Ăn uống

Ăn uống: Mùa hè nóng, ăn pasta;
Nhưng ăn sao để không bị nhầm? 24. 03. 13 - 8:03 am

Pha Lê

Hôm trước làm bài pizza cho Soi, có người vào đọc rồi hỏi về một món Ý nữa là mì ống, nên hôm nay muốn giới thiệu mì Ý đến cho mọi người. Món này nghe thì tưởng đơn giản nhưng nghiên cứu một chút là thấy nó phong phú kinh khủng, dân “không phải Ý” rất hay xơi nhầm công thức.

Mì Ý gọi tiếng Việt là ‘mì’ vậy chứ nó không chỉ có mì. Bột mì của Ý nhào với trứng và chút muối, đem cán ra, đều gọi là pasta (nguyên liệu có thể thay đổi, thêm bớt chút, nhưng cơ bản là vậy). Rồi sau đó từng loại pasta có tên riêng. Nếu người Eskimo có hơn 40 tên gọi cho tuyết thì người Ý có hơn 100 tên cho pasta, nghe muốn chóng mặt.

Các loại pasta dài. Trong loại này thì phổ biến nhất là spaghetti. Loại các nhà hàng xịn hay dùng là capellini. Loại capellini còn có tên angel hair (tóc thiên thần) vì nó rất mỏng, khi lên dĩa trông sẽ… quý phái hơn spaghetti. (Mọi người muốn đọc rõ chữ thì bấm vào hình để phóng to nó lên nhé). (Toàn bộ hình trong bài là từ Internet)

 

Các loại pasta ngắn. Loại penne hay fusilli là thứ người Việt mình thường mua làm nui xào. Tôi thì đặc biệt thích loại farfalle (farfalla trong tiếng Ý có nghĩa: con bướm, nhưng nhiều người cũng gọi nó là pasta hình cái nơ)

 

Các loại pasta nhỏ, thường để cho vào súp.

 

Các kiểu pasta dài mà nhà hàng thường làm tay chứ không đi mua đồ khô. Paglia và tagliatelle làm tay thường xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng Ý chính thống.

 

Mì Ý cũng có nhiều màu sắc. Theo truyền thống: màu vàng là nhiều trứng, màu ửng đỏ là trong bột có trộn cà chua, màu xanh là trộn cải bó xôi, màu đen là trộn mực của con mực.

Nhưng nhiều pasta thế, biết đường đâu mà ăn cho đúng? Giống pizza, pasta cũng có vài nguyên lý nhất định. Mọi người có thể áp dụng để tự làm hoặc để biết đường gọi món.

1. Những loại pasta dài với bản tròn nhỏ như spaghetti là để ăn cùng sốt kem hoặc sốt pho-mát, không phải để ăn cùng sốt cà chua. Cái món spaghetti sốt cà chua là để cho… du khách lẫn người “không phải Ý” xơi. Nguyên nhân đơn giản nhất là hình dạng của spaghetti khiến nó rất trơn trượt, nên sốt cà không dính bám nhiều vô sợi mì, ăn chỉ toàn thấy mì chứ không nếm được sốt. Đây là lỗi cơ bản nhất, do ai cũng tưởng spaghetti sốt cà là món Ý truyền thống. Sốt kem, sốt pho-mát có độ đính cao, hợp với spaghetti hơn.

Món Ý truyền thống: mì spaghetti carbonara. Món này gồm mì spaghetti, sốt kem, pho-mát bào, và thịt giăm-bông hoặc xông khói. Các loại pasta thường phải có độ dai, nên có nấu mì thì bạn nhớ nấu vừa chín thôi, không nên nấu cho mềm oặt, lúc bỏ vào sốt nó sẽ… nhão ra, ăn rất gớm.

 

Bạn có thể dùng spaghetti với cà chua xắt nhỏ, cà chua bi (nghĩa là nấu mì rồi trộn thêm cà chua tươi hoặc cà chua nướng sơ), chứ đừng nấu cà chua thành sốt.

Spaghetti với cà chua bi nướng. Thực tế thì bạn làm sốt chi cho mất công. Cứ nướng hoặc xắt nhỏ cà chua, luộc mì, xong trộn mì với tí tỏi băm, dầu ô-liu, và chanh, rồi trộn thêm cà chua. Như vậy món mì cũng mát hơn.

 

Mì spaghetti đen trộn chanh vàng và dầu ô-liu, dùng với tôm nướng. Các loại pasta đen trộn từ mực của con mực có vị đặc biệt ngon, nên bỏ lắm sốt sẽ làm át mất vị. Loại này chỉ nên trộn tí chanh hay dầu ô-liu, sau đó ăn kèm hải sản là hết ý. Bạn nào ở Sài Gòn thì có thể ăn mì mực này ở Dragon Steak. Đến buổi trưa nhé sẽ có buffet rau free!

 

2. Loại pasta ngắn, hoặc loại dài, bản dẹt, to là ăn cùng với sốt cà chua được. Các loại ngắn dễ lấy sốt, như nui penne thì có lỗ, hoặc như farfalle là có thể ăn bằng muỗng; còn loại dài dẹt thì sốt cà cũng dễ bám vào hơn loại spaghetti trơn trượt. Phổ biến để ăn kèm sốt cà chua là paglia và tagliatelle. Vào nhà hàng Ý xịn, nếu bạn kêu tagliatelle cùng sốt cà chua (hoặc sốt cà chua có thịt băm, thịt viên), dân tình sẽ hiểu bạn không phải du khách thường, rằng bạn có biết về món Ý. Còn nếu nhà hàng không có tagliatelle thì bạn bảo làm một dĩa pasta ngắn, loại nào cũng được, với sốt cà.

Tagliatelle với sốt cà

 

Loại farfalle với sốt cà. Loại này con nít rất khoái. Nếu bạn mua được farfalle nhiều màu sắc nữa thì sẽ dễ dụ chúng thử ăn mì, và các bé có thể dùng muỗng khi ăn farfalle. Còn không, bạn thử bỏ chúng vào súp, hoặc lấy nó nấu món nui nước thay vì dùng nui ống nấu, món nui sẽ trông bắt mắt hơn.

 

3. Loại sốt xanh (Việt Nam mình có bán mấy hũ làm sẵn, đề là pesto) thì hợp với đa số các kiểu pasta. Loại này xay từ rau mùi và dầu ô-liu, khi trộn vào pasta sẽ khiến mì có vị mát như rau thơm. Ai ngán thịt, ngán sốt kem, có thể dùng thử sốt xanh từ rau mùi. Món này cũng hợp cho mùa hè nóng bức nữa.

Spaghetti trộn sốt xanh với cá nướng. Nhìn không nặng nề như mấy món có sốt kem hoặc cà chua.

 

4. Các loại pasta ngắn thì thích hợp để làm xa-lát, ăn lạnh hoặc nguội. Pasta ngắn không chỉ dùng để nấu mì mà còn dùng để trộn xa-lát. Tại những nơi có lắm rau ngon vào mùa hè, dân tình khoái ăn xa-lát cho mát, nhưng thấy thiếu tinh bột thì họ trộn thêm chút pasta vô. Bạn luộc mì, trộn với đủ thứ từ bông cải xanh (brocoli), cà rốt, cà chua, ớt chuông, dưa leo… với sốt chanh hay dấm gì đấy, sau đó dùng dần dần; thậm chí có thể tống vào tủ lạnh, trước khi ăn lấy ra khoảng 5 phút rồi dùng lúc xa-lát vẫn còn hơi lạnh cho mát người.

Nui penne với bông cải xanh, bông cải trắng, hành tím, hành lá, dùng kèm sốt dấm pha mù tạt.

 

Fusilli trộn cà chua bi, trái ô-liu, pho-mát, và lá thơm basil.

 

Ai đang ngán cơm, xin mời khám phá thế giới mì Ý. Tôi thấy dạo này trời cứ nóng hầm hầm, đi mua pasta ngắn về trộn xa-lát ăn thôi.

 

*

Bài liên quan:

– Ăn uống: Mùa hè nóng, ăn pasta; Nhưng ăn sao để không bị nhầm? 
– Lịch sử của Pasta ở Ý: thoạt tiên không phải của Ý…
 
– Ăn uống: Pasta – cho người Việt và để dụ trẻ con
 
– Từ chuyện luộc pasta

 

Ý kiến - Thảo luận

21:08 Wednesday,29.7.2015 Đăng bởi:  phale
@meohan: Cái này thì không nghi ngờ gì rồi bạn, thời nay chẳng mấy ai bỏ kem nữa, kể cả mấy người ở các thành phố phía Bắc :)) nếu mình làm việc quần quật ngoài đồng thì không sao chứ ngồi văn phòng mà xơi carbonara kem thì bụng chỉ có nước rớt xuống đất.

Dù rằng vẫn còn dân hảo béo ở nước ngoài thích xơi carbonara kem... kinh dị với người châu Á lắm n
...xem tiếp
21:08 Wednesday,29.7.2015 Đăng bởi:  phale
@meohan: Cái này thì không nghi ngờ gì rồi bạn, thời nay chẳng mấy ai bỏ kem nữa, kể cả mấy người ở các thành phố phía Bắc :)) nếu mình làm việc quần quật ngoài đồng thì không sao chứ ngồi văn phòng mà xơi carbonara kem thì bụng chỉ có nước rớt xuống đất.

Dù rằng vẫn còn dân hảo béo ở nước ngoài thích xơi carbonara kem... kinh dị với người châu Á lắm nếu bị mời vì quá béo, ăn không quen. Được cái nếu mình làm khách du lịch trong thời tiết lạnh thì xơi một đĩa carbonara kem là có thể đi dạo bảo tàng cả ngày mà không sợ đói. 
1:27 Wednesday,29.7.2015 Đăng bởi:  meohan
Cám ơn Pha Lê đã giải thích. Trước đó mình có xem clip của legendary chef Antonio Carluccio làm spaghetti carbonara thì thấy không có dùng kem (và dĩ nhiên là không thể thiếu parmigiano reggiano và pancetta chiên giòn + tiêu đen, tại comment trước mình chỉ nói về kem và trứng thôi nên không đề cập tới các nguyên liệu này). Sau đó mình có ăn món này do chef người Italian của Salinda Resort
...xem tiếp
1:27 Wednesday,29.7.2015 Đăng bởi:  meohan
Cám ơn Pha Lê đã giải thích. Trước đó mình có xem clip của legendary chef Antonio Carluccio làm spaghetti carbonara thì thấy không có dùng kem (và dĩ nhiên là không thể thiếu parmigiano reggiano và pancetta chiên giòn + tiêu đen, tại comment trước mình chỉ nói về kem và trứng thôi nên không đề cập tới các nguyên liệu này). Sau đó mình có ăn món này do chef người Italian của Salinda Resort Phú Quốc nấu (quên tên rồi) và thấy y chang như trong clip nên cứ nghĩ là những món spaghetti carbonara có dùng kem là không phải truyền thống. Pha Lê xem qua clip mà mình đã xem nhé: http://youtu.be/3AAdKl1UYZs 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả