KIEV – Tỉ phú người Ukraine, cũng là mạnh thường quân Viktor Pinchuk, giơ tay chào trong lễ khai mạc triển lãm nhóm của Future Generation Art Prize Group Exhibition (Giải thưởng Nghệ thuật Thế hệ tương lai) ở trung tâm nghệ thuật Pinchuk, Kiev. Pinchuk là nhà tài phiệt kim loại và truyền thông, được coi là người giàu thứ hai của nước này, tuyên bố hôm 19. 2. 2013 rằng ông sẽ hiến ít nhất là nửa gia tài (ước lượng 3.7 tỉ USD) để làm từ thiện. Pinchuk, năm nay 52 tuổi, trở thành người Ukraine gốc Liên Xô cũ đầu tiên gia nhập phong trào của Bill Gates và Warren Buffett, phát động những người giàu nhất thế giới chia sẻ của cải cho xã hội. Ảnh: AFP/ Natalia Slipchuck.
Có nhiều tiền, Viktor Pinchuk giao du thân thiết với giới nghệ sĩ đình đám. Đây là ảnh chụp trong một buổi tiếp tân tại Pinchuk Art Centre, trước lễ trao giải Future Generation Art Prize 2010. Đứng từ trái sang: Takashi Murakami, Damien Hirst, Victor Pinchuk, Andreas Gurski và Jeff Koons.
MARSEILLE – Các công nhân đang lắp trên Vieux Port ở Marseille, miền Nam nước Pháp, những tấm kính do kiến trúc sư Anh Norman Foster thiết kế. Sắp đặt này được khai mạc vào ngày 2. 3. 2013. Ảnh chụp hôm 18. 2. 2013, của AFP/Anne Christine Poujoulat.
VIENNA – Trong bức ảnh chụp ngày 18. 2. 2013 này, một đám khách tham quan khỏa thân đứng ngắm một bức tranh trong triển lãm “Nude Men from 1800 to Today” (Đàn ông khỏa thân từ 1800 tới ngày nay), tại một buổi đặc biệt dành riêng cho hội ái hữu khỏa thân, ở bảo tàng Leopold, Vienna, Áo. Triển lãm này mở cửa từ hồi tháng Mười năm 2012, kết thúc vào 4. 3. 2013. Chủ đề là xem cách thức các họa sĩ của nhiều thế kỷ xử lý đề tài đàn ông khỏa thân như thế nào (khác xử lý đàn bà khỏa thân ra sao?).
MENTON – Một người đàn ông đang tưới cho tác phẩm “The rail road with Big Ben” (Đường ray xe lửa với Big Ben) – một tác phẩm làm bằng cam và chanh, ở Menton, vùng French Riviera, trước khi bắt đầu Lễ hội Chanh. Chủ đề của lễ hội lần thứ 80 này là “Le Tour du monde en 80 jours” (Vòng quanh thế giới trong 80 ngày). Lễ hội diễn ra từ 16. 2 đến 6. 3. 2013. Ảnh: AFP/Valery Hache.
FRANKFURT – Từ 20. 2 đến 26. 5. 2013, bảo tàng Städel ở Frankfurt có một triển lãm đặc biệt, có tên “Beauty and Revolution” (Cái đẹp và Cách mạng), chuyên về nghệ thuật Tân Cổ điển (Neoclassicism) và những thôi thúc mà nó mang lại để trường phái Lãng Mạn thoát thai. Bày những tác phẩm điêu khắc, hội họa, và tranh in quan trọng của trường phái này, mượn từ nhiều bộ sưu tập của nhiều nước trên thế giới, triển lãm giúp người xem khám phá sự ảnh hưởng mang tính quyết định của mỹ thuật cổ lên các họa sĩ thời ấy. Ảnh: Norbert Miguletz.
Triển lãm “Beauty and Revolution” (Cái đẹp và Cách mạng) tập hợp được hơn 100 tác phẩm, trải từ 1770 đến 1820, của những nghệ sĩ như Anton Raphael Mengs, Thomas Banks, Antonio Canova, Jacques-Louis David, Bertel Thorvaldsen, Johann Gottfried Schadow, và Jean-August-Dominique Ingres. Đây là triển lãm lớn đầu tiên ở Đức bàn về những khía cạnh đa dạng, thậm chí là mâu thuẫn của phong cách Tân Cổ điển. Cái hấp dẫn nhất là người xem được “học” qua rất nhiều ví dụ tiêu biểu, là tác phẩm mượn từ các bộ sưu tập khác nhau trên thế giới.