Khác

Chủ nhật, tuần thứ 2 (phần 2): Trong mưa rào, cả nghệ sĩ lẫn khán giả đều xuất sắc 30. 04. 13 - 6:08 am

Bài và ảnh: Tịch Ru

 

LUALA Concert Xuân Hè 2013

20. 4. 2013 – 5. 5. 2013
Thứ Bảy và Chủ Nhật
16:00pm – 18:00pm
61 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
www.luala.vn
www.facebook.com/lualavn

*

(Tiếp theo phần 1)

Mở đầu là bản “Hòa tấu hươn mạy” với tiết tấu nhanh, vui vẻ, xáo động. Hươn mạy là một thanh nứa rỗng ruột được khoét hai bên (trông như cái kẹp để nướng nem lụi). Âm thanh hươn mạy vừa giản dị, mộc mạc, lại nhiều tính tiết tấu (nghe như tiếng gặt lúa trên nương rẫy).

 

Bản nhạc thứ hai là sự kết hợp giữa đàn môi của Ngô Hồng Quang và khèn Thái của Đức Minh. Giai điệu trong sáng mềm mại, giống như đôi lứa đang nói những lời trao duyên.

 

Tác phẩm thứ ba là “Thời gian”, hoàn toàn chỉ sử dụng bộ gõ. Với tiết tấu sôi động, cuồng nhiệt, bộ gõ được sử dụng khá đa dạng từ trống đế, trống cái, cho đến các trống phách…

 

Rồi màn solo tiêu rất trữ tình của NSƯT Văn Doanh. Nghe mà liên tưởng tới những buổi chiều ngoài đồng, hoặc một hôm thong thả sang đình chơi.

 

“Chiêng dây” là tác phẩm thứ tư. Phần chiêng dây do Ngô Hồng Quang đảm nhận, Minh Chí đảm nhiệm bộ gõ, Đức Minh thổi kèn môi và khèn tạc tà của người Tây Nguyên, Văn Ty chơi hươn mạy và Văn Doanh thổi tù và. Đây là một tác phẩm đương đại sử dụng âm sắc và nhạc cụ dân tộc rất nhuần nhuyễn.

 

Một khán giả là anh Hồ Phàm người Pa Cô (Tây Nguyên) nghe thấy giống với dân ca dân tộc mình quá, liền xin mic và lên “ứng tấu” cùng. Mặc dù hoàn toàn là ngẫu hứng, nhưng đó là một trải nghiệm mới rất thú vị, hiếm khi có những màn tương tác trực tiếp giữa khán giả với người chơi như thế này. Màn biểu diễn thật tưng bừng, như trong một lễ hội.

 

Kế tiếp, màn solo khèn Thái của Đức Minh lại đưa khán giả trở lại cảm giác thanh bình, nhẹ nhàng.

 

Rồi tác phẩm “Vượt đèo” với những âm thanh huyền bí, ma mị, gây cảm giác chông chênh. Có một sự cố nho nhỏ là khi gần kết thúc, chiêng dây của Ngô Hồng Quang bị đứt dây, gây ra một số tiếng rè rè, nhưng đã được khắc phục ngay sau đó.

 

Kết thúc cho phần đầu của chương trình là tác phẩm “Bảo vệ làng”, với phần cồng chiêng Mường-Tây Nguyên do Minh Chí, Văn Ty, Ngô Hồng Quang đảm nhiệm. Đức Minh chơi khèn tạc tà.

 

Đây là Văn Doanh thổi kèn sô na. Mãnh liệt, hoang dại, nhiều tính anh hùng ca (nhờ những tiếng cồng chiêng đi kèm), và đau thương (do âm sắc của kèn này). Vậy là kết thúc phần đầu của chương trình, là phần các tác phẩm hòa âm phối khí của ban nhạc cùng với nghệ sĩ âm thanh Nhất Lý. Tất cả đều là những tác phẩm đương đại kết hợp sử dụng nhạc cụ dân gian từ nhiều vùng miền khác nhau.

 

Đến giờ giải lao thì khán giả đã đến khá đông. Lúc đầu mọi người còn khá rụt rè trước những âm sắc dân tộc mới mẻ. Nhưng sau khi kết thúc phần 1, nhiều khán giả đã tỏ rõ sự tò mò thích thú khi thấy các nhạc cụ lạ mắt, lạ tai kết hợp với nhau mà cũng rất dễ nghe, dễ vào…

 

Giờ giải lao, nhiều khán giả ra xem và chụp ảnh lại các nhạc cụ dân tộc, sau đó tranh thủ hỏi các nghệ sĩ về tính năng các loại nhạc cụ. Nhiều người ngạc nhiên rằng không ngờ đất nước ta lại có nhiều nhạc cụ dân tộc phong phú và đa dạng đến vậy.

 

Tranh thủ giải lao, anh Minh Chí ra tán dóc cùng đội ngũ làm âm thanh và bảo vệ. Anh Minh Chí rất dễ gần và hài hước.

 

Trời bắt đầu tối dần, phần hai của chương trình bị chậm 10 phút để các anh bảo vệ căng ô lên che cho ban nhạc và khán giả.

 

Đặc biệt ở mùa LUALA lần này, phần hai luôn mang nhiều giá trị thử nghiệm hơn. Và tâm trạng khán giả ở phần hai bao giờ cũng “nhiệt” hơn.

 

Ở phần hai chương trình hôm nay là những lối hát cổ như hát văn (bài “Phú nói xá thượng”), hát then, ca khúc mới (bài “Tiếng Việt”), chầu văn (Bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” – phổ thơ Nguyễn Duy), hát chèo, hát xẩm… kết hợp với âm sắc dân tộc của nhạc Làng Tôi.

 

Nghệ sĩ Nhất Lý chia sẻ, ông đã nghiên cứu và thực hiện dự án này cách đây 15 năm. Trong suốt thời gian đó, ông không ngừng tìm tòi cách kết hợp với các nghệ sĩ âm nhạc dân gian. Đặc biệt ông phải nghiên cứu rất kĩ về các tính năng nhạc cụ dân tộc, vừa để kết hợp, vừa để sáng tác âm nhạc đương đại dựa trên những nguyên lý nhạc cụ đó. Ông muốn thống nhất các nhạc cụ phương Đông lại, tạo ra một dàn nhạc của phương Đông để chơi thứ âm nhạc của người Á Đông. Cũng như người phương Tây đã có nhạc cổ điển và dàn nhạc giao hưởng vậy.

 

Khán giả thật sự thích thú với những làn điệu âm nhạc mới này. Nhiều bé còn đứng lên nhún nhảy cùng giai điệu. Hôm nay mới nhận ra, khán giả hoàn toàn không hề thấy lạ lẫm với hát văn, hát then, xẩm, hay chầu văn… là những loại hình nghệ thuật dân tộc mà người dân thành phố vốn ít khi được tiếp cận hoặc thậm chí coi là xa lạ với đời sống đô thị hiện đại.

 

Lại một sự cố nữa: được nửa đầu phần hai của chương trình thì trời bắt đầu đổ mưa.

 

Khi đang trình diễn, chỗ ngồi của Đức Minh bị dột, thế là một khán giả nữ chạy lại che ô cho anh.

 

Nghệ sĩ Nhất Lý hôm nay có tâm trạng rất vui. Riêng với bài hát “Tiếng Việt”, ông còn cầm mic hát cùng với band nhạc. Khán giả cùng vỗ tay theo nhịp, không khí ở đây thật ấm cúng và cảm động.

 

Chưa bao giờ khán giả có cơ hội ngồi gần với các nghệ sĩ như thế. Lần đầu tiên tôi chứng kiến những thử nghiệm âm nhạc mới mẻ vậy mà được khán giả vỗ tay hò reo to đến vậy. Khán giả và nghệ sĩ hòa với nhau, gần như không còn khoảng cách.

 

Giây phút lãng mạn của vợ chồng Phạm Huy Thông.

 

Trời trong vài phút, trời mưa rất to nhưng sau đó ngớt dần, người xem vẫn không bỏ vị trí. Nghệ sĩ Minh Chí nói đùa:“Chắc biết chúng mình chuẩn bị chơi bài Giông Tố nên trời mưa đây mà”.

 

Thế là tác phẩm “Giông Tố” được bắt đầu. Các nghệ sĩ càng chơi càng say nhạc; biểu diễn rất phiêu, có lẽ cảm động trước tình cảm của khán giả. Âm thanh thật mạnh mẽ, mãnh liệt, giống như bạn uống một thứ rượu cực mạnh, cực ngon, và sức nóng của nó lan tỏa đến từng đầu ngón chân ngón tay vậy. Với tôi, đây có lẽ là buổi diễn tại LUALA concert hay nhất từ trước đến giờ tôi từng xem.

 

Theo dự tính thì tác phẩm “Giông Tố” sẽ kết thúc chương trình, nhưng khán giả vỗ tay không ngớt và yêu cầu các nghệ sĩ chơi tiếp.

 

Vậy là chiều lòng khán giả, “Chênh vênh” là bản nhạc cuối cùng mà Làng Tôi dành tặng cho khán giả. Kết thúc chương trình nhiều khán giả có hỏi: “Vậy muốn xem Làng Tôi thì xem ở đâu nhỉ?”. Sau này nếu có chương trình xiếc Làng Tôi hoặc ban nhạc Làng Tôi biểu diễn, thể nào cũng sẽ có thông tin trên Soi. Các bạn nhớ theo dõi nhé.

 

*

Bài liên quan:

– LUALA Concert Xuân hè 2013: đa dạng, mới mẻ, và thách thức 
– Thứ Bảy, tuần đầu tiên: Phù Sa Band tay chơi tái xuất. Đào Văn Trung nghệ sĩ trổ tài

– Chủ nhật, tuần đầu tiên: Khi đàn đáy của Xuân Hoạch không e dè nhạc điện tử của Trí Minh

– Thứ Bảy, tuần thứ 2: Vượt khỏi những khán phòng, nghe Lê Cát Trọng Lý hân hoan yêu cuộc sống

– Chủ nhật, tuần thứ 2 (phần 1): Ai, nhạc cụ nào có mặt ở Làng Tôi hôm qua?

– Chủ nhật, tuần thứ 2 (phần 2): Trong mưa rào, cả nghệ sĩ lẫn khán giả đều xuất sắc

– Thứ Bảy, tuần thứ 3 (phần 1): Điểm danh khán giả đi xem Phó An My

– Thứ Bảy, tuần thứ 3 (phần 2): Cứ thử đi An My. Quan trọng là dám thử.

– Chủ nhật, tuần cuối cùng: Xuất sắc bản giao hưởng viết bằng dòng máu của cải lương

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tương tác thế nào? Ở xa làm sao nghe art talk?

Phương Vẹt & Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả