tranh tường lừng danh của Mexico, đồng thời là người đồng sáng chế chủ chốt chất liệu vẽ acrylique cho tranh tường (sau này dùng cả sang hội họa giá vẽ), nhưng khi phân tích nghệ thuật tranh của ông, người ta chỉ chú ý đến trình độ tạo hình, mấy ai nhắc đến chất liệu acrylique, nhắc đến công lao sáng chế chất liệu càng ít nữa.

Tranh của Siqueiros

Dubuffet, người được xem như số một về sự say mê vẻ đẹp phong phú của chất liệu, nhưng tranh chất liệu của ông không phải là một bảng màu chất liệu ngổn ngang. Chúng ở trình độ tổ chức cao đấy!

Tranh Dubuffet

Vài ví dụ chất liệu ở trên, tưởng cũng là quá đủ. Võ ngu, kiếm sắc mà loạng quạng sẽ chẳng chém được ai. Mỹ nghệ trâu tre với cô gái đứng tựa cây dừa thả tóc dẫu vàng son bóng lộn cũng chỉ để Tây ba lô mua về làm kỷ niệm “hương xa” (Exotique)!

b. Ông Vũ Đình Tuấn viết về nghệ thuật của Nguyễn Thị Mai: “Ấy gọi là ‘thất lễ’ với mỹ cảm truyền thống”. Tôi thông cảm với sự khôn ngoan của ông, song tôi không thấy thế.

Người châu Âu coi sơn dầu truyền thống hàng nửa thiên niên kỷ không phải thánh tích của Chúa không được động đến, chỉ nâng niu bảo tồn. Chất men không phải lúc nào cũng là giá trị số một để đưa ra (có thể vẽ sơn dầu mỏng, loãng, mờ như thuốc nước). Tại sao chúng ta lại cứ mang “hương ước làng xóm” ra áp định giới hạn thẩm mỹ của một loại chất liệu? Truyền thống không ở trên trời rơi xuống, cứ làm đi, rồi thế hệ mới sẽ tạo ra truyền thống mới. Thế kỷ 21 rồi, đến chút tự do chất liệu cũng mắc phải những điều cấm kỵ dở hơi. Không phát triển thêm “khả năng đẹp” của sơn ta theo mọi hướng chính là “thất lễ” lớn với tiền nhân. Chính khả năng tạo hình kém cỏi dù vẽ theo sơn mài truyền thống mới là “thất lễ nghiêm trọng”.

Họa sỹ sơn mài Việt Nam không phải ai cũng thích là tầm gửi trên cái cây truyền thống.

Tự trói tay mình, nghệ thuật mong sao phát triển được?

Với hai điểm trên, tôi thấy ông Tuấn hơi thận trọng quá mức “… để rồi hoài nghi: sơn mài có hay không hình thức mộc? Nghĩa là trong một chừng mực hợp lý nào đó, tranh sơn mài không nhất thiết phải toát và làm bóng?...”

Phát triển vẻ đẹp phong phú của chất liệu là nhu cầu tự thân, tự nhiên đến thành tất nhiên của họa sỹ. Cấm cũng không được!

“Nhà dài”, sơn mài của Nguyễn Thị Mai

3. Điều cần cụ thể ông lại trừu tượng hóa
Để tránh dạy học theo kiểu nghệ nhân truyền nghề, người ta cần học thuật. Học thuật dĩ nhiên phức tạp, nên nó lại cần phải cụ thể, khoa học.

Cũng như ông Nguyễn Quân (mà tôi sẽ có bài sau), ông Tuấn viết rất chú trọng đến diễn đạt hoa mỹ. Điều này vô tình cản trở người đọc nắm bắt được thực chất cần nhận thức: Cái gì? Ở đâu? Thế nào?

Mỗi khi muốn tìm hiểu vấn đề gì, con người thường bất giác tự hỏi: Như thế nào? Tại sao?. Chúng là những câu hỏi đầu tiên (trong vô vàn câu hỏi) có giá trị sống còn là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển. “Con người khôn ngoan” – Homo Sapiens – có lẽ cũng bắt đầu bằng tự vấn này (mặc dầu chưa có ‘ngôn ngữ’) để rồi có thể dần tách xa khỏi vượn.

Xin trở lại bài viết của ông Tuấn, bằng một thống kê nho nhỏ những câu ông dùng:
– Năng lượng dồi dào, miên man như nham thạch nóng và mạnh chảy tràn …
– Tinh khôi – Sang trọng – Hành động bẳn gắt – Tơ vương rất đỗi đàn bà …
– Bí ẩn và phồn thực đến ma mị – Họa cảm lãng đãng phai nhạt, mơ hồ sương khói của tiết tấu đậm nhạt, không phô chênh lướt mềm trên cái phóng túng, thênh thang, rộng lượng của nhịp điệu – Ngắt, buông khắc khoải …
– Tao nhã đến nao lòng – Một thoáng buông thả, nhấn nhá bâng quơ …

Khả năng viết văn rất hay, song nó lại làm tôi nghĩ đến lối viết tản văn ở Thạch Lam, Vũ Bằng, Băng Sơn khi viết về ẩm thực Hà Nội (ví dụ: Tả hương cà cuống ngát lên “Như một thoáng nghi ngờ”).

Độc giả hay sinh viên của ông chắc phải căng đầu thắc mắc: Làm sao họa sỹ Mai có thể miêu tả chim, cá, hoang thú, cỏ cây, hoa lá, đàn bà, đàn ông vừa đơn sơ một cách tự nhiên, lại vừa bí ẩn và phồn thực đến ma mị? Tài thực!

Bí ẩn như ký hiệu hay ký tự cổ thì không phải rồi. Có chăng ở mối quan hệ giữa các hình vẽ? Nhưng phân tích thì sẽ ra, chí ít ta cũng tiệm cận được. Còn phồn thực đến ma mị thì… ông tóm tắt gọn quá, khiến tôi nghĩ đến lối … “phê bình bùa chú”.

Chúng ta cần tiết kiệm vốn từ Việt, bởi lẽ nếu phải phân tích – chẳng hạn – tượng nam nữ Ấn Độ giao hoan (một ý của phồn thực), hay các “Sinh thực khí” trong điêu khắc Chămpa, ta phải dùng đến cụm từ “phồn thực thần thánh” chăng?

Đã nghiện thì liều thuốc (dose) ngày càng tăng, e rằng có lúc ta phải vận dụng đến kiểu dùng từ cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ).

Giá như ông Tuấn chịu khó một chút phân tích cụ thể một bức tranh đồng thời với nhận định bao quát một triển lãm 27 bức, ông có thể đề cập những điều mà một giảng viên vốn mạnh. Tôi nói thế bởi thấy ông đã viết nào là “tạo hình đẹp và lạ”, rồi “gộc ghệch của hình thể”, nghĩa là đã sát vào những hình vẽ hiện hữu. Nhưng ông chỉ kết luận nhanh, rồi bỏ đó.

Khi xem bức tranh Truyện tình trên mái nhà in kèm bài báo (mà tôi chắc theo thông lệ là bức tiêu biểu của họa sỹ Nguyễn Thị Mai), dù chỉ thưởng thức, tôi phải bắt đầu tìm hiểu từ những điều a, b, c. Tôi chú ý ngay đến phần cạnh ghép của hai tấm vóc. (Đây không phải là tranh bộ đôi (diptyque), vốn có nội dung tương đối độc lập với nhau, phần ghép quan trọng vừa phải, bởi nhịp điệu của hình vẽ hai bên được quy chiếu khá gián tiếp, do chúng nằm trong hai không gian tranh khác nhau). Bức tranh có một không gian khá thống nhất (đường dẫn các tuyến nhân vật gợi hình một mái nhà của đồng bào dân tộc + mặt trăng gợi ban đêm). Nó có một hệ quy chiếu không gian (giàn đỡ cơ học) khá lỏng lẻo, nhưng đây là chủ ý chọn lối vẽ của tác giả. Nhưng nó vẫn phải tuân theo một sự quy chiếu nội tại của bố cục, mà cạnh ghép này sẽ là đường vẽ đầu tiên, ngay cả khi họa sỹ Mai chưa vẽ tí gì.

“Chuyện tình trên mái nhà” của Nguyễn Thị Mai

Rất nhiều họa sỹ thích vẽ tranh nhiều tấm, nên họ sẽ phải đương đầu với các đường ghép này. Chúng hoàn toàn không tham gia vào nội dung tư tưởng của bức tranh, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến thẩm mỹ của nó. Chúng không thể thay đổi, mà đồng thời áp đặt 3 tác động cơ bản:
– Tác động đến nhịp điệu chủ yếu của bố cục toàn thể (vì chúng là một đường sức lớn hiển nhiên)
– Tác động đến hướng chiều của các hình vẽ đơn lẻ (vì phải quy chiếu vào chúng)
– Tác động đến những hình vẽ mà chúng cắt qua bởi gây ra những giao thoa của lực thị giác không đáng có. Không tính trước, họa sỹ chỉ còn cách chăm chăm vẽ cho khít hình, hoặc vẽ nốt cho trọn vẹn hình đã vẽ ở tấm bên cạnh. Kết quả đôi khi là sự rối rắm hay vụn vặt.

Họa sỹ cao tay nghề sẽ hóa giải được 3 điều này, biến chúng thành đường vẽ cộng sinh nhuần nhuyễn với những hình vẽ khác, tất cả sẽ trở thành một toàn thể đẹp. Nếu không, là ngược lại.

Tôi chỉ xin đưa ra điểm a (trong những điều a, b, c) để “bắt đầu tìm hiểu …” và ví dụ này muốn nói rằng phê bình tranh có quá nhiều điều cần phân tích. Dành thời gian cho văn chương theo tôi không phải là lựa chọn tốt.

Tôi dị ứng với những kết luận kiểu “Bức tranh toát lên tình yêu quê hương tha thiết” mà trước đó chẳng phân tích “tình yêu quê hương tha thiết” đã được vẽ như thế nào? Lại còn sợ kiểu viết bất cứ cái gì cũng mở đầu bằng “Đã thổi hồn vào…

Viết thế, ai mà không viết được?

Chúng ta bắt đầu cảm thấy hình như có một trường phái phê bình nghệ thuật Việt Nam đã hình thành vững chắc, với diện mạo như vậy.

*

(Kỳ sau: Nguyễn Quân: Sự diêm dúa của từ ngữ)

 

*

Bài liên quan:

Tán về “Phê bình = Tán”, Bài 1 – Ông Tuấn bình cô Mai: không thấy hình, chỉ thấy chữ
– Bài 2 – Phê bình kiểu Nguyễn Quân: sự diêm dúa của từ ngữ

– Thử phân tích hai tác phẩm “Hòa Bình” và “Thánh Gióng” của Nguyễn Hải

– Phê bình mỹ thuật: là bạn hay là kẻ quấy nhiễu?
 
– Phê bình mỹ thuật: nên có nhiều cách cùng tồn tại, tùy cá tính người viết

 

Ý kiến - Thảo luận

22:25 Tuesday,5.3.2013 Đăng bởi:  Lê Thế Anh
Mình cũng thích phê bình phải cụ thể, rõ ràng (dẫn chứng, so sánh - phân tích, kết luận) cho từng vấn đề. Có phải ai cũng có trình độ chuyên môn như các bác trong nghề đâu. Lý luận - phê bình không chỉ để những người trong giới chia sẻ, học tập mà còn để cho ng
...xem tiếp
22:25 Tuesday,5.3.2013 Đăng bởi:  Lê Thế Anh
Mình cũng thích phê bình phải cụ thể, rõ ràng (dẫn chứng, so sánh - phân tích, kết luận) cho từng vấn đề. Có phải ai cũng có trình độ chuyên môn như các bác trong nghề đâu. Lý luận - phê bình không chỉ để những người trong giới chia sẻ, học tập mà còn để cho người dân cũng hiểu được phần nào, để rồi yêu thích. Chứ phân tích quá nhiều mỹ từ sẽ dẫn đến tình trạng: bản thân người được khen sẽ thấy sướng mà thỏa mãn, còn dân thường chẳng hiểu tác giả vẽ xấu - đẹp thế nào (nên mới có chuyện của bác Khánh ỡ Bãi giữa). Chắc các bác họa sỹ nổi tiếng sợ phê bình cụ thể quá sẽ làm mình trở nên tầm thường chăng? 
15:16 Tuesday,5.3.2013 Đăng bởi:  admin

Bạn Nguyệt Nga thân mến,


Xin phép không đưa cmt của bạn lên đây, vì tuy Soi là một diễn đàn mở thật, nhưng nếu không có những nguyên tắc về công bằng thì không thể "mở" mãi.


1. Bạn đã dùng một thủ pháp mà theo Soi là không đàng hoàng, khi một mặt, b
...xem tiếp

15:16 Tuesday,5.3.2013 Đăng bởi:  admin

Bạn Nguyệt Nga thân mến,


Xin phép không đưa cmt của bạn lên đây, vì tuy Soi là một diễn đàn mở thật, nhưng nếu không có những nguyên tắc về công bằng thì không thể "mở" mãi.


1. Bạn đã dùng một thủ pháp mà theo Soi là không đàng hoàng, khi một mặt, bạn ký là Nguyệt Nga artist, tức bạn là người trong giới thực hành nghệ thuật, một mặt bạn phủ đầu, rằng Nguyễn Gia Hòa là ai, quá ít người nghe, quá ít người biết Gia Hòa..., để bạn phủ nhận bài viết của Gia Hòa.


Bạn Nga thân mến,


Nếu bạn không biết họa sĩ Nguyễn Gia Hòa, thì hoặc là bạn chỉ làm nghệ thuật tại Việt Nam, chứ không tìm hiểu về cộng đồng làm nghệ thuật tại Việt Nam; hoặc là bạn mới vào nghề, chưa có thời gian tìm hiểu các thế hệ trước.


Còn nếu Nguyễn Gia Hòa chỉ là cái nick? Thì nick nào cũng là nick, Soi cũng có quyền nghi Nguyệt Nga là nick vậy để mà phủ nhận những gì bạn nói, chỉ cần bỏ cmt vào hộp trash rồi không phải mất công trả lời thế này.


Do đó, từ nay, với những cmt dùng thủ pháp “lấy nhân thân hạ gục bài” là Soi không đưa lên.


2. Cả đoạn sau của cmt, bạn dùng những từ ngữ chê bai như: vụng về, chụp mũ, thiếu logic, thừa thãi, tiểu nhân…


Soi đọc chỉ thấy tính từ hằn học, không có một dẫn chứng nào hết. Bạn nên bình tĩnh lại, viết hẳn một bài, với mỗi tính từ có một vài thí dụ của bài, như thế thuyết phục hơn. Soi sẽ đăng ngay tắp lự, thậm chí đưa thành bài riêng “để tiện theo dõi và dễ thảo luận”.


Cái nguyên tắc này trên Soi lâu nay cũng đã nói mãi, những cmt nào khen không thôi thì đưa lên được (người đời ít khen nhau lắm), chê cũng đưa lên được nhưng phải có lập luận rõ ràng, không có kiểu cmt tung một nắm tính từ đen tối làm tối tăm cả mặt admin. Nếu bạn đã vào Soi lâu rồi thì sẽ hiểu.


Dù sao cũng cảm ơn Nguyệt Nga nhiều nhé, vì bạn đã vào đọc.


Thân mến

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả