Gẫm & Bình

Họa sĩ trẻ nghĩ gì? Người xem nghĩ gì? Không việc gì phải xoắn! 23. 03. 13 - 8:54 am

Toàn Hồng

Hoàng Duy Vàng, “Sống để vẽ”, sơn dầu, 40 x 60 cm

 

Đọc bài viết của Giỏ Mây và hôm qua dự tọa đàm của các họa sĩ trẻ về, tôi có mấy suy nghĩ như thế này:

Về người viết

Tôi tôn trọng cảm nhận của bạn, cho dù cảm nhận đó có thể không giống với tôi. Bạn có thể cảm thấy sốc trước những bức tranh của các hoạ sĩ ở đây hoặc trước những lời giới thiệu của hoạ sĩ Bằng Lâm – một người có vai vế trong làng mỹ thuật chính thống – về triển lãm. Nhưng cách nhìn của bạn cũng chỉ là một cái nhìn, trong vô số những cách nhìn về triển lãm này. Không phải là cách nhìn (có tính phê phán) duy nhất.

Tôi nghĩ các hoạ sĩ trẻ có tác phẩm trưng bày ở triển lãm, nếu có (chẳng may) đọc bài của Giỏ Mây thì cũng chỉ nên coi đó như một ý kiến, một cách cảm nhận về tác phẩm của mình, không nên lấy làm điều, tránh đi đến hai thái cực: hoặc càm thấy kém tự tin, hoặc giận dữ cho rằng tác giả bài viết có ác ý với tác phẩm của mình.

Một khi đã được đem ra trưng bày, tác phẩm không còn là của riêng tác giả nữa mà bắt buộc phải chịu sự phán xét của người xem. Sự phán xét đó có thể cay nghiệt, có thể khoan dung và dù có như thế nào đi chăng nữa thì cũng còn tốt hơn là tác phẩm bị rơi vào quên lãng, không ai buồn để ý.

Cứ nhìn những bức hình chụp phòng triển lãm vắng như chùa bà Đanh mới thấy cần những bài viết như của bạn Giỏ Mây; phải cảm ơn Giỏ Mây, và có lẽ cũng nên cảm ơn cả Soi nữa vì đã giúp cho rất nhiều người, do không có điều kiện về thời gian, hoặc thiếu thông tin, biết là có một triển lãm ở giữa Hà Nội như thế.

Chi tiết trong bức “Nhà triển lãm” của Phạm Tuấn Tú


Về triển lãm

Tôi nghĩ đây là một triển lãm chẳng có gì sai. Bỏ mặt nghệ thuật ra, về mặt “tín hiệu” là tốt.

Lý do bởi vì nếu cách đây chỉ chừng dăm năm thôi, khó có thể tưởng tượng nổi một triển lãm như thế này lại có thể diễn ra, lại ngay tại một trung tâm triển lãm nằm ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội!

Đã từng có rất nhiều trường hợp, chỉ vì một bức tranh với chủ đề tương tự như trong triển lãm này mà có khi cả một triển lãm bị dừng lại; hoặc nhẹ ra thì những tác phẩm kiểu “có vấn đề” về thuần phong mỹ tục (một tiêu chí khá chung chung trừu tượng nhưng lại luôn được áp dụng một cách riết róng, cụ thể) cũng bị buộc phải hạ xuống trước giờ cắt băng khai mạc triển lãm, sau đó treo ở chân cầu thang.

Việc một triển lãm như thế này diễn ra được cho thấy ít nhất một không khí cởi mở, đa chiều đã hiện diện trong đời sống nghệ thuật ở ta. Sự cởi mở ấy đã đủ mở để chấp nhận những triển lãm “tự do”, không bắt buộc theo một chủ đề cứng nhắc, và các họa sĩ muốn vẽ gì thì vẽ cho triển lãm. Nên mừng chứ!

Tầng 2 của triển lãm

 

Về các họa sĩ trẻ

Cứ cho là họ đã làm đúng theo cái tên của triển lãm là Các nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì?, có nghĩa là nghĩ gì vẽ nấy thì thật tình mà nói, họ đã làm được điều rất cần cho hoạ sĩ ở ta: chân thật với bản thân trong tác phẩm.

Ờ, thì cứ cho rằng nghệ sĩ trẻ hiện nay (mà quy kết trầm trọng hơn là lớp trẻ) nghĩ nhiều đến tiền và sex và thể hiện nó qua tác phẩm (chiếm tỷ trọng lớn trong triển lãm này) thì điều đó có gì là xấu?

Trẻ tuổi mà không nghĩ đến sex thì mới là bất bình thường! Còn nghĩ đến tiền là một trong nhiều cách để hiện thực hóa phương châm phát triển của xã hội là “dân giàu” thì nước mới mạnh. Khi nói một ai đó hay nghĩ đến tiền, người ta thường có xu hướng quy kết rằng tiền đó “là do phi pháp mà có” và đó là một quan niệm hết sức sai lầm.

Còn việc các tác phẩm trưng bày ở triển lãm có nghệ thuật hay không, có gợi được những cảm xúc thẩm mỹ tích cực nơi người xem hay không, lại là một câu chuyện khác. Và trong chuyện này, trải nghiệm cá nhân của từng người xem là một yếu tố quan trọng. Tôi hay nghĩ đến sex chẳng hạn, tôi thấy đồng cảm. Giỏ Mây ít nghĩ đến sex chẳng hạn, Giỏ Mây thấy sốc… Không cảm giác nào là sai cả. Cảm giác nào cũng có quyền của nó. Các họa sĩ trẻ cũng không nên phản ứng với việc người ta sốc với mình. Chẳng phải nhiệm vụ của nghệ thuật là làm “sốc điện” người xem sao. Sau mỗi cú sốc, người ta mới chịu tư duy sâu hơn chứ!

Nguyễn Thái Thăng, “Vô đề”, sơn dầu, 120 x 160 cm


Về câu lạc bộ của anh Hoàng Duy Vàng

Tôi cho đây là một mô hình tốt. Trong thời buổi người người cạnh tranh, nhà nhà kèn cựa, các bạn tham gia câu lạc bộ họa sĩ trẻ ít nhất vẫn còn mang một tinh thần đoàn kết nào đó, cùng nhau chơi, cùng nhau làm triển lãm.

Tôi vẫn nhớ hồi Luala triển lãm ngoài phố, hình ảnh các bạn trong câu lạc bộ họa sĩ trẻ cùng giúp nhau treo tranh làm tôi nhớ mãi và cảm động.

Tôi tin rằng mỗi họa sĩ trẻ trong câu lạc bộ này đều có một hướng làm việc riêng, một dự án dài hơi, nhưng trong một triển lãm nhóm thế này, khó có thể cho người xem thấy được tính dài hơi của mỗi cá nhân. Mỗi họa sĩ chỉ có thể bày ra một, hai bức; mà rất có thể một, hai bức ấy là thuộc một loạt tranh thể nghiệm nào đó về ý tưởng, kỹ thuật…, mà họa sĩ ấy đang thực hiện.

Cho nên tôi hy vọng anh Hoàng Duy Vàng, ngoài những triển lãm chung như thế này, thỉnh thoảng có thể làm một loại triển lãm khác, tức là trong đó nói về các dự án mà họa sĩ trong câu lạc bộ đang theo đuổi, vừa là một cách “xí phần” ý tưởng (chống bọn nhái), vừa cho người xem được biết công việc của các họa sĩ. Có thể bày một bức tranh, pho tượng thôi, nhưng kèm theo là một số hình ảnh của quá trình theo đuổi dự án ấy, và một ít lời giới thiệu thật cụ thể, tránh viết theo kiểu bác Bằng Lâm 

Đỗ Hiệp, “Tưới mát tâm hồn”, acrylic, 40 x 120 cm

 

Về bác Bằng Lâm (người đã viết lời giới thiệu khiến bạn Giỏ Mây bị sốc)

Tôi nghĩ việc các bác cho phép triển lãm diễn ra, rồi bác Bằng Lâm còn viết lời giới thiệu “bảo kê” cho các họa sĩ trẻ cho thấy một cách nhìn khá rộng rãi, phóng khoáng đối với lớp trẻ.

Tuy lời giới thiệu đọc thì có vẻ nghiêm túc, nhưng tôi đồ rằng bác vừa viết vừa cười đùa với các bạn họa sĩ trẻ: “Tao viết thế này cho chúng mày triển lãm được. Cho nó nhanh!”

Nhưng phải nói thẳng thắn rằng tôi cảm thấy hơi ngạc nhiên, không ngờ lại có được một cách tiếp cận và bảo vệ họa sĩ trẻ khoáng đạt đến như vậy! Nhớ thời xưa, các bậc cha chú thường là né tránh, ông này đùn ông nọ, vừa dìm con trẻ, vừa sợ hãi.

Chẳng có cây nào mới trồng đã thành cổ thụ cả (trừ mấy ông chơi bonsai bỏ tiền tấn ra mua của bọn đi phá rừng). Hầu hết các bậc “mét” ở nước ngoài cũng đều phải nhờ sự chăm sóc, có cách nhìn liên tài, bảo vệ của các bậc trưởng thượng rồi mới thành danh được!

Cảm ơn bác Lâm!

*

Tóm lại, đây chỉ là một triển lãm, nói lên một cách nhìn, cách nghĩ, cách thể hiện của một số họa sĩ trẻ, không có gì quá “nguy hiểm” đến mức phải bài xích, tuy không có gì đặc biệt để phải ngợi ca quá.

Bài viết của Giỏ Mây chỉ là một cách nhìn của cá nhân bạn ấy, và bạn ấy có quyền nhìn như thế. Hôm qua tôi dự tọa đàm của các bạn, mới thấy các bạn họa sĩ căng quá, giận dữ ghê quá khi có người chê mình, phê mình trên Soi.

Tôi cũng mong các bạn nghĩ kỹ hơn về những lời chê ấy, không bổ chiều ngang cũng bổ chiều dọc cho công việc của các bạn. 

Tóm lại, đường còn dài, cứ bình tĩnh làm việc và tiếp thu và rèn luyện bản lĩnh, không việc gì phải xoắn!

*

SOI: Đây là cmt cho bài “Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì?” không có chi lạ… Soi xin đưa lên thành bài cho các bạn dễ theo dõi. Cảm ơn bạn Toàn Hồng nhiều.

 

*

Bài liên quan:

– “Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì?” không có chi lạ. Lạ với những gì Kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy ngợi ca. 
– Họa sĩ trẻ nghĩ gì? Người xem nghĩ gì? Không việc gì phải xoắn!

– Này thì trẻ, này thì già

– Ổn rồi, chỉ cần bình tĩnh hơn và bớt “xù lông”

– Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì, trên con đường nghệ thuật họ biết và hiểu hơn ai hết
 
– Tôi đã nhìn thấy “quan cốt cách” ở anh Duy Vàng
 
– Thư gửi họa sỹ trẻ

 

Ý kiến - Thảo luận

13:00 Sunday,24.3.2013 Đăng bởi:  Candid
Cũng lâu lâu rồi em đọc 1 bài báo tiêu đề là Tình dục, ma tuý và tiền. Mặc dù tiêu đề thế nhưng Nội dung thì toàn là những thứ chả liên quan vả rất chán. Em cố đọc đến hết thì đoạn cuối người ta mới nói có một nghiên cứu rất nghiêm túc chỉ ra là nếu đặt tiêu đề như thế thì hầu hết người đọc, cho dù độ tuổi hay trình độ văn hoá thế nào cũng sẽ
...xem tiếp
13:00 Sunday,24.3.2013 Đăng bởi:  Candid
Cũng lâu lâu rồi em đọc 1 bài báo tiêu đề là Tình dục, ma tuý và tiền. Mặc dù tiêu đề thế nhưng Nội dung thì toàn là những thứ chả liên quan vả rất chán. Em cố đọc đến hết thì đoạn cuối người ta mới nói có một nghiên cứu rất nghiêm túc chỉ ra là nếu đặt tiêu đề như thế thì hầu hết người đọc, cho dù độ tuổi hay trình độ văn hoá thế nào cũng sẽ chịu khó đọc hết bài. Điều đó chứng tỏ chúng ta quan tâm đến các vấn đề Tình dục, ma tuý và tiền hơn chúng ta tưởng.

Thế nên người trẻ và họa sĩ trẻ có nghĩ thế thì cũng không sốc. 
19:53 Saturday,23.3.2013 Đăng bởi:  Lee trần

Cảm ơn triển lãm của các bạn trẻ - cảm ơn những chia sẻ của các bạn - cảm ơn một lớp họa sĩ trẻ - cảm ơn đời - cảm ơn người - cảm ơn một triển lãm ổn, nhưng không thể khẳng định đây là ý nguyện của tất cả các họa sĩ trẻ! Triển lãm này là một triển lãm khá trong tất cả các tri
...xem tiếp

19:53 Saturday,23.3.2013 Đăng bởi:  Lee trần

Cảm ơn triển lãm của các bạn trẻ - cảm ơn những chia sẻ của các bạn - cảm ơn một lớp họa sĩ trẻ - cảm ơn đời - cảm ơn người - cảm ơn một triển lãm ổn, nhưng không thể khẳng định đây là ý nguyện của tất cả các họa sĩ trẻ! Triển lãm này là một triển lãm khá trong tất cả các triển lãm trung bình tại HN trong khoảng 9 tháng 10 ngày vừa qua. 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả