Điện ảnh

Mây Atlas: Xem để nâng mình lên một tầng mới 28. 02. 13 - 7:45 pm

Pha Lê tổng hợp

 

Nói thật là tôi không có ý định viết bài bình cho Mây Atlas. Giải Oscar làm chỗ nào cũng ngập tin phim, đọc phát chán; và từ đầu tôi biết chắc đây là phim khó xơi, có cấu trúc lạ, không hợp với phần đông khán giả nói chung. Phim này cũng chiếu ở rất ít nơi, ít suất, nhìn cũng biết rằng nó sẽ chiếu độ một tuần là giỏi, nên tôi định bụng “đi xem một mình, sướng một mình”.

Nhưng xem xong rồi lại thấy nếu không viết bài thì mình thật vô trách nhiệm.

Mây Atlas là phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn David Mitchell; giống Cuộc đời của Pi, ai mà đọc truyện thì sẽ nghĩ rằng không đạo diễn nào có thể dựng truyện này thành phim được (ngay cả nhà văn David Mitchell cũng từng nghĩ thế). Mây Atlas kể về 6 câu chuyện, kéo dài từ năm 1849 đến 2321, câu chuyện này có liên quan tới, hoặc làm lực đẩy cho câu chuyện tiếp theo diễn ra.

Anh công chứng viên Adam Ewing giúp đỡ Autua – một nô lệ da đen – đi lậu tàu, năm 1849.

Chàng nhạc sĩ Robert Frobisher nuôi tham vọng viết bản “Lục tấu Mây Atlas“, năm 1931.

Nữ phóng viên Luisa Rey quên mình để đi tìm sự thật đằng sau dự án hạt nhân của một tập đoàn kinh doanh có thế lực, năm 1975.

Năm 2012, ông Timothy bị em trai mình tống vào trại dưỡng lão.

Thời tương lai 2221, ở Tân Hàn Quốc, xã hội nhân bản vô tính con người và dùng người vô tính như một nguồn lực lao động mới; cô Sonmi-451 là nữ-phục-vụ-vô-tính làm việc tại nhà hàng thức ăn nhanh.

Năm 2321, chỉ còn vài tộc người sống sót trên trái đất, trong đó có bộ tộc hiền lành của anh Zachry.

Kiểu phim đan xen nhiều câu chuyện này không mới, nhưng vào tay chị em đạo diễn nhà Wachowski thì nó trở nên độc đáo, không giống phim nào cả. Anh Adam Ewing sống vào thời 1849 có liên quan gì đến Zachry sống vào năm 2321? Tại sao nữ diễn viên Halle Berry thủ vai Jocasta trong câu chuyện của Robert Frobisher vào năm 1931, sau đó lại thủ vai Luisa Rey năm 1975, rồi còn thủ vai Meronym năm 2321? Dàn diễn viên của Mây Atlas không chỉ thủ một vai trong một câu chuyện, mà còn thủ nhiều vai khác nhau; nhân vật của họ đổi tên, đổi giới tính, đổi màu da theo từng thời. Như Halle Berry chẳng hạn, cô thủ vai nhân vật Jocasta trong câu chuyện năm 1931, và Jocasta là một phụ nữ da trắng; sau đó Halle thủ vai Luisa Rey trong câu chuyện năm 1975, Luisa lại là phụ nữ da màu.

Halle Berry trong vai Jocasta, câu chuyện năm 1931

 

Halle Berry trong vai Luisa Rey, câu chuyện năm 1975

 

Châu Tấn trong vai người nhân bản vô tính Yoona (trái), thời tương lai ở Tân Hàn Quốc.

 

Châu Tấn trong vai Rose, cùng Tom Hank trong vai Zachry, thời năm 2321.

Vớt cái phần bọt nổi thì ta có thể đoán rằng bộ phim nói về thuyết luân hồi, sự tái sinh, đầu thai trong đạo Phật. Dù thời nay chúng ta còn mắc phải sai lầm của thời xưa, và dù có thể trong tương lai chúng ta sẽ lặp lại sai lầm của thời nay, nhưng kẻ xấu sẽ trở thành kẻ man di mọi rợ, còn người tốt hay người có cố gắng sẽ thấy một vùng trời sáng sủa khác.

Nhưng đấy chỉ là một phần nhỏ của bộ phim.

Xem Mây Atlas, chúng ta mới nghiệm được trách nhiệm của một con người đối với xã hội này, thế giới này. Từ lúc lọt lòng đến lúc chết, những hành động dù tốt hay xấu, dù lớn hay nhỏ, đều đem lại hệ quả nếu không ngay lập tức thì cũng cho tương lai, thậm chí cho tương lai rất rất xa. Vào thời 1849 của anh Adam Ewing, người da đen phải làm nô lệ; vào thời tương lai, thì “sản xuất công nghiệp” người vô tính rồi bắt họ phục vụ mình là chuyện hiển nhiên; nhưng đâu là lẽ phải? Đâu là điều đúng đắn? Lắm lúc, sống thật với bản thân và làm theo những gì lương tâm mách bảo sẽ kiến chúng ta đi trật với xã hội, sẽ bị nhiều người dè bỉu, lên án, xử phạt. Những nhật vật trong Mây Atlas không phải là vĩ nhân – ít ra không phải trong thời họ sống – họ là người bình thường, việc họ làm xem chừng rất nhỏ bé nếu đem so với những gì chống lại họ, công lao của họ như “giọt nước trong biển”. Nhưng chính các giọt nước nhỏ bé lại làm nên biển, có thể lúc này việc chúng ta làm không đem lại kết quả gì, nhưng nó vẫn ảnh hưởng đến tương lai, đến thế hệ sau.

Một cảnh trong câu chuyện năm 1849 của anh Adam Ewing. Câu chuyện này có liên quan gì đến chuyện của Zachry năm 2321? Các bạn xem phim sẽ rõ.

 

Nghệ thuật là cái đẹp, tuy nhiên nghệ thuật còn dùng trí tưởng tượng để liên kết, để nói lên sự thật, để truyền cảm hứng. Tôi tin rằng những ai đang lưỡng lự giữa “điều đúng” và “điều an toàn” sẽ được Mây Atlas tiếp thêm sức mạnh; những ai đang muốn phá vỡ khuôn khổ để yêu, để sáng tác, để đem lại hạnh phúc cho người thân của mình… sẽ tìm thấy nguồn động viên từ bộ phim này. Trong Mây Atlas, tôi thấy Cuộc đời của Pi, vì nó nói về trí tưởng tượng, sự thật, tôn giáo; tôi thấy Lincoln, vì nó đề cao nhân quyền, tự do, lẽ phải; tôi thấy Nausicaa của thung lũng Gió (phim hoạt hình do Miyazaki đạo diễn) vì phim nói về môi trường, về lòng dũng cảm để đi theo những gì mình cho là đúng; tôi thấy Đồi Brokeback, vì nó kể về tình yêu vượt giới tính; tôi thấy Romeo và Juliet, vì trong phim có hai nhân vật bị cấm yêu nhưng vẫn yêu nhau. Và hơn hết, tôi thấy Hugo; vì câu chuyện có thật là: Georges Méliès tưởng rằng mình đã bị quên lãng, rằng chẳng ma nào nhớ đến công lao của ông, hay nhớ đến những gì ông cống hiến cho nền điện ảnh, đến lúc ông mất ông vẫn nghĩ như thế. Nhưng Georges không biết rằng lúc ông còn làm phim thì ông có một fan hâm mộ: cậu bé con tên Martin Scorsese. Chuyện này xem chừng nhỏ xíu, nhưng trong tương lai, cậu bé ấy trở thành đạo diễn lừng danh, và chính Martin đã đi lùng lại các tác phẩm của Georges, để thế giới không quên công sức của ông. Mây Atlas cũng vậy, nó cho ta thấy rằng: những gì ta làm – dù nhỏ đến đâu – cũng ảnh hưởng đến xã hội và thế giới ngay cả sau khi ta chết đi.

Một cảnh trong câu chuyện của Sonmi-451 thời tương lai. Đây là phần chuyện có kỹ xảo cực đẹp, lãng mạn, sexy, cảm động, và mang nhiều ý nghĩa. Diễn viên Doona Bae đóng vai Sonmi, và Jim Sturgess đóng vai Hae-Joo Chang – người giúp đỡ Sonmi. Trong câu chuyện năm 1849, Jim đóng vai Adam Ewing, còn Doona lại đóng vai vợ của Adam.

 

Tôi biết chị em nhà Wachowski đã bỏ rất nhiều tâm huyết, đã phải đi vay vốn ở khắp nơi trong 3 năm, để thực hiện bộ phim này. Họ làm nó vì họ có lòng tin vào tác phẩm, vì họ thực sự yêu tác phẩm. Nếu các bạn rành về cuộc đời của hai chị em*, các bạn sẽ hiểu rằng Mây Atlas là nỗi lòng, là trái tim của cả hai, chứ chẳng liên quan gì đến chính trị hay lời lỗ. Oscar bỏ rơi phim này, chính tôi cũng biết Mây Atlas không hề dễ xơi, kén khán giả, thậm chí kén… đủ thứ; nhưng việc nhỏ nhoi tôi có thể làm được là viết bài này, kêu gọi các bạn đi xem phim. Có thể trong 500 người đọc thì chỉ có 1 người đi xem, nhưng biết đâu người đấy đang cần một tác phẩm như vậy, và biết đâu nhờ Mây Atlas truyền cảm hứng mà người ấy sẽ làm nên điều vĩ đại trong tương lai?

Bộ phim chiếu tại rất ít rạp và có thể sẽ không chiếu lâu. Nhanh lên mọi người ơi!

*

Chú thích

Chị em Wachowski từng là anh em Wachowski (đạo diễn Bound và Ma Trận), gồm Larry và Andy Wachowski, Larry Wachowski chuyển giới thành phụ nữ, lấy tên Lana Wachowski. Lana nhắc đến Mây Atlas và một phần ý nghĩa của bộ phim khi chính thức công khai giới tính và nhận Giải Nhân Quyền vào tháng 10. 2012.

*

Lịch chiếu (một số nơi chưa có lịch chiếu tiếp)

Hà Nội
Vincom City Towers (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 đường Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng) đến 28. 2
TT Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Q. Ba Đình) đến 28. 2
Lotte Cinema Land Mark (Tầng 5-6 – Keangnam Hanoi Landmark Tower – Lô E – Phạm Hùng, Từ Liêm) đến 14. 3
Lotte Cinema Hà Đông (Tầng 5 Mê Linh Plaza. Tô Hiệu. Hà Đông) đến 14. 3
Platinum Cineplex (Tầng 4, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm) đến 28. 2

TPHCM

Parkson Paragon (Tầng 5, tòa nhà Parkson Paragon, số 3 Nguyễn Lương Bằng, Q.7): đến 28. 2
Lotte Cinema Nam Sài Gòn (Tầng 3 – Lotte Mart – 469 Nguyễn Hữu Thọ – P. Tân Hưng – Q. 7) đến 14. 3 

Ý kiến - Thảo luận

17:57 Thursday,5.2.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Hoàng Vinh
Mình nghĩ cứ để tên là Mây Atlas vì ...
...xem tiếp
17:57 Thursday,5.2.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Hoàng Vinh
Mình nghĩ cứ để tên là Mây Atlas vì ... 
20:07 Wednesday,6.3.2013 Đăng bởi:  Thaothucsg
Tớ thấy các bạn Phụ đề Việt dịch tên phim là "Vân Đồ" nghe hay hơn là để tên "Mây Atlas" 
...xem tiếp
20:07 Wednesday,6.3.2013 Đăng bởi:  Thaothucsg
Tớ thấy các bạn Phụ đề Việt dịch tên phim là "Vân Đồ" nghe hay hơn là để tên "Mây Atlas"  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả