Khác

Chuyện kể của những chiếc giày:
Nhất định tôi phải xem lần nữa 26. 07. 10 - 7:46 am

Phan Hải

 

Ảnh của Duc Den Thui

 

Story of the shoes hay Chuyện kể của những chiếc giày là chương trình múa do biên đạo múa Tấn Lộc dàn dựng, Arabesque Dance biểu diễn.

Chương trình diễn tại Opera House Ho Chi Minh (Nhà hát Tp.HCM) lần đầu tiên là đêm 06. 09. 2009, lần thứ hai là hai đêm 13 và 14. 11. 2009, và lần ba là sắp tới đây, một đêm duy nhất 03. 08. 2010.

**
Tôi không xem được lần công diễn đầu tiên, nghe bạn bè kể lại rồi lại nghe thêm là chẳng biết khi nào chương trình mới diễn lại mà ít nhiều cũng thấy tiếc. Vậy nên lúc biết tháng 11. 2009 chương trình diễn lại hai đêm, tôi rất mừng dù mình thật sự chỉ là một kẻ “ngoại đạo”, chẳng biết gì về múa.

Hồi đâu mười năm trước, năm 1999, tôi cũng có lần ghé qua Nhà hát Lớn TP.HCM để xem Đời Cười II do Nhà hát Tuổi Trẻ HN biểu diễn. Hồi í còn trẻ đẹp mà ngây ngô chẳng biết gì, chưa thấy Nhà hát đẹp và ngầu. Giờ quay lại thấy đúng là đẹp và ngầu, dù những người tự nhận mình là dân Sài Gòn như tôi đã từng đi ngang, đi qua, đi xung quanh nhà hát cả tỷ lần.

Bước vào sảnh chính Nhà hát lớn là đã thấy khoái. Ngay lối đi vào nhà hát, có mí anh cao to lực lưỡng mặc vest đen nhìn ngầu như trái bầu, dí mí bạn nữ xinh đẹp thiệt là xinh đẹp đứng đấy mỉm cười tặng cho khách vào xem mỗi người một cuốn brochure của chương trình kèm một cây bút chì màu vàng có gắn logo của chương trình nhìn rất ư là hay ho.

Chương trình diễn ra lúc 20h. Lúc í là 20h05′, tôi được dẫn vào ghế ngồi, ngơ ngác nhìn quanh thấy khán phòng đã đầy ắp người mà sao đèn vẫn còn sáng. Trên sân khấu là quang cảnh bề bộn, đồ đạc để tá lả, và tùm lum người trong trang phục múa mà chẳng đồng đều gì hết đứng ngồi lố nhố, nói cười hỉ hả.

Tôi ngồi một hồi 4 phút 59 giây sau cũng thấy chẳng thay đổi gì, trên sân khấu người ta vẫn cứ tỉnh queo đi qua đi lại, khởi động, uốn dẻo và nói cười vu vơ… Ức quá tôi quay qua hỏi hai cán bộ ngồi bên cạnh, em gì gì ơi, diễn chưa em diễn chưa em. Cán bộ cười cái hẹ nói diễn rồi diễn rồi. Tôi giật mình móc cuốn brochure lật trang đầu ra coi, thấy lớp diễn đầu tiên là “Chuyện sàn tập“. Rồi luôn, cuối cùng cũng hiểu.

Vậy đó, rồi tôi ngồi yên mà xem, suốt hai tiếng liền.

Xem rồi cười cười một mình. Những bài tập, những câu đùa vui, những gương mặt trên sân khấu trên kia không phải là múa mà mường tượng tôi thấy đâu đó là một câu chuyện kể. Đơn giản, nhẹ nhàng mà dễ hiểu.

Đó là câu chuyện hằng ngày trên sàn tập của dân múa, câu chuyện mà hai cán bộ ngồi kế bên tôi thuyết minh là ngày nào tụi em cũng dzậy, cũng dzậy. Ừ thì cũng dzậy. Ở đó có cô giáo toàn thân áo tím vừa chỉnh nhạc vừa hướng dẫn tập, rồi sửa từng động tác cho các em. Có anh chàng đi trễ chạy te te từ dưới sân khấu lên sụyt sụyt đừng mách cô, đồng bọn cười he he nói cô ơi cô ơi nó đi trễ vì đêm qua bận trồng cây trên Facebook đó cô… Có những động tác thực hiện sai, có tiếng cười, có những giọt mồ hôi… Rồi tập xong, cả bọn vừa tháo giày, thu dọn rồi rủ nhau đi ăn ốc, vừa ồn ào náo nhiệt vừa hồn nhiên. Cái khoảng cách giữa sân khấu và khán giả đã bị phá vỡ từ ngay lớp diễn đầu tiên ấy.

Không có sự dừng lại giữa các lớp diễn, mà câu chuyện bắt đầu như cách nó vẫn diễn ra mỗi ngày. “Chuyện đời thường” là sự tiếp nối của “chuyện sàn tập”. Mọi thứ diễn ra tự nhiên, và hết sức tự nhiên mà sự ngạc nhiên chắc chỉ dành cho khán giả là những người ngoại đạo như tôi, hay những khán giả người nước ngoài đang ngồi trong khán phòng. Phía trước mặt tôi là ba nữ chiến sỹ tóc vàng mắt xanh người nước nào hong biết, vừa xem vừa cười vừa bình luận tá lả… Tôi nghe loáng thoáng thôi nhưng đồ rằng ba bạn í chắc ngạc nhiên lắm trước cảnh đời thường đang diễn ra trên sân khấu. Ở đó, các diễn viên vừa tập xong, đang thay đồ tỉnh queo. Và rồi, nhạc hiệu đám cưới trỗi lên, ba đôi nam nữ mà mới rồi còn đang trong những bộ đồ tập giờ đã lịch thiệp trong bộ vest, váy dạ hội đen trắng cùng những cử động uyển chuyển hệt như trong tiệc cưới… Chẳng hiểu ở đâu ngay giữa sân khấu mọc ra một anh MC đẹp giai ngời sáng tương lai giọng vang lên “Xin chúc mừng lễ thành hôn của chú rễ yYy và cô dâu xXx…”, rồi từ dưới khán phòng, một đôi tân lang tân nương xuất hiện, cười tươi rói đi thẳng lên sân khấu. Ten ten ten tèn. Tiếng vỗ tay, rồi tiếng cười tiếng hú yé yé vang lên trong khán phòng làm thấy sao mà quá đã, đã còn hơn đi dự đám cưới thiệt.

Ảnh Duc Den Thui

 

Chắc chẳng ở đâu như ở Việt Nam, hay ở Sài Gòn, diễn viên múa chạy show đám cưới nhiệt tình và đông đảo đến vậy. Mấy cái này ngẫu nhiên mà biết được. Trước giờ thấy cũng bình thường, giờ xem trên sân khấu tự nhiên thấy phì cười. Mà, tự dưng sao cảm động quá. Có những luồng suy nghĩ trái chiều và nhiều câu hỏi tại sao đan xen trong đầu tôi. Có phải người ta sẽ làm tất cả để có thể sống với nghệ thuật, với ước mơ và đam mê của mình hay không?

Tiếng vỗ tay vừa ngớt, ánh sáng thay đổi, nhạc nền cũng đổi… Có anh chàng thay vội bộ áo vest trắng tinh, và màn sân khấu mở toang ra một khung cảnh mới. Khán giả nhìn thấy một phòng dạy khiêu vũ. Và hiểu, anh chàng này lại chạy show tiếp, lần này là hóa thân vào thầy dạy khiêu vũ… Cán bộ ngồi bên cạnh thuyết minh, ảnh tên Phi Điệp, ở ngoài cũng chạy đi chạy lại dạy mấy lớp khiêu vũ vậy đó vậy đó… Tôi à há nói vậy he vậy he. Trên sân khấu, nhạc đang xập xình cùng những chuyển động uyển chuyển trong tiếng cười nói… Màn sân khấu từ từ khép lại, khán giả lại vỗ tay tưng bừng.

Tiếng vỗ tay càng lớn hơn khi trên sân khấu xuất hiện tiếp lớp diễn của các chàng trai trong show diễn minh họa cho ca sỹ Hồ Ngọc Hường (anh đồ rằng Hồ Ngọc Hà chắc cười dữ lắm tại hôm ấy ca sỹ này cũng có mặt, cuối chương trình ra ngoài anh mới thấy bạn í). Ca sỹ Hồ Ngọc Hường do bạn Mén đóng (cái này anh được hai cán bộ ngồi cùng thuyết minh) vũ đạo cực kỳ sexy và điệu nghệ. Động tác thì chắc Hồ Ngọc Hà phải gọi bằng chị, vì đẹp quá.

Hồ Ngọc Hường

Ngừng một lát để nói xíu về vỗ tay và tiếng hò hét từ dưới khán giã. Khán phòng của Nhà hát Lớn thiết kế dạng mái vòm nên âm thanh vọng vang nghe rất ư là đã. Mà khán giả đi xem chương trình đêm qua cũng rất hay ho và đồng lòng, tiếng vỗ tay chỉ nổ ra khi cần thiết, không hề phản cảm. Thật sự tôi rất khoái. Thật sự rất khoái.

Câu chuyện lại tiếp tục với câu chuyện của anh chàng tên Genta trong lớp diễn “Chuyện của Genta“. Anh chàng này là người Nhật. Tôi hỏi chớ bạn Genta biết tiếng Việt không, đồng bọn nói thì ảnh nghe được, hiểu được, nói không được nhưng mà biết chửi thề, ảnh cũng diễn ở nhà hàng Đông Phương đó…

Genta (Ảnh của Duc Den Thui)

Mà cái này là chuyện ngoài lề, nghe chơi cho vui thôi, chứ trên sân khấu người ta chỉ thấy một Genta lụi cụi lau dọn phòng tập, chuẩn bị đồ cho các bé diễn viên nhí xíu xiu… Người ta chỉ thấy một Genta khi đêm về đứng lặng yên trên sân thượng nhìn xuống Sài Gòn dưới ánh đèn đêm… Ánh sáng, âm thanh, những hình ảnh trên màn chiếu trên sân khấu hòa quyện trong những cử động, di chuyển của Genta cho người ta thấy sự khắc khoải, cô đơn lạ thường. Cái thứ cảm giác trống rỗng, chỉ có một mình khi đêm về… Cảm xúc dồn nén trong vũ đạo cho người ta cảm được sự lẻ loi, cô đơn đến là ngột ngạt. Trên sân khấu, chỉ có những cái chuyển mình mạnh mẽ, những bước nhảy nhẹ nhàng, vậy mà dằn vặt, mà day dứt và cả khán phòng như lặng đi.
Cảm xúc chỉ vỡ ra khi những chàng trai khác xuất hiện cùng với Genta trong “Chuyện những chàng trai“. Không lời nói, họ chỉ bước đến cạnh Genta, lặng lẽ đứng bên cạnh rồi cùng nhìn ra xa xa đằng kia. Một cái chạm tay, khoác vai cũng đã là quá đủ. Sự động viên không quá mức nhiệt tình mà hữu hiệu hơn vạn lời nói ấy, chắc chỉ có ở những chàng trai. Chắc cũng chỉ có trai mới hiểu. Và rồi người ta, cả tôi cũng đã vỗ tay hoan hỉ và nhiệt tình hơn là mình tưởng.

Tôi rất thích cảnh các chàng trai đứng khoác vai nhau cùng nhìn xuống Sài Gòn đêm. Có một cái gì đó không diễn tả được. Một thứ cảm xúc rất đàn ông.

Ánh sáng lại mờ dần đi, trên sân khấu hiện lên hình ảnh của anh chàng tên Phong với ba lô và đôi giày múa trên vai. Những con đường mòn nơi quê nhà, nhà ga, khung cảnh trường CĐ Múa Việt Nam, những dòng người qua lại… “Xa quê” đã mở đầu như thế. Rồi Phong xuất hiện. Những bước đi chậm rãi, những động tác vũ đạo mạnh mẽ thể hiện nội tâm giằn xé và một thứ khát vọng được vươn lên, được đến với nghệ thuật, đến với múa.

Chuyện của Mén” lại là một câu chuyện khác. Không ánh sáng, và Mén bước ra sân khấu, uyển chuyển lạ lùng. Những âm thanh hỗn tạp vang lên, tiếng cười, sự giè bĩu trộn lẫn vào nhau. Giữa những âm thanh đầy khó chịu đó, giữa sự miệt thị “Đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà,…” và tiếng cười giễu cợt, Mén vẫn bước đi, vẫn lạnh lùng tạo dáng, vẫn nhẹ nhàng theo những điệu múa. “Cứ cười đi. Cười nữa đi. Tôi sinh ra đã là như vậy. Miễn tôi là chính tôi. Tôi yêu múa.” – Chiếc váy buông xuống, để lại một hình ảnh Mén bé nhỏ giữa sân khấu. Cô đơn hoang hoải lạ lùng…

Năng lượng” làm người ta bừng tỉnh với những vũ đạo nóng bỏng, mạnh mẽ của những cô gái. Rồi “Chuyện những người bạn“, vừa khó hiểu vừa đầy hấp dẫn. Tôi cứ ngồi đó lặng yên, nhìn theo những gì đang diễn ra trên sân khấu… có một thứ cảm xúc rất tốt, rất mạnh như vừa nhen lên trong lòng. Tôi thật sự thích điều này.

Cả khán phòng chợt chìm trong bóng tối, văng vẳng đâu đó vang lên những lời tự sự về múa, về nghề múa, và về người diễn viên múa. Những giọng nói vang lên, nhiệt thành và nhiều cảm xúc. Có quá nhiều nhận định, quá nhiều câu nói, quá nhiều cảm xúc về múa mà tôi không nắm bắt kịp. Nhưng anh nhớ câu nói của Thùy Chi, “Múa là một bài thơ, mà mỗi chuyển động là một từ ngữ”… Có lẽ, đêm qua anh đã được lắng nghe một bài thơ, một bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc.

Mọi thứ lại tiếp diễn với Ngã rẽ, rồi Giày.

Ngã rẽ là sự phân vân lưỡng lư khi phải lựa chọn giữa những con đường phía trước. Giày lại là câu chuyện của những chiếc giày múa trong giờ nghỉ. Ngắn gọn, nhẹ nhàng mà giàu cảm xúc là những gì mà Giày đem lại cho người xem, cho tôi.
Một thứ cảm xúc nhẹ nhàng mà trong trẻo như lan tỏa đều trong khán phòng để chuẩn bị cho tiết mục mà tôi khoái nhất đêm qua. Ước.

Trên sân khấu một vách mặt phẳng nghiêng được dựng lên tự lúc nào. Đó là sàn diễn của Ước. Chín con người, ngồi co ro trên mặt phẳng nghiêng, rồi lần lượt từng ô ánh sáng hiện lên nơi mỗi người, để họ bước ra kể câu chuyện của chính mình. Những câu chuyện rời rạc, rồi đan xen vào nhau, hòa quyện vào nhau. Câu chuyện của mỗi người, và cũng là của chung tất cả những người theo nghiệp múa.

 

Ước

Rồi bỗng dưng trên mặt phẳng nghiêng ấy chỉ còn lại một người. Cô bước đi từng bước trên từng ô sáng, rồi lặng lẽ ngồi xuống ở một góc, nơi ánh sáng chiếu thẳng đứng xuống cô.

Có cảm giác tất cả như dừng ở đấy và đó là kết thúc của câu chuyện. Nhưng rồi phía sau cô hiện lên những gương mặt, những con người.

Họ lại tiếp tục cùng nhau câu chuyện của chính mình. Tất cả mọi thứ đều có thể dừng lại, chỉ có ước mơ và khát vọng là không bao giờ cạn kiệt. Trên mặt phẳng nghiêng đầy ước lệ ấy, mọi người lao lên mạnh mẽ và đầy quyết tâm. Có những người rơi xuống, hoặc trôi tuột vào trong những bộn bề cuộc sống. Và họ lại đứng lên, lại lao lên mạnh mẽ. Ở trên cùng, là đỉnh cao của nghệ thuật, là đích đến cuối cùng của sự thăng hoa cảm xúc và sự nghiệp. Ở nơi đó, những gương mặt ấy sáng bừng lên, rực rỡ.

Cả khán phòng lặng im, những cặp mắt dán vào những ô sáng, những cử động phía trên kia của diễn viên… và khi tiếng nhạc dừng lại, tiếng vỗ tay nổ ra dữ dội. Có một lúc, tôi có cảm giác dường như mắt mình cũng nhòe nhòe đi. Quá ấn tượng cho những gì vừa diễn ra. Thật sự ấn tượng.

Cảm xúc lại trở lại bình thường, câu chuyện vẫn còn tiếp diễn. “Kỷ niệm” và “Chuyện kể tiếp” như một dấu chấm cảm và chấm lửng cho toàn bộ vở diễn… Nếu Kỷ niệm là những miên man suy nghĩ, những ký ức đẹp của cô giáo đằng sau một đêm diễn thành công của học trò thì “Chuyện kể tiếp” là một sự khởi đầu mới với những đôi giày nhỏ của những diễn viên nhỏ trên sàn tập. Mọi thứ như một dòng chảy, hòa quyện vào nhau… Những chiếc giày đã cũ, đã sờn màu sẽ lại đứng cạnh những chiếc giày mới trong vai trò dìu dắt, chia sẻ kinh nghiệm qua những bước nhảy…

Câu chuyện đã kết thúc như vậy. Cách kết thúc không hề day dứt, lại đi vào lòng người ta bằng một thứ xúc cảm dễ chịu. Mọi thứ dường như chỉ mới bắt đầu. Rồi sẽ một ngày, những đôi giày mới kia sẽ lại kể những câu chuyện của riêng mình… Có thể những câu chuyện sẽ khác đi ở nội dung nhưng chắc chắn sự khởi đầu sẽ là như nhau. “Tôi yêu múa. Tôi sẽ làm tất cả để được múa…”


Có thể còn ít nhiều thiếu sót trong đêm diễn hôm ấy, ở cả ánh sáng, âm thanh, và có thể cả ở những động tác phía trên kia của diễn viên… Nhưng với tôi, một thằng chưa bao giờ hiểu múa là gì, chưa bao giờ xem múa, Story of the shoes thật sự đáng khâm phục. Những người dàn dựng, sự nỗ lực của diễn viên trên sàn diễn, những người cố gắng để Múa được biết đến nhiều hơn,… rất đáng khâm phục.

Vở diễn vào đêm 03. 08. 2010 sắp tới chắc chắn tôi cũng sẽ lại đi xem. Không chỉ vì lời hứa với cô bạn “Chừng nào diễn trở lại, anh sẽ lại xem và rủ đồng bọn cùng xem” mà còn vì tôi thật sự muốn đến xem một lần nữa, để làm gì nhiều khi cũng chẳng biết. Chỉ là, muốn xem lại vậy thôi.

Với lại, nghe đâu đêm diễn sắp tới còn có những thứ mới mẻ khác, rất khác.

 

*

 

Phan Hải (http://phanhai.wordpress.com/)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả