|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhÀ Ố show: Ngạc nhiên ngoài mong đợi 08. 05. 13 - 2:08 pmKay Nguyen
Hoan hô lớn nhất dành cho À Ố chính là nghệ thuật sử dụng đạo cụ. Múa và xiếc vốn là hai loại hình bị quy định khá chặt chẽ bởi đạo cụ: vừa phải tuân thủ tính ước lệ, vừa phải có công dụng thực tế, đảm bảo độ an toàn cao, để diễn viên sử dụng như một phần của việc kể chuyện bằng hình ảnh. Cái tìm tòi của những người làm show này là tuy họ cũng dùng đúng những công cụ truyền thống của người Việt: thuyền thúng, quang gánh, gậy tầm vông…, cũng cốt để phả lên cái hồn sân khấu ước lệ, nhưng họ không vấp phải tình trạng “nghĩa đen” của đồ vật; họ thoát được thân phận và công dụng đời thực của các vật dụng kia, không để chúng gây “nấc cục” về mặt thưởng lãm nghệ thuật trong công chúng. Nói một cách khách, À Ố đã sử dụng đạo cụ một cách rất tế nhị. Trong À Ố, thuyền thúng trở thành một dạng công cụ giả lập điều kiện phi trọng lực của các… phi hành gia trong quá trình đào tạo: những nghệ sĩ xiếc bám tay và chân vào đúng phần rìa của thúng, rồi cứ thế xoay tròn khắp sân khấu bằng lực tự thân. Cảm giác này vừa có cái thú vị trầm trồ của thập niên 1960 khi trào lưu “futurism” (vị lai) đang rầm rộ lúc Liên Xô và Mỹ cùng chạy đua vào không gian, vừa gợi nhắc đến hình ảnh rất cổ điển của người đàn ông Vitruvian, phác hoạ bởi Leonardo Da Vinci để tôn vinh vẻ đẹp hoàn hảo của con người. Hay như cái quang gánh bằng tre nứa dùng để đặt nồi nước lèo và mâm thúng vào của các người bán rong, cũng được tái hiện lại với kích cỡ nhỏ hơn cho phù hợp sân khấu, và có độ dẻo cao hơn, để các nghệ sĩ xiếc xoay mạnh quanh trục tạo thành nhiều motor quay sinh động ngợp trong không gian, biến đổi hoàn toàn hình thức thể hiện quen thuộc của quang gánh, xây dựng được ngôn ngữ mỹ thuật cao cho chúng. Kết cấu của À Ố là những mô-đun múa xiếc khác nhau lắp ghép lại một cách tự nhiên theo trật tự tuyến tính: cuộc sống và vẻ đẹp của người dân Nam bộ được ước lệ hóa và tái hiện lại từ thời xưa đến hiện đại. Theo một nhà sản xuất của show, mỗi đêm diễn, “biên đạo tùy nghi lắp vào gỡ ra những mô-đun này để tạo sự tươi mới”, nghe chừng rất hậu hiện đại theo một hình thức collage (tranh ghép), chủ yếu để gợi mood (cảm quan) chứ không chắm chú quá nhiều vào mạch chuyện như các nghệ thuật truyền thống kiểu cũ nữa. Cảnh nông thôn đằm thắm ngày xưa được tái hiện lại sinh động trong À Ố: đi cầu khỉ, hái sen, hát hò đùa ghẹo nhau những ngày gặt lúa… Còn về thời hiện đại thì có những đoạn “phim” ngắn rất hoạt kê về văn hóa chung cư, văn hóa thiếu niên đường phố, văn hóa đi xe bus, tất cả đều có một ngôn ngữ ước lệ nhất định và vẫn tạo được tiếng cười sảng khoái, chắc là để giảm bớt phần đầu về nông thôn thời xưa khá là nghiêm túc, ước lệ, với những trường đoạn thậm chí hơi siêu thực về đề tài… côn trùng. Nghệ thuật của À Ố không quá hàn lâm, nhưng vẫn rất ý nhị, chăm chút! Sắc thái Nam Bộ xuyên suốt thể hiện bằng âm nhạc. Đây cũng là một điểm nhấn khá tốt của À Ố: hệ thống đàn dây, bộ gõ dân tộc của miền Nam được trộn khá tính toán với đàn dây của phương Tây, âm điệu cổ điển nước ngoài thi thoảng được mixed lại với làn điệu dân tộc trong cùng một khuôn nhạc… Đây là một show diễn để người Việt Nam có thể tự hào dân tộc, và người nước ngoài tìm thấy thêm được một lý do tuyệt vời nữa để chọn Sài Gòn làm điểm tham quan. * À ố show Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|